Chuyện khoa cử thời xưa: Ông trạng đỗ đạt nhờ em gái trao "tấm thân trong" cho kẻ điên
Câu chuyện của ông trạng Nguyễn Đức Lượng quả là "có một không hai". Ngoài sức học, ông trạng này còn phải nhờ cậy đến cô em gái "trao cái ngàn vàng" cho kẻ bị hủi mới nên nghiệp khoa bảng.
Ba đời khoa bảng
Sử chép, Nguyễn Đức Lượng quê ở làng Canh Hoạch (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội). Tại ngôi làng này vẫn còn lưu lại câu đối nổi tiếng: "Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách. Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc đầy nhà". Hai trạng nguyên ấy, một là trạng Lượng, hai là Nguyễn Thiến.
Theo Đại Việt đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục, nhà Nguyễn Đức Lượng có tới "ba đời đăng khoa", điều ấy đáng để đời sau ngưỡng mộ. Ba đời đăng khoa ấy, khởi phát từ cha Nguyễn Đức Lượng, nối tiếp thành dòng.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép, bảng vàng ghi tên trạng nguyên họ Nguyễn là vào đời vua Lê Tương Dực, nhằm năm Giáp Tuất (1514): "Tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ, người dự thi là 5.700 người. Lấy đỗ bọn Nguyễn Bỉnh Đức (Bỉnh Đức trước tên là Giới, sau đổi thành Ninh Chỉ, sau lại đổi thành Ning Bang, người phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, thi Đình đỗ dòng tiến sĩ xuất thân, triều Mạc làm quan đến thượng thư thiếu sư Liêm quận công, gồm 43 người.
Vào mùa hạ, tháng 4, nhằm ngày 27, vua thân hành ngự điện ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài. Sai Tả bình chương quân quốc trọng sự nhập nội kiểm hiệu thượng tướng thái úy Lương quốc công Lê Phụ, Lại bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Đàm Thận Huy, Công bộ hữu thị lang Lê Tán Tương, Thiếu bảo Lại bộ thượng thư Do Lễ bá Nguyễn Bá Thuyên, Hộ bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Đoàn Mậu, Thiếu báo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung, Hình bộ thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Đỗ Nhạc chia nhau trông coi việc thi.
Cho bọn Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Chiêu Huấn, Hoàng Minh Tá 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Vu 20 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Bỉnh Di 20 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5, có chiếu cho các tiến sĩ mới là bọn Nguyễn Đức Lượng vào điện Thiên Quang làm bài ứng chế, vua sai làm bài Thiên Quang điện ký”.
Nguyễn Đức Lượng khi thi Hội đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, tương đương Trạng nguyên. Lúc ấy, ông đã 50 tuổi, được vua Lê Tương Dực đổi tên, trước là Hề, ngự bút cải là Đức Lượng (Theo Đại Việt đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục).
Lại nói về dòng dõi 3 đời khoa bảng nhà Nguyễn Đức Lượng, trong Tam khôi bi lục của Hồ Ngu Thụy cho hay: "Cha là Bá Ký, con là Khuông Lễ, em họ là Nguyễn Thuật, ba đời liên tiếp đỗ cao. Bá Ký đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận, làm đến Lại bộ Thượng thư. Khuông Lễ đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, làm đến chức Tự Khanh, chết dọc đường trong lúc đi sứ Tàu, tặng Hữu Thị Lang. Nguyễn Thuật đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Đoan Khánh, làm đến Ngự sử”. Vậy là cha, em, con của Đức Lượng đều nhằm năm Mùi mà đỗ cả.
Bên cạnh đó, Nguyễn Đức Lương còn có người cháu là con của em gái cũng đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cận đệ đệ nhất danh như mình, đó là Nguyễn Thiến. Ông Thiến đỗ năm Nhâm Thìn (1531), niên hiệu Đại Chính năm thứ 3 triều vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) khi 38 tuổi.
Ban đầu, Nguyễn Thiến làm quan cho nhà Mạc, kinh qua nhiều chức vụ. Sau thấy Mạc Phúc Nguyên u mê, ông bèn cùng Phụng Quốc công Lê Bá Ly xin quy thuận nhà Lê trung hưng, được giữ nguyên chức tước, đảm nhậm tuyển bổ quan lại cho nhà Lê trung hưng trong 8 năm.
Ở đây, có điều đáng chú ý về người mẹ của Nguyễn Thiến, cũng là em gái của trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng.
Chuyện "đổi tấm thân trong lấy bảng vàng"
Theo tờ Kiến thức, chính nhờ sự hi sinh của người em gái Nguyễn Đức Lượng, tức mẹ của Nguyễn Thiến, hoặc chăng vì nhà ông có phúc, mà đời truyền nhờ thế Đức Lượng mới thi đỗ trạng nguyên. Điều này, trong Đăng khoa lục sưu giảng có ghi rất rõ.
Buổi ấy, Nguyễn Đức Lượng tuổi cao, sắp ngũ tuần mà chưa đỗ đạt gì, đường khoa hoạn không hanh thông. Ông bèn mời thầy địa lý phương Bắc về nuôi tìm giúp ngôi đất phát khoa cử.
Thầy địa lý tốn tròn 1 năm trời đi khắp nơi trong vùng mới tìm thấy ngôi đất ưng ý/ Nhưng lại chưa tìm được ngày táng nên phải đợi thời gian thích hợp. Gần ngôi đất ấy có chợ lớn, có người đàn ông bị điên, lại mắc bệnh phong, hay lân la quanh chợ xin ăn. Việc từ đây mà mới năm bảy đường oái oăm.
Trước ngày định táng mộ khoảng nửa tháng của nhà Nguyễn Đức Lượng vào ngôi đất đã định thì người ăn xin điên ấy lại dựng lều ngay đúng chỗ ngôi đất, đuổi thế nào cũng không đi. Người nhà của Lương cho tiền gạo, dỗ dành, quát nạt, mắng mỏ nặng nhẹ cũng không được.
Lúc này, Nguyễn Đức Lượng bèn nói: "Tôi sẽ cho anh ruộng đất, nhà cửa, để anh đi chỗ khác, chả hơn lại ở chỗ này mà suốt đời ăn xin. Vả lại, tôi nuôi thầy tìm đất đã hơn một năm, nay sắp đem hài cốt tổ tiên táng đúng chỗ này, mà anh làm như vậy hóa ra chẳng thiệt thòi cho tôi lắm sao?".
Khổ nỗi, người điên này lại có cái tính cố chấp, khăng khăng không chịu nghe lời ngon ngọt của Lương. Bấy giờ, ông có người em gái tuổi cập kê, nhan sắc đáng để bọn nam nhi ao ước, nổi tiếng khắc vùng bởi hương sắc mà chưa chồng, đang đợi người xứng đôi vừa lứa.
Người điên ăn xin ấy cũng biết tới tiếng tăm của cô. Dù là kẻ phong hủi nhưng vẫn là đàn ông, vẫn si mê hương sắc của em gái Lượng. Hắn bèn nói: "Ông có cô em gái xinh đẹp, nếu cho tôi được giao hoan một lần, thì chẳng cần tiền bạc, nhà cửa hay ruộng vườn gì, tôi sẽ rút lều đi ngay".
Nghe kẻ này nói vậy, Nguyễn Đức Lượng bất ngờ lắm, không ngờ kẻ điên, lại rơ ráy ngần ấy như hắn mà dám ước ao không tưởng. Nhưng lại nghĩ đất tốt sắp đến ngày táng, mà việc cứ đình lại mãi thì phải làm sao. Ông bèn khất với người ăn xin về hỏi ý kiến em gái.
Về nhà, ông suy nghĩ nhiều, không đành nói với em gái. Nhưng ngày hợp táng đã cận kề, mà kẻ điên vẫn cắm lều ở ngôi đất ấy không chịu rời đi. Chẳng còn cách nào, ông bèn gọi em gái lại nói: "Nay anh sắp làm ngôi đất mà thằng cùi đó lại cố chấp một mực không nghe, cho của nả gì hắn cũng không nhận mà chuyển đi. Lại muốn chuyện ấy, ý em thế nào nói cho anh biết?".
Người em nghe anh tâm sự, lấy làm thông cảm lắm, sau một lúc lâu tư lự, mới nói: "Nếu vì việc ấy mà được hồn phách của cha được yên, danh tiếng, khoa hoạn của anh được thành, thì anh bảo sao, em xin nghe làm vậy. Tấm thân giữ vàng, giữ ngọc này em cần gì phải tiếc nữa".
Hôm sau, cô em gái tắm rửa sạch sẽ, chờ đêm khuya liền một thân một mình đến cái lều của kẻ lang thang rồi nằm chung với hắn, tỏ bày sự thể. Hai người có quan hệ một lát, người điên liền bị thượng mã phong, chết ngay trên bụng cô gái. Người em gái sợ quá, liền đẩy luôn người điên xuống đất, hớt hải chạy về báo cho Lương để ngày mai đến khiêng đi chôn chỗ khác. Nhưng nào giờ, chỉ một đêm, xác người này đã được mối đùn lên lấp kín mộ đúng ngay ngôi đất đã chọn của nhà họ Nguyễn.
Nói về ngôi đất mà thầy địa lý đã chọn cho Lượng , Đăng khoa lục sưu giảng chép: Ngôi đất có hình hỏa tinh lớn nở miệng, trước mặt có con sông chảy làm ba nhánh. Bên kia bờ sông chỗ hỏa tinh mở miệng, thì mộ của người điên chết nằm ở ngay trên. Lượng thấy mối đùn thành mộ, nghĩ đó là mệnh trời. Nếu đào mộ lên táng chỗ khác là trái lệnh trời. Thầy địa lý phương Bắc sau khi quan sát kỹ thế đất mới phán rằng: Ở phía bên mộ phần mối đùn ấy, còn có huyệt thừa khí, tôi sẽ táng cho ông.
Kể từ khi táng hài cốt cha vào bên cạnh mộ người điên chết, sức học của Lương ngày một tấn tới. Đến khoa thi năm Giáp Tuất (1515), ông ghi danh đại khoa, đứng đầu bảng vàng. Em gái ông thì mang thai sau đêm hoa nguyệt với người điên, đẻ ra con trai, đặt tên là Nguyễn Thiến.
Thiến tư chất thông minh, được Lượng chăm sóc, dạy dỗ như con đẻ. Sau thời mạc, Thiến cũng đỗ đại khoa. Người đời cho rằng, chính là phát từ ngôi mộ người cha điên chưa kịp nhìn mặt của Thiến.
Xem thêm: Trần Ích Phát - thầy giáo duy nhất trong lịch sử Việt Nam có 74 học trò đỗ trạng nguyên, tiến sĩ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận