Bàn về nỗi nhớ và mạch thơ trong "Tây Tiến"

Đây là một bài viết hay của TS. Chu Văn Sơn, các bạn học sinh nên tham khảo để nâng trình viết văn của mình.

Đỗ Thu Nga
16:00 05/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong lần in thứ hai, Quang Dũng đã tước bớt đi chữ "nhớ" ở nhan đề, tên bài thơ thơ mới còn như hiện nay là "Tây Tiến". Có lẽ, không chỉ vì thấy thừa, mà còn có lý do khác: sợ lộ và hẹp. Có cần phải phơi lộ nỗi nhớ vốn chan chưa khắp toàn bài lên ngay cái nhan đề hay không? Chả cần, đọc vào, sẽ thấy. Thêm chữ, lắm khi làm hẹp nghĩa, hẹp tầm. "Nhớ Tây Tiến" là cái tựa đề có vẻ khuôn mẫu vào loại nỗi niềm có phần riêng tây. Còn "Tây Tiến" xem ra đã khái quát hơn, lại kiêu hùng hơn. Nó như muốn thâu tóm cả đất trời Tây Tiến, cả cuộc hành binh Tây Tiến vào một bức tranh toàn cảnh chưa cả thiên nhiên cùng trận mạc. Mà thực là như vậy, quy mô Tây Tiến có thể không lớn, nhưng tính chất của nó thì có khác nào một cuộc vạn lí trường chinh. Đến nay, qua bao thăng trầm, Tây Tiến đã chứng tỏ: tự nó là một thế giới nghệ thuật nguyên vẹn, thế giới thăng trầm ấy sẽ còn lưu giữ được lâu dài bầu khí quyển lịch sử của cái thuở ban đầu dân quốc ấy.

Cảnh sắc nằm im lìm trong kí ức vốn chỉ như những tĩnh vật trong bảo tàng, dù là kí ức của một thời chưa xa. Không có thần khí của xúc cảm thổi vào, hình bóng vạn vật dù mỹ lệ đến mấy vẫn chỉ là hóa thạch. Nỗi nhớ dậy lên làm một luồng sinh khí, nó soi tràn đến đâu, cũng tưới tắm đến đấy, muôn vàn hình sắc trong kí ức bấy giờ mới bừng tỉnh để sống đời hình tượng của chúng với tất cả vẻ tươi tắn sơ nguyên. Trong miền kí ức Tây Tiến, cả những chi tiết nhỏ nhất cũng được thấm đượm, bao bọc, chan hòa bởi một nỗi nhớ chập chùng da diết. Nỗi nhớ truyền sức sống cho từng bông lau, từng bó đuốc, từng vách đá, từng chóp mây, khiến chúng thành hồn lau hắt hiu nẻo bến bờ, thành đuốc hoa tưng bừng đêm hội diễn, thành thác dữ oai linh, đỉnh lũ ngang tàng, thành biên ải mồ hoang, góc rừng sốt rét,... Nỗi nhớ lúc thì chơi vơi bất định, lúc thì nôn nao cồn cào. Tất cả như được châm ngòi từ câu mở đầu, nó là cái khoảnh khắc nỗi nhớ thương tràn bờ buộc ra thành tiếng kêu vang động: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!" Câu thơ bảy chữ, thì đã có tới bốn chữ là địa danh, và đã có hình ảnh trực tiếp nào đâu, thế mà nó cư vọng xa vào khộng gian, dội sâu vào tâm tưởng. Nó là tiếng vọng của một quá khứ thăm thẳm không cịu nguôi yên trong tâm can người thi sĩ. Chừng như, kể từ giây phút ấy, chúng không còn là những địa danh vô cảm, vô can trên bản đồ nữa. Từ khoảnh khắc ấy những chữ kia đã cất giữ cho Quang Dũng cả một quãng đời. Bởi thế, toàn bộ bài thơ như một thế gới được bao bọc trong bầu khí quyển riêng của nỗi nhớ này.

ban-ve-noi-nho-va-mach-tho-trong-tay-tien-8

Thơ viết bằng nỗi nhớ từ xưa đến nay khó mà kể hết. Nhưng ít có bài nào mà nhớ nhung lại được biểu đạt bằng nhiều chữ lạ và ám đến vậy. Người đọc Tây Tiến, làm sao quên được chữ "nhớ chơi vơi" trong câu: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"Chơi vơi là trạng thái của nỗi nhớ hay trạng thái của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hẫng hụt của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó, hay là cái chập trùng xa cách của rừng núi miền Tây? Thật khó tách bạch. Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ chơi vơi ấy. Có phải đó là trạng thái chập chờn rất riêng của cõi nhớ chăng? Chữ "nhớ ôi" này cũng thế: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Nghe cứ nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải "ôi nhớ" lối cảm thán quen thuộc. Cũng không phải "nhớ ôi là nhớ!" thật thà, khẩu ngữ. Không phải là "nhớ ơi" như tiếng gọi hướng ra người. Mà là "nhớ ôi" như tiếng kêu hướng vào mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nhớ nhung bất chợt cồn lên, kẻ nhớ không thể cầm lòng, đã vỡ òa ra thành tiếng kêu than. Buột miệng ra, mà dư ba súc tích. Lạ thay là ngôn ngữ thơ! Rồi đây, Tây Tiến sẽ khuất dần sau những thăng trầm lịch sử, nhưng tiếng kêu kia hẳn sẽ còn gieo được những bồi hồi một thuở vào lòng kẻ đọc mai sau! Tây Tiến cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.

Một nỗi nhớ ám đến vậy không thể không can thiệp sâu vào tổ chưa thi phẩm. Có thể thấy cấu trúc ở đây chính là cấu trúc của nỗi nhớ. Tuy được viết theo điệu hành, kiểu cổ phong, nhưng mạch thơ chính là mạch nhớ. Một mạch nhớ rất Tây Tiến. Nghĩa là có tuân theo thời gian, nhưng thời gian không điều hành tất cả, có tuân theo lộ trình, nhưng lộ trình cũng không độc quyền trói buộc, có tuân theo cung bậc cao dần của cảm xúc, nhưng cũng không phải hối hả một lèo. Người đọc vẫn có thể làn thao tuyến thời gian, lần thao lộ trình hành binh nào đó của bước chân Tây Tiến. Nhưng mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt kỉ niệm, với những sực nhớ miên man, nhưng vụt hiện bất chợt, mà trong đó các địa danh có khi chỉ hiện thoáng một dòng tên, có khi là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cũng song hành và đan xen cả hai mạch: vừa gian khổ hào hùng, vừa thơ mộng hào hoa. Ví như: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Bởi cái tôi Tây Tiến vừa kiêu hùng vừa nghệ sĩ, nên mỗi kỉ niệm muốn được lưu trong tâm hồn ấy cũng phải hòa hợp được cả hai nét lãng mạn kia.

Như thế, chính nỗi nhớ chập chùng và chơi vơi đó là nhân tố đâu tiên đã thống nhất các đối cực phong phú của Tây Tiến vào một nguồn cảm hứng sáng tạo.

Xem thêm: Thế nào là một truyện ngắn hay?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận