9X từ chối công việc ổn định ở thành phố về huyện đảo khởi nghiệp và câu chuyện tự "trả phí" cho thiên nhiên
Khi vừa chân ướt chân ráo du học trở về, chị Lê Thu Thảo không chỉ từ chối công việc ổn định mà còn táo bạo dấn thân vào con đường kinh doanh cùng quyết tâm "nói không" với rác thải nhựa.
Chị Lê Thu Thảo (29 tuổi) từng sang Australia du học với chuyên ngành tài chính kế toán tại Đại học Western Sydney. Đây là bước đệm tốt để khi trở về nước chị tìm được một công việc ổn định với mức thu nhập hấp dẫn.
Gia đình cũng có định hướng muốn con chọn công việc ổn định vì cha mẹ đều là công chức nhà nước. Tuy nhiên, chị Lê Thu Thảo đã quyết định từ chối công việc ổn định để dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh.
Khi thấy con có quyết tâm quá lớn, bố mẹ chị Thảo cũng đành phải chịu. Năm 2016, chị Lê Thu Thảo mở nhà hàng mang tên "Người Sài Gòn". Nữ doanh nhân 9x cũng đưa ra quyết định đi ngược lại hoàn toàn với xu hướng thị trường "tiện dụng" đó là nói không với những sản phẩm có thể sinh ra rác thải nhựa.
Chị Thảo cùng với một nhóm bạn gom tiền, chọn địa điểm, lên kế hoạch kinh doanh cũng như ngành hàng. Ở "Người Sài Gòn" ngoài những món ăn đặc sản Âu - Á, cafe... thì còn nổi tiếng với những món bánh ngọt do chính tay cô chủ làm.
Nữ doanh nhân trẻ kể rằng, khi còn đi du học, ngoài thời gian lên lớp thì thường nhận việc làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn. Trong thời gian làm thêm này, Thảo đã học được cách làm món ăn, bánh ngọt của người Tây và cả cách họ nâng niu môi trường.
Vậy nên ở nhà hàng của Thảo, không có nước đóng chai vỏ nhựa, cốc cafe mang về cho khách cũng là cốc giấy, quai xác được làm bằng cói. Túi đựng bánh mì, bánh ngọt mang về cũng là túi giấy.
"Năm 2019, em quyết định không kinh doanh nước đóng chai có vỏ nhựa - mặt hàng siêu lợi nhuận ở đảo du lịch khiến các thành viên trong nhóm phản đối rất ghê", Thảo chia sẻ.
Mọi người phản đối cũng dễ hiểu vì không chỉ thiệt phần lợi nhuận, khi bỏ hẳn mặt hàng nước đóng chai nhựa, nhà hàng phải đầu tư thêm hệ thống lọc hiện đại để cung cấp nước lọc miễn phí cho khách hàng.
Thảo cũng dành nhiều thời gian để thuyết phục các thành viên rằng, mỗi người đang nhận được ân huệ từ thiên nhiên, tại sao không tự đặt ra cái phí xem như trả cho thiên nhiên? Vì vậy, phần lỗ này nên xem là phí môi trường,
Theo Thảo: "Chỉ cần mỗi doanh nghiệp giảm khoảng 500.000 đồng mỗi tháng, cộng dồn nhiều doanh nghiệp theo thời gian con số sẽ rất nhiều. Sự tích lũy này sẽ ngày càng lớn mà có thể không dễ nhận ra".
Còn nhớ, vào năm 2017, phong trào làm ống hút từ tre, bột gạo vẫn còn ít. Khi ấy, Thảo tự mày mò để làm nhằm thay thế ống hút nhựa. Khi có nhiều đơn vị tại Việt Nam sản xuất, Thảo chuyển sang mua sẵn.
Thảo cũng cố gắng dành thời gian để đi công tác nước ngoài, tìm hiểu thêm về lĩnh vực kinh doanh của mình cũng như cách người nước ngoài kinh doanh thân thiện với môi trường. Rồi những chuyến công tác sang Thái Lan đã giúp Thảo tìm kiếm và phát hiện có những hộp đựng đồ làm từ bã mía nên đã nhập về. Dù giá thành cao hơn hộp xốp thông thường rất nhiều (mỗi hộp làm từ bã mía có giá 2.000-3.000 đồng trong khi hộp xốp chỉ mấy chục đồng).
Cách làm của Thảo rất được khách hàng ủng hộ. Trong đó có đến 50% là khách nước ngoài. Thảo kể rằng, vào mùa đông năm 2017, 2018, khách xếp hàng để đến ăn tối. Nhà hàng không nhận đặt trước.
Chính nhờ vậy, từ số vốn ban đầu chỉ vài trăm triệu, sau 3 năm kinh doanh, Thảo đã mở được nhà hàng lớn hơn. Hiện tại đang tạo công ăn việc làm 25 nhân viên với mức lương trung bình từ 5 - 6 triệu/tháng.
"Nhân viên đến làm tại nhà hàng cũng là những người rất yêu môi trường, ủng hộ cách làm của mình", Thảo cho biết.
Lý giải về quyết định nói không với rác thải nhựa, Thảo cho biết: Vì từng có cơ hội được trải nghiệm nhiều và thấy ô nhiễm từ nhựa quá lớn. Nếu mỗi người bớt việc dùng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa... sẽ giảm sức ép lên môi trường rất nhiều.
"Chúng mình chấp nhận đầu tư ban đầu lớn hơn. Một cốc cafe nếu dùng cốc và ống hút nhựa tổng hợp chi phí sẽ khoảng 10.000 đồng thì chuyển sang dùng ống hút tre hoặc inox chi phí khoảng 15.000 đồng", Thảo nói. Hiện cách làm này của Thảo đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều người tại Phú Quốc.
Nói về câu chuyện rác thải nhựa tại Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc chia sẻ: Từ năm 2019, huyện đảo Phú Quốc cam kết với WWF không sử dụng rác thải nhựa. Theo lộ trình, đến năm 2021 Phú Quốc giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa và đến năm 2030 không còn rác thải nhựa. Để thực hiện được cam kết này thì đòi hỏi ý thức từ các doanh nghiệp và cộng đồng rất lớn. Thế nhưng việc thay đổi thói quen thì không hề dễ dàng.
Còn theo bà Quách Thị Xuân - điều phối Liên minh Không rác Việt Nam: Kể từ khi sinh ra, chỉ khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế, trong đó chỉ 2% được tái chế hiệu quả. Do đặc điểm giáng chế (downcycling) nên nhựa chỉ có thể được tái chế từ một đến 10 lần (tùy loại) và hầu hết chỉ được tái chế một lần.
Thông thường, nhựa sau khi tiêu thị sẽ được biến thành sợi tổng hợp, gỗ nhựa, vật dụng cách nhiệt và thùng chứa - nhưng chắc chắn bất cứ sản phẩm nào được hình thành từ nhựa tái chế sẽ là một mặt hàng có chất lượng thấp hơn sản phẩm ban đầu. Do khó tái chế, phần lớn rác thải được chôn lấp hoặc đốt. Tất cả các hình thức đốt rác nhựa (kể cả đốt rác phát điện) đều gây ô nhiễm môi trường thông qua việc phát thải các loại khí và hình thành tro xỉ độc hại.
Theo thống kế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 tấn rác nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn. Một Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 cũng được ban hành.
Theo bà Xuân, trong thời gian tới, quy định về phân loại rác tại nguồn và thu phí rác dựa trên khối lượng sau khi phân loại sẽ được áp dụng. Khi đó, phí đối với các loại rác nhựa khó hoặc không thể tái chế được như nhựa sử dụng một lần sẽ cao hơn so với các loại rác dễ tái chế hoặc rác hữu cơ.
Và như thế, những doanh nghiệp như của Thảo cũng sẽ tiết kiệm được phí vệ sinh môi trường phải nộp hàng tháng khi phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nói chung và giảm rác thải nhựa dùng một lần nói riêng.
(Theo VnExpress)
Xem thêm: Nữ doanh nhân ở Hà Nội nhờ chồng chăm 3 con, đi từ thiện nấu cháo cho người nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận