Bàn về phong cách viết của Kim Lân

Phong cách là những gì độc đáo hiển hiện, nhưng cũng là chất đời thấm đẫm sâu trong từng câu văn.

Đỗ Thu Nga
12:00 09/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phong cách là những gì độc đáo hiển hiện, nhưng cũng là chất đời thấm đẫm sâu trong từng câu văn. Phong cách không chỉ thể hiện từ sự khác biệt, mới lạ, “khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...” như Nam Cao viết trong “Đời thừa”; mà nó còn ẩn sâu thâm trầm trong từng ý tứ, sự rung cảm và chất văn chất đời nơi tư tưởng tác phẩm, cách viết chân phương, mộc mạc của nhà văn. Ở điều bên ngoài có vẻ bình thường nhất vẫn tồn tại một phong cách riêng; ở điều dung dị chân thành nhất vẫn bộc lộ dáng dấp khác biệt của người cầm bút. Phong cách của nhà văn Kim Lân chính là nét phong vị dịu dàng, thuần hậu như thế.

Đào Nguyên Phương từng nhận xét về nhà văn “Vợ nhặt”: “Kim Lân là nhà văn tài hoa của làng quê. Ông viết không nhiều, nhưng những tác phẩm đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Văn nghiệp Kim Lân không thể tính đếm, đong đo bằng lượng, mà phải cảm nhận bằng chất, bằng tinh hoa văn hóa Kinh Bắc được chưng cất, chắt lọc nên những tác phẩm có giá trị bền bỉ, độc đáo, đặc sắc trên hai phương diện văn học và nghệ thuật”; “Kim Lân là người chỉn chu, ý tứ, tinh tế, trau chuốt kỹ lưỡng. Ông rất kỹ tính trong nghề văn, không cho phép sự cẩu thả với nghề. Một chữ viết ra ông đều trân trọng, nâng niu”.

ban-ve-phong-cach-viet-cua-kim-lan-8

Trên những trang văn của mình, ông là người nghệ sĩ “biết rung động thực sự, không chỉ phản ánh hiện thực như chính sự tồn tại của nó mà sự phản ánh ấy còn phải mang cả dấu ấn cá nhân của mình”. Các em có thể viết về phong cách của Kim Lân qua một số góc nhìn và quan điểm của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về nhà văn xứ Kinh Bắc tài hoa này nhé:

01

“Nếu nói như Nguyễn Tuân nghề văn là nghề của chữ thì người viết văn này thật đã có một tay nghề vững chãi. Trong tay những ông thợ mộc tài hoa các loại gỗ có dịp phô ra hết vẻ đẹp để trở nên đắc dụng trong từng công việc thế nào thì chữ nghĩa trong tay Kim Lân cũng như vậy. Dưới sự điều khiển của ông, những con chữ hiện ra trên mặt giấy dễ dàng, thanh thoát, đâu ra đấy mà không lộ rõ sự dụng công phiền phức, hình như từng chữ biết tìm đúng vị trí của nó để tồn tại, những chữ người khác dùng đã bao lần rồi, đến tay ông vẫn tươi mới, như vừa được dùng lần đầu.”

02

“Liệu viết bao nhiêu tác phẩm thì một ngòi bút trở thành một nhà văn? Tôi lẩn mẩn tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy, nhân nghĩ về trường hợp Kim Lân. Vâng, viết nhiều viết khoẻ thì hay biết mấy rồi, nhưng trong văn học vẫn có những trường hợp như Phan Huy Vịnh sống với một bài dịch, Thôi Hữu chỉ còn lại với một bài thơ, và ngay trong văn xuôi, đầu thế kỷ này, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn mỗi người chỉ có dăm bảy truyện ngắn. Cho nên, mặc dù rất tiếc là Kim Lân không viết được nhiều, tôi cũng như một số đồng nghiệp khác vẫn phải công nhận chỉ với mấy truyện ngắn đã in nhà văn này vẫn có chỗ đứng của mình trên văn đàn; Kim Lân chính là một kiểu tồn tại trong cái giới nhà văn kỳ lạ thời nay".

03

“… Đằng sau cái bề ngoài xuềnh xoàng của một con người cứ muốn tự xóa mình đi ấy là một ngòi bút có cá tính, một kiểu đóng vai lâu ngày đã hoá tự nhiên”.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Dàn ý ngắn gọn nhưng đầy đủ về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận