Bật mí tiêu chuẩn khắt khe để trở thành người kéo Quốc kỳ ở Cột cờ Hà Nội

Những người được lựa chọn để kéo cờ ở Cột cờ Hà Nội phải có kinh nghiệm, bình tĩnh, có sức khỏe tốt. Và điều quan trọng nhất là không có bệnh lý về tim mạch.

Đỗ Thu Nga
19:00 16/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cột cờ Hà Nội xây dựng trong giai đoạn lịch sử nào?

Cột cờ Hà Nội (hay Kỳ đài Hà Nội) là 1 trong những công trình đặc biệt còn trường tồn với thời gian trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ khi hoàn thành, trải qua hai cuộc kháng chiến, Kỳ đài Hà Nội vẫn đứng sừng sững.

Theo sử sách, Cột cờ Hà Nội được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Đứng từ vọng gác trên đỉnh cột cờ có thể quan sát toàn bộ thành Thăng Long xưa và vùng ngoại thành. Thực dân cũng sử dụng công trình này để làm đài quan sát, kết nối liên lạc nên Kỳ đài không bị phá hủy. 

bat-mi-tieu-chuan-de-tro-thanh-nguoi-keo-co-o-cot-co-ha-noi
Ảnh tư liệu về Cột cờ Hà Nội

Kỳ đài Hà Nội chỉ cách Đoan Môn (cổng chính dẫn vào Cấm thành xưa, hiện nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long) khoảng 300m; cách điện Kính Thiên (khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long) 500m và cách cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long chừng 1.000m.

Từ vọng gác phóng tầm mắt ra xa có thể thấy một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ Thăng Long xưa. Từ hướng Bắc của Cột cờ có thể thấy nhiều di tích cổ như Đoan Môn, Lầu Công chúa, Cửa Bắc; hướng Đông nhìn ra Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm; hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh và không gian thoáng đãng nằm ở hướng Nam.

Về kết cấu của Cột cờ Hà Nội: Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng 1: Mỗi chiều 42,5m; cao 3,1m; Tầng 2: Mỗi chiều 27m; cao 3,7m; Tầng 3: Mỗi chiều 12,8m; cao 5,1m; có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại đều có đắp 2 chữ tuỳ theo từng hướng: Cửa Đông - Nghênh Húc (迎旭  – đón nắng ban mai), Cửa Nam - Hướng Minh (向明 – hướng về ánh sáng), Cửa Tây - Hồi Quang (回光 – ánh sáng phản hồi).

bat-mi-tieu-chuan-de-tro-thanh-nguoi-keo-co-o-cot-co-ha-noi-0

Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên. Trên tầng 3 là thân cột Cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13m với thân cao 18,2 m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng (và thông hơi) bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có tới 5 hoặc 6 cửa sổ.

Phía đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ cao 8m, phía trên treo cờ đỏ sao vàng. Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4 m gồm 3 tầng đế cao 12m, cột cao 18,2 m, lầu 3,3 m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 40 m.

Hiện nay, Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Tiêu chuẩn chọn người kéo cờ ở cột cờ Hà Nội

Theo báo Tiền phong, lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng (lá Quốc kỳ của Việt Nam) tung bay trên Cột cờ Hà Nội là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Vào ngày 10/10/1954, tất cả người dân Hà Nội đều hướng về phía Cột cờ Hà Nội để chứng kiến lễ thượng cờ. Khi đó, một hồi còi dài nổi lên, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều, lá cờ Tổ quốc được kéo tung bay theo nhịp khúc quân hành. Trước đây, cờ đỏ sao vàng chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết, kể từ năm 1986 đến nay, cờ luôn tung bay trên nóc Kỳ đài.

Trung tá Đỗ Hồng Sơn - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết: Do cột cờ có vị trí đặc biệt, lại ở trước mặt Bộ Tổng tham mưu nên được nhiều đơn vị giám sát. Riêng tại Bảo tàng quân sự Việt Nam, đơn vị bố trí một tổ (gồm 7 người là các cán bộ chiến sỹ của phòng Hành chính tổng hợp) làm nhiệm vụ trông nom, chăm sóc toàn bộ khu vực Cột cờ. Trong đó, riêng tổ đảm bảo lá quốc kỳ có 3 người.

bat-mi-tieu-chuan-de-tro-thanh-nguoi-keo-co-o-cot-co-ha-noi-9

Cũng theo Trung tá Sơn, việc kéo cờ được các cán bộ đảm bảo thường xuyên 24/24, bất kể nắng mưa. Khi cờ bạc màu hay bị rách thì ngay lập tức sẽ được tổ đảm bảo thay lá cờ mới. Đặc biệt, trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, cờ sẽ được thay mới. 

Lá cờ được tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước rộng 4 mét, dài 6 mét, bề mặt có diện tích 24 mét. Cờ được đặt may tại một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để đáp ứng yêu cầu khắt khe về kích thước, màu sắc cũng như chất lượng. 

Được biết, lá cờ tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội được may bằng chất liệu vải phi bóng, được may 3 đường chỉ, góc cờ chần hình quả trám, đuôi cờ được chần nhiều lần để có thể chịu được gió to, bão lớn.

Thượng úy Lưu Ngọc Huân (người có 4 năm kinh nghiệm trong tổ đảm bảo cờ) chia sẻ: Những người được lựa chọn để kéo cờ phải có kinh nghiệm, bình tĩnh, có sức khỏe và quan trọng nhất là không có bệnh lý về tim mạch. Do chân cột cờ nằm trên vọng gác cao nhất, mái được thiết kế dốc hình nón, trong khi người kéo cờ phải đứng thẳng người lên để kéo cờ phải được đảm bảo an toàn (con người, hệ thống cờ) bằng hệ thống đai an toàn.

bat-mi-tieu-chuan-de-tro-thanh-nguoi-keo-co-o-cot-co-ha-noi
Thượng úy Lưu Ngọc Huân, người có 4 năm nhận nhiệm vụ trong tổ đảm bảo cờ (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Việc thay cờ phải có 3 người vì khi hạ cờ ở trên túm phần đuôi, níu xuống để hai người phía dưới giữ lại, không để cờ tung lên theo gió,động tác thực hiện phải nhanh gọn, dứt khoát. Nếu không có người trợ giúp, người kéo sẽ bay trong không trung như một người vừa nhảy dù từ máy bay. Khi kéo cờ phải làm theo quy trình ngược lại, hai người ở dưới níu lá cờ, người ở trên nhanh tay luồn cờ rồi từ từ kéo.

Thượng úy Lưu Ngọc Huân còn chia sẻ thêm: "Khó khăn nhất là những ngày bão gió, cờ nhanh bị rách và phải thay khi gió to, mưa lớn trơn trượt. Có trận bão tháng 8/2018, tổ đảm bảo cờ 3 người phải mất hàng giờ đồng hồ mới thay được quốc kỳ”.

Kể từ năm 1986 (khi cờ được treo thường xuyên) cột cờ bằng sắt đã được thay bằng thép không gỉ. Dây kéo được làm bằng sợi cáp bọc inox, phía ngoài được bọc bằng lớp nhựa dẻo. Năm 1989, Kỳ đài được công nhận là di tích lịch sử, trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. 

(Theo Wiki, báo Tiền Phong)

Xem thêm: Ca sĩ Tùng Dương thu âm "Quốc ca", hé lộ lý do đặc biệt đằng sau

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận