Các bài tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ y tế
Nhiều F0 sau khi âm tính đã gặp phải các di chứng ở phổi. Chính vì thế, Bộ y tế đã đưa ra các bài tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 để người dân cải thiện sức khỏe lá phổi.
Bên lề Hội nghị thường niên về quản lý chất lượng và phòng chống COVID-19 diễn ra vào chiều 18/2 tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Thị Phượng, chuyên gia hô hấp, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y- Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiều số liệu trên thế giới chỉ ra rằng chỉ có khoảng 10-20% số trường hợp mắc COVID-19 là có biểu hiện các dấu hiệu của hội chứng hậu COVID-19. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh và nó sẽ kéo dài trên 12 tuần và có thể kéo dài hơn.
PGS Phượng cho biết thêm, virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể trong giai đoạn cấp tính. Vì thế ở giai đoạn hậu COVID-19 do di chứng tổn thương của đa cơ quan, triệu chứng hậu COVID-19 cũng gặp ở nhiều cơ quan.
Bệnh nhân có nhiều triệu chứng như mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ho, có người có dấu hiệu tâm lý, stress, có trường hợp mất mùi, mất khứu giác vẫn còn... Nhìn chung, triệu chứng hậu COVID-19 chủ yếu vẫn là các triệu chứng về hô hấp.
Nguyên nhân chính gây hội chứng hậu COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Ngoài ra còn do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo...
Các nghiên cứu đã chỉ ra những di chứng thể chất có thể gặp như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, mệt mỏi... Và những di chứng về tâm lý, tinh thần như suy giảm nhận thức, mất ngủ, vấn đề về trí nhớ, trầm cảm. Tuy gây tổn thương đa cơ quan, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi. Đây là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu COVID-19 với biểu hiện hô hấp thường là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng hô hấp. Cụ thể:
- Bệnh xơ phổi: Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu COVID-19, gồm: Tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; Bệnh đồng mắc hoặc bệnh phổi kẽ có từ trước; bệnh nhân ở mức độ nặng. Đa số bệnh nhân có bất thường sẽ có các triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và các bất thường chức năng hô hấp. Cần lưu ý nguy cơ xơ phổi hậu COVID-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần bị nhiễm COVID-19 vẫn còn tình trạng: Thở nhanh, ho, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 <95%).
- Tắc mạch phổi: Tắc mạch phổi là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19 từ mức độ nặng hoặc trung bình trở lên. Thuyên tắc phổi cấp tính cũng có thể biến chứng thành các trường hợp COVID-19 nhẹ và nó xảy ra muộn trong quá trình bệnh. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên kết quả xét nghiệm D-Dimer máu cao, kèm theo dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi, chẩn đoán bằng chụp CT phổi có tiêm thuốc cản quang dựng hình động mạch phổi.
Vậy nên, theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, việc tập phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện sớm cho người bệnh bị xơ phổi hậu COVID-19, giúp cải thiện khả năng dụng nạp với gắng sức của người bệnh, tình trạng thở nhanh hậu COVID-19 và tình trạng sức cơ và cơ học hô hấp. Các bài tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm:
- Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi và từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.
- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên. Thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.
- Kỹ thuật tập ho có kiểm soát:
+ Người bệnh thở chúm môi khoảng 5-10 phút, giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa.
+ Tròn miệng hà hơi 5 đến 10 lần,tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản.
+ Ho: Hít vào thật sâu, nín nở và ho liên tiếp 2 lần, 1 lần nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát, căng giãn lồng ngực, hà hơi.
- Tập thở với các dụng cụ hỗ trợ: Bóng, Spiroball.
- Tập giãn cơ.
- Tập tăng sức mạnh sức bền với các dụng cụ tập tạ, bóng chày, băng chun, leo cầu thang, tập cơ đùi,tập cơ căng chân.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, người dân nên cảnh giác theo dõi sức khỏe trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc cho đến khi đã khỏi bệnh để hạn chế những nguy cơ hậu COVID-19 có thể gây ra và khuyến cáo không tái khám nếu những bệnh nhân này không có bất kỳ triệu chứng hô hấp hay triệu chứng nào khác.
Xem thêm: Ăn trước khi lấy mẫu test COVID-19 có làm sai kết quả không?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận