"Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm khát vọng về cái đẹp, cái thiện" - Bài văn đạt giải nhất kỳ thi HSGQG 2014

Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn bài văn đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2014.

Đỗ Thu Nga
15:00 29/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI: 

Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm khát vọng về cái đẹp, cái thiện.

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT:

Hê-minh-uê từng tâm sự: “Tôi quý hơn cả là những bản thảo vứt đi của mình. Bởi có chúng, tôi mới nhận ra đâu là những ngôn từ thực sự dành cho tác phẩm của mình”. Ta thấm thía câu nói ấy hơn trong đời sống. Có cái ác, cái xấu, ta mới nhận ra và trân trọng cái đẹp, cái thanh cao. Và văn chương, thế nào là tha thiết với hiện thực, phải chăng là những áng văn không từ chối cái ác? “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Đó chính là nguyên cớ sâu xa.

Văn học chân chính là thứ văn chương bằng câu chữ đi xây đời. Hai từ “chân chính” xác lập ra một biên giới mà chỉ những cây bút tài năng và bản lĩnh, thực sự tha thiết với cuộc đời mới có thể vượt qua.

Văn học chân chính là những áng văn thơ thực sự có giá trị. Những tư tưởng được kết đọng ở tầng sâu, những tình cảm được nung nấu đến độ bỏng sôi mãnh liệt, những ngôn từ thể hiện một bút pháp tài hoa.

Tất cả những điều đó góp phần làm nên một tác phẩm chân chính. Cái đích hướng tới của tác phẩm ấy phải là con người, là cuộc đời này với bao thật giả, trắng đen còn trộn lẫn, cả niềm vui, niềm hoan lạc và cả nỗi buồn, sự đớn đau. Văn chương chân chính phải phản ánh được trọn vẹn, sâu sắc đời sống. Nhưng không chỉ phản ánh không thôi, từ “phản ánh” cho đến “nghiền ngẫm về hiện thực” là một khoảng cách lớn.

Văn học phải đóng vai trò như “thứ khí giới đắc lực” giúp con người kiến tạo nên thế giới này, ngày một tốt đẹp hơn, ngày một người hơn.

Thế nào là một áng văn chân chính? Đó là khi “nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện”. Trước hết văn chương ấy không từ chối, né tránh cái ác. Bởi đơn giản điều ấy là không thể. Khi mà cái xấu, cái ác vẫn ngày ngày hiện hữu ở quanh ta. Cuộc đời đâu chỉ có những bông hoa mà còn có cả những hàng rào dây thép. Đâu chỉ tồn tại cái dịu dàng, thơ mộng mà còn có cả những dữ dội, đắng cay. Lảng tránh những mảng tối của đời sống là lảng tránh hiện thực. Văn học không phải là thứ thuốc tê, xoa vỗ con người ta quên đi đau đớn, để rồi sau đó nỗi đau càng nhức buốt, khó chịu đựng hơn. Văn học phải hoà chung vào với hơi thở cuộc đời. Vốn dĩ trong đời người, tốt xấu đã luôn đan xen, phức hỗn và không ít dịp tường tranh, khiến lòng người bao phen dậy sóng. Mà chẳng phải “văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người” hay sao? Đời người còn khó khăn, hoang mang với bao câu hỏi về cái xấu và cái ác, lẽ nào văn học hèn nhát xua tay?

Không, văn chương cần nói đến cái ác, cái xấu xa. Thậm chí cần nói về nó thật tỉ mỉ, thật sâu sắc, thật thấm thía như khi nói về cái tốt đẹp. Sự tức giận khi chứng kiến chân lí bị đạp đổ, cái đẹp bị xâm hại, tàn phá cũng thôi thúc nhà văn cầm bút không kém gì cảm hứng ca ngợi cái đẹp. Mà những cái xấu xa luôn đi ngược với cái thiện lương. Chúng giành lấy quyền hiện hữu, choán lấy tâm trí con người, dồn đẩy người ta vào tội lỗi. Chúng đang gào thét giành giật ngoài kia, nếu văn chương không vạch mặt có khi người đời chẳng biết, và bán linh hồn cho nó lúc nào không hay.

Văn chương chân chính phải là tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước hố đen tội lỗi, tha hoá. Vậy nên nó nói về cái xấu, cái ác nhưng không phải để ngợi ca mà là để con người thấu tỏ cái bản chất mà tránh xa, mà chiến đấu đẩy lùi. “Khát vọng về cái đẹp, cái thiện” lại hiện hình qua việc lật tẩy bản mặt của cái xấu, trong văn chương điều ấy không xa lạ. Thậm chí nó trở thành phương cách để văn học thực hiện chức năng của nó.

Nếu chỉ toàn ngợi ca cái đẹp, cái tốt, văn chương rất có thể khiến người đọc mỉm cười, hạnh phúc, tin tưởng ở cuộc sống. Nhưng khi mang cái xấu cái ác ra, tác giả gây cho người đọc cái ấn tượng mạnh mẽ, khiến cảm xúc của họ trào sôi. Một khi văn chương tạo ra được ở người đọc cơn sóng lòng dữ dội nghĩa là nó đã bắt ta thôi thờ ơ, thôi hời hợt. Nó bắt ta trăn trở và suy nghĩ. Và từ cái cách mà nhà văn miêu tả cái ác đến thậm tệ, khắc hoạ cái xấu, xấu đến ghê tởm, người đọc tự sẽ cảm nhận được thái độ của người viết ẩn giấu đằng sau. Không, không hề ca ngợi cái ác.

Nhà văn đang phê phán nó, để thế giới này tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Văn học chân chính là vậy, nó không lùi bước trước cái ác mà lật đổ nó bằng ngôn ngữ sắc sảo của mình.

Làm một nhà văn, người đi xây đắp tâm hồn cho con người, có lẽ cần phải tâm niệm được điều ấy. Không để cho văn học chỉ tràn ngập một màu sắc lạc quan tô hồng thái quá, nhà văn rất cần đào sâu vào những vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhưng để đi vào con đường tối ấy mà không lạc hướng, người cầm bút phải có cho mình một bản lĩnh vững vàng, một nhận thức sâu sắc về cuộc sống và trên hết là tấm lòng tha thiết, thành thực muốn kiến tạo cuộc đời. Bởi vậy mà không phải nhà văn nào cũng có thể dấn thân vào những góc khuất tối của đời sống và tâm hồn mình để nói lên những lời đanh thép nhưng vẫn chất chứa nghệ thuật văn chương. Nó còn tuỳ thuộc vào phong cách và cảm quan nghệ thuật của người cầm bút.

Ý kiến đã cho ta cái nhìn xác đáng về đặc điểm của văn chương chân chính, đồng thời gợi nhớ những suy ngẫm về cái xấu, cái ác trong văn chương và con đường để nhà văn thể hiện nó trong tác phẩm của mình. Từ đó mà soi vào văn học từ cổ chí kim để nhận ra biết bao áng văn chương chân chính, bao ngòi bút tài năng tha thiết với cuộc đời và con người.

Bai-van-nghi-luan-van-hoc-dat-giai-nhat-quoc-gia-nam-2014-H

Từ thuở hồng hoang, khi con người mới bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về thế giới, người ta đã mang cả cái thiện và cái ác vào trong những câu chuyện kể ngàn xưa. Thần thoại Hi Lạp mở ra cả một thế giới những vị thần ngự trên đỉnh cao mà chi phối cả thế gian. Mỗi cuộc giao tranh của họ làm biến đổi cả thế giới. Thế nhưng dù tôn kính thần linh đến vậy, con người cũng không chỉ biết ngợi ca. Họ cũng nói tới những thói tật, những phần khiếm khuyết của cả người và thần. Con người lắm khi hiếu chiến và ích kỉ, bao nhiêu tai hoạ giáng xuống để trừng phạt những kẻ chà đạp lên hạnh phúc. Thế nhưng hãy nhìn thánh thần kia! Họ chẳng phải cũng quá vô tình khi ăn thịt cả đứa con để bảo vệ ngai vàng trên đỉnh Ô-lympi-a? Chẳng phải họ cũng có thể đấu đá nhau chỉ vì một thỏi vàng, họ cũng có lòng tham?… Thần thánh ấy cũng là hiện thân của loài người. Và tất cả đều có những điều chưa hoàn mĩ, những gót chân A-sin. Nhưng thần thoại trưng ra cái tầm thường của cả người và thánh không phải để ngợi ca hay khuyến khích, cũng không phải để bào chữa cho sự bất toàn của thế gian, mà để làm nổi bật lên hình dáng của những người anh hùng mang khát khao hạnh phúc và công lí, khát khao muôn thuở của loài người. Héc-quyn bị bỏ rơi dưới trần gian, nhưng rồi chàng đã quay trở về để đòi lại công bằng. Trải qua bao cuộc chiến với những vị thần tối thượng, Héc-quyn với sức vóc được con người nuôi dưỡng đã chiến thắng tất cả. Chàng thắng bởi chàng không tàn bạo. Cuối cùng thánh thần cũng chỉ hơn loài người ở sự bất tử mà thôi. Nhưng sự bất tử ấy đôi khi ta không cần tới. Cái ta cần là tình yêu và hạnh phúc trần gian.

Quay về đời sống dân gian Việt Nam với những trang truyện cổ tích màu nhiệm. Ta luôn thấy tồn tại trong thế giới ấy hai tầng lớp. Những người dân hiền lành tốt bụng nhưng lại luôn bị những kẻ xấu hãm hại. Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác luôn diễn ra quyết liệt với phần thắng dành cho cái thiện. Đó là cách mà nhân dân ta nói tới cái xấu để tôn vinh cái đẹp. Mẹ con dì ghẻ trong truyện Tấm Cám hiện ra thật xấu xa, bỉ ổi khi năm lần bảy lượt ra tay tàn độc với Tấm. Nhưng tác giả dân gian đâu có ngợi khen. Bằng chứng là sự hoá thân trở về của Tấm. Từ một cô gái yếu đuối chỉ biết ôm mặt khóc mỗi khi bị hành hạ đọa đày, Tấm đã mạnh mẽ đấu tranh để giành lại hạnh phúc xứng đáng của mình. Xây dựng hình ảnh xấu xa, ti tiện của mẹ con Cám làm đối trọng với vẻ đẹp của Tấm, tác giả dân gian đã gửi gắm vào đó một cái nhìn nghiêm khắc với cái ác. Kẻ làm điều xấu, điều ác sẽ phải nhận một kết cục bi thảm do những tội lỗi nó gây ra.

Vậy là hầu hết những câu chuyện dân gian đều nhắc tới cái ác, cái xấu, từ hình thức cho đến bản chất của nhân vật nhưng vẫn là hành trang thân thiết của tuổi thơ, dạy cho con trẻ những bài học đầu đời, ươm mầm khát vọng lương thiện nơi tâm hồn thơ trẻ sáng trong. Kho vốn dân gian ấy là một kết tụ của những áng văn học chân chính giàu tính thẩm mĩ mà mỗi người lớn chúng ta, mỗi lần gặp lại đều khám phá và cảm nghiệm ra những giá trị mới mẻ và thấm thía.

Văn học chân chính qua bao thời đại vẫn giữ nguyên lập trường về cái xấu, cái ác. Không bao giờ và không ở đâu cái xấu, cái ác lại được đề cao, trân trọng. Văn chương trung đại đã có biết bao bản cáo trạng bằng thơ đanh thép tố cái tội ác của quân xâm lược như Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tại vạ.

Những tội ác mà “trúc Lam Sơn không ghi hết” ấy, nghìn đời không thể dung thứ. Và tác giả của áng “thiên cổ hùng văn” đã thể hiện rất rõ thái độ căm hận đối với tội ác quân thù, giống như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khi xưa mang mối hận “chưa xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu” quân thù. Cái khát vọng bình yên no ấm cho nhân dân, khát vọng tự do cho dân tộc đã được thể hiện qua cách mà các nhà thơ, cũng là những viên tưởng trực tiếp chiến đấu chống ngoại xâm, gửi Bắm trong thơ ca. Cái ác trong văn chương của họ hiện lên làm bất cứ người dân Việt Nam nào cũng phải trào sôi nỗi căm hận quân thù và xót thương cho số phận nhân dân ta,

Không chỉ phơi bày cái ác đến từ ngoại bang, các nhà thơ còn vạch ra căn bệnh của chính quốc dân mình. Như Tú Xương đã không ít lần bày ra cái lồ bịch, nhố nhăng, cái loạn của xã hội nước ta khi bước chân thực dân ùa đến.

Lôi thối sĩ tử vai đeo lọ

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa

Nhà thơ bày ra cái sự đi xuống của nền nếp khoa bảng, tự khắc hoạ nỗi nhục của sĩ tử văn nhân khi trong hội thi của Việt Nam lại thấy bóng dáng của quản xứ, bà đầm. Tú Xương phơi bày cái thực trạng đáng hổ thẹn ấy bằng giọng hài hước, mỉa mai. Ấn sau đó đâu phải là cái đắc ý. Có người dân yêu nước nào lại đắc ý trước cảnh nước mất nhà tan. Sự cay đắng cũng là khao khát của nhà thơ về độc lập và bình yên của đất nước. Tấm lòng tha thiết ấy lại được ẩn sâu đằng sau những vần thơ châm biếm như lời mỉa mai, chế giễu của Tú Xương.

Cho đến thời hiện đại, những nghệ sĩ chân chính tiếp nối dòng văn chiến đấu của cha ông vẫn không ngừng lên án cái xấu và cái ác. Họ đưa vào trong văn chương những bộ mặt “chó đểu” nhất của xã hội. Không còn bị kìm kẹp bởi lễ nghi phong kiến, văn chương hiện đại có thể thoả sức phơi bày những căn bệnh xã hội. Vũ Trọng Phụng đã dựng lên trong trang viết của ông cả một “tấn trò đời”. Tất thảy những gì được dán mác văn minh, tiến bộ đều hoá ra suy đồi, kệch cỡm. Một đám ma to hội đủ tất cả những gì lố lăng bát nháo. Một đám ma mà ai nấy đều vui mừng hí hửng. Không có lấy một giọt nước mắt nhỏ xuống cho người đã khuất mà chỉ có tiếng khóc giả tạo “Hứt!.. Hút!.. Hứt!..” để che giấu một màn thanh toán sòng phẳng. Nó nói lên cái bản chất để tiện của lão Phán, cái thói háo danh đến gàn dở của cụ cố Hồng, cái vô tình bạc nghĩa của đám cháu con. Phải chăng Vũ Trọng Phụng muốn bôi đen cuộc sống? Không, ông chỉ “muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Ông nói lên cái khao khát một xã hội tốt lành lương thiện, nơi người ta sống với nhau bằng những chân giá trị và bằng tình yêu thương. Giọng phê phán nổi rõ trong từng câu chữ của Số đỏ, cái mỉa mai ẩn giấu một nụ cười cay đắng, một giọt nước mắt vị đời.

Tôi biết một nhà văn. Dù người ta gọi ông bằng danh xưng cao quý nào chăng nữa, ấn tượng của tôi về ông đó là kẻ đau nỗi đau của những giấc mộng phù phiếm của Pa-ri. Đó là Ban-dắc. Ông đã dựng lên “tấn trò đời” của xã hội Pháp để người dọc ông không thể dửng dưng. Thử hỏi ai có thể dùng dung cho được trước hình ánh lão Gô-ri-ô, khốn khổ cả đời vì con cuối cùng chết trong đơn độc, chỉ nhận được giọt nước mắt thương vay của một người không cùng máu thịt. Mô tả những sự xói mòn dạo đức xảy ra như cơm bữa như thế, nhà văn gửi gắm cái khát vọng thay đổi xã hội phù phiếm, vô cảm lúc bấy giờ. Đó là lí do cả thế giới tôn vinh ông.

Ý kiến đã nêu lên một nhận xét đúng đắn về văn học. Không từ chối dấn sâu vào cái ác, lột tả nó một cách thấm thía để người đọc có thể nhận ra và khát khao loại bỏ. Nếu văn học chỉ đơn thuần làm lan truyền nỗi buồn, sự tuyệt vọng đến cho người đọc thì quả thực là đáng buồn. Văn học phải là ngọn hải đăng định hướng đến với chân lí.

Dĩ nhiên ta vẫn cần những áng văn đẹp đẽ giúp ta nhận thức về cái hay của thế giới, giúp ta sống lạc quan và yêu cuộc đời hơn. Nhưng văn học, đôi khi cần là thứ thuốc đắng dã tật.

Nhà văn có lẽ đã tìm ra con đường cho nghệ thuật chân chính của mình. Hãy ngụp lặn sâu vào cuộc sống, hỡi những nhà văn. Người đọc hãy hiểu họ và đến với văn chương với tấm lòng chân thực.

Xem thêm: Điểm danh một số khái niệm lý luận văn học dễ xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận