Phụ thân của Công tử Bạc Liêu: Từ thằng bé chăn trâu ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh

Trần Trinh Trạch (phụ thân của Công tử Bạc Liêu) được coi là 1 trong "tứ đại phú hộ" của Sài Gòn xưa. Thế nhưng ít ai biết được ông xuất thân là thằng bé chăn trâu ở đợ.

Đỗ Thu Nga
08:00 05/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

7 tuổi đi chăn trâu ở đợ cho nhà bá hộ

Bạc Liêu là vùng đất được khai phá muộn nhất ở Nam Bộ. Phải đến thời kỳ Pháp thuộc, vùng đất này mới được chú trọng khai hoang, xây dựng thành một vùng trung tâm hành chính, được đầu tư tiền của xây dựng công sở, biệt thự. 

Bạc Liêu cũng từ là vùng đất tập trung đông người Hoa sinh sống, vì thế mà có câu: Bạc Liêu là xứ cơ cầu/Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

 chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu
Bác Liêu thời xưa

Bấy giờ có rất nhiều đoàn người được đưa đến khai khẩn vùng Bạc Liêu, trong số đó có gia đình người Minh Hương (gốc Hoa) họ Trần đến vùng đất Cái Dầy bên con kênh mới được đắp để khai khẩn, làm ăn. Thật không may khi ấy trong vùng có dịch bệnh, mấy đứa con trong gia đình ốm yếu, khiến cả nhà phải cầm cố rồi bán hết ruộng đất để chạy chữa. Cũng vì thế mà không còn mảnh đất cắm dùi. Những đứa con trong gia đình ấy phải đi ở đợ, chăn trâu cho bá hộ trong vùng.

Và Trần Trinh Trạch là 1 trong những đứa con của gia đình người Minh Hương. Năm 7 tuổi, ông đã phải đi ở đợ, chăn trâu cho phú hộ. 

Bất ngờ được đi học vì "cậu chủ lười"

Đến năm 12 - 13 tuổi thì đi làm mướn cho một điền chủ nhập quốc tịch Pháp. Thời ấy, nhiều nhà giàu ở Nam Kỳ buộc phải hợp tác với chính quyền Pháp để con cái học chữ Pháp. Song nhiều người ghét Pháp nên chỉ mời thầy về dạy chữ Nho chứ không muốn để con học chữ Pháp, cũng vì thế mà cơ hội đến với Trần Trinh Trạch.

Theo một số ghi chép, sự kiện đó diễn ra vào năm 1881, khi đó bá hộ gọi cậu bé Trạch lên nhà, đưa bộ đồ mới trắng tinh bảo mặc vào rồi nói: "Từ nay mày khỏi chăn trâu, mày đi học thay cậu Hai".

Trường học ở huyện cách xa mấy chục cây số nên bá hộ cho Trần Trinh Trạch ở nội trú luôn trong trường, chu cấp sinh hoạt phí. Nhờ cơ may này mà từ cậu bé chăn trâu ở đợ, Trạch được đi học đàng hoàng mà chẳng tốn một đồng một cắc nào.

 chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu
Ông Trần Trinh Trạch khi còn trẻ

Thời gian đầu Trần Trinh Trạch có phần lạ lẫm với cuộc sống ở trường học. Thế nhưng cậu tiếp thu nhanh, học giỏi, các thầy đều khen ngợi và ông bá hộ cũng rất hài lòng.

Học hết tiểu học, Trần Trinh Trạch biết cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Pháp. Thời đấy, người biết 2 chữ này là cực hiếm nên dù tuổi nhỏ cậu đã giúp người trong làng làm giấy tờ, rồi được giao luôn là thư ký làng.

Sau đó, Trần Trinh Trạch làm thư ký quận, rồi lên đến tỉnh làm bộ phận thu thuế đất. Thời đó, các điền chủ phải lên tỉnh để nộp thuế đất, Trần Trinh Trạch nhiệt tình giúp đỡ nên rất được lòng các điền chủ.

Sánh duyên với con gái bá hộ

Thời ấy ở Bạc Liêu nổi lên bá hộ Phạm Băn Bì. Ông giàu có với hàng chục hecta đát, ruộng lúa thẳng cánh cò bay đếm cả ngày không hết. Mỗi năm ông Bì đều lên tỉnh khai báo đóng thuế  và được Trần Trinh Trạch giúp đỡ nhiệt tình. Bá hộ cũng vì thế mà rất cảm mến Trạch thường hay mời ông đến nhà dùng cơm.

chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu-88
Vợ chồng ông Trần Trinh Trạch

Nhờ những lần ghé qua nhà dùng cơm, nói chuyện mà Trạch quen được với con gái thứ 4 của bá hộ là Phan Thị Mười. Hai bên nói chuyện lâu thì nảy sinh tình cảm với nhau. Cuối cùng, bá hộ Bì tác thành cho họ.

Một đám cưới linh đình suốt 3 ngày giúp cho 2 người nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới, bá hộ Bì bảo con rể nghỉ làm ở phòng thuế đất về phụ giúp gia đình. Rồi ông giao đất cho vợ chồng con rể quản lý, làm ăn.

Thuận ý cha vợ, Trần Trinh Trạch xin nghỉ làm trên tỉnh về nhà cùng vợ làm ăn, trông coi gia sản cho bố vợ. Nhờ có đầu óc kinh doanh lại học rộng nên Trạch nhanh chóng phát triển công việc làm ăn, dần dần trở thành đại phú hào trong vùng.

Lọt vào hàng "đại phú" bậc nhất miền Nam

Thời kỳ đó, chính quyền Pháp không cho tư nhân mở tiệm cầm đồ mà muốn nhà nước giữ độc quyền. Nhưng người Pháp cần người quản lý nên tổ chức đấu thầu tìm người thích hợp. Nhờ biết 2 loại chữ nên ông Trạch đã tìm hiểu và đăng ký. Cuối cùng trúng thầu quản lsy Sở cầm đồ, nhờ đó mà một mình ông nắm độc quyền hoạt động cầm đồ ở tỉnh Bạc Liêu xưa.

Chưa dừng lại, dựa vào các mối quan hệ quen biết, Trần Trinh Trạch lại tiếp tục trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu. Từ đó, vợ chồng ông trở thành phú hào giàu vượt xa tầm làng, tầm huyện.

Lúc này, Bạc Liêu đang phát triển nên nhiều người cần vốn. Sở cầm đồ của ông Trạch quản lý cho người Pháp không đáp ứng hết được nhu cầu vốn. Ông liền nghĩ ra cách cho vay tiền của chính quyền ở Sài Gòn rồi cho vay lại ở Bạc Liêu với lãi suất cao hơn. Nhờ đó mà ông càng trở nên giàu có, nổi danh khắp Bạc Liêu.

chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu-08
Tượng vợ chồng ông Trạch

Vợ chồng ông Trạch giàu có bao nhiêu thì anh em nhà vợ (con cái bá hộ Bì) lại phá phách bấy nhiêu. Họ ham mê cờ bạc, rượu chè, nợ nần nên phải bán đất để trả nợ và có tiền ăn chơi. Cũng vì họ không muốn bán cho người ngoài nên đất đai lại vào đổ vào túi không đáy của vợ chồng ông Trạch.

Dần dà, vợ chồng ông Trạch sở hữu hàng ngàn hecta đất của bá hộ Bì từng chia cho chục người con. Chưa dừng lại, ông Trạch còn trúng thầu cung cấp muối cho cả Nam Kỳ. Điều này đưa ông lên hàng phú hào giàu nhất Lục tỉnh Nam kỳ. 

Có nhiều tiền trong tay, ông Trạch xây ngôi nhà đẹp nhất miền Tây khi đó với 2 tầng, 2 đại sảnh do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ vật liệu đều chở từ Pháp sang, trang trí nội thất như đồ sứ và gỗ được đưa từ Trung Quốc đến.

Đến năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Đức tấn công Pháp, liên quân Anh – Pháp cùng chống lại Đức. Tại Việt Nam, chính quyền Pháp đưa ra khẩu hiệu “Rồng Nam phun bạc diệt Đức tặc” kêu gọi các phú hộ ủng hộ tiền bạc giúp quân Pháp.

Ông Trạch đã ủng hộ với 1 số tiền lớn, tương đương khoảng 10.000 lượng vàng, tức gần 400kg lúc đó. Chính quyền Pháp đã trao cho ông "Ân thưởng Ngũ đẳng Bội tinh". Đồng thời thu xếp cho ông đắc cử vào Hội đồng Tư vấn Mật viện. Cũng từ đó, ông có tên gọi khác là "Hội đồng Trạch".

Ông chủ ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Vào đầu thế kỷ 20, các công ty quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam đều là của người Pháp và Hoa. Chính vì thế tiếng nói của người Việt trong Hội đồng thành phố nhỏ bé và yếu ớt hơn. Những người Việt có tinh thần dân tộc xác định rằng người Việt cần có ảnh hưởng kinh tế, từ đó mới có tiếng nói trong Hội đồng thành phố.

Vào tháng 11/1926, một số doanh nhân, nhà báo, điền chủ và trí thức đã họp tại trụ sở Hội kỹ nghệ và doanh nhân An Nam số 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn) để thành lập Công ty Tín dụng An Nam (còn có tên khác là: Việt Nam ngân hàng).

chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu-6
Quảng cáo của công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) trên báo Sài Gòn, 26/2/1935

Ông Lê Văn Gồng ban hành điều lệ hoạt động và cũng là người chủ trì cuộc họp này. Cuộc họp thống nhất thành lập Ngân hàng Việt Nam với số vốn 250.000 đồng bạc từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng. Sau đó kêu gọi người Việt cùng tham gia mua cổ phần.

Vào tháng 8/1297, tại cuộc họp Đại hội cổ đông, ông Trạch quyết định tham gia góp vốn và trở thành cổ đông lớn nhất và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Lê Văn Gồng làm giám đốc. Công ty Tín dụng An Nam (Việt Nam ngân hàng) là Ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Sau 12 năm hoạt động, Ngân hàng tăng trưởng gấp 5 lần. 

Chăm làm việc thiện khi về già

Sau nhiều năm chinh chiến ở thương trường, ông Trạch quyết định "nghỉ hưu". Lúc về già, ông cảm thấy những việc mình làm trước đây là không nên, nên quyết định làm nhiều việc thiện hơn. 

Trong các dịp mừng thọ 50, 60, 70 tuổi, ông cho xé hết các giấy nợ của tá điền, xóa nợ cho hộ dân. Đồng thời phát tiền của lúa gạo cho người nghèo. Mỗi lần như thế, người dân Bạc Liêu rất vui mừng. Không chỉ dừng lại ở Bạc Liêu, ông Trạch còn làm từ thiện ở khắp cả nước.

Nói về gia thất của ông Trạch, theo Wiki: Trần Trinh Trạch có bảy người con (ba trai, bốn gái). Người con thứ 3 của ông chính là Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. 

chuyen-it-biet-ve-cuoc-doi-phu-than-cong-tu-bac-lieu-64
Gia đình Công tử Bạc Liêu

Đây là người mà ông đặt nhiều kỳ vọng nhất nhưng lại là cậu ấm ăn chơi khét tiếng nhất Nam Kỳ. Ba người con của ông Trạch có sẵn gia sản kếch xù của cha mẹ nên mặc sức phung phí, tiêu pha. Trái lại, vợ chồng hội đồng Trạch sống rất chuẩn mực, cần kiệm. Trần Trinh Trạch sống chí thú làm giàu và chung thủy với vợ, không phải là hạng người bướm ong, trăng gió.

Cũng vì ăn chơi trác táng mà năm 1970, con cháu ông Trần Trinh Trạch phải bán căn nhà cuối cùng được 28 cây vàng. Số tiền này chia cho mỗi gia đình một ít để tự mưu sinh. 

Khối tài sản khổng lồ của hào phú Trạch tiêu tán chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm. Điều này quả đúng với những câu nói của cổ nhân: “Để lại cho con bạc vàng đầy kho, cũng không bằng dạy con một pho kinh sách”; “Bình yên lo lúc nguy khốn, tiết kiệm biết tránh xa hoa”.

Xem thêm: Ông chủ Chợ Lớn - Quách Đàm: Từ kẻ vô gia cư đến "tỷ phú lúa gạo" giàu có bậc nhất Sài Gòn thế kỷ 20

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận