Nguyễn Cư Trinh: Công thần mở cõi xứ Tây Nam Bộ, gìn giữ cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn

Nguyễn Cư Trinh là vị công thần gìn giữ cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn và nổi tiếng thương dân. Từ việc doanh điền đến dẹp loạn biên cương, ông đều lấy việc thu phục nhân tâm làm đầu. 

Đỗ Thu Nga
09:00 25/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dám xin Chúa bãi bỏ chính sách bất công cho dân

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, hiệu là Đạm Am, Đường Qua và Hạo Nhiên. Ông là danh tướng, danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần

Ông là vị tướng trấn giữ biên cương miền Nam và góp phần to lớn trong công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, ông nổi tiếng là người liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao và có phong độ của một trạnh thần (bầy tôi dám can ngăn).

Về thân thế của ông, theo báo Pháp luật Việt Nam: Nguyễn Cư Trinh là người xã An Hòa, huyện Hương Trà, nay là phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ tiên ông vốn gốc Thanh Hóa (có tài liệu cho là Hà Tĩnh), cụ tổ xưa kia là Trịnh Cam, làm quan thời nhà Lê đến Binh bộ Thượng thư.

Khi mới 11 tuổi, ông đã có tài nghiên bút, hay văn, giỏi thơ phú. Năm 18 tuổi, ông được sung làm Huấn đạo. Đến năm 24 tuổi, ông thi đỗ Hương cống, được cử làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Khoảng 1 năm sau, ông được thăng văn chức (chức đại thần bên văn). Năm 1750, ông được phong làm Tuần phủ Quảng Ngãi tước Nghi Biểu hầu.

Chuyen-ve-cong-than-giup-chua-Nguyen-mo-coi-khong-so-quyen-than-8
Miếu Công Thần thờ Nguyễn Cư Trinh ở tỉnh Vĩnh Long

Tài văn thơ của ông được nhiều sử gia đương thời ca ngợi. Trong đó, Lê Quý Đôn nhận xét rằng, sự nghiệp văn học của Nguyễn Cư Trinh gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tái, vừa phấn phát sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng động, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác thì lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái,… thấu hiểu nỗi cơ cực, đau khổ của dân, muốn “bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được theo”.

Nguyễn Cư Trinh còn nổi tiếng là vị tướng tài, một nhà chính trị khôn khéo và rất yêu thương dân chúng. Sử chép, ông làm quan lấy nhân nghĩa để thu phục lòng dân.

Như ở Quảng Ngãi có đám phản loạn, quan quân dẹp mãi không được nhưng Nguyễn Cư Trinh lại có thể khiến họ chịu theo về. Sự việc này được ghi chép trong Đại Nam liệt truyện như sau: 

“Năm Canh Ngọ (1750), mùa xuân, được thăng Tuần phủ Quảng Ngãi. Bấy giờ Quảng Ngãi có Man Thạch Bích thường quấy ngoài biên, quan quân đánh mãi không xong. Trinh đến, viết thư phủ dụ, chúng cũng không ra. Ông bàn tiến đánh, nhiều người cho rằng hiểm trở xa xôi và lam sơn chướng khí ngăn trở. Trinh bèn viết truyện Sãi vãi bằng quốc âm đặt làm lời vấn đáp để khuyên bảo. Rồi tiến quân, giặc Man lẩn trốn, tan tác. Trinh sợ ta đem quân về, chúng lại tụ họp, bèn chiếm đóng chỗ sào huyệt địch lập trại lũy, lập đồn điền, đặt điếm canh, giả vờ làm kế ở lâu. Giặc Man sợ, đến cửa quan xin hàng. Trinh vỗ về, yên ủi, cho chúng về, rồi kéo quân rút lui. Tin thắng trận đến tai Chúa, Chúa ban khen".

Trong quá trình mở cõi phương Nam, nhiều dân chúng đến khai phá, cuộc sống ban đầu quả thực rất khó khăn. Nguyễn Cư Trinh luôn theo sát, động viên nhân dân.

Có lần ông đã dâng biểu xin chúa bãi bỏ một số chính sách bất công làm hao tổn sức dân. Chúa nhận tấu nhưng không ưng chuẩn. Nguyễn Cư Trịnh biết thế liền xin cáo quan về quê. Nhưng biết Trinh là quan tài nên Chúa nhượng bộ đồng ý rồi chuyển ông đến làm quan nơi khác. 

Công thần mở cõi 

Thời điểm đó, vùng đất Chiêm Thành ở Bình Thuận và Ninh Thuận đã được sáp nhập với lãnh thổ Đàng Trong, một số người Chăm đã sang Cao Miên để định cư sinh sống. Nhưng sau đó triều đình Cao Miên liên tục ức hiếp khiến họ không thể yên ổn sinh sống.

Biết việc này, Chúa Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh xuất binh sang Cao Miên. Vào mùa hạ năm 1754, quân Việt từ Gia Định theo 2 hướng tiến đánh Cao Miên. 

Nguyễn Cư Trinh lập công lớn, tiến đến đâu quân Cao Miên quy phục đến đó. 4 phủ là Lôi Lạt (nay là Gò Công), Tầm Bôn (nay là Tân An), Cầu Nam, Nam Vam (nay là thủ đô Phnôm Pênh) đều lần lượt đầu hàng, Quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên phải bỏ trốn.

Nguyễn Cư Trinh đưa 5.000 người Chăm về núi Bà Đen (thuộc Tây Ninh ngày nay), giúp người Chăm ổn định cuộc sống.

Quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên thua trận chạy sang Hà Tiên cạy nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian xin hòa giải với Chúa Nguyễn, đổ lỗi việc sát hại người CHăm là do tướng Chiêu Chùy Ếch làm. Đồng thời xin dâng hai phủ là Tầm Bồn (tức Tân An, Long An ngày nay), Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay), đồng thời xin cống nộp lễ vật còn thiếu 3 năm trước đó.

Chúa Võ khi ấy không đồng ý mà yêu cầu Cao Miên phải giao kẻ sát hại người Chăm là tướng Chiêu Chùy Ếch ra. Quốc vương Nặc Nguyên báo rằng đã xử tử tướng này rồi. Chúa Nguyễn không tin, yêu cầu giao gia đình tướng này ra thì Nặc Nguyễn xin Chúa tha tội cho họ. Chúa Võ khi ấy cho rằng Nặc Nguyên lừa đối mình. 

Chuyen-ve-cong-than-giup-chua-Nguyen-mo-coi-khong-so-quyen-than-0
Một cảnh điển hình của tỉnh Gia Định xưa

Đúng lúc này, Nguyễn Cư Trinh đã hiến kế "tằm ăn dâu" và khuyên Chúa nên nhận 2 phủ này, lời sớ tấu có đoạn: "Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phước (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế ‘tằm ăn dâu’ đó".

Chúa Võ thuận theo lời tấu, đồng ý nhận 2 phủ. Chúa Nguyễn cũng chấp thuận cho sáp nhập vào châu Định Viễn. Nguyễn Cư Trinh khí đó xin cho dân Côn Man định cư ở hai phủ này, cùng các cộng đồng người khác, để khai thác và bảo vệ vùng đất mới này.

Đến năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Thuận xin hiến đất Ba Thắc (gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (gồm Trà Vinh, Bến Tre) để xin chúa Nguyễn phong làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn chấp thuận, nhưng sau đó Nặc Thuận bị con rể là Nặc Hinh cướp ngôi. Cháu Nặc Thuận là Nặc Tôn chạy ra Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu với chúa Nguyễn xin phong làm vua Chân Lạp.

Chúa thuận tình và sai Trương Phước Du cùng Mạc Thiên Tứ đánh dẹp Nặc Hinh đưa Nặc Tôn về nước làm vua. Để tạ ơn, Nặc Tôn lại cắt đất Tầm Phong Long (tức vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu về phía Bắc) dâng chúa Nguyễn. Đây là vùng đất cuối cùng được nhập vào lãnh thổ nước ta, nối liền Gia Định và Hà Tiên.

Nguyễn Cư Trinh cho đặt nền hành chính cai quản vùng đất rộng lớn này. Đồng thời rời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào. Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang. Dùng người Côn Man thủ đất Tây Ninh và Hồng Ngự. Để tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến sinh sống, khai hoang, ông đã thực hiện việc tổ chức an sinh vùng đất mới này.

Trong 11 năm trông giữ vùng biên cương phái Nam, ngoài công mở cõi lấy đất cho dân, Nguyễn Cư Trinh còn có nhiều sáng kiến nhằm phát triển Nam Bộ về mọi mặt.

Khi ấy, Nam Bộ có nhiều sông chằng chịt, thuyền nghe như mắc cửi hay hay quẹt húc nhau. Để khắc phục tình trạng này ông nghĩ ra quy tắc đi lại cho ghe thuyền cũng như căn cứ xác định đúng sai khi có va quẹt. Sáng kiến của ông giảm thiểu được tai nạn sông nước, giao thông thủy dần vào nền nếp.

Một vấn đề khác, cướp sông hoành hành, chúng cải trang, dùng thuyền trà trộn, cướp bóc. Để giúp dân thuyền buôn, ông lệnh cho các hạt, phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền lên đầu. do quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Bọn trộm cắp từ đó không còn trà trộn cướp phá được nữa.

Vị quan ngay thẳng ngang tàng, dám đối trọng với quyền thần

Sau khi hoàn tất công cuộc nam tiến, Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan lôi kéo vào con đường tận hưởng cuộc sống, rời xa chính sự. Từ một minh quân, Chúa không còn màng việc nước, chỉ đam mê tửu sắc. 

Trương Phú Loan tranh thủ cơ hội này mà vơ vét quốc khố, đánh tô thuế nặng khiến dân chúng lầm than, oán thán. 

Năm 1765, Chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, viết di chiếu nhường ngôi cho con là Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này).

Biết vị chúa mới là người thông minh, khó lòng thao túng, Trương Phúc Loan đã bố trí người giết chết cận vệ rồi bắt giam Nguyễn Phúc Luân. Đồng thời phong Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên ngôi để dễ bề điều hành quyền lực.

Chuyen-ve-cong-than-giup-chua-Nguyen-mo-coi-khong-so-quyen-than
Danh tướng Nguyễn Cư Trinh được đặt tên đường ở nhiều nơi, trong đó có ở Q.1, TP.HCM

Chúa Nguyễn Phúc Thuần cho triệu Nguyễn Cư Trinh về kinh thành giữ chức Lại Bộ Thượng Thư, ông trở thành đối trọng của Trương Phúc Loan. Nguyễn Cư Trinh khiến quyền thần Trương Phúc Loan không dám ngang tàng tùy ý muốn gì làm nấy như xưa.

Trước mặt bá quan văn võ, Nguyễn Cư Trinh nói rằng: "Chốn triều đình bàn việc đã có định chế, Phúc Loan sao dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? Trong nước sinh loạn tất là người ấy”. Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ, không dám làm gì. (Theo “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên”).

Năm 1767, ông bị bệnh và mất, được truy tặng Tá lý Công thần, Vinh lộc Đại phu, thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng, ông được truy tặng là Khai quốc Công thần, Hiệp biên Đại học sĩ, đổi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh hầu, cho tòng tự ở Thái miếu (Huế). Khu mộ Nguyễn Cư Trinh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1998.

Đánh giá về ông, sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam có đoạn: "Nguyễn Cư Trinh có công trong việc ổn định bờ cõi nước nhà...Ông dùng binh cương quyết, nhưng khi đạt được mục đích quân sự thì dùng chính sách khoan hồng nhân đạo, đồng thời chăm lo mở mang sinh kế cho nhân dân, nên đạt kết quả chắc chắn và lâu dài. Ông bênh vực kỷ cương Nho giáo chống lại các thứ mê tín thịnh hành lúc bấy giờ. Vào cuối đời, ông dâng sớ tố cáo tệ quan trường nhũng nhiễu do sự chấp chính của quyền thần Trương Phúc Loan...".

Còn Đại Nam liệt truyện thì ghi chép: "“Cư Trinh là người có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi Nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, huân nghiệp hơn người. Ông lại giỏi văn, trội thơ, có tập ‘Đạm am’ lưu hành ở đời".

Xem thêm: Đinh Liệt - danh tướng khai quốc duy nhất được vua Lê tặng 8 chữ vàng “tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận