Độc - lạ tiểu kết ngữ văn 12 vận dụng lý luận văn học
Tiểu kết là một phần quan trọng khi làm bài thi, vì thế các bạn học sinh đừng bỏ qua nhé!
VỢ CHỒNG A PHỦ
Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình - nó làm cho người gần người hơn (Nam Cao). Với tấm lòng yêu thương, trân trọng vẻ đẹp của con người, nhà văn Tô Hoài đã hướng ngòi bút của mình về những số phận đang chịu cảnh áp bức, tước đoạt quyền sống, quyền tự do nơi Tây Bắc - tác phẩm "Vợ chồng A Phủ". Thông qua những miêu tả chi tiết về thái độ cũng như những chuyển biến tâm lý của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng bên trong Mị hay chính là sức sống của những người nông dân nghèo vùng núi Tây Bắc. Giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở chỗ Tô Hoài không chỉ hướng đến phản ánh cuộc sống khổ đau của người nông dân mà còn hướng đến con đường "sáng" - đi theo cách mạng để giải phóng bản thân, giải phóng quê hương, đất nước.
VỢ NHẶT
"Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra người" (Kim Lân). Truyện ngắn "Vợ nhặt" thực sự đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi việc xây dựng được một tình huống truyện hợp lý, chan chứa tình đời, tình người. Nhắc tới "Vợ nhặt" xin được mạn phép sử dụng những dòng văn của nhà văn Nguyễn Khải để thay lời kết cho bài viết này. Có lẽ, đây cũng chính là những gì màn bản thân Kim Lân thật sự muốn trải lòng: "Trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới đó".
CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức" (Thạch Lam). Là một nhà văn, trước khi cầm bút lên viết, điều đầu tiên phải hướng đến nhân dân và ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của bản thân. Nhận thức rõ được điều đó mà mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao. Với sự cách tân đổi mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã tạo nên tác phẩm xuất sắc. Không lấy những người hùng làm nhân vật trung tâm mà đi sâu vào tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp ở những con người bình thường. Tác phẩm cũng là những đúc kết thấu đáo về nghệ thuật và con người: Về con người, phải nhìn nhận đa chiều, đa diện, không nên đánh giá phiến diện, một chiều; về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải gắn liền với cuộc đời, xuất phát từ cuộc đời và quay trở lại phục vụ cho cuộc đời.
RỪNG XÀ NU
Sử thi là tên gọi của một thể loại văn học dân gian xuất hiện từ rất lâu. Sử thi có dung lượng lớn, quy mô lớn, đề cập đến vấn đề trọng đại của dân tộc. Hơn nữa, sử thi còn là khuynh hướng sáng tác của văn học cách mạng giai đoạn 1945 - 1975. Sở dĩ văn học cách mạng giai đoạn này mang đậm chất sử thi là vì đây là giai đoạn 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sử thi phản ánh một cách chân thực hiện thực đời sống luôn có trong văn học, hay nói cách khác là văn học mang đậm chất sử thi. Là một nhà văn thành công ở thể loại này, Nguyễn Trung Thành đã viết về cuộc khởi nghĩa của dân làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lấy tên là "Rừng xà nu". Hình tượng cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Trung Thành. Với bút pháp tượng trưng, tư tưởng chủ đề của truyện "Rừng xà nu" thêm sâu sắc. Chính nhờ hình tượng cây xà nu mà những nhân vật anh hùng thêm bất tử.
HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
Lưu Quang Vũ được đánh giá là "nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại". Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, thời kỳ Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sống động nhất, giàu sức sống nhật, thu hút đông đảo người xem nhất. Lưu Quang Vũ cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hóa văn nghệ, dùng ngòi bút của mình đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội... Từ sự tích truyện cổ dân gian, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lý sống. Tính đa tầng, đa nghĩa, đa thanh trong vở kịch này là một sáng tạo mới của Lưu Quang Vũ. Chính sự đa hiệu ấy đã làm nên sức hấp dẫn và nguồn sống dạt dào cho vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
TÂY TIẾN
Mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về cái đẹp, nên không có một thước đo chuẩn xác cho cái đẹp, bởi lẽ nó khởi phát tự trong lòng người. Nhưng chức năng của cái đẹp, sự tác động của cái đẹp thì có thể thấy rõ và cảm nhận được. Với bút pháp tài hoa và giàu tình, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh những chiến binh Tây Tiến lấy cảm hứng từ cuộc sống chân thực mà chính bản thân tác giả đã trải qua như những chàng trai, những học sinh, sinh viên thành thị khoác áo lính ấy. Thêm một lần nữa Quang Dũng đã đưa chúng ta về với Tây Tiến qua những ký ức vừa lãng mạn vừa bi tráng. Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng, những hình ảnh về người lính Tây Tiến vừa hồn hậu giản dị lại hết sức khí phách. Qua đây, ta cũng thấy được vẻ đẹp bi tráng của những chiến binh Tây Tiến, cảm nhận được như thể chúng ta càng thêm yêu hơn những con người vì quê hương đất nước.
VIỆT BẮC
Cái đẹp của văn học đến từ cả hai phương diện hình thức và nội dung. Hình thức của văn học chính là thể loại chính là ngôn từ, hình ảnh được tác giả sử dụng. Nếu họa sĩ dùng màu sắc để vẽ tranh, nhà điêu khắc dùng đường nét để khắc họa, nhạc sĩ dùng âm nhạc để nói nên nỗi lòng mình thì nhà văn lại dùng ngòi bút tạo ra đứa con tinh thần của mình. Ngôn từ chính là chìa khóa vạn năng để thi nhân mở cánh cửa của muôn vàn cảm xúc. Bằng chất liệu ngôn ngữ đậm bản sắc dân tộc, giọng điệu tâm tình ngọt ngào, Tố Hữu đã đem đến cho bạn đọc một thiên Việt Bắc tràn đầy sức sống, một người dân Việt Bắc khỏe khoắn, cần cù, yêu lao động. Đoạn thơ đã cho thấy sự hòa điệp nhịp nhàng, giữa con người và thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho thiên nhiên và con người nơi đây.
ĐẤT NƯỚC
Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, do đó, không giản đơn mà cũng không thần bí, thiêng liêng. Tiếp nối dòng mạch thơ ca yêu nước trong lịch sử văn học dân tộc, Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã mang nội dung cảm nhận cùng cách thể hiện độc đáo. Đoạn thơ rất thành công với thể thơ tự do mỗi câu như một cảm xúc dâng lên từ đáy lòng thi sĩ. Nhà thơ đã vận dụng thành công những chất liệu văn hóa - văn học dân gian. Và khi kết thúc những câu thơ ấy, trong lòng người đọc cũng xuất hiện hình ảnh đất nước quen thuộc, vừa mới lạ, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và biết bao mến thương.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện một cách cao đẹp và sáng tỏ phong cách chính luận của Hồ Chí Minh. Bác viết văn làm thơ để phục vụ cách mạng. Trước lúc cầm bút, Người tự hỏi: "Viết nhằm mục đích gì? Viết cho ai? Viết về vấn đề gì? Viết thế nào?". Đối tượng của "Tuyên ngôn Độc lập" không chỉ nói với nhân dân Việt Nam mà còn để nói với thế giới, đặc biệt là để nói với bọn đế quốc, thực dân đang âm mưu tái chiến Việt Nam. Mọi lý lẽ, luận cứ đều tập trung hướng về những đối tượng ấy và khẳng định quyền độc lập, tự do của nhân dân ta.
SÓNG
"Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đòi hỏi người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là có cái gì rất riêng mới lạ trong phong cách của mình". Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã thả hồn vào những vần thơ da diết, những câu thơ thấm đượm tình cảm lứa đôi, thế nhưng thơ Xuân Quỳnh luôn có một vị trí nhất định trong kho tàng thơ tình Việt Nam. Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài thơ "Sóng" đã thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao la cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ.
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
Không có ong mật thì chẳng có mật ong. Và không có hoa thì ong cũng chẳng thể làm ra mật. Không có nhà văn thì không có tác phẩm, tất nhiên cũng không thể có đời sống văn học. "Nhà văn là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng để có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng". Được mệnh danh là người suốt đời đi tìm cái đẹp, "Bậc thầy ngôn ngữ" - Nguyễn Tuân đã xây dựng được phong cách riêng từ những sáng tác nghệ thuật của mình, có lẽ lần đầu tiên con sông Đà của Tổ quốc đã bước vào văn học với vẻ đẹp dữ dội, hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng chứa chan thơ mộng, trữ tình. Thì ra, với tác giả, thiên nhiên cũng chính là một sản phẩm nghệ thuật vô giá, thiên nhiên luôn làm cho con người bị hấp dẫn, mê say.
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG
Bút ký là thể loại văn học đặc trưng có pha trộn giữa tùy bút và ký sự, tùy bút thì thiên về cảm xúc của người biết còn ngược lại ký sự thì hoàn toàn thuần túy kể lại những sự việc mà tác giả nhìn thấy theo trình tự không gian, thời gian nhất định. Là một nhà văn thành công trong thể loại ký, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thổi hồn mình vào dòng sông Hương, dòng sông của xứ Huế một tinh thần mới mẻ. Với bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh một dòng sông Hương với vẻ đẹp thật nữ tính, làm mê đắm không chỉ với người dân xứ Huế mà còn cả những người lữ khách từng đặt chân tới đây. Đọc tác phẩm, người đọc muốn xách ba lô lên và đi ngay, để được thăm thú và ngắm nhìn người con gái tình tứ với quê hương, với xứ sở thân yêu của nó, cũng như lòng chung thủy bền vững của con người trong tình yêu.
Xem thêm: Vợ nhặt - một số điểm lưu ý trong quá trình tiếp cận tác phẩm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận