Ôn thi tốt nghiệp THPT: Biểu tượng ánh lửa trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"
Ánh lửa ấm áp giữa cái lạnh giá của đêm đông trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
“Biểu tượng văn hóa lửa có vai trò như là cổ mẫu, mẫu gốc, là nguồn ý nghĩa mang đậm nét văn hóa dân tộc...”. “Còn lửa là còn sự sống, còn tình yêu, khi đã “tắt lửa lòng” cũng là khi người ta đã tuyệt tình cạn nghĩa. Người ta thắp lửa là muốn thắp lên sự sống...” (Đoàn Tiến Lực). Ngọn lửa đã trở thành người bạn tâm giao chung thủy, là tri âm tri kỉ đã đồng hành cùng con người qua bao thăng trầm và phát triển. Lửa xua tan cái buốt lạnh của đêm trường, lửa lan toả sự ấm áp rực rỡ để mọi người cùng nhảy múa, chuyện trò, chuyền tay hơi ấm cho nhau. Ánh sáng của lửa vừa huyền diệu vừa mang theo nét đẹp văn hoá truyền thống của người vùng cao; thứ ánh sáng cháy rực trong đêm đen thẳm sâu hun hút của núi rừng đại ngàn hùng vĩ. Ánh sáng ấy của ngọn lửa đọng lại trong tâm trí mỗi người quây quần bên nó, được nó chiếu rọi và sưởi ấm khỏi cô đơn giá lạnh đêm đông.
Trong những ngày từng đợt gió rét lùa qua liếp nứa mái nhà len lỏi sâu vào từng ngóc ngách nhỏ, ngọn lửa cũng đồng thời gửi những tia sáng hoà tan cái lạnh dài và buồn ấy. Vì lẽ đó mà Mị đã nương vào ngọn lửa giữa đêm đông, cô vịn bám vào nó bằng tất cả những điều mình có thể. Cô cần ngọn lửa sưởi, cần từng hơi thở ấm áp hoà quyện vào lửa để xua tan đi giá lạnh nơi tâm hồn. Thế nên ngọn lửa gắn bó cùng Mị qua mỗi đêm dài không chỉ đã buộc chặt hơi ấm vào thân thể Mị, mà còn dùng sức mạnh phục sinh của mình để ủi an trái tim băng giá trong cô, xoa dịu tâm hồn cô bằng thứ tình tâm giao giữa người và lửa trong tối tăm mịt mờ. Người dân vùng núi cao từ xưa đến nay đều trân trọng bếp lửa của ngôi nhà, đều giữ gìn và tôn kính ngọn lửa ấy để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần kiên gan, bền vững; thứ sức mạnh từ niềm tin được chở che để con người nhỏ bé có thể can trường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng cái ác, hướng đến cái thiện.
Gắn bó với con người, với những tâm hồn khao khát tự do tự tại giữa triền đồi xanh thẳm, ngọn lửa của gian bếp đi cùng tiếng hân hoan ngây ngất giữa những đêm tình mùa xuân trai gái gọi nhau; gắn bó với tâm sự trĩu lòng đơn độc của cô gái người Mèo trong đêm đông trằn trọc. Giữa cái tĩnh lặng của đêm, ngọn lửa sáng bừng rọi chiếu vào niềm ưu tư trong Mị, ta tự hỏi lòng rằng liệu có giây phút nào thứ ánh sáng huyền diệu ấm áp ấy đã xuyên sâu vào lớp tàn tro nơi tận cùng đáy tâm can Mị, khơi dậy một tia lửa nhỏ của khát vọng nhen nhóm bập bùng trong đó chăng?
Ánh lửa phục sinh nhiệm màu ấy đồng hành cùng Mị trong cuộc sống sinh hoạt mỗi ngày, khu cô gái trơ trọi, lầm lũi, câm lặng sau khi bị trói đứng và thoát khỏi nguy cơ cái chết đớn đau từ sợi dây trói ấy đã dường như chỉ còn biết bầu bạn với ngọn lửa. Khi dóm lò, bung ngô, nấu cháo cho lợn, Mị đều ở cùng ngọn lửa. Những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày lẽ ra sẽ nhàm chán và vô vị, nhưng nhờ có ngọn lửa, những công việc ấy lại tạo cho Mị một không gian được ở gần ngọn lửa, xoa dịu sự cô quạnh, hoang tàn trong trái tim cô. Vì thế, dù bị A Sử đánh và ngăn cản Mị gần với ngọn lửa, cô vẫn mạnh mẽ tìm đến lửa để tâm tình với thứ ánh sáng diệu kì ấy. Cô mong mỏi bầu bạn với ngọn lửa, khát khao được cùng lửa sẻ chia mọi vui buồn của đời sống, khát khao được cùng với người bạn duy nhất mà cô có - cùng ngọn lửa nếm trải sự ấm áp quý giá.
Ngọn lửa như một tấm gương phản chiếu chân thực sinh động trái tim Mị, bởi có lẽ sâu thẳm trong trái tim ấy vừa đong chứa sức nóng của sự phục sinh, nhưng cũng vừa chứa đựng cơn thịnh nộ đến nỗi hoang tàn; cháy bỏng mãnh liệt trong đêm xuân đến mức không còn gì cho mình, chỉ còn lại xác tàn tro.
Ta nhớ trong giây phút cô với tay lấy chiếc váy hoa đi chơi giữa ánh sáng của ngọn đèn ấm, biết bao hi vọng đã được thắp lên theo ngọn lửa ấy, men theo tiếng sáo mà rẽ ra một con đường. Nhưng cũng chính A Sử khi thổi tắt ngọn đèn, khép cửa buồng lại đã dần dùng sự tăm tối và giá lạnh của lòng người để thổi tắt hi vọng trong cô. Mị với được chiếc váy hoa, lại không với được cuộc hành trình đang chờ đón.
Đến đêm đông, ngọn lửa bên Mị không còn từ ánh đèn le lói giữa căn buồng nhỏ bé tối tăm; ngọn lửa sưởi ấy bập bùng rực rỡ, trở thành tri âm tri kỉ quậy cựa bao nỗi niềm trong cô. Nhưng lần này, dù vẫn bị A Sử ngăn cản, Mị đã đủ chai lì để chống chọi mà kiên gan ở cùng ngọn lửa, không để A Sử thổi tắt, không để mình lạnh căm.
Dưới ánh sáng phản chiếu của ngọn lửa, dòng nước mắt của A Phủ hiện lên lấp lánh. Trái tim cứng cỏi như đá tảng trơ gan của Mị chợt mềm oặt đi, thấm đẫm nỗi bi thương khi nhìn cảnh của người lại nhớ đến mình ngày trước, khi bao mảnh hồn đầy sức sống của người phụ nữ trong ngôi nhà này đã từng bị vùi dập không chút tiếc thương, đã từng lấp chôn cuộc đời mãi mãi trong cơn đau đớn mà sợi dây trói mang đến - trói cả thân người, trói cả cuộc đời mong manh, nhỏ bé. Ngọn lửa đã dẫn đưa ánh mắt Mị chạm vào ánh lấp lánh đầy bất lực của dòng nước mắt A Phủ; nước mắt của sự bất lực, nước mắt của sự không cam lòng, nước mắt của niềm thiết tha cuộc đời rộng lớn sắp khép lại. Ngọn lửa ấy như một sứ giả để gửi ánh sáng soi chiếu cho Mị biết thương mình, biết thương người trong cùng một cảnh huống trớ trêu.
(Cre: Thưởng Thức Sách)
Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp THPT: Top những kết bài "Vợ chồng A Phủ" siêu hay
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận