Anh cảnh sát giao thông biến bãi đất trống thành quán cơm 0 đồng 

Quán cơm miễn phí được anh Lê Hùng Dương xây dựng để giúp đỡ người lao động nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đỗ Thu Nga
08:30 08/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Gần hai tháng nay, lộ trình quen thuộc của anh Lê Hùng Dương (32 tuổi) là 11h trưa, sau khi hết giờ làm việc, vội vã về nhà vào bếp nổi lửa nấu thức ăn trong khi hai người bạn cùng một số tình nguyện viên lau dọn bàn ghế.

"Họ thường bắt đầu công việc từ rạng sáng, phụ tôi đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu. Tôi về là chỉ vào nấu thôi", chàng đại úy đội CSGT TP Buôn Ma Thuột, cho biết.

Sau 30 phút, anh nấu xong các món và bày biện sẵn vào khay đun nóng, chuẩn bị đón khách. Hôm nào cũng vậy, 70 suất cơm mỗi ngày của quán "Cơm 0 đồng yêu thương" luôn hết sạch chỉ sau hơn một giờ.

Quán cơm nhỏ của Dương nằm trên đường 10/3 (phường Tân Lợi) chỉ có vài bộ bàn ghế, bảng hiệu đơn giản, mở cửa từ 11h30 đến 14h từ thứ 5 đến chủ nhật hàng tuần.

Anh kể, cách đây chừng 7 tháng, một hôm đang ngồi ăn mỳ trước nhà có người bán vé số chạy ngang hỏi: Có tiền không? Cho chú xin vài chục ăn bữa cơm". Dương móc trong túi 200.000 đồng tặng ông. Ý định mở quán cơm 0 đồng hỗ trợ các lao động nghèo, người khó khăn, cơ nhỡ của anh xuất phát từ hôm đó.

Mấy hôm sau, anh mất cả ngày đi tìm mới chọn được một bãi đất trống ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, rộng khoảng 60 m2. Ban đầu chủ đất cho thuê giá 5 triệu đồng một tháng. Thấy giá quá cao, anh trình bày mục đích thuê để mở quán cơm 0 đồng, người này lập tức giảm giá còn 2 triệu, thời hạn thuê 5 năm.

anh-canh-sat-giao-thong-bien-bai-dat-trong-thanh-quan-com-0-dong-0
Ngoài phục vụ khách ăn tại chỗ, anh Dương (phải) còn chuẩn bị những suất cơm để mọi người mang về san sẻ với người khác

Có đất, Dương cùng hai người bạn bắt tay vào mở quán cơm. Tiền ít, họ phải tự tay làm mọi việc, từ làm nền, trộn hồ, bắn tôn, cắt sắt, hàn xì... Thi công được ba tháng, Dương phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Anh cùng bạn bè đi làm bốc vác thuê, dọn dẹp nhà để có thêm vốn mở quán.

Ngày 19/8, quán cơm 0 đồng cũng thành hình với số vốn bỏ ra gần 200 triệu đồng. "Mình không dám chắc sẽ duy trì quán cơm được bao lâu. Nhưng khi nào còn sức thì khi đó mình vẫn cố gắng", Lê Hùng Dương nói.

Anh cho biết, để duy trì hoạt động của quán, mỗi tháng anh phải chi khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua anh được bạn bè đến góp sức, hỗ trợ đi chợ, nấu cơm. Ngoài ra, nhiều cô chú trong vùng biết chuyện cũng đem rau, củ, gạo đến ủng hộ giúp anh giảm được nhiều chi phí, có thêm điều kiện phục vụ bà con.

Chị Lê Thị Thúy Hằng, 38 tuổi, sống tại TP Buôn Mê Thuột cho hay, rất bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh anh chiến sĩ cảnh sát giao thông đứng bếp nấu cơm giúp đỡ người khó khăn như thế.

Ngày khai trương chị Hằng đã đem một ít rau củ đến quán góp. Chị nhớ như in nụ cười vui mừng của Dương khi nhận được rau củ sạch. "Mình có ngỏ ý góp tiền nhưng Dương từ chối. Ảnh bảo, đưa tiền cũng không biết làm gì nhận thực phẩm sạch là quý rồi". Chính lời nói đó khiến mình xúc động và cảm nhận được con người này có một tấm lòng thật bao dung", chị Hằng nói.

Cha con ông Nguyễn Hậu, người khiếm thị bán vé số là những khách hàng thường xuyên của quán. "Từ ngày hay tin có quán cơm trưa, hai cha con tui tranh thủ về ăn. Bán vé số lời chẳng là bao, có được suất ăn miễn phí giúp tui tiết kiệm mỗi buổi trưa 20.000-30.000 đồng. Tiền này tui có thể trang trải được những thứ khác", ông Hậu chia sẻ.

Theo Hùng Dương, quán cơm là nơi anh gửi gắm tình yêu thương của mình với phương châm "cho đi là còn mãi". Dù miễn phí, anh luôn rất kỹ trong khâu vệ sinh thực phẩm. Bàn ghế được xếp ngay ngắn, xịt khử khuẩn, món ăn đa dạng và phục vụ chu đáo. "Của cho không bằng cách cho", anh nói.

Những ngày mưa, thấy nhiều người không thể đến quán ăn, Dương cùng các tình nguyện viên lội bùn đưa cơm đến tận nhà cho những cô chú khuyết tật, già yếu ở xa. Anh kể, có lần hỏng xe giữa đường, hai anh em phải dắt bộ mấy cây số đội mưa về nhà.

"Đôi lúc nhìn thấy cô chú tới ăn cơm, nhìn họ khổ mà mình không cầm được lòng. Họ ăn xong khen ngon tự nhiên bao nhiêu mệt mỏi đều tan", Dương cười nói.

Khoảng một tháng trước có một chú công nhân đến ăn cơm. Sau khi ăn xong, ông bước đến tính tiền, Dương đưa tay ra hiệu từ chối. Đến 2h giờ chiều, khi quán đã vắng khách, người đàn ông ấy vẫn ngồi đó. "Chú nói đợi phụ mình dọn dẹp cho đỡ ngại. Về sau, chú ấy trở thành khách quen của quán mình", anh kể.

Anh Lê Văn Sơn, bạn thân của Dương, cho biết khi nghe anh nói về việc mở quán cơm 0 đồng, sợ bạn vất vả nên đã khuyên dừng lại. Tuy nhiên, thấy bạn ngày đêm hì hục đắp nền, cắt sắt, anh cũng lao vào phụ giúp và đồng hành tới tận bây giờ.

"Tôi xin nghỉ việc nửa tháng để hỗ trợ bạn. Điều kiện kinh tế của Dương không dư dả, mình giúp được phần nào thì bạn mình tiết kiệm thêm chi phí để lo cho quán cơm", anh nói. Theo anh Sơn, Dương là người có quyết tâm rất cao, nhiều hôm đuối sức vẫn cố gắng dậy từ 4h sáng lo việc cơ quan và quán cơm.

Gần hai tháng gồng gánh quán cơm, ngoài những giờ làm việc chính Dương còn đi làm thêm đủ việc để có thêm kinh phí. Nhiều người quen ngỏ ý hỗ trợ tiền phụ quán cơm nhưng anh đều từ chối. "Mọi người góp thực phẩm thì mình nhận chứ tôi không kêu gọi kinh phí hỗ trợ quán cơm. Mình là thanh niên, vai dài sức rộng vẫn còn đủ sức để gồng gánh", anh nói.

Dương kể, nhiều lúc anh cũng cảm thấy đuối vì có ngày chỉ được ngủ 2-3 tiếng. Nhưng nghĩ ngoài kia còn nhiều người khó khăn cần bữa cơm 0 đồng của mình, anh lại tiếp tục cố gắng.

"Mình không giàu, chỉ biết là lá rách ít đùm lá rách nhiều", anh bộc bạch.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Việc tốt quanh ta: Chủ quán xứ Thanh mời cậu bé nhặt ve chai ăn tô phở 0 đồng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận