Cuộc sống hạnh phúc ở bộ tộc 500 năm không sát sinh, hết lòng bảo vệ thiên nhiên
Từ nhỏ, trẻ con trong bộ tộc Bishnoi đã được giáo dục không sát sinh, không làm đau người khác. Họ sống hòa hợp với thiên nhiên và được gọi là những nhà bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của nhân loại.
Ấn Độ được xem là 1 trong những quốc gia còn tồn tại nhiều hủ tục nhất hành tinh. Các hủ tục đã khiến cho người dân Ấn Độ sống cuộc đời khổ cực, tăm tối. Và đặc biệt, phụ nữ ở các vùng quê Ấn Độ không có tiếng nói, chịu sự đàn áp từ cánh đàn ông.
Thế nhưng ít ai biết rằng, ở miền Tây Ấn Độ có một vùng đất hạnh phúc tựa như chốn thần tiên. Đó là nơi sinh sống của bộ tộc Bishnoi.
Với khoảng 300 ngàn người sống chủ yếu ở sa mạc Thar cằn cỗi của bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, người Bishnoi luôn sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ cây cối và động vật. Các gia đình sống trong những túp lều hình tròn, phía trên phủ mái lá, tường được đắp từ bùn đất. Các ngôi nhà thoáng mát để chống lại điều kiện khí hậu sa mạc khắc nghiệt.
Cuộc sống của người dân bộ tộc Bishnoi hết sức giản dị. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ tự dựng một ngôi nhà trên mảnh đất cằn cỗi. Họ đào giếng lấy nước để trồng lương thực. Người vợ quán xuyến việc trong nhà, người chồng chăn nuôi gia súc, đảm bảo cuộc sống của cả gia đình.
Phụ nữ của Bishnoi thích ăn mặc sặc sỡ màu đỏ, xanh, cam... Họ thích đeo khuyên mũi và các loại trang sức khác. Đàn ông mặc quần áo trắng, màu sắc tượng trưng cho sự đơn giản, khiêm tốn, biết chăm lo gia đình.
Người dân bộ tộc này sống dựa vào nông nghiệp và chăn thả gia súc. Họ nuôi bò, dê lấy sữa và trao đổi lấy đồ dùng, vật dụng, lương thực cần thiết. Gia súc trong gia đình được chăn nuôi cho đến khi già đi và chết theo quy luật tự nhiên, không giết hại.
Người Bishnoi cũng có những quy định về các đối xử với cây cối, thực vật. Họ chỉ ăn những thứ do họ trồng được. Họ không bao giờ chặt nhổ cây sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt. Họ chỉ chặt những cây đã chết khô hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc nấu nướng. Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt và tuyệt đối không chặt cây rừng.
Người Bishnoi sống rất sạch sẽ. Dù ở sa mạc khan hiếm nước nhưng họ vẫn tắm gội hàng ngày. Họ dạy cho con cháu cách tiết kiệm nước. Cách sử dụng nước thừa trong sinh hoạt để tưới rau.
Người dân địa phương nói rằng, Bishnoi có nghĩa là 29 (Bish là 20, noi là 9). Con số 29 biểu tượng có 29 giáo lý về lối sống trong giáo luật của những người theo đạo Hindu phải tuân theo. Đạo luật này ra đời từ khoảng 540 năm về trước, do đạo sư Jambheshwar Bhagwan khai phá khi ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba mà giác ngộ thành. Ông chính là người tìm ra nguồn nước giúp người dân trong làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm.
29 giáo lý bao gồm 10 điều nói về vệ sinh cá nhân và duy trì tốt sức khỏe cơ bản. 7 hành vi xã hội lành mạnh. 5 nguyên lý để thờ phượng Chúa. 8 giáo lý đã được quy định bảo vệ thiên nhiên, cấm giết hại động vật và hủy hoại cây xanh.
Trong suốt 500 năm qua, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà trong bộ tộc này đã sống và thậm chí chết vì tinh thần của đạo này. Năm 1847, khi quân đội Hoàng gia đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng. Họ không chống đối bằng bạo lực mà chỉ kêu gọi quân lính hoàng gia hãy dừng việc chặt rừng. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã hi sinh.
Cho đến ngày nay, người trong tộc Bishnoi vẫn kiên quyết giữ vững các đạo lý và nguyên tắc sống của mình. Họ sống trong tình thương với muôn loài, luôn có mối liên hệ khăng khít, tràn đầy lòng trắc ẩn với các động vật và rừng xanh. Từ nhỏ, những đứa trẻ trong tộc đã được dạy không sát sinh, không được làm đau người khác, dù chỉ làm tổn thương họ bằng lời nói.
Một trong những truyền thống của gia đình người Bishnoi là mang thức ăn và nước uống đến cho các loài động vật hoang dã. Đôi lúc các loài động vật hoang dã bị thương đã tìm đến người Bishnoi vì chúng biết rằng, khi vào khu vực của họ, chúng sẽ có thức ăn và nước uống.
Người Bishnoi sẵn sàng chia sẻ nguồn thức ăn ít ỏi của mình cho động vật hoang dã. Những hành động nhỏ như treo nước trên cây cho chim uống, đặt chậu thức ăn ngoài đồng, khắp các con đường làng và ven bìa rừng để những con bị bỏ đói lâu ngày có thể tự do đến ăn.
Phụ nữ trong bộ tộc này còn sẵn sàng cho những con thú non như hươu, nai, dê, cừu... bú sữa của mình. Khi những con thú lớn lên, chúng trở thành người bạn thân thiết của lũ trẻ.
Roshini Bishnoi (21 tuổi) nói rằng: "Tôi đã lớn lên với những chú nai nhỏ như anh em ruột trong gia đình. Bố mẹ tôi chưa bao giờ phân biệt giữa một con nai bé nhỏ và tôi. Chúng tôi là một gia đình và trách nhiệm của chúng tôi là chăm sóc, nuôi dưỡng chúng khỏe mạnh và lớn lên. Chúng tôi chơi đùa và trò chuyện với nhau hằng ngày, chúng hiểu ngôn ngữ của chúng tôi".
Người Bishnoi trở thành những nhà bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của nhân loại. Họ tìm kiếm những loài vật mắc bẫy và chữa trị vết thương cho chúng. Họ sẵn sàng xả thân đối chọi với những kẻ săn bắt động vật hoang dã. Trong hơn 10 năm qua, 14 người Bishnoi thiệt mạng chết vì bảo vệ những con vật này. Đối với họ, giết một con thằn lằn cũng là một tội ác dã man như giết một con hổ. Cuộc sống của mọi loài đều có giá trị như nhau.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận