Bàn về giá cả bán Thúy Kiều trong "Truyện Kiều"

Thương vụ mua bán Thúy Kiều chính chi tiết đắt giá trong "Truyện Kiều". Và thương vụ ý được đem ra cò kè "bớt một thêm hai" thế nào?

Đỗ Thu Nga
10:20 11/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thương vụ mua bán Thúy Kiều được kết thúc sau cuộc mặc cả khó khăn giữa băng nhân (mụ Mối, Mối) – đại diện cho gia đình Vương viên ngoại (Vương ông) – và Mã giám sinh, được thể hiện qua hai câu thơ 647 & 648: “Cò kè bớt một thêm hai, / Giờ lâu ngã giá vàng (vâng) ngoài bốn trăm”. Nhưng ở hai câu 829 & 830: “Hẳn ba trăm lạng kém đâu, / Cũng đà vừa vốn, còn sau thì lời”, ta thấy họ Mã đang rất tâm đắc với món hàng quốc sắc thiên hương và sính nghi giá rẻ – có ba trăm lạng! Vậy, câu hỏi đặt ra là hơn một trăm lạng đã “đi” đâu?Lâu nay, người ta tranh luận khá sôi nổi về giá gả bán Thúy Kiều là ba trăm hay hơn bốn trăm lạng, lạng ở đây là vàng hay bạc, và “vàng” hay “vâng” trong câu 648? Trong bài viết này, tôi góp thêm lời bàn của mình ở một góc nhìn khác về vấn đề trên, để quý vị độc giả tham khảo.

1. Ba trăm hay hơn bốn trăm lạng? Có người cho rằng Nguyễn Du đã nhầm. Tôi đồng ý với tác giả Vị Nhiên Hương trong bài viết “Nguyễn Du có nhầm không”, được đăng trong ấn phẩm “Cõi người ta” – tập 1 của Hội Kiều học Việt Nam là Nguyễn Du không nhầm, nhưng quan điểm thì khác. Tôi chưa được đọc hết tất cả các bài viết, tranh luận về vấn đề này nên không biết có ai có suy nghĩ giống mình không? Tôi thấy lạ là các bài viết mà mình đã được đọc, không có tác giả nào chú ý đến mụ Mối! Vậy, vai trò của mụ Mối như thế nào trong việc làm “biến mất” hơn trăm lạng?Khi Vương ông bị thằng bán tơ vu oan giá họa oa trữ tơ gian, để tránh cho cha khỏi cảnh tù tội, Thúy Kiều phải quyết định bán mình để chuộc cha, với suy nghĩ “Để lời thệ hải minh sơn, / Làm con, trước phải đền ơn sinh thành”. Trong tình cảnh gia đình Vương ông hoảng hốt ngẩn ngơ, rối bời, thì lại già họ Chung như vị cứu tinh đã đứng ra lo lót nhà quan, với cái giá là ba trăm lạng thì việc này mới xuôi! Sự tình đã được họ Chung tìm kiếm và ngỏ lời với Mối để tìm khách mua Kiều. Tất nhiên, họ Chung phải cho Mối biết rằng gia đình Vương ông đang cần bán Kiều với giá ba trăm lạng để chạy chọt cho tai qua nạn khỏi, để Mối liệu bề mà mặc cả với khách. Đến đây, ta thấy vai trò của họ Chung trong việc mua bán Kiều đã hết. Từ đây đến kết thúc cuộc mua bán là vai trò của Mối. Mối vén tóc, bắt tay Kiều rồi ép Kiều đánh đàn nguyệt và làm một bài thơ lên quạt cho họ Mã thấy hết cái đẹp, cái tài của Kiều để “hét” giá thật cao (“Mối rằng giá đáng nghìn vàng”). Tôi cho rằng: Sau khi Mối đã giới thiệu cho họ Mã xem xét kỹ tài – sắc của Kiều thì Mối cho Kiều lui vào “buồng trong” để hai người bí mật mặc cả. Kiều cũng không có lòng dạ, tâm trí nào mà ngồi lại để nghe hai người mặc cả mua bán mình như một món hàng, bởi lúc bước ra từ “buồng trong” để ra mắt họ Mã, Kiều đang trong tâm trạng “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”.Vì thế, trong suốt cuộc mặc cả, bên gia đình Vương ông không có ai chứng kiến. Sau khi hai bên “Cò kè bớt một, thêm hai” thì “Giờ lâu ngã giá vàng (vâng) ngoài bốn trăm” và thủ tục tiếp theo là lập văn tự việc mua bán. Tuy nhiên, trước khi lập văn tự, Mối đã yêu cầu họ Mã phải đưa trước cho Mối hơn trăm lạng gọi là tiền công mai mối, vì thế trong văn tự chỉ ghi giá thỏa thuận là ba trăm lạng. Tôi không đồng ý với tác giả Vị Nhiên Hương khi cho rằng họ Mã “… đã lật lọng, bắt bí gia đình Vương ông dù đang hoạn nạn, dẫu đã giao kèo mua nàng Kiều với giá bốn trăm lạng, nhưng khi biết sự tình thì chỉ trả có ba trăm lạng vàng mà thôi, miễn sao hắn có lợi, nhiều lời …”.Ngày xưa, việc mai mối được xã hội thừa nhận là một nghề hẳn hoi và việc dựng vợ gả chồng dứt khoát phải có vai trò của người mai mối mới được gọi là danh chính ngôn thuận. Xong xuôi việc hỉ sự, tùy theo mức độ hài lòng của gia chủ hai bên mà việc thưởng cho người mai mối nhiều hay ít. Nhưng đây không phải là việc mai mối bình thường mà thực chất là vụ mua – bán Kiều. Mối thừa biết rằng tài sản gia đình Vương ông đã bị bọn sai nha “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” rồi, nên gia chủ không còn gì để thưởng cho thị. Về phía họ Mã, Mối cũng không thể trông chờ vào lòng hảo tâm của y, một khi y đã “Cò kè bớt một thêm hai”, và bản chất của y là bủn xỉn, keo kiệt. Mối sống bằng nghề mai mối nên dày dạn kinh nghiệm, lão luyện trong nghề, rất thực dụng và cơ hội – phải đáp ứng được yêu cầu của gia chủ nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi cho mình – nên đã tìm cách tự thưởng cho mình hơn trăm lạng (bây giờ người ta gọi là tiền cò mồi), chẳng lẽ làm mai mối không công à?! Cũng cần nói thêm rằng, trong việc mai mối, thường thì chủ nhà nhờ cậy người quen biết, địa chỉ rõ ràng và có uy tín để đảm bảo được việc nhưng không xảy ra bất lợi cho mình. Nhưng ở đây, ta thấy Mối không cần giữ uy tín, danh dư. Vì thế, Nguyễn Du đã cho Mối một lí lịch trích ngang rất mơ hồ, chung chung: tên là: “mụ nào”, tuổi: không biết, địa chỉ: “gần miền”! Họ Mã gặp Mối, đích thị là kẻ cắp bà già gặp nhau rồi, đâu dễ lật lọng tráo trở! “Hẳn ba trăm lạng kém đâu / Cũng đà vừa vốn, còn sau thì lời” – Nguyễn Du đã để cho họ Mã tự nói ra cái giá cả thật mua Kiều. Y thừa biết rằng ba trăm lạng mới là giá cả thật, hơn bốn trăm lạng là chi phí thực tế của thương vụ mua bán do Mối tự đẩy giá cao lên để kiếm lời (tất nhiên nó phải thế – “luật” bất thành văn mà!), còn giá trị thật của nàng Kiều phải xứng đáng nghìn vàng như Mối đã ra giá ban đầu – đây thực là “cái uẩn ảo” (lời của tác giả Vị Nhiên Hương), cái tinh tế, cái tài ba của Nguyễn Du! Có ai đó đã nói về việc họa sĩ vẽ rồng như thế này: một họa sĩ tài ba không phải vẽ nguyên hình một con rồng đang bay lượn mà là vẽ con rồng đang ẩn hiện giữa những đám mây! Nguyễn Du đã khéo tạo ra cái thực thực hư hư để cho người đời sau tha hồ mà tranh luận! đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức sống kỳ diệu cho Truyện Kiều.Tôi cũng xin trao đổi thêm với tác giả Vị Nhiên Hương về từ “canh thiếp”. Theo học giả Lê Văn Hòe trong Truyện Kiều chú giải thì: “Canh thiếp là cái thiếp biên niên canh (tuổi và ngày sinh, tháng đẻ). Tục tàu, trước khi lấy vợ lấy chồng, nhà trai nhà gái trao đổi canh thiếp của trai, gái để so đôi tuổi xem tốt xấu thế nào”, không phải là “mảnh giấy viết thỏa thuận” việc mua bán Thúy Kiều như tác giả Vị Nhiên Hương nói.

ban-ve-gia-ca-ban-thuy-kieu-trong-truyen-kieu-8

2. “Vàng” hay “bạc”?Tôi khẳng định là “vàng” vì hai lý do sau: Một là, Mối đã ra giá với họ Mã là “vàng” – “Mối rằng giá đáng nghìn vàng” – thì sau khi mặc cả, ngã giá cũng phải là “vàng” thì mới hợp với văn lý, mới nhất quán, nếu là “bạc” thì tiền hậu bất nhất.Hai là, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng “vàng” để đánh giá giá trị tài sắc của Kiều (các câu: 645, 854, 1456, 1902, 1990, 2804), tả sức hấp dẫn, quyến rũ của Kiều (câu 826), nói về giá cả mua bán Kiều (câu 648 và 686), nói về sự khó khăn của Kiều trong việc tìm kiếm người tri kỷ, có thể tin tưởng để trao thân gửi phận (câu 2187, 2190), đánh giá ân nghĩa của mụ quản gia và vãi Giác Duyên đối với Kiều (câu 2346, 2347, 2348), làm quà cho Kiều và lễ vật để thuyết hàng Từ Hải (câu 2458, 2460), chỉ cái thân quý báu của Kiều (câu 545, 2616) và của Kim Trọng (câu 2804), và đánh giá phẩm hạnh của người con gái thông qua sự trinh tiết (câu 3095):Câu 545: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay”. Câu 645: “Mối rằng giá đáng nghìn vàng”. Câu 648: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Câu 686: “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao”. Câu 826: “Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa”. Câu 854: “Thân nghìn vàng để ô danh má hồng”Câu1456: “Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân”Câu 1902: “Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”. Câu 1990: “Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài”Câu 2187: “Chút riêng chọn đá thử vàng”. Câu 2190: “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình”. Câu 2346: “Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương”. Câu 2347: “Nghìn vàng gọi chút lễ thường”Câu 2348: “Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân”. Câu 2458: “Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng”. Câu 2460: “Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân”. Câu 2616: “Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi”. Câu 2804: “Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao ?” Câu 3095: “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng”Chỉ có một trường hợp duy nhất tác giả dùng “bạc” là có chủ ý rõ ràng, đó là câu 2331, 2332: “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, ]/ Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”. Bạc, không phải vàng! Tại sao ân nghĩa của Thúc sinh, mụ quản gia và vãi Giác Duyên đối với Kiều đều nặng như núi nhưng khi báo ân lại có sự khác nhau: mụ quản gia và vãi Giác Duyên là “Nghìn vàng gọi chút lễ thường”, còn Thúc sinh thì “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”? Đây là một điểm trừ “dễ xứng” mà Kiều “dành” cho Thúc sinh vì sự hèn nhát, bạc nhược không dám đứng ra bảo vệ Kiều trước một Hoạn thư quỷ quái tinh ma. Kiều báo ân vì nghĩa trọng nghìn non song vẫn không quên trách khéo, hờn giận, mỉa mai, chua chát: “Lâm tri, người cũ, chàng còn nhớ không?”, “Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?”. Tác giả thật là khéo léo, tinh tế! Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng khi viết bài này mới phát hiện và hiểu từ “dễ xứng” nghĩa là thế nào! Như vậy, với mười chín lần xuất hiện ở những văn cảnh khác nhau, ta thấy Nguyễn Du hoàn toàn nhất quán trong việc dùng “vàng” và “lạng” ở đây là lạng vàng.

3. “Vàng” hay “vâng”? Đọc lại hai câu 647 và 648 “Cò kè bớt một thêm hai, / Giờ lâu ngã giá vàng (vâng) ngoài bốn trăm”, ta thấy Nguyễn Du đang kể lại quá trình “đàm phán” khó khăn giữa Mối và họ Mã và cái giá thuận mua vừa bán được chốt lại, không phải là lời của Mối hay của họ Mã. Vì thế, nếu dùng từ “vâng” thì là ai “vâng” và “vâng” với ai? Nếu dùng từ “vâng” thì theo lo-gic phải hiểu là Nguyễn Du “vâng”, nhưng Nguyễn Du “vâng” với ai? Không ổn! Còn dùng từ “vàng” thì hoàn toàn hợp lý – đó là lời khẳng định của Nguyễn Du qua “câu văn” kể chuyện. Tóm lại, tôi ủng hộ “môn phái vàng”.

Xem thêm: Nhân bản, nhân đạo và nhân văn trong văn chương

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận