Cô gái xứ Quảng từ chối công việc ngân hàng về quê cùng cha "hồi sinh" làng lụa Mã Châu

Trần Thị Yến lắc đầu với công việc ngân hàng nhàn nhã để dấn thân vào nghiệp dâu tằm, nghề dệt lụa nhằm vực dậy nghề lụa Mã Châu.

Đỗ Thu Nga
08:59 17/06/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Thị Yến sinh ra và lớn lên tại làng lụa Mã Châu (khối Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ngày xưa, ngôi làng của Yến nổi tiếng với nghề đưa thoi dệt lụa. Tuổi thơ của cô cũng gắn liền với tiếng thoi đưa khung dệt của bà của mẹ. Ai thì Yến không biết chứ với cô, tình yêu dành cho nghề truyền thống này đã ngấm sâu vào trong máu. 

Thế nhưng, trải qua thời gian, tơ tằm Việt Nam trải qua giai đoạn khủng hoảng, người dân làng lụa Mã Châu đứng ngồi không yên. mọi người vò đầu bứt tai để tìm kiếm lối đi mới, tìm giải pháp cho đầu ra của sản phẩm.

Để rồi cuối cùng, ai nấy ngậm ngùi lũ lượt giã từ nghề ươm tơ dệt tằm. Những bộ khung cửi kéo kẹt ngào nào giờ bị màng nhện giăng kín, nằm bất động trong kho. Mọi người tản đi tứ xứ để tìm việc mưu sinh.

Ở làng ấy duy chỉ có cha Yến là ông Trần Hữu Phương (truyền nhân lụa Mã Châu đời thứ 18) quyết bám trụ với nghề truyền thông dù không ít thành viên trong gia đình khuyên bỏ nghề. Thương cha cả đời gắn bó với nghề tơ lụa truyền thống, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Đà Nẵng), Yến nuôi ý định về trợ sức cha trong hành trình vực dậy làng nghề truyền thống, hồi sinh giá trị lụa Mã Châu.

co-gai-xu-quang-hoi-sinh-lua-ma-chau-3
Biết làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, Yến từ chối công việc công sở về quê cùng bố hồi sinh làng lụa

"Ban đầu, có một ngân hàng nhận mình vào làm việc, bản thân cũng đã có kế hoạch rồi. Nhưng chỉ sau một đêm ngồi bên cha, nghe cha kể về lụa của cha ông, mình quyết cùng cha theo đuổi con đường này. Dù vạch xuất phát của hai cha con chỉ ở số 0", Yến tâm sự.

Gác lại ước mơ, lắc đầu với công việc mà bao người mơ ước, Yến thu xếp hành lý rời Đà Nẵng trở về làng. Cô theo chân cha cùng các “tiền bối”  thạo nghề trồng dâu, dệt lụa trong làng để học hỏi. Hàng loạt thắc mắc hình thành trong tâm trí của cô gái trẻ cũng chính là bài học cho chuỗi ngày thức khuya, dậy sớm tập nuôi tằm lấy tơ.

Dù phận con gái chân yếu tay mềm nhưng Yến không ngại ra ruộng dâu cắt cỏ, tỉa lá bởi theo cô: "Muốn tìm hiểu về tấm lụa, trước hết phải học cách làm ra nó từ những điều căn bản đầu tiên". 

Yến bắt đầu hỏi cha về nguyên lý hoạt động của các bộ phận máy móc, cách phân biệt sợi tơ tự nhiên, sợi tơ có thành phần hóa học. Vào giờ nghỉ trưa thì tranh thủ tìm đến chỗ thợ lành nghề để học hỏi kỹ năng luộc kén, ươm tơ...

co-gai-xu-quang-hoi-sinh-lua-ma-chau-7
Mỗi khi nhắc về con gái và làng lụa Mã Châu, ông Phương vô cùng tự hào

Tìm hiểu được cái gì về lụa là Yến lại viết ra, vẽ mô hình kín sổ sách. Đêm về lại thao thức để nghiền ngẫm. Từ đó cô tiến hành so sánh lụa quê hương với lụa Ấn Độ, Trung Quốc... hay lụa của các làng nghề khác.

Sau nửa năm tìm hiểu, nghiên cứu và tập tành làm đúng quy trình sản xuất, Yến như bị "thôi miên" bởi cái hồn của những dải lụa đẹp tự nhiên ấy. Và cô đã tìm ra lý do lụa Mã Châu đang dần bị mai một.

“Trước kia, những người thợ ở đây chỉ dệt hàng thô, sau đó xuất bán đi các nơi. Từ hàng thô của mình, qua các công đoạn hoàn thiện như trụi mềm, nhuộm, in hoa văn…, người ta cho ra một sản phẩm lụa với thương hiệu khác chứ không phải lụa Mã Châu. Hẳn vì thế mà cái tên lụa Mã Châu dần trôi vào quên lãng”.

Năm 2013, Yến về làm việc tại Công ty TNHH lụa Mã Châu và xem đây là "cái nôi" tìm lại dư âm đời sống lụa xưa. Cô gái trẻ thuyết phục cả công ty không xuất bán hàng thô với câu nói khiến ai cũng ngỡ ngàng: "Đừng bán con của mình cho người khác".

Thay vào đó các xưởng dệt cơi nới ra, khâu hoàn thiện sản phẩm, nhuộm và in cũng được xúc tiến. Yến đứng ra làm marketing, định hướng người tiêu dùng nhận ra giá trị của dòng sản phẩm lụa 100% tơ tằm. 

co-gai-xu-quang-hoi-sinh-lua-ma-chau-0

Tiếp đó cô gái trẻ mang lụa của quê hương đi khắp Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn để giới thiệu. Tuy gian nan nhưng không bỏ cuộc. Ròng rã nhiều năm chật vật, cuối cùng Yến cũng tìm ra được tập khách hàng am hiểu và tỏ ý gắn bó với lụa Mã Châu với đơn đặt hàng 3000m/tháng (mỗi mét có giá từ 380.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại). Có đầu ra, tức là Yến đã giải quyết được ổn thỏa nguồn lương cho thợ để họ gắn bó với nghề.

Đến năm 2015, cô gái trẻ khai trương cửa hàng trưng bày lụa Mã Châu tại 135 Nguyễn Thái Học, TP Hội An. Bên cạnh đó, cô mở thêm một cửa hàng bán lẻ tại cơ sở sản xuất, lập trang mạng xã hội để giới thiệu lụa Mã Châu đến khách thập phương.

Gặp bất cứ ai, dù là đối tác hay người đến mua lẻ, Yến cũng bày tỏ lòng hiếu khách. Cô vui về giới thiệu về lụa, đưa mọi người đi tham quan mô hình nuôi tơ, dệt lụa. Và giờ, hễ ai hỏi Yến về mối duyên đến với nghề, cô lại ví mình như “tằm trót vương tơ”.

Mỗi lần nói về con gái, ông Trần Hữu Phương vô cùng tự hào: "Con bé chính là động lực cuối cùng giúp tôi duy trì lụa Mã Châu. Cũng từ niềm hăng say học hỏi của nó, tôi có thêm nhiều bài học cho chính bản thân mình. Từ đó, hai cha con cùng học, cùng tiến bộ”.

Xem thêm: 9x mạnh dạn rời thành phố, về quê khởi nghiệp với nghề làm heo đất vì đam mê tuổi thơ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận