Chân dung vị tiến sĩ cáo quan về nước cung cấp tình báo giúp Lê Lợi đánh chiếm thành Đông Quan

Nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Triệu Thái lấy cớ về nước thăm cha mẹ, theo vua dựng nghĩa. Thế nhưng, tên tuổi và công trạng của ông lại không được nhắc đến nhiều như các vị công thần khác.

Đỗ Thu Nga
07:00 23/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu từ ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418) vả kéo dài 10 năm, kết thúc thắng lợi bằng Hội thề Đông Quan ngày 22/11 năm Đinh Mùi (10/12/`427), đem lại độc lập cho dân tộc. Thắng lợi của 10 năm kháng chiến chống quân Minh khẳng định ý chí, quyết tâm, sức mạnh và truyền thống toàn dân đánh giặc của quân dân Đại Việt bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, khối đoàn kết dân tộc và trí tuệ sáng tạo gắn liền với cội nguồn sâu xa của nền văn hiến dân tộc Việt Nam.

Trong sự nghiệp "Bình ngô", xây dựng non sông gấm vóc, bên cạnh các công thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Văn Sảo, Đinh Liệt, Lê Lai... được lịch sử vinh danh và nhắc đến nhiều thì tiến sĩ Triệu Thái - một nhân vật lịch sử còn nhiều bí ẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong và sau khởi nghĩa Lam Sơn. Song lại có ít sử sách nhắc đến vị công thần này.

Viện cớ về nước thăm cha mẹ để theo vua dựng nghĩa

Triệu Thái (1370 – ?) là người xã Hoàng Chung, huyện Lập Thạch (nay là thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo gia phả Triệu tộc ở xã Hoàng Cung, Triệu Thái học và thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ đời Vĩnh Lạc (nhà Minh, Trung Quốc).

Sau nhà Hồ rồi đến Hậu Trần thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của nhà Minh, Đại Ngu rơi vào ách đô hộ. Khi người anh hùng xứ Thanh - Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng núi Lam Sơn thì tiến sĩ Triệu Thái viện cớ về nước thăm cha mẹ để tham gia khởi nghĩa, cống hiến sức lực cho công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

chan-vi-tien-si-dua-tinh-bao-giup-le-loi-danh-chiem-thanh-dong-quan-1
Văn bia có tên Tiến sĩ Triệu Thái ở Văn miếu Vĩnh Phúc

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: "Triệu Thái người xã Sơn Đông (nhầm mà là xã Hoàng Trung) huyện Lập Thạch đời Vĩnh lạc nhà Minh đỗ tiến sỹ làm hàn lâm viện học sĩ. Biết tin ở nước nhà Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa cáo quan về nước”, tất nhiên trong tình thế hai nước đang nước sôi lửa bỏng không phải là dễ, nhưng nói về khả năng thì không thể nói mọi khả năng như đinh đóng cột được".

Mặc dù các tài liệu chính sử của nước ta vì nhiều lý do không ghi chép cụ thể những đóng góp của Triệu Thái nhưng dựa vào các tư liệu tản mạn và nhất là tư liệu địa phương (phía dòng họ cung cấp) giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của ông trong việc làm tính báo cũng như giúp vua Lê Lợi sau ngày giải phóng kiến tạo sự nghiệp "an bang tế thế" mang lại hạnh phúc và ấm no cho trăm họ.

Tình báo của Triệu Thái giúp Lê Lợi đánh chiếm thành Đông Quan

Theo Dân Việt, được sự ủng hộ của ba quân tướng sĩ, và quân sư Nguyễn Trãi, Lê Lợi trong thời gian ngắn đã giành được chiến thắng quân sự quan trọng trên chiến tường, buộc đối phương rơi vào thế bị động.

Sau khi chiếm được các thành nhỏ, thanh thế và lực lượng từng bước trưởng thành, Lê Lợi đã tính đến phương án tấn công trực diện vào thành Đông Quan - Hà Nội (thành trì có vị trí chiến lược trong cuộc chiến chống quân Minh quyết định thành bại của khởi nghĩa).

chan-vi-tien-si-dua-tinh-bao-giup-le-loi-danh-chiem-thanh-dong-quan-7

Lúc đó, tướng giữ thành là Vương Thông - tướng tài của nhà Minh có kinh nghiệm sa trường đã quyết định cố thủ trong thành. Phải mất nhiều sức lực, thành Đông Quan mới bị thu phục. Trong chiến thắng đó, không thể không nhắc đến vai trò của Triệu Thái.

Sau khi từ Trung Quốc trở về, có một thời gian Triệu Thái đã ở trong thành Đông Quan cùng với tướng nhà Minh là Vương Thông. Khi bắt được liên lạc với quân khởi nghĩa, ông đã báo cáo toàn bộ tình hình phòng bị cũng như thực lực hiện có của quân Minh trong thành cũng như kế hoạch bổ sung viện binh do Liễu Thăng chi viện. 

Từ những thông tin tình báo giá trị của Triệu Thái, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi đã đưa ra chiến sách vây thành diệt viện, có những bước đi chiến lược vừa đánh vừa đàm thu được thắng lợi nhanh chóng, giảm tổn thất xương máu cho binh lính.

Tận hiến với dân với nước

Sau chiến thắng vang dội đó, Lê Lợi đăng cơ hoàng đế. Để củng cố và xây dựng đất nước, sự nghiệp giáo dục và tuyển chọn hiền tài được đặt lên hàng đầu. Vua lệnh cho các đại thần, bá quan văn võ từ hàm tam phẩm trở lên mỗi người đều phải tiến cử một người hoặc ở trong triều hoặc ở thôn quê ra làm quan. 

Vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khoa thi Minh kinh chọn hiền tài thông hiểu kinh sử, giỏi văn học được tổ chức. Trong kỳ thi này, Triệu Thái cũng tham dự và đỗ đầu tiến sĩ triều Lê. Tiếp đó, ông được Lê Lợi trọng dụng, sử dụng vào nhiều việc trọng đại của đất nước. 

Triệu Thái được vua Lê giao cho việc định ra bộ Quốc triều điều luật (Tiền thân của bộ Luật Hồng Đức) của nhà Lê và được phụng mệnh đi sứ nhà Minh đòi đất. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Mùa đông tháng 10, sai sứ sang nhà Minh (Yên Kinh), cử Thị ngự sử Triệu Thái sang tâu việc địa phương Châu Khâm”. “Việt sử thông giám cương mục” cũng ghi: “Bấy giờ Triệu Nhân Chính, trị châu Long Châu ủy thác cho bọn đầu mục Lữ Thông thống lĩnh hơn 1000 quân xâm lấn châu Hạ Tư lang cướp bóc lung tung người và các súc vật. Các đại thần xin sai Triệu Thái sang nhà Minh tâu bày về việc này”.

chan-vi-tien-si-dua-tinh-bao-giup-le-loi-danh-chiem-thanh-dong-quan-5
Hoàng đế Lê Lợi

Ngoài ra, ông còn được cử làm giám thí khoa thi Tiến sĩ niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), khoa thi lấy đỗ trạng nguyên đầu tiên của triều Lê với nhiều hiền sĩ như Nguyễn Trực,.... Trong văn bia ở bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) – Văn bia có khắc câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" của Thân Nhân Trung có ghi: “…Lúc ấy Đề điệu là Thượng thư tả bộ xạ Lê Văn Linh Thượng thư Tả bộ xạ làm đề điểu, Giám thí là Ngự sử đài thị ngự sử Triệu Thái,…”.

Khi về già nhận thấy triều đình có nhiều rối ren, nhiều công thần khai quốc như Ức Trai Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát,... bị hại, ông cáo lão từ quan về quê nhà Hoàng Chung. Trong thời kỳ này ông có công lao lớn với dân làng là ông đã quy hoạch làng Hoàng Chung với một con đường ở bìa làng, nối liền 2 làng cổ là Đại Lữ và Tiên Lữ giữa cánh đồng chiêm trũng, các ngõ rẽ đều vuông góc với đường trục, có khoảng cách hai nhà giáp lưng vào nhau, tạo thành ngõ xương cá, rất tiện cho sinh hoạt và trị an. Giáp đường về mặt phía Tây Nam, chia thành từng ô lấy đất đắp nền làng, trồng tre chắn gió, rào làng. Các ô đất trũng trở thành ao, dân làng chuyên cấy rau cần về mùa đông, cũng là một nguồn thu lợi về kinh tế.

Để tưởng nhớ vai trò to lớn cũng như công lao đối với đất nước và quê hương, sau khi ông qua đời, dân làng suy tôn thành thần và thờ làm Thành hoàng làng, đời đời hương khói, bất tử với lịch sử.

Hiện nay, tên của Ông được lưu danh tại Văn miếu Tỉnh Vĩnh Phúc và được đặt cho một tên ngôi trường ở huyện Lập Thạch, một con đường ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là bác ruột của tiến sĩ Triệu Tuyên Phù.

Xem thêm: Đinh Liệt - danh tướng khai quốc duy nhất được vua Lê tặng 8 chữ vàng “tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận