Cách viết đoạn đánh giá nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm trọng tâm: 2k5 chú ý nhé!

Trước khi viết kết bài, các bạn cần đánh giá lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (hoặc đoạn trích). Tuy nhiên, viết sao cho đúng, đủ và hay thì không phải ai cũng làm được.

Đỗ Thu Nga
15:30 24/02/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nếu các bạn học sinh 2k5 đang loay hoay không biết làm thế nào để tổng kết lại một cách đầy đủ nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm (hoặc đoạn trích) thì hãy tham khảo bài viết dưới nhé:

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò được Nguyễn Tuân khám phá và ngợi ca dưới sự kết hợp của những biện nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ gợi lên cảm giác mãnh liệt, hồi hộp cho người đọc. Cảnh vượt thác là bài ca chiến trận hào hùng, một bức tranh hoành tráng về dũng sĩ vượt thác. Tất cả được tạo nên bởi cái tài, cái tâm, cái trí tuệ uyên bác cùng vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như thể thao, điện ảnh, quân sự... của Nguyễn Tuân.

Cach-viet-doan-danh-gia-noi-dung-nghe-thuat-cua-tac-pham-trong-tam

Viết về người lái đò sông Đà trên vùng sông núi của Tổ quốc, Nguyễn Tuân đã thể hiện nguồn cảm xúc thiết tha đối với người lao động và thiên nhiên đất nước. Sông Đà càng đẹp, càng sinh động bao nhiêu thì hình ảnh ông lái đò càng anh dũng, ngoan cường bấy nhiêu. Từ đó, ta lại càng thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.  Có lẽ, đối với người dân vùng sông nước Tây Bắc thì hình ảnh ông lái đò thật bình dị từ công việc đến hình dáng, cách ăn nói nhưng đó lại là người hùng trong mắt Nguyễn Tuân và trong những trang văn của ông. Nhà văn đã phát hiện ra chất nghệ sĩ tài hoa dám đương đầu với sóng to gió lớn, hăng hái lao động, quên mình vì công việc chèo chống con thuyền trên sông.

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả đã gửi gắm những thông điệp về lẽ sống thời cuộc vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ quyết liệt, vừa kín đáo sâu sắc. Điều nhấn mạnh ở đây là vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, thói xấu, thói giả tạo để bảo vệ sự trọn vẹn trong nhân cách. Không chỉ có ý nghĩa về triết lý nhân sinh, về hạnh phúc con người. Trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống:

Thứ nhất, con người đang sống và chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển.

Cach-viet-doan-danh-gia-noi-dung-nghe-thuat-cua-tac-pham-trong-tam-0

Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là cao quý, đời sống tâm hồn là đáng trọng mà lại sao nhãng việc chăm lo, vun vén vẻ bề ngoài. 

Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một số vấn đề cấp bách, không kém phần bức xúc, đó là tình trạng sống giả tạo, sống dối trá, sống không dám và sống không được là chính mình. Đó là nguy cơ đẩy con người đến sự tha hóa do danh và lợi chỉ đường một cách nhanh nhất.

TÂY TIẾN

Một điều không thể phủ nhận là đặc điểm văn học từng giai đoạn sẽ chi phối phong cách sáng tác của các văn nghệ sĩ khi cầm bút viết lên những thi phẩm làm giàu cho nền văn học Việt Nam. Và nhà thơ đa tài Quang Dũng cũng không ngoại lệ, bởi bài thơ Tây Tiến sáng tác năm 1948 thuộc chặng đường phát triển 1945 - 1954: Văn học lúc này tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cach-viet-doan-danh-gia-noi-dung-nghe-thuat-cua-tac-pham-trong-tam-9

Vậy nên, đến với cách mạng và kháng chiến, các văn nghệ sĩ đều thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Chính hình ảnh người lính Tây Tiến cũng không ngại khó khăn gian khổ, vất vả, hy sinh, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã góp phần tạo nên thành công của nền văn học kháng chiến. Và... đã góp phần làm cho ta thêm yêu, thêm trân trọng những người lính bộ đội cụ Hồ và càng tự hào hơn về nền văn học nước nhà giai đoạn này.

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng bộc bạch trong tập tiểu luận "Trang giấy trước đèn" rằng: "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm cái công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, để bênh vực cho những con người không còn được bênh vực". Chính vì vậy, khi hướng ngòi bút của mình về văn học, Nguyễn Minh Châu quả quyết: "Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người", sẽ đến một lúc văn học "phải viết về con người, trước sau con người cũng leo lên trên sự kiện để đòi quyền sống" và nhà văn chân chính thì bao giờ cũng "mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống, nhất là tình yêu thương con người". Sau cách mạng, những sáng tác của Nguyễn Minh Châu đều xuất phát từ cảm hứng thế sự, từ cái nhìn hiện thực đa chiều, mang đậm chất triết lý nhân sinh. Điều đó đã giúp ông nhận ra đời sống con người bao gồm cả quy luật tất yếu lẫn những điều may rủi khó lường, ông day dứt về việc con người phải chấp nhận những nghịch lý không đáng có.

Cach-viet-doan-danh-gia-noi-dung-nghe-thuat-cua-tac-pham-trong-tam-9

Nguyễn Minh Châu tâm niệm: "Văn học ra đời để gìn giữ trong từng con người - một cái gì hết sức mong manh và luôn run rẩy... một cái gì đó thật là như vậy, nhưng thiếu nó trong con người thì y rằng con người ấy không thể sống giữa quần thể loài người được, và trở thành một tai họa cho loài người". Và truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" cũng gói trọn những suy tư, trăn trở của ông. Đó là gánh nặng mưu sinh giam hãm vợ chồng người dân hàng chài trong cảnh tối tăm, đói khổ, bấp bênh. Điều ấy khiến người chồng trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo. Còn người vợ vì thương con nên nhẫn nhục, chịu đựng sự ngược đãi của người chồng mà chị không hề biết chính việc ấy đã làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại. Vì thương mẹ, cậu bé trở nên thù địch với cha, nhưng rồi liệu trong tương lai cậu bé có thể sống khác cha mình hay cũng chỉ là một bản sao - cũng tàn tệ vũ phu như người cha? Đằng sau câu chuyện là cái nhìn ấm áp, nhân hậu của nhà văn: Sự trân trọng, tin yêu vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử, sự bao dung và can đảm của người phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp sáng chói, hào hùng mà là những "hạt ngọc khuất lấp", lẫn trong lấm láp lam lũ đời thường. Theo ông, tình yêu của người nghệ sĩ vừa là niềm hân hoan say mê vừa là nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh. Điều này đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho thiên truyện.

Xem thêm: Triết lý nhân sinh qua cuộc hoán đổi "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận