Bài viết 9,5 điểm về Tràng và Chí Phèo đầy xúc động

Nếu bạn đang bí văn thì đừng bỏ qua bài viết đầy xúc động này nhé. Nó sẽ trở thành tài liệu hay cho bạn.

Đỗ Thu Nga
12:00 30/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tôi ấn tượng về nhà văn Kim Lân chẳng phải vì ông là một cây bút văn xuôi tài năng. Mà bởi vì ông là một trong số hiếm nhà văn viết về những kiếp người nhỏ bé, những kẻ yếu thế, nhất là người nông dân ở chốn làng quê Việt Nam với tất cả sự trân trọng, nâng niu. Khi viết về họ, những lời văn của ông giản dị thôi nhưng lại gây xúc động lạ lùng: những người nông dân thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh; nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn thiết tha yêu đời.

Điều đó càng được khắc hoạ sâu sắc và cụ thể hoá hơn qua truyện ngắn “Vợ nhặt”, in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Thiên truyện đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ. Bên cạnh việc khắc hoạ chân dung và tâm lý của nhân vật bà cụ Tứ, thị (người vợ nhặt), thì nổi bật hơn cả là việc thể hiện thành công hai mặt tính cách tưởng chừng như đối lập, nhưng lại cùng song song tồn tại của nhân vật Tràng. Khi bàn luận về nhân vật Tràng, có ý kiến cho rằng: "Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng".

Trên phông nền u ám của năm Ất Dậu khi ấy, có lẽ, chưa bao giờ cái đói trở nên đáng sợ và khủng khiếp như thế. Thông qua những chi tiết cụ thể, chân thật, cái khổ đau, cùng mạt của người nông dân Việt Nam, trong đó có Tràng sẽ dần dần được hé lộ.

Bằng ngòi bút tả thực đầy bất ngờ, Kim Lân đã dựng lên vô vàn những nghịch lý, tưởng chừng như nó không bao giờ có thể xảy ra. Đó là khi “cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào”, thay vì tiếng trẻ con trêu đùa ríu rít như mọi khi thì hiện lên giờ đây là hình ảnh chúng nó ngồi ủ rũ, buồn không nhúc nhích, ngay cả con đường dường như cũng khẳng khiu ra. Không gian, cảnh vật năm đói tràn qua từng “khuôn mặt hốc hác, u tối”, “những lũ người dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma”. Thảm hại hơn “họ nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Chỉ một trang văn ngắn gọn, nhà văn đã dựng lên một bức tranh chết chóc thảm đạm tới mức khủng khiếp, gây xúc động, đau thương trong lòng người đọc. Thật trớ trêu, Kim Lân đã để anh Tràng “nhặt” được vợ trong cái khung cảnh tối sầm, nghiệt ngã ấy. Cơ hồ đó là lúc người ta chỉ nghĩ tới miếng ăn phàm tục để thoát khỏi cái đói, cái chết, để được tồn tại, thì ai còn nghĩ đến việc lấy vợ, làm đám cưới, cái thân mình lo không nổi lại còn đèo bòng. Ấy vậy mà Tràng đã làm điều đó, cái điều mà người ta nói là dị thường trong hoàn cảnh bấy giờ. Đó là việc anh đưa một người đàn bà về làm vợ khiến tình huống thật sự trớ trêu, vừa bi thương, lại vừa hài hước.

Tình huống đã gây cho nhiều người sự ngạc nhiên tột độ vì tất cả đều không tin và không dám tin rằng giữa thảm cảnh đói khát này lại có người nông nổi và liều lĩnh như thế. Đó là điều ấn tượng nhất mà người đọc thấy ở Tràng. Điều đáng nói hơn ở đây đó chính là anh chỉ tình cờ gặp người đàn bà ấy trong hai lần kéo xe bò lên tỉnh. Hơn nữa, việc Tràng hào phóng chiêu đãi một người đàn bà xa lạ hẳn bốn bát bánh đúc chẳng phải là quá bồng bột, ngốc nghếch hay sao? Bởi vốn dĩ Tràng làm gì có tiền, công việc kéo xe cũng chỉ dăm ba bữa, long đong, lận đận, tiền công lại không có nhiều, thậm chí chính bản thân anh cũng lo không nổi một bữa no cho mình thì hà cớ gì phải làm người tốt trong lúc này.

bai-viet-95-diem-ve-trang-va-chi-pheo-day-xuc-dong-9

Có lẽ, Tràng cũng đã nghĩ như vậy, nhưng rồi anh “Chậc, kệ!”, và gợi ý thị về chung nhà với mình trước hàng tá những nỗi lo đang thường trực trước mắt. Tự hỏi, đây có đúng là phút giây phó mặc, bất cần đầy liều lĩnh của một anh nông dân khù khờ, hiền lành, chất phác đó không?

Nếu thiên truyện chỉ kết thúc ở đây thì nó đã chẳng phải là “con đẻ” của Kim Lân. Chắc chắn nhà văn chỉ bật mí khi “trong tim anh mọi thứ đã thật ứ đầy”. Đúng thế, tình thương sẽ khoả lấp trái tim khi con người nhận thức được điều đó, với Tràng cũng vậy.

Là Tràng thật sự bao dung, thương người, hay là Tràng ế vợ, cô đơn đã lâu nên mới khát khao có một mái ấm nho nhỏ? Cả hai chăng? Đúng thế, là cả hai. Hơn ai hết, mong muốn có vợ trong Tràng thật sự mãnh liệt, dẫu rằng trong vài chi tiết hé lộ khá kín đáo nhưng nhà văn đã cho người đọc thấy được điều đó.

Một lần, Tràng đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, tưởng đâu như vô ý hò một câu cho đỡ nhọc nhưng hoá ra lại đầy tình ý:"Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!"

Khi thị nhận lời, “Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế”. Rồi cả trong câu nói vu vơ nhưng đầy tình thương và thành ý: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Chao ôi! Kỳ diệu thay, tình người, khát khao hạnh phúc như ngọn lửa thổi bùng lên thứ ánh sáng tốt đẹp, nó sẽ mang đến cho cuộc đời những món quà vô giá, để con người cảm thấy muốn sống, sống đẹp hơn trong những ngày cằn cỗi, khắc nghiệt.

Nhà văn Kim Lân muốn nhấn mạnh với bạn đọc điều gì qua khát vọng hạnh phúc gia đình của Tràng? Cái tặc lưỡi “Chậc, kệ!” lúc trước kia không phải là sự phó mặc liều lĩnh nữa, mà hơn cả đó là tình thương yêu của anh với người cùng khổ. Anh chấp nhận đương đầu với những khó khăn hiện tại và cả sắp tới. Hơn nữa, đó là niềm khát khao hạnh phúc gia đình, nó mạnh mẽ hơn tất cả những khó khăn chồng chất mà không chỉ riêng anh phải gánh chịu. Kim Lân đã diễn tả thật chính xác và cảm động niềm hạnh phúc đang diễn ra trong tâm trí của Tràng, chính điều đó đã làm cái vẻ xấu xí, thô kệch của anh bị lấn át, nhường chỗ cho vẻ đẹp tự bên trong tỏa sáng.

Với những câu văn thật tha thiết, Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc niềm xúc cảm sâu xa. Sự đói khát đã không làm giảm đi giá trị tình người mà ngược lại, được hạnh phúc, được yêu thương mới quý giá hơn hết thảy, ngay cả khi người ta tưởng cuộc sống không còn gì ngoài bát cơm manh áo.

Có lẽ, dụng ý của nhà văn còn được thể hiện ngay cả trong sự vận động của không gian và thời gian. Đó là khi thiên truyện bắt đầu vào buổi chiều chạng vạng, trong khung cảnh tối sầm, chết chóc đe doạ hạnh phúc lứa đôi, nhưng lại được kết thúc vào một buổi sáng khi bình minh lên, mở ra cho cả gia đình Tràng một trang đời mới.Sau tất cả, những gì Tràng còn lại trong tôi là ấn tượng: Anh là một con người bao dung, ấm áp và đầy tình yêu thương. Tràng trong lửng lơ như từ giấc mơ đi ra, cảm nhận được không gian ấm cúng: Ngoài vườn mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Và nghĩ về tương lai tươi sáng sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, đó là chân lý sống, là chuẩn mực đạo đức của Tràng, một anh con trai hiền lành và tốt bụng. Chính vì thế mà anh đã có một gia đình, một mái ấm tình thương, một sự đền đáp vượt xa cả khát khao, mong đợi.

Để viết ra được một tác phẩm thành công như vậy, bên cạnh việc đảm bảo về mặt nội dung thì cũng không thể thiếu những đặc sắc nghệ thuật. Kim Lân chính là bậc thầy trong cách xây dựng tình huống truyện và tâm lý nhân vật, vừa độc đáo, mới lạ, vừa cảm động, sâu xa. Cùng với đó là lối dẫn truyện tự nhiên, hấp dẫn, có nhiều chi tiết đặc sắc và ngôn ngữ giản dị, bình dân, sử dụng nhiều khẩu ngữ được chắt lọc kĩ lưỡng, giàu sức gợi. Tụ hội tất cả những biệt tài đó để nhà văn Kim Lân xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng, một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh, nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng. Như vậy, ý kiến đề bài đã đánh giá xác đáng về nhân vật Tràng: "Anh là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng". Ý kiến này không chỉ giúp bạn đọc có định hướng tiếp cận nhân vật Tràng cũng như truyện ngắn Vợ nhặt dễ dàng hơn ngầm hiểu ra được nhiều ẩn ý nghệ thuật cũng như phong cách, quan điểm nghệ thuật của nhà văn Kim Lân để bạn đọc có thể tiếp cận các tác phẩm khác của ông.

Cũng là viết về đề tài người nông dân, nhưng khác với Kim Lân, ngòi bút của Nam Cao quả thực táo bạo, mạnh dạn hơn rất nhiều. Không biết có phải vì khuynh hướng mà ông theo đuổi và quan niệm nghệ thuật “nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối!” của ông hay không mà Nam Cao lạnh lùng với chính đứa con “Chí Phèo” của mình đến vậy? Hay còn có một nguyên do nào khác. Bởi vốn dĩ, hơn một lần Chí Phèo luôn khát khao được sống, sống lương thiện, sống cho ra một kiếp người. Cũng giống như Tràng, Chí cũng muốn có một gia đình nho nhỏ, “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Nhưng, Nam Cao mới cho hắn được hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có mấy ngày sau đó lại dập tắt, mọi sự bi phẫn, tủi cực đều được dồn nén ở cuối truyện thông qua cái chết đầy đau đớn của Chí.

Cùng là người nông dân, nhưng tại sao Tràng được hạnh phúc, tương lai Tràng lại tươi sáng còn Chí lại rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền được sống, quyền được làm người lương thiện?

Có lẽ, bối cảnh ra đời của truyện mới chính là câu trả lời thích đáng nhất cho số phận và cuộc đời của hai nhà văn với hai nhân vật trên. Với Nam Cao, tác phẩm “Chí Phèo” ra đời trước Cách mạng tháng Tám, đồng nghĩa với việc, số phận và cuộc đời người nông dân hoàn toàn bế tắc, không lối thoát. Chẳng phải vậy mà Chí Phèo với bản chất vốn lương thiện đã chẳng thể tồn tại trong xã hội ấy đó sao? Anh phải tìm đến cái chết để được làm người lương thiện. Còn với Tràng của Kim Lân thì khác, dù lấy bối cảnh là nạn đói năm Ất Dậu (1945) nhưng tác phẩm được viết lại vào năm 1955, tức sau Cách mạng tháng Tám thành công. Đặc biệt, kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới đầy ý nghĩa, điều đó tức là ánh sáng của Đảng, lý tưởng Cách mạng đã thật sự chiếu rọi đến quần chúng nhân dân. Do vậy mà số phận của người nông dân, mà chủ yếu qua nhân vật Tràng, có nhiều điểm khác biệt: Có lối thoát với kết thúc có hậu.

Thông qua hai nhân vật, người đọc có thể cảm nhận được những giá trị nhận thức lớn lao về tình người và niềm khát khao hạnh phúc, cũng như sự nhìn nhận đa chiều để càng trân trọng hơn những phẩm giá tốt đẹp của người nông dân Việt Nam. “Cái đẹp cứu vớt con người”. Vâng, ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là ngọn nguồn sức mạnh giúp nhà văn Kim Lân hoàn thành tác phẩm này. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài người nông dân nói riêng một quan niệm nhân văn mới đầy ý nghĩa. Đây chính là điểm sáng tuyệt vời nhất còn đọng lại mãi trong tâm trí của những người yêu văn.

(Bài viết của Thúy Niềm – HS Trường PTDT NT – Thành phố Yên Bái)

Xem thêm: "Muối" trong tác phẩm "Vợ nhặt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận