Hành trình đầy máu và nước mắt của bà chủ khuyết tật giành 120 huy chương vàng, mở xưởng gỗ cho người nghèo

17 năm thi đấu quốc gia và 10 năm thi đấu quốc tế đã giúp chị Huế giành được 120 huy chương vàng. Từ số tiền thưởng huy chương vàng, chỉ trích ra để xây nhà khang trang, dồn vốn mở xưởng gỗ cho người nghèo.

Đỗ Thu Nga
09:04 04/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chiến thắng bản thân

Ngồi trong căn nhà có nhiều nội thất gỗ lấy từ xưởng gỗ của công ty mình làm chủ, chị Hồ Thị Huế (SN 1966, trú tại khu phố 10, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) bắt đầu chia sẻ về hành trình đầy máu và nước mắt của mình.

Chuỗi ngày buồn của chị Huế bắt đầu từ năm 18 tuổi. Khi đó, chị đang là công nhân nhà máy xi măng Đông Hà thì bị tai nạn lao động, mất chân trái. Biến cố không ngừng lại, đến năm 23 tuổi, chị lập gia đình sinh con thì chồng bỏ đi. Hai mẹ con chị bơ vơ giữa cuộc đời nhiều oan trái.

Mang trong mình hình hài không trọn vẹn lại thiếu thốn tình cảm, chị Huế khóc triền miên. Đã có không ít lần trong đầu chị nảy ra ý định tự tử.

Mãi đến năm 31 tuổi, chị Huế mới bắt đầu tìm được ánh sáng cho cuộc đời mình. Đó là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thi dành cho người khuyết tật. Chị Huế mạnh dạn đăng ký thi bơi lội ở cự ly 50m và đạt huy chương vàng. Đây là thành tích đầu tiên mà chị đạt được. 

Chuyen-ba-chu-khuyet-tat-gianh-120-HCV-mo-xuong-go-cho-nguoi-ngheo-0
Đây là tủ đụng huy chương và giấy khen của chị Huế (Ảnh: Vietnamnet)

Nhớ lại những năm tháng đó, chị Huế vẫn còn cảm thấy hồi hộp háo hức. Chị chia sẻ: "Ngày ngày chị tập bơi nơi con sông nhỏ thuộc xã Triệu Độ chứ không phải ở hồ bơi chuyên nghiệp nên chị chưa từng nghĩ sẽ đạt giải".

Thấy bản thân có năng khiếu thể thao, chị Huế có thêm động lực lao vào tập luyện. Việc này vừa giúp sức khỏe chị tốt hơn, vừa giúp nguôi ngoai đi phần nào quá khứ bất hạnh. Và cũng là cơ hội để chị ghi danh vào các cuộc thi đỉnh cao.

Cũng theo chị Huế, trong quá trình tập luyện, chị thấm đẫm những nỗi đau đớn về thể xác, máu và nước mắt. Bởi sự vận động liên tục khiến vết thương ở chân bị rớm máu, đau nhức thấu xương. Nó đưa lại cho chị những trải nghiệm không dám quên. 

Quá trình tập luyện gian truân đến mức nào thì khi được xướng tên là đại diện Việt Nam đứng trên bục danh dự nhận thưởng thì cảm thấy vinh dự bấy nhiêu. Chị cảm nhận thấy rằng, mỗi cuộc thi đối với chị là một cơ hội để chiến thắng bản thân. Vì thế, có lần chị giành vô địch rồi, năm sau chị lại cố gắng hơn để bứt phá chính thành tích năm ngoái của mình.

Trong 17 năm thi đấu quốc gia, 10 năm thi đấu quốc tế ở các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... chị đã mang về cho tỉnh nhà 120 huy chương vàng, trong đó có 20 huy chương vàng quốc tế, 100 huy chương vàng quốc gia.

Không chỉ giành nhiều huy chương vàng, chị Huế còn khiến nhiều đối thủ ngả mũ thán phục bởi bất kỳ lĩnh vực thể thao nào chị tham gia cũng giành huy chương vàng như: cự ly 50m, 100m, 200m tự do, 400m cá nhân...

Dùng tiền thưởng mở xưởng gỗ cho người nghèo

Từ số tiền thưởng của các giải đấu, chị Huế dành dụm, chắt bóp và dùng nó để xây dựng 1 căn nhà khang trang vào năm 2010. Chưa hết, chị dành hết vốn liếng vào đầu tư xưởng gỗ.

Chị Huế tâm sự, sau khi giới thiệu giúp một người được lô gỗ họ cần nên được người đó truyền nghề làm nội thất cho. Sau khi thành thục nghề, chị mạnh dạn lập công ty chuyên sản xuất kinh doanh đồ gỗ, nội thất gia đình.

Chuyen-ba-chu-khuyet-tat-gianh-120-HCV-mo-xuong-go-cho-nguoi-ngheo-9
Xưởng gỗ của chị Huế đã tạo việc làm cho nhiều người (Ảnh: Vietnamnet)

Những ngày mới mở xưởng, chị Huế tự bươn chải, tự mua gỗ về rồi tự tính toán số lượng, học hỏi kinh nghiệm gia công. Chị cũng chăm chỉ cập nhật thị hiếu của khách hàng, xu hướng của thị trường để đưa ra những mũa nội thất mới.

Hiện xưởng gỗ của chị Huế đang giải quyết việc làm cho 10 nam công nhân tại địa phương, với thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Chưa kể, chị còn tuyển thêm các lao động nữ để làm việc thời vụ. Trừ đi các chi phí, mỗi năm xưởng gỗ đưa lại cho gia đình khoảng 15 triệu đồng.

Tính từ năm 2017 đến nay, chị Huế là giảng viên truyền thông của công ty Renews (dự án làm sạch bom, đạn ở Quảng Trị), mỗi năm chị dạy cho 27 lớp. Chị Huế còn mở 7 lớp dạy nghề cho các em khuyết tật, mỗi lớp 18 thành viên.

Chuyen-ba-chu-khuyet-tat-gianh-120-HCV-mo-xuong-go-cho-nguoi-ngheo-7
Chị Hồ Thị Huế (thứ 3 từ phải sang) tham gia Hiệp hội thắp sáng ước mơ cho người khuyết tật tổ chức tại Gunsan, Hàn Quốc (Ảnh: Vietnamnet)

Ở tuổi ngoài 50, chị Huế vẫn làm huấn luyện viên của hội người khuyết tật tỉnh. Năm nào chị cũng đưa các em khuyết tật đi thi và mang về những thành tích nổi bật.

"Để người khuyết tật duy trì thể thao là rất khó, đòi hỏi quá trình tập luyện thường xuyên và liên tục. Mong muốn chung của người khuyết tật là được tỉnh nhà đầu tư thêm các khu thể thao cho mọi người tập luyện", người phụ nữ thép chia sẻ.

(Theo Vietnamnet)

Xem thêm: Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Y có đôi chân khuyết tật: Đó là bất tiện chứ không bất hạnh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận