Luật sư Lê Đình Chi: “Kỳ nhân” luật học khiến quân địch phải kính nể

Với đức tính nhẫn nại, hy sinh không hề thối chí, luật sư Lê Đình Chi đã đặt nền móng tư pháp cho Nam Bộ, gây dựng cơ sở cho bộ máy chính quyền ở Nam Bộ. Ông là một nhà cách mạng cứng rắn khiến kẻ thù phải kính phục, nể nang.

Đỗ Thu Nga
09:00 02/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Luật sư Lê Đình Chi sinh năm 1912 tại thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà nho. Năm 1929, ông tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến năm 1932, ông đỗ tú tài và nhận bằng Cử nhân Luật năm 1935. Sau khi ra trường, ông từ chối làm tri huyện, vào Sài Gòn làm commis greffier (lục sự) tại Tòa áo đỏ (Đại hình) Sài Gòn.

Đến năm 1936, ông tích cực tham gia vào phong trào Đông Dương đại hội, đòi quyền dân chủ, nâng cao dân sinh, cải thiện dân trí. Căn nhà và văn phòng luật sư của ông ở số 132 Lagradière (nay là Lý Tự Trọng) là nơi cất giấu tài liệu bí mật, cờ, khẩu hiệu, vũ khí, đồng thời cũng là nơi ẩn náu của nhiều trí thức cách mạng.

Đến ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu Nam bộ kháng chiến. Luật sư Lê Đình Chi đã nhân danh nhân sĩ trí thức Nam bộ yêu nước kêu gọi trí thức và công chức vùng tạm chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia, ủng hộ kháng chiến. Ông còn dùng tài sản riêng của mình để mua súng đạn rồi tham gia thành lập bộ đội Suối Đá - Chi đội 11 (một trung đoàn)( trấn giữ mặt trận Tây Ninh: "Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Thậm chí vị luật sư này còn cầm súng trực tiếp chỉ huy bộ đội Suối Đá trong lúc khó khăn nhất, còn kẻ thù thì hùng mạnh. 

chan-dung-ky-nhan-luat-hoc-khien-ke-dich-kinh-ne
Liệt sĩ, luật sư Lê Đình Chi. Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình

Đến cuối năm 1945, luật sư Lê Đình Chi làm giao liên đưa Tư lệnh Nguyễn Bình từ chiến khu An Phú Đông về Thị Nghè thực hiện chuyến thị sát nội thành Sài Gòn. Sau đó họ nhanh chóng bắt liên lạc với luật sư Nguyễn Thành Vĩnh tại căn biệt thự riêng ở vùng Đa Kao.

Luật sư Vĩnh đã lái xe riêng của mình đưa Trung tướng Nguyễn Bình cùng luật sư Lê Đình Chi thực hiện chuyến thị sát táo bạo giữa ban ngày khắp thành phố để nắm bắt tình hình bố phòng, nghiên cứu địa bàn, xây dựng phương án chiến đấu trong nội thành.

Kỷ niệm toàn quốc kháng chiến (12/1947), Tư lệnh Nguyễn Bình tuyên dương công trạng của ông như sau: “... Tại chiến trường Nam bộ những tháng cuối 1945 đầu 1946, luật sư Lê Đình Chi đã có công sáng tạo, đề ra và thực hiện cán cân pháp luật đầu tiên của Chính phủ kháng chiến Nam bộ. Ông đã nhân danh một nhân sĩ trí thức kháng chiến kêu gọi trí thức và công chức vùng tạm chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn tham gia và ủng hộ kháng chiến, giải thích, chống lại mọi luận điệu xuyên tạc, chia rẽ Bắc Nam của bọn thực dân Pháp và tay sai.

Luật pháp cách mạng được ông áp dụng đúng đắn ngay những buổi đầu kháng chiến đã làm thực dân Pháp kiêng nể. Những vụ xử án nghiêm khắc đã làm bọn phản động tay sai khiếp sợ. Phương pháp xử phạt công minh không tư vị của ông đã giữ nghiêm được kỷ luật trong hàng ngũ quân đội cách mạng, công an, tự vệ, các cơ quan...’.

Khi nắm bắt được thông tin, luật sư Lê Đình Chi là một tri thức uy tín ở Nam Bộ, nhân sĩ được kính trọng thì thực dân Pháp đã tìm mọi cách để bắt ông. Ba lần địch nhảy dù xuống chiến khu (20.3.1947, 14.2.1948, 28.5.1948) thì cả ba lần Pháp đều cay cú trở về tay không.

chan-dung-ky-nhan-luat-hoc-khien-ke-dich-kinh-ne-0
Trung tướng Nguyễn Bình

Thế nhưng, cuối cùng luật sư Lê Đình Chi cũng không thoát khỏi cửa tử. Vào ngày 2/6/1949, ông bị trúng đạn trong một trận càn lớn của Pháp. Ông hy sinh khi mới 37 tuổi. Ngày 26/7/1949, Bộ Tư lệnh Nam Bộ đã ra quyết định truy phong luật sư Lê Đình Chi quân hàm đại tá.

Sinh thời, Lê Đình Chi được đánh giá là "kỳ nhân" luật học. Thời ngồi trên ghế giảng đường, khả năng này của ông đã được đánh giá rất cao. Năm 1935, vị luật sư trẻ được mời đón với lương cao bổng hậu nhưng ông từ chối.

Bà Lê Thị Thoa - con gái đầu của ông từng kể: Luật sư Lê Đình Chi từ chối cả chức tri huyện ở tỉnh Bắc bộ để vào Nam bộ làm trạng sư rồi chưởng lý tòa Áo đỏ Sài Gòn (tòa hình sự) theo gợi ý của tổ chức. Có lẽ tổ chức muốn ông có điều kiện bênh vực cho những chiến sĩ cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc Việt Nam không may sa vào tay chính quyền cai trị thực dân Pháp.

Trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng Quân pháp Bộ Tư lệnh Nam Bộ, rồi Giám đốc Nha Quân pháp - Bộ Tư lệnh Nam bộ (1948 - 1949), Lê Đình Chi đã có công điều khiển Quân pháp Khu 7, Khu 8, Khu 9 và Sài Gòn - Chợ Lớn, thi hành đúng đường lối của Chính phủ. Ông còn mở các lớp học đào tạo cán bộ cho tòa án binh các quân khu. Không chỉ vậy, ông còn dành thời gian viết sách về luật pháp.

Trước khi hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của tổ quốc, ông từng để lại nhiều tài liệu luật pháp có giá trị như: Quân luật Việt Nam, Luật hình sơ lược, Luật hiến pháp sơ giản, Luật tố tụng, Luật vi cảnh... Một số sách khác còn đang viết dở dang như: Quân luật Việt Nam dẫn giải (tập 2) và Quốc tế Công pháp. 

Có mặt trong lễ truy điệu ông, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Chủ tịch phủ, Trưởng phái đoàn Chính phủ T.Ư, bày tỏ nỗi tiếc thương: “Ông Lê Đình Chi là một trí thức có địa vị thời Pháp thuộc đã từ bỏ địa vị cũ, hăng hái gia nhập hàng ngũ kháng chiến ngay từ những tiếng súng đầu tiên bùng nổ ở Nam bộ, đã cùng anh em cầm súng giết giặc. Với đức tính nhẫn nại, hy sinh không hề thối chí, ông đã đặt nền móng tư pháp cho Nam bộ, đã gây dựng cơ sở cho bộ máy chính quyền ở Nam bộ...”.

Xem thêm: Những phát ngôn ấn tượng của Đại tướng Phùng Quang Thanh về chủ trương, chính sách quốc phòng Việt Nam

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận