Ngô Quyền và nhận định như lời sấm truyền báo trước kết cục của Nam Hán: 'Hoằng Tháo là đứa trẻ dại khờ'

"Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại" - đó là câu nói bất hủ của anh hùng đất Đường Lâm - Ngô Quyền. Nhận xét đó giống như lời sấm truyền báo trước sự đại bại của chiến thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy.

Đỗ Thu Nga
08:00 07/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh hùng đất cổ có 3 nốt ruồi quyền quý ở lưng

Trong sử sách, Ngô Quyền được gọi là Ngô Vương hoặc Tiền Ngô Vương, quê ở thôn Cam Lâm, xứ Đường Lâm (nay là làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Có thuyết nói rằng tổ tiên của Ngô Vương gốc ở châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), sau di cư ra Bắc đến sống ở làng Đường Lâm, được vài đời thì sinh ra thiên tử.

Ngô Quyền xuất thân trong gia đình có nhiều đời làm hào hữu, cha là Ngô Mân (có tên khác là Ngô Đình Mân, Ngô Côn, Ngô Tiên Phủ) làm châu mục Đường Lâm. Thân mẫu là Phùng Thị Tịnh Phong, cũng là người Đường Lâm, thuộc dòng dõi của Bố Cát Đại vương Phùng Hưng. 

Chính sử không chép rõ năm sinh của Ngô Quyền nhưng dã sử cho biết, Tiền Ngô Vương sinh vào ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tị (897). Có một số thuyết khác nói vua sinh năm Mậu Thân (898), hoặc sinh năm Kỷ Mùi (899).

biet-tuong-dich-la-dua-tre-ranh-hieu-thang-ngo-quyen-da-diet-the-nao
Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm

Đại Việt sử ký toàn thư chép về nguồn gốc tên của Ngô Quyền như sau: "Khi vua mới sinh, có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm chúa một phương, nên cha vua mới đặt tên là Quyền".

Do là nhân vật nổi tiếng khắp vùng nên ông được Dương Đình Nghệ (người đánh bại quân Nam Hán năm 931) gả con gái là Dương Phương Lan và giao cho trấn giữ vùng Ái Châu. Bằng tài năng của mình, Ngô Vương đã đem lại cuộc sống thanh bình, no đủ cho vùng đất này.

Vào năm 905, Khúc Thừa Dụ - hào kiệt An Nam cùng nhân dân đánh đuổi viên Tiết độ sứ người Trung Quốc, giành lại tự chủ cho dân tộc, xưng làm Tiết độ sứ (nhà Đường buộc phải sắc phong, sau là nhà Hậu Lương). Sau khi ông mất, con là Khúc Hạo tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước.

Khi quân Nam Hán kéo sang xâm lược nước Việt, bắt Tiết độ sứ và tái lập nền cai trị vào năm 930, 1 tướng tài của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Hán thắng lợi. Tuy nhiên, sau sáu năm trị vì, ông bị một nha tướng là Kiều Công Tiễn giết hại đoạt ngôi.

Con rể của ông là Ngô Quyền kéo quân từ Thanh Hóa ra tiêu diệt nội phản Kiều Công Tiễn. Sợ hãi trước đội quân này, Kiều Công Tiễn cử người mang của cải sang Nam Hán xin vua Hán xuất binh tương trợ. Lợi dụng việc này, nhà Nam Hán huy động đại quân vượt biên tiến đánh nước ta với âm mưu thôn tính, biến An Nam thành quận huyện 1 lần nữa.

Câu nói bất hủ như lời sấm truyền của Ngô Vương

Vua Nam Hán lúc bấy giờ là Lưu Cung mượn cớ sang giúp Kiều Công Tiễn, cho con là Hoằng Tháo làm Giao vương lãnh đội thủy quân tiến vào nước ta theo dòng sông Bạch Đằng. Còn mình tự làm tướng đóng quân ở trấn Hải Môn để làm thanh viện.

Mùa đông năm Mậu Tuất (938), gió mùa đông bắc tràn về, thiên nhiên cũng như hưởng ứng quân Nam Hán, điều này càng làm cho đạo quân thiện chiến đó phấn khích, chủ quan. Chúng nghĩ rằng có thể tiêu diệt và chiếm đất Nam dễ dàng. Ai ngờ, đây lại là mở đầu cho một thất bại nghìn thu trên sông Bạch Đằng của quân Nam Hán. 

biet-tuong-dich-la-dua-tre-ranh-hieu-thang-ngo-quyen-da-diet-the-nao-6
Vạn vương Hoằng Tháo (bên phải) thống lĩnh đại quân tiến đánh Giao Châu

Để đương đầu với giặc phương Bắc hung hãn, Ngô Quyền huy động binh sĩ, tướng lĩnh từ Ái Châu ra Giao Châu tiêu diệt nội phản họ Kiều, chặt đứt người nội gián khi quân Nam Hán tiến vào nước Nam để xâm lược. Sau đó, với tài năng của mình, ông huy động toàn bộ sức người, sức của của đất nước vào cuộc chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng.

Quân đội dưới trướng của Ngô Vương ngoài 3000 nghĩa binh cảm tử đánh trận Đại La năm 931 thì còn có thêm 1 lực lượng binh sĩ ở châu Ái và hào trưởng khắp vùng, cùng đông đảo nhân dân ủng hộ.

Trong đó tiêu biểu là: Đội quân của Lã Minh (Thuận Thành Bắc Ninh); Phạm Bạch Hổ (Hưng Yên); Đỗ Cảnh Thạc (Quốc Oai, Hà Nội); Phạm Chiêm (Hải Dương); Đinh Công Trứ (Ninh Bình); Dương Tam Kha (Thanh Hóa)...

Khi đã sắp đặt xong mọi kế hoạch đánh giặc, Ngô Quyền nói với các bộ tướng của mình: 

"Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được.

Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn, vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát".

Nhận định của Ngô Quyền như một lời sấm truyền báo trước sự đại bại của chiến thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy. Và thực tế, lịch sử diễn ra đúng kịch bản đó.

Đại thắng trên sông Bạch Đằng

Ngô Quyền với tố chất của một nhà quân sự kiệt xuất, biết địch biết ta, đã có được sự tự tin vốn có khi nhận định, Hoằng Tháo là "đứa trẻ ranh". Và đã là "trẻ ranh" thì chắc chắn hiếu thắng. Vậy nên mới đặt bẫy cho cáo sa vào, dùng quân nhàn mà diệt quân nhọc. Và thế là cọc gỗ bịt sắt được đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, để rồi những gì sau đó đã đi vào lịch sử dân tộc.

Đến sử phương Bắc là Tân ngũ đại sử cũng phải để lại đôi dòng về trận đánh ê chề này của quân Nam Hán: "Quyền cho đóng cọc sắt dưới biển, quân của Quyền nhân nước triều mà tiến, Hồng Tháo đuổi theo, nước triều rút, thuyền trở lại, đâm phải cọc đều lật chìm. Hồng Tháo chiến tử. Nghiễm thu thập tàn quân mà quay về”. Dẫu không ghi cho hào hùng lên được vì ở vị thế kẻ thất trận, nhưng đoạn chép trên so với sử Nam, cho thấy được thực tế thất bại của Nam Hán.

Vẫn Việt sử tiêu án cho hay, khi thuyền địch tới Bạch Đằng thì “đợi nước thủy triều lên, thuyền quân của Tháo vào rồi, lập tức khiêu chiến, giả cách thua chạy, để cho quân địch đuổi theo. Nước thủy triều rút xuống rất chóng, thuyền của địch đều mắc vào gỗ nhọn lật úp cả. Quyền thừa thắng đánh mạnh, bắt giết được Hoằng Tháo, Nghiễm thương khóc, thu nhặt tàn quân bỏ về nước”.

biet-tuong-dich-la-dua-tre-ranh-hieu-thang-ngo-quyen-da-diet-the-nao-0
Tranh dân gian Ngô Quyền đánh quân Nam Hán

Đã đại bại lại mất con, vua Nam Hán lúc này như rùa rụt cổ, chỉ còn biết nhỏ lệ thương con, lui quân giữ mình chẳng dám "thanh viện" như dự định nữa. Đúng cái cảnh ấy được Đại Nam quốc sử diễn ca mô tả là: "Bạch Đằng một trận giao phong/ Hoằng Thao lạc phách Kiều Công nạp đầu".

Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra chỉ trong một ngày mà giành được độc lập, tự chủ cho dân tộc, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, ý nghĩa lớn lao đến nhường nào, đúng như lời sử thần Lê Văn Hưu đã nói:

“Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang lại nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”.

Trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm viết về Ngô Vương Quyền như sau: "Bạch Đằng chiến thắng lặng phong ba/ Gây nên vương nghiệp, dứt can qua".

Trận Bạch Đằng ấy thật xứng với lời nhận định trong Việt sử đại toàn: “Trận đánh Bạch Đằng làm nền gốc cho sự khôi phục quốc thống về sau”. Còn cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử bình diễn ca thì đã gọi Ngô Quyền là “Tổ trung hưng thứ nhất” của nước ta.

Xem thêm: Chính sử đã "quên" ghi rõ công lao của những vị tướng nào trận Bạch Đằng 938?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận