Bán tẻ Phú Nhi - Đặc sản xứ Đoài bắt nguồn từ chuyện tình buồn 

Bị cha ngăn cấm, Nhi ốm tương tư, sinh bệnh rồi mất. Phú cũng không lấy vợ, một lòng với người yêu. Hàng năm vào ngày giỗ của Nhi, Phú đều mang bánh ngon đến cúng.

Đỗ Thu Nga
11:00 14/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Về vùng đất xứ Đoài thăm chùa Mía, đền Và, làng cổ Đường Lâm... được ăn thử món bánh tẻ đặc sản, ai nấy đều muốn mang về làm quà. Món bánh tẻ này có tên gọi đầy đủ là bánh tẻ Phú Nhi. Đằng sau nó là một chuyện tình buồn ít người biết.

Ông Kiều Huấn (người xứ Đoài) kể, từ khi sinh ra, ông đã nghe bố mẹ kể lại sự tích chiếc bánh tẻ quê hương mìn. Ông cũng mang câu chuyện này kể lại cho thế hệ sau.

Tên gọi "Phú Nhi" được ghép từ tên của chàng trai Nguyễn Phú và nàng Hoàng Nhi. Nguyễn Phú là người làng Giáp Đoài, con của bà Trọng làm nghề bán trầu vỏ, bố làm nông dân. Còn Hoàng Nhi là con bà Hương làm nghề nấu bánh đúc bán ở chợ. Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ, rồi đem lòng quý mến. 

Một lần, Phú sang nhà Nhi trò chuyện. Hai người mải tâm tình mà quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp. Khi mở ra đã quá muộn, bánh đúc nửa sống nửa chín. Bố Hoàng Nhi tức giận đuổi Phú về, không cho đôi trẻ tiếp tục qua lại. 

Phú tiếc nồi bánh đúc nên đem về, làm thêm nhân mộc nhĩ, thịt nạc, rồi ra vườn lấy lá dong, lá chuối khô gói lại, mang đi luộc. Khi bánh chín, mùi thơm bay ngào ngạt, ăn nóng, nguội đều ngon.

banh-te-phu-nhi-dac-san-xu-doai-bat-nguon-tu-chuyen-tinh-buon

Bị cha ngăn cấm, Nhi ốm tương tư, sinh bệnh rồi mất. Phú cũng không lấy vợ, một lòng với người yêu. Hàng năm vào ngày giỗ của Nhi, Phú đều mang bánh đến cúng. Sau này, Phú đã truyền lại bí quyết làm bánh cho người dân trong làng.

Bánh tẻ Phú Nhi ra đời từ câu chuyện tình yêu buồn đó. 

Hiện nay, người dân Phú Nhi lưu truyền tích này và cho đó là truyền thuyết về sự ra đời của chiếc bánh tẻ Phú Nhi. 

Là người con của làng, ở tuổi 86, ông Huấn chứng kiến nhiều thăng trầm của quê hương, và hết sức tự hào khi nhắc tới bánh tẻ đặc sản quê hương mình. 

Ông cho rằng người dân đã rất sáng tạo khi làm ra chiếc bánh tẻ bởi “cơm tẻ là mẹ ruột”, ăn cơm tẻ sẽ không biết ngán, không nóng ruột.

“Ăn bánh tẻ là ăn vật chất nhưng phải ăn cả tinh thần mới ngon”, ông Huấn nói. Bởi theo ông, đó không chỉ là món ăn quê hương rất ngon từ bột gạo, nhân thịt, mộc nhĩ, mà nó còn chứa đựng tinh hoa của quê hương, chứa đựng niềm tự hào nơi mình sinh ra và lớn lên.

Đối với ông, không có gì quý hơn khi món ăn quê mình được cả nước biết đến. Thế nên dù có đi đâu, ông vẫn thấy chỉ có bánh tẻ quê mình, do người quê mình làm là ngon nhất. 

Xem thêm: Lời cuối cùng của cuộc đời - Câu chuyện nhân văn sâu sắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận