Danh tướng Lê Ngân gặp họa sát thân vì mê tín dị đoan

Lê Ngân là 1 trong những công thần lập nhiều chiến công khi Lê Lợi khởi nghĩa. Nhưng khi đang ở đỉnh cao quyền lực thì ông phải nhận kết cục cay đắng vì mê tín dị đoan.

Đỗ Thu Nga
09:00 11/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lê Ngân - danh tướng đánh đâu thắng đó

Theo Đại Việt thông sử, Lê Ngân (? - 1437) là khai quốc công thần nhà Lê Sơ. Ông là người xã Đàm Di, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông theo Lê Lợi ngay từ những ngày đầu của khởi nghĩa Lam Sơn. Tên tuổi của ông gắn liền với các chiến thắng: Bồ Đằng, Khả Lưu, Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Việt, Đông Đô... 

Chiến công ở Lạc Thủy

Sử sách chép, vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), Bình Định vương Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Ngân tham gia khởi nghĩa. Đến ngày mùng 9 tháng Giêng năm Mậu Tuất, nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem quân tới uy hiếp nghĩa quân Lam Sơn.

Lúc này, Lê Lợi lui binh về Lạc Thủy, đặt quân mai phục nhà Minh, Đến ngày 13, quân của Mã Kỳ tới, Lê Lợi tung hết quân ra đánh. Lê Ngân cùng với Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Lý làm tướng tiên phong đánh quân Minh, tiêu diệt 3.000 quân địch thu về quân tư, khí giới hàng ngàn. Sau đó Lê Lợi rời quân lên núi Chí Linh (Hải Dương).

danh-tuong-le-ngan-gap-hoa-sat-than-vi-me-tin-di-doan-0
Lê Ngân theo Lê Lợi từ những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều chiến công

Trận Bồ Ải

Tháng 12 năm Giáp Thìn (1424), sau khi Cầm Bành đã đầu hàng, Lê Lợi chuẩn bị tiến quân ra vây thành Nghệ An, thì được tin Vinh Xương bá Trần Trí, nội quan Sơn Thọ đem quân Minh đến. Lê Lợi sai Đinh Liệt đi đường tắt giữ thế tranh tiên, giữ huyện Đỗ Gia, bản thân tự cầm đại quân giữ nơi hiểm yếu.

Khoảng 3, 4 hôm sau, Lê Lợi đánh quân Minh ở cửa Khả Lưu. Quân Minh dựa vào núi, đắp lũy, cố thủ. Lê Lợi tiến hành đốt doanh trại cũ, tiến quân ngược dòng sông, giả trốn, rồi quay lại theo đường tắt, ngầm đợi quân Minh đến. 

Quân Minh không nghi ngờ, đem quân đến đóng ở doanh trại cũ của nghĩa quân. Lê Lợi cho quân tinh nhuệ ra khiêu chiến, quân Minh tức giận đem quân ra đánh. Lúc này, Lê Lợi tung phục binh ra đánh.Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An làm tướng tiên phong, tranh nhau giá trận, quân Minh tan vỡ, Đô đốc Chu Kiệt bị bắt sống, đô ty Hoàng Thành bị chém, bắt sống hàng nghìn người, vật tư, khí giới, thuyền bè không sao kể xiết. Lê Lợi đuổi tới 3 ngày, tận thành Nghệ An thì quân Minh rút vào cố thủ.

Đánh Tân Bình, Thuận Hóa

Vào tháng 7 năm Ất Tỵ (1425), Lê Ngân cùng nhiều tướng lĩnh và Lê Lợi từ ra đánh Tân Bình, Thuận Hóa. Khi đó, Lê Lợi cho rằng từ lâu Tân Bình, Thuận Hóa đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An, Đông Đô liền sai Tư đồ Trần Nguyên Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ báo cho bọn Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và 1 thới voi ra đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ nhân dân.

Cánh quân này đánh bại quân minh ở sông Bố Chính nhưng quân Minh còn đông bèn xin cấp thêm quân. Lê Lợi sai Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền vượt biển đến đó, được tin thắng trận của Nỗ, liền thừa thắng đánh vào các xứ Tân Bình, Thuận Hóa. Quân dân các nơi đều quy thuận, quân Minh lui vào thành cố thủ, Tân Bình, Thuận Hóa đều thuộc về nghĩa quân.

danh-tuong-le-ngan-gap-hoa-sat-than-vi-me-tin-di-doan-7
Trong chiến dịch tấn công thành Nghệ An cuối năm 1426, đầu 1427, Lê Ngân lập công lớn

Vây thành Nghệ An

Vào năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi sai 3 cánh quân tiến ra Bắc, cánh quân do Lý Triện, Đỗ Bí chỉ huy tiến tới sát thành Đông Quan, đánh thắng một trận ở Ninh Kiều. Tướng giữ thành Đông Quan là Trần Trí lo sợ bèn gửi thư cho An Bình bá Lý An, Đô đốc đồng tri Phương Chính đang giữ thành Nghệ An về cứu Đông Quan. Hai tướng này đem quân vượt biển về Đông Quan, Lê Lợi đuổi theo gấp. Sai Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng ở lại đóng dinh vây thành Nghệ An. Tháng Giêng, năm Đinh Mùi (1427), Lê Ngân đánh chiếm thành Nghệ An, bắt viên chỉ huy Thái Phúc, rồi kéo quân ra Đông Quan.

Đến tháng 5 năm thứ 2 Thuận Thiên, 1429, Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Ngân được phong tước Á thượng hầu, tước này chỉ ban cho mỗi Lê Ngân, hàng thứ 2.

Gặp họa sát thân vì mê tín dị đoan

Dưới thời vua Lê Thái Tông, cả 2 khai quốc công thần là Lê Sát và Lê Ngân tuy đều là bố vợ vua nhưng lần lượt có kết cục bi thảm. Trong đó, bản án dành cho Lê Ngân đặc biệt ly kỳ và oan khuất. 

Theo Đại Việt thông sử, sau khi Lê Sát chết, chức tể tướng được trao cho lê Ngân rồi nhập nội Đại đô đốc, Phiêu kỵ thượng tướng quân, Đặc tiến Khai phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng trụ quốc, tước Thượng hầu.. Vua cũng ban cho ông một người vợ lẽ của Lê Sát. 

Cùng với việc thăng chức cho Lê Ngân, con gái ông là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ cũng được vua ban thăng làm Huệ phi. Song chẳng ai ngờ được, việc được vua sủng ái lại chính là 1 bản án tử được chuẩn bị sẵn cho Lê Ngân theo cùng một kịch bản với lê Sát.

Khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực, ông gặp họa sát thân. Cụ thể, tháng 11/1437, ông bị thất sủng và sau đó bị bức tử bởi lời cáo giác của những người trong nhà.

danh-tuong-le-ngan-gap-hoa-sat-than-vi-me-tin-di-doan-8
Lê Ngân gặp họa sát thân vì mê tín dị đoan

Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Mùa đông tháng 12 năm Đinh Tỵ (1437), có người tố giác nhà Lê Ngân thường thờ phật Quan âm cốt để cầu cho con gái được vua yêu hơn. Nhà vua ra cửa Đông kinh thành, sai thái giám Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến nhà Lê Ngân lục soát, bắt được tượng và nhiều thứ vàng bạc, vải lụa. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ để tạ tội".

Cũng theo sách này, vua sai bắt nô tì nhà Lê Ngân về tra hỏi. Ông tâu rằng, thầy bói phán đất làm nhà trước đây có bàn thờ Phật, vì để ổ uế, tại họa khó tránh khỏi. Cũng vì thế mà ông lập bàn thờ để cúng bái chứ không phải dùng tà cầu cho con gái được vua yêu chiều hơn. 

Lê Ngân còn nói thêm, hai vợ lẽ và 1 gia nô cùng nhau thuê dệt, dựng chuyện nhằm báo hại mình. "Xưa, tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn có lòng bao dung, thương mến. Nay, gân sức của thần đã kiệt, xin cho thần được về quê sống nốt chút tuổi tàn còn lại", Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lời tâu của ông.

Lê Ngân ra sức van xin vua, đề nghị điều tra cặn kẽ chuyện này song vua Lê Thái Tông không đổi ý, quyết giao ông cho hình quan xét xử. Cuối cùng, ông bị ép uống thuốc độc tự tử ở nhà vào cuối tháng 12 năm 1437 (có nguồn ghi ông buộc phải thắt cổ tự vẫn). Con gái ông là Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung (thấp nhất trong hàng ngũ vợ vua), tất cả gia sản bị tịch thu.

Và phải đến 16 năm sau, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng. Đến năm 1484, vua Lê Thái Tông truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công. 

Tên của ông được đặt làm tên đường ở thành phố Đà Nẵng và TP HCM. Đó là đường Lê Ngân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng và đường Lê Ngân, quận Tân Bình, TP HCM.

Xem thêm: Giai thoại về vị tướng "lắm tài nhiều tật": Sống phóng túng nhưng làm giàu giỏi bậc nhất Đại Việt

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận