Cô giáo 9x khuyết 1 tay 1 chân và hành trình vượt lên chính mình để theo đuổi ước mơ "gõ đầu trẻ"
"Cố gắng vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống và sống phải có ước mơ và hi vọng. Chỉ cần bản thân luôn cố gắng hết mình cơ hội tốt sẽ đến với chúng ta" - cô giáo khuyết 1 tay 1 chân Nguyễn Thị Nữ.
Vượt qua mặc cảm, chiến thắng bản thân
Cô giáo Nguyễn Thị Nữ (SN 1992, sống tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) từng công tác tại trường THCS Thanh Lân, huyện Cô Tô. Nguyễn Thị Nữ khác với mọi giáo viên ở chỗ, cơ thể không trọn vẹn. Cô giáo Nữ khuyết bàn tay phải và bàn chân trái.
Thế nhưng, từ năm học lớp 1 đến lớp 12, Nữ luôn chăm chỉ học và vẽ rất đẹp. Người con gái đất biển thích vẽ và có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi.
Suốt những năm tháng học cấp 2, cấp 3, Nữ đều đi bộ đến trường cách nhà gần 4km với đôi chân khập khiễng. Nữ từng không dám "đòi" bố mẹ đưa đi học vì thấy bố mẹ bận rộn đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Sau một thời gian, bố mẹ tiết kiệm được tiền mua cho cô một chiếc xe đạp. Nữ cảm thấy thích thú, hứng khởi tập xe nhưng lại bị ngã liên tục vì khuyết tật bàn tay phải và bàn chân trái.
Khi đến trường, Nữ bị các bạn trêu chọc, bắt chước dáng đi khập khiễng kèm theo những lời nói chê bai, xua đuổi. Tuy rất buồn và tủi thân nhưng Nữ luôn cố gắng vượt qua mặc cảm, dồn tâm trí và sức lực vào việc học để một ngày nào đó hiện thực hóa được ước mơ trở thành cô giáo dạy Mỹ thuật.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà Nữ quyết định chọn học trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long khoa Mỹ thuật trong vòng 3 năm. Nữ dự định sau đó sẽ học liên thông lên đại học.
Nhớ lại hành trình vượt qua mặc cảm, chiến thắng bản thân để thực hiện ước mơ. Nữ tâm sự: "Với người bình thường, để đạt được thành công trong cuộc sống vốn không hề dễ dàng. Với người khuyết thiếu cả tay và chân như mình thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, mình luôn lấy sự nỗ lực, cố gắng để bù đắp cho những khiếm khuyết của bản thân".
Theo đuổi nghề giáo như một sư mệnh
Vào năm 2016, Nữ tốt nghiệp trường cao đẳng và được nhận vào giảng dạy tại trường THCS Thanh Lân, Cô Tô. Nữ cho biết, thời gian công tác ở đây tương đối thuận lợi. Cô được Hiệu trưởng, Hiệu phó cùng các anh chị, bạn bè đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình.
"Một lần đang dạy ở khối lớp 8, thấy các bạn học sinh nghịch ngợm nhưng mình không nhắc nhở được. Khi ấy mình có cảm giác tủi thân và đứng lặng người một lúc.
Thời gian sau, mình đã tâm sự với các bạn học sinh về quá trình khó khăn của bản thân để được đứng trên bục giảng. Ngay sau đó, cả lớp biết sai và hứa sẽ không quậy phá trong giờ của cô nữa”, cô Nữ kể lại kỷ niệm đáng nhớ về học trò.
Từng có thời gian Nữ tạm nghỉ công tác để học lên Đại học. Quyết định học lên cũng từng khiến Nữ lo lắng bởi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, áp lực xin việc làm.
"Liệu học xong có xin được vào dạy hay không?". Nhưng vì đam mê mãnh liệt với nghề giáo nên cuối năm 2020, chị Nữ đã nộp hồ sơ xin học Đại học. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên trường hoãn chưa mở lớp, việc học của chị bị kéo dài thêm một thời gian.
Nữ nói rằng, cô chưa bao giờ e ngại vấn đề tuổi tác, bởi việc học chưa bao giờ là quá muộn. "Nhiều lúc mình cũng định bỏ nghề giáo để tìm một công việc khác. Nhưng ý định ấy lại không thành vì lòng yêu nghề của mình quá lớn. Mình chỉ cố chứ không lùi dù có nhiều khó khăn.
Với mình, mỗi lần đứng trên bục giảng là một lần cảm xúc dâng trào, niềm tự hào trỗi dậy bởi đó là phần thưởng cho những nỗ lực của mình trong cuộc sống".
Xem thêm: Nghị lực phi thường của nữ sinh trường Y có đôi chân khuyết tật: Đó là bất tiện chứ không bất hạnh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận