Chân dung người thầy mặc áo cà sa, 5 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo
Lớp học tình thương Bát Nhã của Đại đức Thích Thiện Đăng ở khu vực huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) được mở ra với tâm niệm mong trẻ em lang thang, mồ côi được học chữ, được thấy hy vọng về tương lai tươi sáng.
Tâm sự về cơ duyên đưa đến quyết định mở lớp dạy học, Đại đức Thích Thiên Đăng chia sẻ: "Năm 2016, trong một lần đi làm thiện nguyện và thăm trẻ em nghèo, tình cờ tôi thấy được cuộc sống nay đây mai đó, không có điều kiện đến trường, không được học chữ của các em. Lúc ấy, tôi biết rằng, mình nhất định phải làm điều gì đó".
Thương những cảnh đời bé thơ lam lũ, cả ngày vật lộn ngoài xã hội với cuộc sống mưu sinh, đến cái chữ bẻ đôi cũng không biết, thầy bắt đầu chuẩn bị cho việc mở lớp dạy chữ cho chúng. Thầy Thích Thiên Đang sử dụng chính nơi nghỉ ngơi của mình để làm phòng học - tịnh thất Phước Quang, thầy gửi gắm niềm hy vọng vào lớp học này rất nhiều nên mới đặt cái tên là: Lớp học tình thương "Bát Nhã". Bởi theo quan niệm nhà Phật, Bát Nhã là trí tuệ.
Thầy Thích Thiên Đăng tận dụng tối đa không gian, dành ra khoảng 450m từ trong tịnh thất để làm phòng học. Thầy cũng tự tay chuẩn bị từng bộ bàn ghế để các em đến lớp được có không gian học tập thoải mái nhất, gần gũi với trường học công lập nhất.
Theo tờ Đời sống pháp luật, những ngày đầu chỉ có 17 học sinh đến lớp nhưng đến nay, lớp học tình thương Bát Nhã đã có hơn 100 học sinh, các em chủ yếu có độ tuổi từ 5 - 15 tuổi. Các em đến lớp với tâm thế rất vui vẻ, hứng khởi vì ở đây, thầy giáo của các em không chỉ là người có tâm mà còn là một nhà sư có đức.
Được biết, từng cây bút, từng cuốn tập cho đến quần áo và đồ dùng thường ngày của học sinh đều được thầy tự thân vận động các mạnh thường quân chuẩn bị. Thậm chí, có những em từ khu Vàm Cỏ Đông xa côi, thầy cũng nhờ được phương tiện di chuyển, đón các em đến lớp an toàn.
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, người thầy mặc áo cà sa cố gắng thu xếp công việc ở Chùa để dành ra 2 tiếng dạy học cho các em nhỏ. Trong quá trình dạy học, thầy cũng phải tìm hiểu sách vở, thu thập thêm tri thức và cân bằng cách dạy ở lớp học mà độ tuổi của các học sinh không giống nhau.
Chia sẻ về cách dạy với lớp học đặc biệt này, thầy Thích Thiên Đăng kể: "Tôi tự phân nhóm học sinh và dạy theo năng lực, cố gắng không dạy chung chung cho tất cả các độ tuổi. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé rất tốt".
Không chỉ xóa mù chữ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, thầy Thích Thiên đăng còn dạy kỹ năng sống, dạy cách bảo vệ bản thân, cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy đích thân hướng dẫn các em tham quan, tìm hiểu về các ngôi chùa, kể cho các em về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Sau 5 năm miệt mài dạy dỗ, các học trò của người thầy đặc biệt này đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. "Khi thông thạo con chữ, tính toán rồi, em nào lớn lên muốn đi làm thì đi, còn muốn học thì tiếp tục học".
Em Nguyễn Minh Khôi (15 tuổi) - một học sinh trong lớp học tình thương Bát Nhã hào hứng chia sẻ: "Học ở đây, em thấy vui, dễ hiểu, cái nào không biết là thầy chỉ liền". Khôi là 1 trong những học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt: Ba mất sớm, mẹ và em sống lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Em cố gắng biết chữ thông thạo để đủ tuổi sẽ vào xí nghiệp làm công nhân, có công việc ổn định, kiếm tiền nuôi mẹ.
Và từ nhiều năm nay, người dân sống ở quanh tịnh thất Phước Quang đã quá quen với những tiếng ê a đọc bài những lời giảng sâu sắc của thầy Thích Thiên Đăng. Chị Lê Thị Thúy An (38 tuổi) - là hàng xóm cũng là mạnh thường quân ủng hộ lớp học tình thương Bát Nhã từ những ngày đầu chia sẻ:
“Thầy thương chúng nó lắm, nhịn ăn nhịn mặc cũng phải để các em ăn uống đầy đủ và có đồ dùng học tập. Sự nhân hậu và quyết tâm của thầy chính là động lực giúp tôi cũng như nhiều mạnh thường quân khác ủng hộ, cố gắng mở rộng lớp học".
Mấy năm nay, thầy Thích Thiên Đăng cũng nhận thấy những khó khăn, vất vả của học trò. Chính vì thế, vào năm 2019, bên cạnh việc dạy học, mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, thầy lại cố gắng kêu gọi ủng hộ, chung tay của xã hội để mang đến cho học sinh những phần ý nghĩa.
Những món quà gửi đến các học trò nghèo tuy nhỏ nhưng đó là nguồn động viên lớn để các em được đón một cái Tết ấm cúng. Cũng thông qua đó, giúp các em có thêm động lực, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu để vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội.
Chia sẻ về hành trình 5 năm sống hết mình vì trẻ em nghèo, Đại đức Thích Thiên Đăng bảo: "Tôi xem mấy bé như con cháu để yêu thương, chăm lo, chứ không đơn thuần chỉ là người thầy dạy cái chữ rồi bỏ. Khi ta đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời, gieo những hạt mầm xanh tích cực, ta sẽ nhận được những giá trị cao đẹp mà không một thước đo tiền bạc nào có thể đong đếm được".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận