5 câu chuyện có thể sử dụng khi viết nghị luận văn học
Muốn giành trọn 0,25 điểm sáng tạo cho bài văn cho mình, các bạn đừng quên ứng dụng các câu chuyện dưới đây vào bài viết nhé!
Cây cầu “Puente Sol Naciente
Câu chuyện về cây cầu “vô dụng” Puente Sol Naciente: Cầu Puente Sol Naciente bắc qua sông Choluteca ở Honduras do công ty Nhật Bản xây dựng từng được xem là một kỳ quan bởi quy mô và tính thẩm mỹ của nó. Thế nhưng chỉ sau một cơn bão, cây cầu dài gần nửa km bỗng trở thành “cây cầu vô dụng nhất thế giới”. Vì cơn bão ấy đi qua, làm thay đổi cả dòng chảy của con sông bên dưới. Cây cầu vẫn sừng sững đứng đó, chỉ có điều, nó không còn chức năng giúp con người sang sông nữa.
-> Vạn vật trong thế giới này luôn luân chuyển theo thời gian. Để thích ứng được với điều đó, mỗi người cần phải luôn có những suy nghĩ, thái độ tích cực, luôn học hỏi không ngừng và thay đổi, làm mới bản thân.
Chiếc lá cuối cùng
Trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O'Henry, ông đã miêu tả: “Chiếc lá trường xuân vĩnh cửu được ra đời từ lòng thương và sự hy sinh của cụ Bơ-men. Chiếc lá đã cứu Giôn-xi khỏi tay tử thần, với O'henry, nghệ thuật phải phụng sự cái đẹp, phụng sự cuộc đời thậm chí phục sinh con người.”.
-> Chiếc lá trường xuân vẫn xanh ấy như một lời đồng tình với lời phát biểu của Xan Tư Khốp Sêđrin: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Những giá trị mà văn học mang lại luôn trường tồn, bất biến với thời gian.
Bụi quý
“Bụi quý” là một câu chuyện trong tập “Bông hồng vàng”. Câu chuyện kể về bông hồng vàng mà anh thợ quét rác thành Pa-ri Sa-mét đã chắt chiu gom nhặt từ vô vàn những hạt bụi vàng li ti nằm lẫn trong đống rác thải của những tiệm kim hoàn. Bông hồng vàng anh muốn mang tặng cô gái mà anh yêu mến. Bông hồng vàng được chiết ra từ những giọt máu, giọt tâm hồn tội nghiệp mà cao thượng của anh.
-> Qua câu chuyện này, Paustovsky đã đưa ra nguyên lý “bông hồng vàng” trong lĩnh vực sáng tác văn học: nhà văn chính là những người phải biết gom góp và chắt lọc những “bụi vàng” trong cuộc sống, giữ những cái đẹp, cái tinh túy của cuộc đời, chất liệu mà họ có để đúc nên những “bông hồng vàng”, để biến thành thơ, văn, những mẩu chuyện hay.
Chuyện con mèo dạy hải âu bay
Zorba là một nhân vật trong câu chuyện “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Sau những lời trăn trối của hải âu Kengah thể hiện cách mình sẽ đảm bảo để mẹ hải âu yên tâm. Zorba lại nhắc lại một cách kiên quyết từng lời mà hải âu Kengah muốn cậu hứa với mình:
“Tôi xin hứa rằng tôi sẽ không ăn quả trứng”
“Tôi xin hứa rằng tôi sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi con chim non ra
“Tôi hứa rằng tôi sẽ dạy nó bay”.
Nhờ sự kiên trì và tận tâm, Zorba đã cố gắng thực hiện lời hứa tỉ mỉ, cẩn thận. Khó có thể tưởng tượng được một con mèo khác giống loài phải ấp một quả trứng, khi quả trứng nở phải nuôi và điều cuối cùng là dạy hải âu con bay - một điều tưởng như rất đỗi vô lý.
-> Câu chuyện này đưa ra thông điệp sâu sắc: hãy giữ chữ tín trong cuộc sống. Khi ta quyết tâm muốn thực hiện một điều gì đó thì chắc chắn sẽ đạt được thành công, kể cả việc đó có khó đến đâu. Câu chuyện dạy con người hãy thật sự nhiệt huyết, kiên trì, tìm tòi rồi mọi thứ tốt đẹp sẽ chờ bạn phía trước.
Hoàng Tử Bé
Trong chuyến đi đến hành tinh thứ sáu của tập truyện “Hoàng Tử Bé”, Hoàng Tử Bé gặp một quý ông viết một cuốn sách đồ sộ. Lúc đầu cậu cứ đinh ninh tác giả là một nhà thám hiểm lớn, hóa ra ông ta chỉ là một nhà địa lý, chưa bao giờ bước chân ra khỏi phòng mình.
-> Câu chuyện trên khuyên con người bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, can đảm khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới.
(Học văn chị Hiên)
Xem thêm: 5 cách mở bài đạt điểm tối đa phần nghị luận văn học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận