Chuyện về vị quan võ triều Nguyễn tử thủ ở Kỳ đài Huế bảo vệ kinh thành chưa được sử sách nhắc đến

Trong biến cố thất thủ kinh đô (1885), có 1 vụ quan võ triều Nguyễn đã tử thủ ở Kỳ đài Huế bảo vệ kinh thành. Thế nhưng lâu nay tên ông chưa được sử sách nhắc đến. 

Đỗ Thu Nga
10:00 12/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Biến cố thất thủ kinh đô 1885

Người dân Huế xem ngày 23/5/1885 Âm lịch là ngày "âm hồn", ngày Kinh thành Huế thất thủ, hàng nghìn người mất mạng bởi súng đạn quân Pháp.

Sách Đại nam thục lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: Năm 1883, lợi dụng triều đình Nguyễn rối ren khi vua Tự Đức qua đời, Pháp đưa quân đánh vào cửa biển Thuận An, chiếm lấy Trấn Hải Thành. Trước tình thế nguy cấp, triều đình Huế cử Thượng thư Bộ lại Nguyễn Thành Hợp ra Thuận An điều đình với Pháp. Đến ngày 25/8/1883, ngay tại kinh đô Huế, triều đình nhà Nguyễn và Pháp ký hòa ước Quý Mùi hay còn gọi là Harmand.

Hòa ước này có 27 điều khoản với nội dung xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quân Pháp cũng ép triều đình Huế nhường lại quyền kiểm soát Trấn Bình đài, pháo đài thứ 25 nằm trong hệ thống bảo vệ kinh thành Huế. Gần 1 năm sau, ngày 6/6/1884, quân Pháp và triều đình Huế ký thêm hòa ước Paternote với 19 điều khoản. Lấy lý do bảo trợ nước Đại Nam, có trách nhiệm giữ lãnh thổ, Pháp sẽ đóng quân bất cứ nơi nào họ muốn.

Với tinh thần thủ chiến, lợi dụng sơ hở của hòa ước Harmand không có điều khoản nào nói đến vấn đề quân sự của triều đình nhà Nguyễn, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã cho tuyển mộ binh lính, thành lập và củng cố các sơn phòng. Ngay tại kinh đô Huế, Tôn Thất Thuyết đã tổ chức huấn luyện hai đội quân mang tên Phấn Nghĩa và Đoàn Kết do Trần Xuân Soạn chỉ huy.

Sau khi vua Phúc Kiến băng hà, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên kế vị và lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài với Pháp. Bên cạnh việc xây dựng căn cứ quân sự ỏ Tân Sở (Quảng Trị), ông cũng điều binh từ các nơi về kinh thành Huế, chuẩn bị cho cuộc đánh úp quân Pháp.

Triều đình Huế cho đặt nhiều súng thần công ở trên Thượng Thành và ở đài Nam hướng về phía Tòa Khâm sứ Pháp ở bên bờ nam sông Hương và trấn Bình Đài (đồn Mang Cá). Tôn Thất Thuyết đã cho binh lính gấp rút đào hào đắp lũy ngay trong thành Huế, chuyển gấp tài sản của các kho ra Quảng Trị. Kinh thành Huế cũng được bố trí phòng thủ nghiêm ngặt hơn.

Đại Nam thực lục có chép: Sau khi từ chối lời mời của tướng De Courcy sang tòa Khâm sứ hội đàm, khuya 4/7 năm 1885 (đêm 22, rạng 23/5 âm lịch), Tôn Thất Thuyết chia quân làm hai hướng tấn công quân Pháp. Đạp quân thứ nhất do ông trực tiếp tấn công đồn Mang Cá nhỏ, đạo quân thứ hai do Tôn Thất Lệ chỉ huy vượt sông Hương đánh úp tòa Khâm sứ. Vũ khí quân triều đình thô sơ, chủ yếu là gươm đao giáo mác để cận chiến, đạn đại bác chỉ làm cháy vài trại lính quanh Tòa Khâm, còn lại rơi xuống sông Hương.

Sau phút hoảng loạn, quân Pháp chia làm 3 đoàn tấn công Kinh Thành. Từ Tiểu Trấn Bình Đài, thủy quân Pháp đánh thẳng lên khu Tam Tòa, Lục Bộ, tiến vào cửa Hiểm Nhơn, đánh thẳng Đại Nội. Gặp sự kháng cự của triều đình, Pháp quay sang đánh chiếm Kỳ Đài. 

Đạn pháo cuỷa Pháp đánh vào kinh thành khiến nhiều cung điện bị cháy sập. Quân Pháp từ Tòa Khâm cũng vượt sông sang đốt chợ Đông Ba và đi vào cửa Thượng Tứ, nổ súng giết dân lành chạy giặc.

Trước tình thế này, Nguyễn Văn Tường đưa vua Hàm NGhi và Hoàng tộc triều Nguyễn rời kinh thành Huế. Đoàn đi đến Kim Long thì Nguyễn Văn Tường vân chỉ của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ đi tắt vào nhà thờ đạo Kim Long để sau giảng hòa với Pháp.

Tôn Thất Thuyết ra sau gặp vua Hàm Nghi và đưa vua đi đến Trường Thi để ra Quảng Trị. Khi đó, tùy giá chỉ có xe loan và lính biền binh lẻ tẻ chầu chực trên dưới 100 người, còn các dinh vệ, sau khi thua trận đều tìm đường về quê.

Sau khi vua rời khỏi kinh thành Huế, quân Pháp lên kỳ đài treo cờ tam tài, quân đại thần triều Nguyễn và dân trong thành giành nhau tìm cửa chạy ra, giẫm đạp lên nha, chết và thương rất nhiều. Quân Pháp lại đốt bộ Lại, bộ Binh, thuốc đạn khí giới các dinh trại, chia giữ các cửa thành ngoài và sở kho cung điện. Chúng còn sửa đắp các trại lính làm nơi trú đóng, nhặt chôn, hỏa táng xác chết trong trận đánh kinh hoàng này.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết Philippe Devillers đã thuật lại cảnh đau thương của kinh thành Huế năm 1885 trong cuốn Người Pháp và người Annam là bạn hay thù?

Theo đó, vào lúc 11h ngày 5/7/1885, Roussel de Courcy, tướng chỉ huy đội quân viễn chính Pháp tại Việt Nam, điện cho Chính phủ Pháp: "Ngôi thành đã ở trong tay chúng ta cùng với 1.100 khẩu đại bác. Quân đội chúng ta tuyệt vời. Thương vong không đáng kể". Tướng Prudhomme báo cáo: "Xác của 1.500 người Annam cho thấy thiệt hại ít nhất phải gấp đôi, vì theo tập quán họ đã mang đi rất nhiều, và mang tất cả những người bị thương đi, vì sợ chúng ta sẽ đối xử tàn nhẫn...".

Chuyện vị quan tử thủ bảo vệ kinh thành Huế

Lương y Tôn Thất Thống  (chủ nhà thuốc y học cổ truyền tư nhân Tôn Thất Thống, số 572 Lê Duẩn, P.Phú Thuận, TP.Huế), cho biết gia đình ông nhiều đời đều làm quan võ của triều Nguyễn, giữ các chức vụ quan trọng trong cấm vệ binh tại kinh thành Huế.

Hiện gia đình ông vẫn còn lưu giữ hàng chục bản sắc phong, sắc chỉ của triều Nguyễn từ thời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, dành tặng cho những vị quan võ của gia đình đã có công bảo vệ đất nước và triều đình. Đặc biệt, là quan Đô thống Cấm binh Tôn Thất Phê, người đã tử thủ ở Kỳ đài Huế để bảo vệ kinh thành trong biến cố thất thủ kinh đô.

Ông Thống kể, lâu nay vẫn lưu giữ số sắc phong trên nhưng do trình độ chữ Hán có hạn nên chưa có điều kiện đọc và hiểu hết nội dung trong các sắc phong. 

Theo báo Thanh Niên, trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về triều Nguyễn, Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiếp cận và dịch thuật những tài liệu sắc phong và sắc chỉ tại gia đình ông Tôn Thất Thống.

Qua các sắc phong, sắc chỉ được dịch thuật, công trạng của những vị quan võ trong gia đình này mới được hé mở và đặc biệt nhất là công trạng lẫm liệt của vị võ quan được truy phong Đô thống Cấm binh Tôn Thất Phê.

Chuyen-ve-vi-vo-quan-tu-thu-o-Ky-dai-Hue-bao-ve-kinh-do-0
Bản sắc phong ghi ngày 7/7 năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) ca ngợi công lao của ông Tôn Thất Phê

Tài liệu sắc phong và gia phả còn để lại vừa được phiên dịch cho thấy, ông Tôn Thất Phê là con trai của cụ Tôn Thất Quy, đội trưởng đội 9 thuộc Hữu vệ dinh Thần cơ (thời Minh Mạng). đến thời Thiệu Trị, ông Quy được thăng chức Cai đội 7 thuộc Trung cơ ở Bình Định. 

Ông Phê tham gia quân đội nhà Nguyễn dưới thời Thiệu Trị, đến năm Tự Đức thứ 9 (1856) ông được sắc phong chức Hộ vệ trưởng dinh Thần cơ, thuộc ty Hộ vệ của Vệ Loan Giá, tức đội quân chuyên bảo vệ nhà vua; năm Tự Đức thứ 19 (1866) ông được thăng Phó Quản cơ, chức vụ Hiệp quản trung vệ thuộc dinh Thần cơ; đến năm Tự Đức thứ 24 (1871) ông được thăng Phó Vệ úy Vệ Loan Giá; và đến năm Tự Đức 33 (1880) ông được thăng chức Chưởng vệ Loan Giá, quyền nắm giữ ấn triện của dinh Thần cơ.

Đến thời Kiến Phúc (lên ngôi ngày 3/11 năm Quý Mùi (1883) đến 10.6 năm Giáp Thân (1884) thì mất), trong một bản sắc phong hiếm hoi, ông được vị vua trị vì đất nước 8 tháng này sắc phong Nghiêm uy Tướng quân, Thống chế của dinh Thần cơ.

Bản sắc phong ghi ngày 7/7 năm Kiến Phúc Nguyên niên (1883) ghi: "Trẫm nghĩ, nanh vuốt cho vua, mang võ phục vừa nghiêm vừa giúp. Án điền ban thưởng, vua đối với tôi như tay với chân. Hợp ngày tháng rốt, ân chiếu ban ra. Nay ngươi, Tôn Thất Phê, thự Thống chế Chưởng vệ của dinh Thần cơ, sở trường đao kiếm, tài lớn can tương. Ở võ ban nêu danh kiên trì gan dạ. Trong chiến đấu ra tài thao lược điều hành. Ngày đêm cần mẫn, sau trước siêng năng. Nay ta nối nghiệp bình an, nào quên võ bị. Chỉ ngươi việc binh thành thạo nên giao sắp xếp. Nay đặc biệt chuẩn cho ngươi thăng thụ làm Nghiêm uy Tướng quân, Thống chế dinh Thần cơ. Ban cho cáo mệnh, để cho: Nơi hổ trướng sửa trị việc binh thêm phần hăng hái. Chốn vương gia bình thường phòng vệ làm tăng uy dũng. Việc quân thận trọng, để mãi tiếng khen. Kính thay!”.

Gia phả của dòng họ Tôn Thất (hệ 7, phòng 18, chi 2 nhánh 1) cho biết, trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 23/5 năm Ất Dậu (1885), ông Phê chỉ huy Cấm binh của dinh Thần cơ quyết tâm tử thủ ở Kỳ đài Huế, bị trúng đạn và được binh lính dìu về trú ẩn ở tư gia (nay thuộc P.An Hòa, TP.Huế) để dưỡng thương.

Do bị thương quá nặng, đến ngày 29/5 Âm lịch, ông qua đời. Kinh đô thất thủ. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi cùng tam cung lên đường ra Quảng Trị, sau đó lên vùng Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), thảo hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp.

Năm 1889, vua Thành Thái đăng cơ, xét công lao lẫm liệt của ông nên vào ngày 12/6 năm Thành Thái thứ 2 (1890) nhà vua đã sắc phong, truy tặng cho ông chức Tráng vũ Tướng quân Đô thống Cấm binh. Bản sắc phong ghi: “Sắc cho ông Tôn Thất Phê, nguyên ở dinh Thần cơ, lần này vì việc nước mà bỏ mình, tình riêng đáng thương. Nay chuẩn truy tặng làm Tráng vũ Tướng quân Đô thống Cấm binh để an ủi hương hồn”.

Không chỉ sắc phong truy tặng vinh danh công lao của ông, mà 6 năm sau, năm Thành Thái thứ 7 (1896), khi con trai trưởng của ông Phê là Tôn Thất Phô đến tuổi trưởng thành, triều đình nhà Nguyễn cũng ban sắc chỉ thăng chức từ Tòng thất phẩm lên Chánh thất phẩm Đội trưởng đội Cấm binh để khuyến khích.

Từ tư liệu sắc phong, sắc chỉ để lại này không chỉ cho thấy công trạng hiển hách trong hàng ngũ võ quan của dòng họ Tôn Thất thuộc hệ 7, phòng 18, chi 2 nhánh 1, mà còn bổ sung tư liệu lịch sử sinh động về triều Nguyễn, giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Xem thêm: Thời kỳ suy vong của nhà Nguyễn: 50 năm có 400 cuộc khởi nghĩa chống triều đình

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận