Bà cụ Tứ - người mẹ nghèo trong văn Kim Lân

Bà cụ Tứ - Một nỗi lòng nặng trĩu đắng cay, một tình yêu thương con bao dung trọn vẹn.

Đỗ Thu Nga
10:00 16/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Viết về nhiệm vụ phản ánh và sáng tạo sự sống của văn chương, nhà phê bình văn học Hoài thanh từng nhận xét: “Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”. Đưa những cuộc đời thực, sự vật, hiện tượng thực lên trang viết và từ hiện thực ấy, người nghệ sĩ đã chọn gửi gắm tấm lòng, ngợi ca và trân quý những vẻ đẹp khuất lấp của con người trong khổ hạnh, khốn khó. Nếu như trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa lên hình ảnh một người đàn bà hàng chài dù cho xấu xí, thô kệch, có hoàn cảnh éo le nhưng lại có lòng thương yêu con vô bờ bến thì đến với tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân, ta lại thấy “trong lúc cái chết bao quanh cả xóm làng” thì người mẹ nghèo nơi đây vẫn nhen nhóm ngọn lửa hy vọng, khát khao mái ấm hạnh phúc trọn vẹn cho những đứa con và tin tưởng về tương lai của gia đình mình. Tất cả phẩm chất cao đẹp và đáng quý ấy của bà cụ Tứ đã được khắc họa rõ nét qua tâm trạng trong đoạn trích: “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho… nước mắt chảy xuống ròng ròng”.

Một đứa trẻ từ khi lọt lòng rồi lớn lên đều phải tập nói. Đó là tiếng nói bẩm sinh, tự nhiên. Còn tiếng nói của cuộc đời, của dân tộc, nhân dân thì phải học. Tôi chắc rằng, nhà văn Kim Lân đã học nhuần nhuyễn cái thứ tiếng của đất, của người nông dân. Ông được coi là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Ông có sở trường về truyện ngắn, ngòi bút của ông thật sắc sảo khi tập trung miêu tả những phong tục tập quán và đời sống làng quê với những “thú vui đồng quê hay phong lưu đồng ruộng”. Với cách viết chân chất, mộc mạc nhưng tài hoa, hóm hỉnh và các phong tục tập quán đặc sắc của nông thôn, nhà văn được mệnh danh cây bút độc đáo của đề tài làng quê Việt nam. Thật không chê vào đâu được lời “truyền thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng khi viết về tác giả của " Vợ nhặt". Kim Lân viết “Vợ Nhặt” không lâu sau nạn đói khủng khiếp năm 1945, in trong tập “Con chó xấu xí”. Nhà văn đã tái hiện lại thời khắc lịch sử ghê rợn thê lương, nó hòa nhập giữa cõi âm và cõi trần, giữa sự sống và cái chết , giữa người và ma. Tất cả hình ảnh, âm thanh, con người hiện lên đều rất chân thực, không một chút cường điệu. Không đi sâu vào cái bần cùng thê lương, “Vợ nhặt” mang những vẻ đẹp rất “người”, rất nhân tính xuất phát từ cách ứng xử, thái độ của con người trong chính nạn đói ấy.

Nếu như nói đến văn học là nói đến một phạm trù không giới hạn của nghệ thuật, có khả năng gợi mở mọi chiều kích của các giác quan và trường liên tưởng, thì đây: với tác phẩm “Vợ nhặt” ta không chỉ biết đến một anh Tràng cục mịch, thô kệch, có nhiều lúc ngẩn ngơ như một đứa trẻ mới lớn lại rất đỗi giàu tình thương, một chị vợ “chao chát, chỏng lỏn” lại “hiền hậu, đúng mực” mà còn biết đến một nhân vật đã mang lại cho tác phẩm sự mặn mà, đằm thắm. Đó là bà cụ Tứ. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ, ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng của người mẹ nông dân này. Đến khoảng giữa câu chuyện, Kim Lân mới cho nhân vật Bà cụ Tứ xuất hiện như để hoàn chỉnh hơn ý niệm về một gia đình, trong mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” với người “Vợ nhặt” thông qua tâm lí và hành động.

ba-cu-tu-nguoi-me-ngheo-trong-van-kim-lan-8

Hình tượng bà cụ Tứ dưới ngòi bút của Kim Lân hình như rằng là hiện thân cho số phận của những người nông dân cùng khổ trong xã hội tăm tối đó. Chỉ vài dòng cất bút về những suy nghĩ của cụ Tứ, tác giả đã khơi gợi được hoàn cảnh của cụ: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa, dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà nghĩ đến cuộc đời khổ cực dằng dặc của mình”. Ta nhận ra số phận bất hạnh cứ đang bủa vây cuộc đời người đàn bà ấy. Cuộc đời bà là một chuỗi ngày khổ đau, tê tái. Bà đã vĩnh viễn mất đi người chồng và đứa con gái út yêu thương để rồi phải bươn chải với cuộc đời một mình nuôi con. Dẫu biết thời gian có thể xoá nhoà đi tất cả nhưng vết thương lòng đâu dễ biến tan. Ta không gặp một cơn hấp hối trong đau đớn, cũng chẳng gặp những quằn quại quay quắt, ta chỉ gặp ở đó một con người của hiện tại với một cái thở dài đầy chiêm nghiệm đang nhìn trông về bờ quá khứ. Điều ấy lý giải vì sao con người già cả ấy lại quen đánh giá sự việc bằng kinh nghiệm và sự từng trải, bằng một nỗi lòng đầy ám ảnh của một quá vãng nặng trĩu những đắng cay.

Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở giữa phần trích, sau sự kiện Tràng đưa người vợ nhặt về nhà. Bà cụ xuất hiện trong sự mong mỏi và nôn nóng của Tràng: “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Những từ láy “húng hắng”, “lọng khọng”, “lẩm bẩm” đã làm toát lên hình ảnh một bà mẹ nghèo tội nghiệp trong ngày đói. Nó gợi ra cái vẻ tiều tụy, gầy guộc và luôn trong trạng thái lo lắng với những toan tính tủn mủn của bà lão giữa cái đời sống khốn khổ mà hai mẹ con bà đang phải gồng mình lên để chèo chống qua ngày. Qua một vài chi tiết khắc họa về dáng vẻ bên ngoài của bà cụ Tứ, Kim Lân làm nổi bật hiện thực kinh hoàng của nạn đói Ất Dậu 1945. Sự xuất hiện của bà cũng đồng thời là hình ảnh ẩn dụ cho sự hiện thân của cái đói. Kim Lân rất tinh tế khi miêu tả sự xuất hiện của bà vào buổi xế chiều – tuổi già của bà cụ tứ - quãng thời gian đỉnh điểm của nạn đói. Hình ảnh này gợi sự đau xót về cái nghèo, cái khổ của cả một kiếp người nhưng đến quãng đời cuối cùng vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tròn của đói khổ.

Thường ngày, Tràng chỉ là một đứa con trai cục mịch, khi mẹ về cũng không còn vui vẻ chạy ào ra đón mẹ như lúc nhỏ. Nhưng hôm nay, bà cụ Tứ nhận ra có điều gì rất lạ ở Tràng khi: “Thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ”, rồi còn “chạy lật đật ra đón”. Trước thái độ xởi lởi bất thường kèm theo lời trách móc của con trai, bà lão chỉ “nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi: – Có việc gì thế vậy?”. Hai từ “nhấp nháy”, “chậm chạp” cho thấy, hình như cái đói đã khiến bà không còn đủ niềm tin để hi vọng về những thay đổi trong cuộc sống của gia đình mình nên bà không thể nhận ra thái độ và tâm trạng của Tràng. Đứng trước sự đon đả, hồn hởi của anh cu Tràng, phản ứng đầu tiên của bà chưa phải là ngạc nhiên mà chỉ là sự điềm tĩnh. Bình thường anh cu Tràng cũng hay đùa nên bà chẳng có gì ngạc nhiên với thái độ của anh. Bởi vì người già có thể chậm chạp trước những sự việc bất ngờ nhưng họ rất bình tĩnh trước nó, khó có thể ngạc nhiên, sửng sốt, thay đổi tâm lí nhanh bởi họ đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm. Việc mang đến ngạc nhiên và đau đớn tận cùng với bà là việc chồng và đứa con gái đã chết, bà đã trải qua cảm giác đau đớn tột cùng rồi. Việc Tràng hồ hởi đứng trước mặt bà hiển nhiên là anh cu vẫn an toàn, không có gì bất trắc xảy ra với đứa con còn lại của bà. Đây chính là lý do Kim Lân cho bà lão xuất hiện vào xế chiều, bởi lẽ người đàn bà luôn lẩm bẩm tính toán ấy dường như đã trải qua những thăng trầm, thì còn điều gì ngạc nhiên, đau khổ nữa đâu. Không còn gì để sửng sốt và ngạc nhiên cả. Chỉ bằng một dòng miêu tả tâm trạng của nhân vật, Kim Lân dường như đã khắc họa được cả một quãng đời trước của người đàn bà này, đây chính biệt tài và sự thấu hiểu tâm người nông dân của Kim Lân.Nhưng khi Tràng bảo: “Thì u cứ hẵng vào trong nhà đã nào” thì “bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”. Từ “phấp phỏng” vừa diễn tả những bước đi không vững chãi, vừa cho thấy bà lão đã bắt đầu để tâm đến cái cách mà Tràng đối xử với mình. Đến lúc nhìn thấy có người đàn bà lạ đứng ở đầu giường thằng con trai mình thì thái độ bà lão thay đổi hẳn. Tất cả những lo toan, bận lòng về cuộc đời đều nhường bước cho niềm ngạc nhiên, bất ngờ đến sững sờ như không tin nổi vào mắt mình thái độ khác lạ của anh con trai với hàng loạt câu hỏi xuất hiện cùng lúc trong đầu. Năm câu hỏi liên tiếp kéo đến trong sự ngỡ ngàng: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Bà “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn” để nhìn kĩ người đàn bà lạ đó. Khác hẳn với từ “nhấp nháy” ở trên, từ “hấp háy” lại bộc lộ rõ vẻ lúng túng nhưng có chủ ý của bà. Có thể thấy, bà cụ Tứ bắt đầu chủ động trước tình huống bất ngờ đang diễn ra khi bà “lập cập bước vào” nhà trong niềm vui khôn tả của Tràng. Bà “lập cập” tức là bà đang run rẩy trong cả bước đi lẫn ý nghĩ trước linh cảm về một điều gì đó rất hệ trọng đang xảy ra trong ngôi nhà của mình mà bà chưa thể xác định được. Tâm trạng cứ băn khoăn như thế cho đến khi mọi chuyện được vỡ lẽ thông qua lời xác nhận của con trai: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ…” Làm sao bà ngờ được lại có ngày hôm nay, khi mà giữa những năm đói mòn đói mỏi, nhà lại nghèo mà con trai bà lại dẫn không về một người vợ. Mọi việc đến với bà quá nhanh. Chính bởi tình huống hết sức đặc biệt này của câu chuyện “Vợ nhặt”, mọi diễn biến nội tại đã được đẩy lên đến cao trào, trở thành một sợi chỉ xuyên suốt làm cho mạch tác phẩm đi theo một chiều hướng rất logic của tâm lý nhân vật. Bà lão thực sự đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tới mức: “không còn tin vào mắt, vào tai mình nữa”.

Lúc ấy tâm trạng của người mẹ lại bước sang một trang khác, hứa hẹn nhiều biến động hơn và tinh tế hơn. Kim Lân đã không tả thêm những suy nghĩ, những căn vặn trong tâm não của nhân vật, hay những động thái tâm lý phức tạp khác, mà chỉ đơn giản là một cái “cúi đầu nín lặng” chất đầy những niềm xót thân, sự tủi phận và phần nhiều là nỗi lo âu. Không chỉ là câu trần thuật, trong câu văn ngắn này còn rưng rưng tấm lòng hoà cảm đầy ân tình của Kim Lân. Bao nhiêu nỗi niềm chất chứa trong cái im lặng cúi đầu ấy. Cái im lặng tủi phận. Cái im lặng cam chịu. Cái im lặng xót xa. Bà thương thầm cho cái số kiếp của đứa con trai độc nhất. Vì người mẹ ấy giờ đây ý thức rõ hơn vợ chồng Tràng rất nhiều về cái nghịch cảnh quá éo le, nghiệt ngã của cuộc hôn nhân này. Chừng ấy năm sống trên đời mách bảo bà lão một điều rằng: mối duyên kiếp trớ trêu kia hình như không nên có. “Chao ôi! người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc gia đình ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này – còn mình thì…” Bao nhiêu ngập ngừng, tủi cực, chua xót dồn nén sau chữ “thì” vô vọng ấy. Dấu chấm lửng như bỏ ngỏ cả một trời xót xa trong cõi lòng người mẹ già khốn khổ ấy. Bà xót xa vì không thể làm tròn bổn phận của người mẹ: không lo nổi chuyện đại sự cho con. Chính người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” cũng đã bộc bạch nỗi lòng về thiên chức của người mẹ: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Thiên chức cao cả nhất của người mẹ là đẻ con và làm tròn trách nhiệm của mình đối với con. Nhưng bà cụ Tứ lúc này lại lực bất tòng tâm. Đứng trước chuyện trăm năm của đời con lại là cái cúi đầu, là sự tủi hổ và hờn trách chính mình. Chua xót, nghẹn ngào đến đau thương cùng cực! Có gì đó như “bóp thắt vào” trái tim của người mẹ lúc này. Giờ đây, giữa lúc người chết đói “như ngả rạ”, lại có người theo con trai mình về làm vợ. Người mẹ bị dồn vào cảnh túng quẫn, khó xử, không biết lấy gì cúng tổ tiên, trình làng khi con đã có vợ. Cái buồn, cái tủi lại chan đầy nước mắt, và bà đâm khóc vì thương con, thương dâu không biết làm sao đây để vượt qua cơn khốn khó này: “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rũ xuống hai hàng nước mắt”, lý trí đã không ngăn nổi tình cảm. Tác giả đã để cho dòng nước mắt ấy “rỉ” ra hiếm hoi bởi cả đời với toàn những năm tháng khốn khổ dường như bà cụ đã cạn khô nước mắt rồi. Những năm tháng trải đời với biết bao cay đắng khiến cho họ dù đau đớn nhưng cũng đã cạn khô nước mắt, chai sạn với cuộc đời nên những dòng nước mắt chỉ là sự “rỉ” ra hiếm hoi mà thôi. Kim Lân đã để chân dung bà cụ Tứ hiện lên qua chi tiết “kẽ mắt kèm nhèm” – một bức chân dung đầy khổ hạnh của người nông dân lớn tuổi. Dòng nước mắt của bà cụ Tứ không chỉ là biểu hiện của nỗi đau khổ, tủi phận mà còn là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, mừng hay tủi hay lo lắng cũng đều xuất phát từ tình thương con đến thắt lòng, từ trái tim nhân hậu của người mẹ.

Ta cũng từng bắt gặp vẻ đẹp ấy qua dòng nước mắt của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Trong truyện, dòng nước mắt của người đàn bà rơi khi người con lao vào đánh bố để bênh mẹ. Dù bị chồng đánh đập liên tiếp "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" nhưng bà không hề khóc, bà khóc khi bi kịch gia đình bà che giấu bao lâu đã bị phơi bày. Dòng nước mắt của bà là sự thương xót, bất lực trước sự tổn thương trong tâm hồn của người con, "như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà". Đó chính là nỗi đau mà bạo lực gia đình mang tới, người con lại mất đi nhân cách, đi ngược lại đạo lý làm con. Đó cũng là biểu hiện của tình mẫu tử, tình mẹ thương con, sự thức tỉnh sau những nỗi đau. Trong tác phẩm này, dòng nước mắt đã phơi bày hiện thực bạo lực gia đình trong xã hội sau chiến tranh, đồng thời cũng mang đến cho người đọc sự cảm thương sâu sắc, khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh khác nhau nên ý nghĩa cũng khác nhau, dòng nước mắt của bà cụ Tứ vừa mừng vừa thương vừa buồn tủi nhưng bà còn có một tương lai đang lóe lên tia sáng của hạnh phúc. Còn dòng nước mắt của người đàn bà hàng chài chứa chan sự đau đớn, tủi nhục và bất lực, sau những dòng nước mắt ấy là bầu trời cuộc đời đen tối, u ám. Và để khắc họa thành công chi tiết nghệ thuật dòng nước mắt của hai người phụ nữ trong hai hoàn cảnh khác nhau, mỗi nhà văn lại lựa chọn cho mình bút pháp nghệ thuật khác nhau: Nếu như Nguyễn Minh Châu lại dùng cách ví von, hình ảnh để diễn tả nỗi đau cũng như vẻ đẹp, giá trị những giọt nước mắt của người mẹ thông qua con mắt của người nghệ sĩ Phùng, thì nhà văn Kim Lân sử dụng cách diễn đạt trực tiếp, đơn giản thông qua con mắt nhìn của một người nông dân đồng cảm với nỗi đau của con người. Đó cũng là nét dấu ấn riêng biệt, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn. Và ta nhận ra rằng, Kim Lân tựa như một nhà quay phim tài ba đầy cảm xúc lia ống kính máy quay của mình chớp lấy thần cảnh, thước phim từ cận cảnh làm hiện lên đôi mắt hằn dấu chân chim một đời vất vả của người mẹ già, và trên cái khoé mắt nứt nẻ theo thời gian ấy gạn ra hai dòng nước mắt khô héo.

Từ chỗ xót xa cho con trai, bà lão chuyển sang thương cảm đối với người vợ nhặt. Kim Lân lại đưa người đọc trở lại hình ảnh tội nghiệp ban đầu của trong tiếng thở dài và “đăm đăm nhìn người đàn bà” – nàng dâu mới của mình. Từ “đăm đăm” diễn tả sâu sắc sự thấu hiểu cảnh ngộ và sẵn sàng chia sẻ của bà cụ đối với người đàn bà chấp nhận theo không con trai mình. Tất cả những suy nghĩ sau đó của bà lão nói lên điều đó. Rồi bà lão “khẽ dặng hắng” trước khi nói với con dâu những lời nhẹ nhàng. Từ “dặng hắng” được Kim Lân dùng để giúp người đọc nhận ra sự thay đổi ngấm ngầm trong người mẹ khốn khổ ấy, “dặng hắng” để trút đi những gánh nặng trong lòng, để bắt đầu một cuộc sống mới nhẹ nhõm và vui vẻ hơn, để xóa đi những ngày u tối đã qua. Dặn dò các con xong, bà cụ Tứ lại “đăm đăm nhìn ra ngoài”, lần này từ “đăm đăm” ẩn dấu biết bao những lo toan bộn bề phía trước. Kim Lân thật tinh tế, cùng một từ láy, ông đã đặt đúng chỗ để phát huy tối đa khả năng diễn tả những trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật. Điều đó khiến chân dung nhân vật trở nên chân thực và sống động hơn. Đăm đăm nhìn người đàn bà tự nguyện theo con trai mình đang “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt”, người mẹ nghèo nhân hậu đã hiểu ngay cái cảnh ngộ của người phụ nữ xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình có được vợ”. Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo được cho con…” Câu văn thật cảm động! Nó vừa nhoi nhói một tình cảm tủi hờn, ai oán cho số kiếp, vừa như cố nén cái cảm giác bất đắc dĩ trước một sự việc đã rồi, lại vừa rưng rưng, xao xuyến một niềm vui. Bà hiểu rằng nếu như không đói khổ, túng quẫn thì người đàn bà ấy cũng không chọn đứa con có phần “dở hơi” của mình. Những lời độc thoại cứ như đợt sóng cuộn lên trong lòng người mẹ, vừa khắc khoải, dạt dào, vừa như trân trọng, cảm thương cho người phụ nữ sẽ đồng hành trong cuộc đời nghèo khổ của gia đình bà, hoà trong đó là cả những rung cảm xót xa trong trái tim nhân đạo của Kim Lân. Tim ta dường như cũng đang thổn thức cùng với những trăn trở bình dị mà xiết bao ân tình. Quên làm sao được cử chỉ ân cần mà xiết bao thương mến của mẹ với con dâu, ta tưởng như có cái vẫy tay đầy thân thương sau câu nói này: “con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Còn đâu là ranh giới giữa mẹ chồng – nàng dâu? Hay tình yêu thương đã xoá nhoà đi tất cả. Tình yêu ấy dâng lên nghẹn ngào khi bà cụ Tứ nói trong nước mắt: “kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo… lấy nhau lúc này u thương quá….”. Quên nỗi tủi phận của mình mà cảm thông cho người đàn bà cùng quẫn, vui mừng vì niềm mong mỏi cho con lấy được vợ bấy lâu nay đã thành sự thật. Cái tình của người mẹ thật lớn lao, bà nhanh chóng hiểu rõ hoàn cảnh mà chấp nhận ngay. Người mẹ nghèo không một lời dò xét, đã rộng lòng đón nhận con dâu: “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”- lời nói ấy trả lại danh dự nàng dâu cho người đàn bà là vợ nhặt và cũng lột tả sâu sắc tấm lòng vị tha, đáng trân trọng của người mẹ.

Một người mẹ thương con như bà cụ Tứ không đau sao được khi chứng kiến cảnh con mình lấy vợ trong một hiện thực và tương lai ảm đạm đến thế. Và bà đã lo lắng để rồi tự chất vấn: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống được qua cơn đói khát này không”. Đọc những dòng này, ta có cảm giác như trái tim người mẹ trong cái thân hình còi cõi đang rung lên đau đớn, xót xa như xát muối. Lại thêm: “Có đèn đấy à? Ừ, thắp lên một tí cho sáng sủa…Dầu bây giờ đắt gớm lên mày ạ”. Mẹ kêu con thắp đèn lên “cho sáng sủa” hay chính tình yêu bao la của mẹ đang toả sáng cho hạnh phúc của các con. Người mẹ nghèo ấy vẫn muốn nhen nhóm ngọn lửa hy vọng, khát khao mái ấm hạnh phúc trọn vẹn cho những đứa con và tin tưởng về tương lai của gia đình mình. Người mẹ già như cố nuốt nước mắt vào trong, cố nén nỗi đau trong lòng để tình thương của mình an ủi các con. Nỗi lo sợ ngày mai mãi chỉ là một niềm riêng không chia sẻ bởi trái tim người mẹ ấy hiền hậu, nhân từ lắm. Và đẹp biết bao hai tiếng “mừng lòng” của bà lão nói với các con. Chữ “mừng” thật là đắc địa, có vẻ như không đâu vào đâu của người già cả, nhưng lại lột tả đúng cái thần thái của một tấm lòng vị tha cao quý đang ngượng ngập, vụng về tìm cách giấu đi dòng nước mắt xót thương vì sợ phiền lòng cho chính người mình đang thương xót. Chẳng muốn con buồn, chẳng muốn con đau, chỉ mong con hãy tận hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc lứa đôi. Đến đây, ta càng thấm thía hơn một câu danh ngôn: “tình yêu thương của người mẹ dành cho con luôn âm thầm, lặng lẽ như mạch nước ngầm trong lành đi theo con suốt cuộc đời”. Suối nguồn của tình mẹ, những giọt nước mắt, mồ hôi thật thiêng liêng và đáng quý biết bao! Rồi có ai đã từng ví trong câu hát “tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”, thì đây, những giọt nước mắt buồn thương vẫn mặn mà, nồng ấm, vẫn âm vang nhịp đập thuỷ triều. Tình thương con, cái vẻ đẹp trong trái tim bà cụ Tứ, cũng là trong bao nỗi lòng của những người phụ nữ khác, lấy gì để đong đầy hết?

Nazim Hikmet – nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ từng có lời dặn dò: “Con hãy nghe nỗi buồn của rừng cây héo khô, của hành tinh lạnh ngắt, của chim muông què quặt. Nhưng trước nhất, con hãy nghe nỗi buồn của người”. Như vậy, đối tượng phản ánh ngàn đời của văn học chính là con người. “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Xuất hiện trong văn học, con người trong thời đại hiện lên không chỉ mỗi hình tượng hoàn hảo được tô nặn tỉ mỉ, kỳ công mà còn là những mặt đầy vết nứt khó lòng che đậy. Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Văn học không thể bê nguyên xi hiện thực cuộc sống lên trang văn nhưng cũng không có quyền thay đổi, bóp méo, xáo trộn hay đổi trắng thay đen những gì đã – đang diễn ra hằng ngày ở thế giới thực tại nơi con người đang trải qua và chịu đựng. Và vốn dĩ cuộc đời luôn thay đổi thành những hình thù méo mó khác nhau chứ không tồn tại mãi ở một thể tròn vành vẹn nguyên cho nên con người cũng không thể nào không gặp phải những bất trắc, đớn đau. Lúc này, văn học không thể trưng ra bộ mặt làm ngơ, ngoảnh đi bỏ lại sau lưng những tiếng khóc than, thét gào trong đau đớn ngập ngụa của kiếp người. Nó phải đào sâu, khắc họa và mang những khoảnh khắc đầy thương tật trong hình người lẫn hồn người ấy lên từng con chữ. Nó phải nâng niu và trân quý “những dòng nước mắt” chảy ngược trong tâm can của kẻ khốn cùng. Nỗi đau trong văn học cứ như vậy được ngân nga mãi trong kẽ hở của ngôn từ. Văn là đời, văn vì người, nếu không có sự tồn tại của con người, văn học xem như sáo rỗng, vô nghĩa. Kim Lân chính là người “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời” (Nam Cao).

Kết thúc chuỗi tâm lý phức tạp của bà cụ Tứ trong đoạn văn này là những giọt “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng” trên gương mặt khắc khổ với những nét buồn vui lẫn lộn. Chi tiết miêu tả bà cụ Tứ khóc lần thứ hai “nước mắt cứ chảy ròng ròng xuống” vẫn xuất hiện trong cuộc gặp gỡ người con dâu. Nếu như lần miêu tả thứ nhất giọt nước mắt của bà Tứ, Kim Lân dùng từ “rỉ” thì lần này, nhà văn lại sử dụng từ láy “ròng ròng”. Cách khóc “ròng ròng” giống như một sự giải tỏa, gột rửa những nỗi đau, tủi phận. Tiếng khóc lúc này không còn là sự kìm nén mà còn là sự giãi bày. Bà khóc để sẻ chia lòng mình, để tìm được sự thông cảm từ các con. Nhưng thật đặc biệt là lúc này anh Tràng đã đi ra ngoài, chỉ còn lại không gian riêng giữa bà Tứ và nàng dâu. Điều này đã cho thấy bà Tứ không chỉ thương con trai, thương bản thân mình mà còn thương người đàn bà xa lạ. Dường như hai người đàn bà đã tìm thấy điểm chung. Đó chính là sự sẻ chia, nương tựa vào nhau của những mảnh đời khốn khó. Khi miêu tả giọt nước mắt lần hai, Kim Lân đã sử dụng từ láy “ròng ròng”. “Dòng nước mắt” là đại diện cho những đau khổ, bất hạnh, những nỗi khốn cùng của kiếp người giữa cuộc đời lắm rối ren, biến chuyển. Nước mắt là hóa thân của những điều làm nặng trĩu lòng. Nhưng nước mắt ở đây không còn giữ được hình thù là từng giọt nữa, nó gom tụ lại trở thành một “dòng”, tức là nỗi đau ở đây phải là nỗi đau vô cùng khắc khoải, nhức nhối đến ám ảnh khi chuyển mình bước vào văn học. Như vậy, “vẻ đẹp” của “những dòng nước mắt” ấy là sự trân trọng và nâng niu giá trị cao đẹp của con người ngay cả khi đặt họ, giam cầm họ trong hoàn cảnh bí bách, khốn cùng đầy thương đau. Và nỗi “thống khổ” ấy đã không còn là của riêng ai, nó không còn là nỗi đau của anh, hay của tôi nữa, nó là nỗi khổ chung của cả “nhân loại”. Tuy nhiên, giọt nước mắt lần thứ hai đã cho thấy một diễn biến tâm lý hoàn toàn khác của bà Tứ. Nếu như lần thứ nhất, bà chua xót cho số phận của mình, thương con trai thì lần thứ hai “mừng”cho hạnh phúc của các con. Trong cái mừng, cái tủi, cái lo, người đọc vẫn thấy được niềm vui, niềm tin thắp lên trong lòng bà cụ Tứ - con người tràn đầy lạc quan và hy vọng. Một niềm vui tội nghiệp không sao cất cánh được khi bị “ghì sát đất” bởi những nỗi lo, nỗi buồn luôn trĩu nặng. Nhưng bà vẫn cố vui, cố nén tất cả mọi sầu muộn, héo hon vào trong bằng tất cả sức mạnh của tình mẹ để làm cho con vui, dâu vui. Hoá ra chính cái bà lão “gần đất xa trời” này lại là người nói đến hy vọng, đến ngày mai nhiều hơn tất cả. Đó là niềm ao ước thiết tha về một ngày mai sáng sủa hơn cho con của bà mẹ nghèo: “Rồi mai ông giời cho khá….ai giàu ba họ, ai khó ba đời…” Một lời động viên con giản dị, mang đậm niềm tin tâm linh của một bà mẹ nông dân từng trải, nhưng cũng thật cần thiết, bởi đó chính là nguồn động lực giúp cho mẹ con bà đủ vững vàng để vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cái đói, cái chết. Câu nói ấy chỉ có thể thốt lên từ một tấm lòng cao cả, tràn ngập tình thương. Nhưng ai dám bảo đó là một niềm tin, sự lạc quan khoẻ khoắn, bởi chính trong tâm trạng người mẹ ngay lúc này đây cũng đang bời bời những lo sợ cho cuộc sống của ngày mai. Chỉ có thể nói đó là một niềm tin bé nhỏ mà bất diệt, âm ỉ và dai dẳng tiếp thêm sức mạnh cho con trên sinh lộ cuộc đời.

Qua dòng diễn biến tâm trạng, chân dung bà cụ Tứ hiện lên với biết bao vẻ đẹp tâm hồn của bà mẹ yêu con, người mẹ bao dung, giàu hy vọng - hình ảnh quen thuộc của bao bà mẹ Việt Nam xưa vật. Góp phần xây dựng thành công dòng tâm trạng của bà cụ Tứ, không thể không kể đến nghệ thuật xây dựng chuyện của Kim Lân. Giọng văn trầm lắng, suy tư, mang nỗi niềm thương cảm với các phận đời. Câu văn dài, ngắn cùng lời đối thoại xen kẽ độc thoại tạo nên chiều sâu cho dòng tâm trạng nhân vật. Nhà văn đã xây dựng tình huống nhặt vợ éo le làm đòn bẩy bật lên tình nhân ái của người mẹ nghèo. Văn nhân không chỉ lách sâu vào dòng diễn biến nội tâm mà còn khéo léo tạo dựng cử chỉ, lời nói, hành động để khắc họa đậm nét bức chân dung nhân vật. Người đọc kính phục Kim Lân vì nhiều lẽ nhưng không ai có thể phủ nhận rằng nhà văn Kim Lân rất có biệt tài trong việc chọn lọc và vận dụng ngôn từ, tạo nên được sự hòa hợp tuyệt đối trong ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ chân quê đồng quê: bình dị, đời thường nhưng có chắt lọc kỹ lưỡng, có sức gợi và đậm chất Bắc Bộ. Ngoài các ngôn ngữ văn chương thông thường, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ đồng quê rất hợp lý và đích đáng. Nhà văn Kim Lân đã khắc chạm nên một hình tượng nhân vật sinh động, được chiêm nghiệm trong chiều sâu tâm lý sắc sảo. Bằng tất cả sự nâng niu trân trọng, Kim Lân đã để trái tim đập cùng một nhịp đập với trái tim người mẹ nông dân ấy.

Qua tác phẩm, nhà văn khắc họa thành công dòng tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ. Nhà văn đã làm hiện lên hình ảnh của những người mẹ Việt yêu con, tần tảo, bao dung, giàu lòng nhân ái bước ra từ trang sách của ông. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ trong hoàn cảnh éo le của nạn đói và tình huống nhặt vợ, nhà văn muốn làm ngời sáng lên chân lý:" Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người". Hiện thực nằm trong một gia đình hạnh phúc. Họ đều phải đánh đổi. Họ đều đã hi sinh. Nhưng “sự sống hiện hình từ cái chết, hạnh phúc nảy mầm trong những gian khổ, hi sinh” (Nguyễn Khải). Điều mà Tràng, mà bà cụ Tứ và cả Thị nhận lại đều là tình thương và hạnh phúc. Bởi vậy người ta vẫn luôn tin rằng: cho đi sẽ được nhận lại. Kim Lân trong cái nhìn về một hiện thực xã hội tàn nhẫn, ốm đau và chết chóc trong nạn đói khủng khiếp 1945 vẫn nhận ra hiện thực tâm hồn cao đẹp. Đó là tình thương người, tình cảm đồng loại. Đó là quyền khát yêu, khát sống của con người. Hay chăng đó cũng chính là hiện thực nhân sinh, là triết lý nhân sinh sâu sắc mà Kim Lân đã đúc rút ra từ cuộc đời trăm nghìn đắng cay hoa vẫn nở?

(Theo Thưởng Thức Sách)

Xem thêm: Cái nhìn văn hóa của Kim Lân trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận