Chuyện ít biết về vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ Tây
Lê Thần Tông là vị vua có nhiều "cái nhất", một trong số đó phải kể đến việc ông phá vỡ mọi tiền lệ để lấy vợ Tây.
Lê Thần Tông (tên húy là Lê Duy Kỳ), là vị hoàng đế thứ 6 của nhà Lê Trung hưng và thứ 17 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Trịnh Tùng. Như vậy ông là cháu nội của Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng. Ông được sử sách mô tả là người có mũi cao, mặt rồng.
Lê Thần Tông sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh với nhà Mạc cơ bản chấm dứt. Nhưng đồng thời nhà Lê đã mất thực quyền về tay họ Trịnh. Điều đó khiến vua Kính Tông bất bình, liên kết với người con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân (cậu của Duy Kỳ, muốn tranh ngôi con trưởng của Trịnh Tráng) định lật đổ Trịnh Tùng. Việc không thành, tháng 5/1619, ông ngoại Trịnh Tùng buộc vua cha Kính Tông thắt cổ chết, rồi lập Lê Duy Kỳ, khi mới 12 tuổi, lên làm vua mới, tức là Lê Thần Tông.
Thần Tông làm vua 24 năm thì nhường ngôi cho con trai là Lê Duy Hựu (hiệu Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Song ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ lại trở lại làm vua.
Đến năm 1662, Lê Thần Tông qua đời, táng tại Ngọc Long (xã Quần Lai, huyện Dương Lôi - nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Con trai Lê Duy Vũ (hiệu Huyền Tông) lên ngôi 9 năm thì ốm, chết. Kế vị là Lê Duy Lợi (hiệu Gia Tông) nhưng ông này chỉ ngồi ngôi báu được 4 năm. Tiếp đó, con trai út là Lê Duy Hợp (Hy Tông) nối ngôi.
Có thể nói, Lê Thần Tông là vị vua không được nhắc nhiều trong lịch sử với các chiến công hiển hách hay đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng khi nhắc về ông, người đời thường nhớ đến đời tư đặc biệt của vị vua này khi ông là người đầu tiên lấy vợ Tây. Không những vậy, ông còn vị vua duy nhất lên ngôi tới 2 lần và ông cũng là cha của 4 vị vua khác của nhà Lê.
Ngoài bà vợ đầu là Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông còn 5 phi tần khác, điều lạ là mỗi bà thuộc một dân tộc: Vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 là người Lào và người vợ thứ 6 là người Hà Lan.
Năm 1630, Lê Thần Tông bị ép cưới Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái Vương (Trịnh Tráng). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi: "Năm Canh Ngọ 1630, vua lấy Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm Hoàng Hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy bác họ vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được bốn con. Triều thần can ngăn nhưng vua nói: 'Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy'."
Có thể thấy, các cuộc hôn nhân của Lê Thần Tông, từ phong hậu cho tới việc cưới các phi tần chủ yếu vì mục đích chính trị, xây dựng giao thương quốc tế. Chính vì vậy, ông đã cưới người vợ mang quốc tịch Hà Lan, con gái Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan, tên Orona.
Hai người gặp nhau vào năm 1630 tại Thăng Long. Sau đó, bà Orona đã quyết định ở lại Việt Nam để làm vương phi sau khi nghe lời khuyên từ cha. Sau cuộc hôn nhân này, Lê Thần Tông được ghi danh vào sử sách là vị vua Việt đầu tiên lấy vợ châu Âu.
Theo một số tài liệu, các bà vợ của vua Lê Thần Tông sống rất hòa thuận. Tương truyền, 6 phong tượng nhập thần của 6 người vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) là do 6 bà chung lòng chung sức bỏ công đức ra làm, với nguyện ước mãi bên nhau.
Trong đó, tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên đài sen còn các bà khác đội vương miện trong tư thế thiền tọa. Mỗi pho tượng thể hiện một nét dung nhan khác nhau. Thế nhưng đều thấy rõ trang phục của mỗi bà là trang phục dân tộc của từng dân tộc, quốc gia.
Vào năm 1959, pho tượng vợ vua Lê Thần Tông được rước về đề nhà Lê - được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Nhà nước, cách chùa Mật Sơn hơn cây số. Riêng tượng bà Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Xem thêm: Vua Minh Mạng đã làm thế nào để dẹp nạn "sâu mọt" đục khoét của dân?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận