19 bạn trẻ có ngoại hình khác biệt chụp bộ ảnh đặc biệt lan tỏa ý nghĩa vươn lên
Bộ ảnh mang tên DISABEAUTY hoặc "This (is) a beauty" (đây là một vẻ đẹp), do nữ nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ (còn gọi là Andi Nguyen, ngụ TP.HCM) cùng ê kíp thực hiện.
Những người mạnh mẽ
Chia sẻ về ý tưởng của DISABEAUTY đến một cách đầy tình cờ trong một lần chị rời bỏ nhịp sống đô thị về vùng quê yên bình.
"Trước đây, khi là sinh viên, mình được biết và đi chơi với nhóm các anh chị thuộc cộng đồng người khuyết tật, trong đó có 2 người đã làm thay đổi nhận thức của mình. Một trong số đó đã tạo cú hích cho một đứa như mình từ thích chữ chuyển sang thích hình. Mình thấy giá trị một cá nhân được phần lớn mọi người xem là "cần giúp đỡ" thực ra lại có nguồn năng lượng lớn mạnh đến mức có thể giúp ngược lại mọi người", chị Nhi Ngờ nói.
Đây là bộ ảnh mà chị đã muốn thực hiện từ lâu nhưng phải đợi đến lúc bản thân có những trải nghiệm và hiểu biết vừa đủ. Khi chia sẻ dự định với một số bạn trong nghề, ai cũng sẵn sàng chung sức nên chị đã mạnh dạn triển khai.
Bộ ảnh được chị và ê kíp thực hiện trong vòng 2 tháng. Nhi Ngờ ngỏ lời với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD Vietnam) về mong muốn của mình và được trung tâm hỗ trợ kết nối các nhân vật. Trong bộ ảnh, nữ nhiếp ảnh gia và ê kíp đã dùng hình tượng thực vật, cây cỏ, vì với chị đó là hình ảnh mạnh nhất khi muốn nói về sức sống. Những con người thuộc cộng đồng này đã lựa chọn niềm vui, sự tích cực và sẵn sàng truyền cho người đối diện năng lượng mà họ đã gom bồi trong suốt chặng đường chiến đấu và chấp nhận.
"Dự án này như một lời tri ân của mình và ê kíp gửi đến những bạn trong cộng đồng người khuyết tật. Với chúng tôi, họ là những người có năng lượng nội tại mạnh mẽ, hai chữ "khuyết tật" chỉ là hình thái bên ngoài cùng sự chưa nhận thức đủ mạnh của xã hội để tối ưu điều kiện tiếp cận cuộc sống bình thường cho họ, như có lối đi, vị trí ưu tiên, nhà vệ sinh thiết kế đúng, trang thiết bị hỗ trợ trong các phương tiện di chuyển, sinh hoạt, học tập và hơn hết là văn hóa tiếp cận sức khỏe tinh thần…", nữ nhiếp ảnh gia nói về thông điệp của bộ ảnh.
Được truyền năng lượng tích cực
Trong 19 nhân vật của bộ ảnh, có sự xuất hiện đầy ấn tượng của chị Ngọc Hiếu (22 tuổi, ngụ TP.HCM), sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn Lang. Cô gái cho biết mình bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, khi 2 chân không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn. Là một người thích được chụp ảnh, ngay khi biết tới dự án của chị Nhi Ngờ và ê kíp, Ngọc Hiếu hào hứng tham gia.
"Trong ảnh, có một Ngọc Hiếu với phiên bản rất khác. Những người bạn của em khi xem xong cũng phải ngạc nhiên không nhận ra em. Lúc trước, em tự ti về khiếm khuyết của mình, không thích chụp ảnh. Nhưng từ khi lên đại học, đặc biệt là khi thực hiện bộ ảnh, em tự tin hơn, yêu bản thân nhiều hơn", cô gái trẻ bày tỏ.
Tương tự, chị Nguyễn Tiểu Hy (23 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết quá trình thực hiện bộ ảnh là lần đầu tiên chị tiếp xúc với những người có ngoại hình khiếm khuyết giống mình. Chị có cơ hội được mở lòng và giao lưu với mọi người. "Đặc biệt khi làm việc với chị Nhi Ngờ cùng những người bạn trong ê kíp của chị, mọi người rất dễ thương, nhiệt huyết. Trong quá trình chụp, chị rất tâm lý luôn, vậy nên em tự nhiên và thoải mái, không bị gượng gạo. Bộ ảnh thực sự đã truyền cho em cảm hứng và động lực rất nhiều", Tiểu Hy nói.
Là một nhiếp ảnh gia tự do ở TP.HCM, Nhi Ngờ từng thực hiện nhiều bộ ảnh nhận được sự yêu thích trên mạng xã hội. Chị hy vọng trong tương lai sẽ được cùng nhiều người, nhiều tổ chức thực hiện những bộ ảnh hoặc các hoạt động mang lại giá trị hơn nữa cho cộng đồng, không chỉ riêng cộng đồng người khuyết tật.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Chàng trai "hồi sinh" rác thải, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận