Dàn ý chi tiết so sánh 2 đoạn thơ trong "Đất Nước" và "Sóng"
Trong quá trình "nước rút" này, các bạn 2k5 đừng bỏ qua dạng bài so sánh thơ nhé. Và dưới đây là dàn ý bài so sánh 2 đoạn thơ trong Đất Nước và Sóng.
ĐỀ BÀI:
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những ngày tháng mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…
(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục 2019)
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2019)
Từ đó bàn luận về khát vọng của hai nhân vật trữ tình.
DÀN Ý CHI TIẾT:
A/ Mở bài
– Giới thiệu vấn đề nghị luận
Trong những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã có những xúc cảm, suy tư nồng thắm sâu sắc về Đất Nước về nhân dân trong quá trình dựng nước và giữ nước để thấy được trách nhiệm và mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Nhà thơ Xuân Quỳnh lại dâng hiến những “Bông hoa lạ” vẫn nở dọc chiến hào để bày tỏ khát vọng vĩnh viễn hóa tình yêu trong biển lớn cuộc đời.
– Dẫn ra vấn đề cần nghị luận
Đều là những tâm tình về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước và cuộc đời, mỗi nhà thơ lại có cách cảm nhận riêng. Điều đó thể hiện rõ nét qua hai đoạn thơ trong “Đất Nước” và “Sóng”: [TRÍCH THƠ]
B/ Thân bài
1. Khái quát chung
– Nguyễn Khoa Điềm (1943) thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Đất nước, nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông. “Đất Nước”là một đọan trích thuộc chương V trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên.
– Xuân Quỳnh được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau 1945. Bài thơ được viết những năm 1967, trong khí thế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sóng là lời bộc bạch của tâm hồn người phụ nữ về những cung bậc, sắc màu tâm trạng khi đang yêu: khát khao, trăn trở, lo âu, thủy chung và mong mỏi hoàn thiện mình trong tình yêu.
2. Cảm nhận về đoạn thơ Đất Nước:
– Đất Nước hóa thân và kết tinh trong cuộc sống của mỗi người:
Đất Nước đã hóa thân vào mỗi con người, bởi chúng ta đều là con Rồng, cháu Tiên, đều sinh ra và lớn lên trên Đất Nước này. Mỗi người Việt Nam đều đã và đang thừa hưởng những giá trị vật chất, tinh thần của Đất Nước thành máu thịt, tâm hồn, nếp cảm, nếp nghĩ và cách sống của mình.
– Mối quan hệ gắn bó sâu sắc của mỗi người với Đất Nước: sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu và niềm tin, đồng thời kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi /Khi; Đất Nước /Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: Đất Nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng.
– Niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của Đất Nước : Thế hệ sau “con ta lớn lên sẽ mang Đất Nước đi xa- Đến những tháng ngày mơ mộng”. Đất Nước sẽ đẹp hơn, những tháng ngày mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực ở ngày mai.
– Khi đã hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của đất nước, nhà thơ muốn nhắn gửi với mọi người :
“Em ơi em Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
– Bằng giọng văn trữ tình kết hợp với chính luận; bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ “phải biết – phải biết” nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh “gắn bó, san sẻ, hóa thân” …nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng là nhắn nhủ với mọi người (nhất là thế hệ trẻ) về trách nhiệm thiêng liêng của mình với Đất Nước. Cái hay là lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình – dặn người của nhà thơ.
3. Đoạn thơ Sóng:
– Xuân Quỳnh ý thức sâu sắc về sự ngắn ngủi hữu hạn của đời người giữa tương quan với cái vô hạn mênh mông của vũ trụ, sóng biển. Nhạy cảm với thời gian, ý thức về thời gian gắn với niềm lo âu và khát khao trong hiện tại.
– Nhưng âu lo mà không dẫn đến thất vọng. Trái lại, càng sống hết mình, mãnh liệt hơn. Vượt lên tất cả là sự dâng hiến. Đó là niềm khát khao dâng hiến, đồng thời cũng là ước muốn vĩnh viễn hoá tình yêu của mình để nó sống mãi với thời gian. Đó là ước nguyện chân thành, lớn lao: muốn hoá thân vào sóng, đại dương để được bất tử bởi chỉ thiên nhiên mới vĩnh viễn trường cửu. Nhà thơ muốn vượt qua giới cái hữu hạn của đời người, khát vọng hoá thân vào thiên nhiên để bất tử hoá tình yêu. Khao khát tình yêu của mình hòa trong tình yêu của mọi người. “Tan ra” không phải mất đi mà hoà giữa cái chung và cái riêng.
– Với thể thơ ngũ ngôn nhịp nhàng, Sóng như một khúc vĩ thanh trong trẻo về tình yêu đôi lứa cao đẹp thể hiện khát vọng sống, khát vọng được yêu của tuổi trẻ. Lời thơ tuy giản dị nhưng ý thơ thì đạt đến độ sâu lắng, thầm kín khôn cùng.
4. Nhận xét - So sánh:
– Điểm giống nhau: Cả hai đoạn thơ đều giống nhau ở ước nguyện dâng hiến và khát vọng bất tử. Con người chỉ có thể tồn tại vĩnh viễn nếu biết hóa thân vào cộng đồng rộng lớn. Tình yêu không phải chỉ là của anh và em mà tình yêu phải hòa trong biển lớn nhà thơ gọi là biến lớn tình yêu.
– Điểm khác nhau:
+ Nguyễn Khoa Điềm lại nêu bật tình yêu Đất Nước và khẳng định nghĩa vụ đối với con người đất nước vì thế anh và em ở đây đại diện cho cả một thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Ngọn nguồn của Đất Nước lại là sự khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ với lòng khát khao yêu đời và nỗ lực tận hiến để hết mình cho dáng hình của núi sông
+ Xuân Quỳnh hướng tới khát vọng tình yêu cá nhân. Đó là khát vọng của một người phụ nữ nồng nàn, sôi nổi, say đắm, vừa tha thiết dịu dàng, vừa giàu trực cảm, vừa lắng sâu trải nghiệm suy tư.
C/ Kết bài:
Hai bài thơ nét đẹp của tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi đều hài hòa vào nhau. Đều là những bản tình ca hòa quyện đậm đà tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa. Đặc vào bối cảnh những năm 1945- 1975 trong không khí chiến đấu, con người hòa mình vào công cuộc chung của đất nước, sống và làm việc bằng cả lí trí và con tim thì hai bài thơ này có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước và niềm tự hào được hòa nhập vào tình yêu lớn lao cao cả của cộng đồng.
Xem thêm: Bí quyết "vàng" giúp 2K5 ghi điểm cao môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2023
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận