4 người mẹ vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam, thân mẫu của Bác Hồ là 1 trong số đó

Bà Hoàng Thị Loan, bà Phạm Thị Hằng (Thái hậu Từ Dũ), mẹ Thứ... không chỉ là thân mẫu tuyệt vời của Bác Hồ, của vua Tự Đức, của các anh hùng liệt sĩ mà còn là người mẹ vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đỗ Thu Nga
07:00 21/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thân mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sử sách chép, thân mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là cụ Nhữ Thị Thục, người huyện Tiên Minh (xứ Hải Dương), nay là huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Bà là con gái quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan. Nổi tiếng là nữ lưu phong vận tài hoa bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ. Bà không chỉ hay chữ mà còn có tài xem tướng.

Cũng vì khó có ai lọt mắt xanh mà cụ lấy chồng muộn. Điều khiến ai nấy kỳ lạ là bà chọn kết duyên với ông Nguyễn Văn Định - một thầy đồ ít danh tiếng, xuất thân cũng bình thường. Tương truyền, cụ chọn ông là vì thấy người này có tướng sinh quý tử, thậm chí còn tính được chuẩn giờ hợp cẩn để sinh ra Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đặt kỳ vọng lớn vào quý tử, bà dồn tâm sức dạy dỗ kỳ công, từ những bài hát ru, những câu dân ca, những câu thơ do mình sáng tác đến các sách kinh điển. Đến khi thấy mình đã "cạn chữ" để dạy con, bà chuyển Nguyễn Bỉnh Khiêm cho nhà nho nổi danh thời bấy giờ kèm cặp.

4-nguoi-me-vi-dai-nhat-lich-su-viet-nam-6
Nguồn ảnh: Báo Bình Phước Online

Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện, một hôm bà Thục đi vắng, ông Định ở nhà với con, tình cờ hát: "Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lại: “Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”. Khi vợ về, ông Định đắc ý kể lại, không ngờ bà Thục thở dài: "Nuôi con mong làm vua làm chúa, cớ sao lại mong làm bầy tôi“ (nguyệt chỉ bầy tôi).

Có lần bà Thục dạy Bỉnh Khiêm câu hát: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. Ông Định rất sợ triều đình bắt tội nên sửa lại thành “vịn ngai vàng”.

Sau nhiều lần mâu thuẫn trong việc dạy con, bà Thục bỏ nhà đi nên Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên chỉ được ở gần bố. Song từ nền tảng mà mẹ đã truyền đạt từ nhỏ đã giúp ông trở thành một tài năng lớn đến vua chúa cũng phải kính nể.

Tại hội thảo "Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm", cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng nhận xét, bà Nhữ Thị Thục là một trong 3 người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam thế kỷ 16, bên canh nữ trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ và Quận công Nhữ Thị Thuận.

Thái hậu Từ Dũ

Thái hậu Từ Dũ tên thật là Nguyễn Thị Hằng (1810 - 1902). Bà là trưởng nữ của quan Lễ bộ thượng thư Phạm Đăng Hưng. Từ nhỏ bà đã nổi tiếng hiếu nghĩa. Năm 14 tuổi được tuyển làm thiếp cho hoàng tử Miên Tông (sau là vua Thiệu Trị).

Khi chồng đăng cơ, bà chỉ là cung tần nhưng nhờ thông minh, đức hạnh mà vua Thiệu Trị rất yêu mến, tin tưởng, nâng đỡ lên hàng nhị giai phi. Sau đó lại phong Nhất giai Quý phi, đứng đầu các phi hàng nhất giai.

Dù ở ngôi cao nhưng Thái hậu Từ Dũ luôn khiêm nhường, nhân từ với kẻ dưới và những người thân thích. Bà chăm sóc, yêu mến các hoàng nam, hoàng nữ dù họ không phải do mình sinh hạ.

Khi vua Tự Đức đăng cơ muốn tấn tôn mẹ là Thái hậu nhưng hết lần này đến lần khác bà từ chối. Suốt 2 năm liền chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần. 

4-nguoi-me-vi-dai-nhat-lich-su-viet-nam-9

Thái hậu Từ Dũ cũng thường nhắc nhở vua Tự Đức về đạo làm vua, "phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ”. Và dù con là bậc chí tôn, bà vẫn dạy dỗ nghiêm khắc.

Sử chép, có lần Tự Đức đi săn gặp nước lụt không kịp về cung trong khi chỉ còn 2 ngày nữa là giỗ vua Thiệu Trị. Nửa đêm về đến nơi, vua vội đi thẳng sang cung mẹ, lạy xin lỗi. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, im lặng.

Vua biết vậy bèn lấy roi mây dâng lên rồi nằm xuống xin chịu đòn. Lúc này, Đức Từ Dũ mới bảo: "Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Đêm đó vua phải thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy.

Thái hậu cũng nhắc vua Tự Đức về sở thích đi săn: “Vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn”.

Đức Từ Dũ cũng là 1 vị Thái hậu cần kiệm, bà sống tối giản, không hoang phí. Có lần vua Tự Đức thấy túi đựng kính của mẹ quá cũ, nhiều chỗ sứt chỉ bèn đổi cái khác. Đức Từ Dũ nói: "Nếu đổi cái đãy mới thì lâu rồi nó cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng cứ để nó mà dùng có tiện hơn không". Hằng ngày, cung nhân dâng đèn sáp để thắp sáng, bà cho cất bớt đi, lâu ngày dồn được nhiều lại đem vào kho của triều đình.

Tiết kiệm như vậy một phần vì thái hậu rất thương dân. Việc bà luôn từ chối làm lễ mừng thọ cho mình cũng vì không muốn làm khổ dân.  Bởi vậy, vua Tự Đức rất tôn kính mẹ, những lời mẹ dạy đều được ông ghi vào sách Từ huấn lục.

Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ

Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901), là thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà được sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống Nho học ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cả hai bên nội, ngoại của bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt qua lễ giáo phong kiến thời bấy giờ. Chính vì thế từ khi sinh ra cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, bà Loan vẫn khiến người đời ngưỡng mộ bởi tài, đức vẹn toàn.

Sử chép, bà Hoàng Thị Loan am hiểu sâu sắc với các loại hình hát phường vải, và là thiếu nữ hát phường vải có tiếng. Tuy gia cảnh khấm khá, dung nhan xinh đẹp nhưng bà vẫn chăm chỉ làm việc đồng áng và là thợ dệt vải có tiếng trong vùng.

Năm 15 tuổi, bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc - chàng trai làng Sen mồ côi cha mẹ được cụ Hoàng Xuân Đường nhận nuôi. Ông Sắc vốn tư chất thông minh lại chịu khó, được cụ Đường dạy dỗ từ bé để theo đòi khoa cử. Sau khi kết hôn, bà Loan tần tảo canh cửi chăm chồng đèn sách, chăm 3 đứa con thơ lần lượt ra đời.

4-nguoi-me-vi-dai-nhat-lich-su-viet-nam-7
Mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt trên lưng chừng dãy núi Đại Huệ khu vực thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Khi ông Sắc đi Huế ôn thi do túng thiếu nên nhờ vợ lên kinh giúp đỡ. Bà Lan để con gái 11 tuổi lại nhờ ông bà ngoại trông còn mình đưa 2 con là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi, sau này là Bác Hồ) vào Huế. Ở đây, bà nuôi cả gia đình bằng nghề dệt vải.

Do làm việc vất vả, sức khỏe lại yếu nên sau lần vượt cạn thứ tư vào năm 1900, bà Loan sinh bệnh qua đời, khi đó mới 33 tuổi, chỉ một ngày trước lễ ông Táo chầu trời, trong khi chồng và con trai cả đang ở Thanh Hóa. Đám tang ngày giáp Tết chỉ có cậu con trai thứ Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi.

Hơn 11 năm sau, hài cốt của bà được con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng ở vườn nhà. Vào năm 1942 được trưởng nam là Nguyễn Sinh Khiêm cải táng ở núi Đại Huệ. Khu mộ của bà giờ đã được xây dựng khang trang.

Cuộc đời bà Hoàng Thị Loan tuy ngắn ngủ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến các con. Với tấm lòng nhân hậu, thương người, bà đã dạy cho các con bài học về đạo lý làm người, lòng nhân từ từ thuở ấu thơ. Đồng thời truyền cho các con tình yêu với văn hóa dân gian, tình yêu quê hương đất nước. Trừ người con út qua đời sớm chỉ sau mẹ ít ngày, cả 3 người con của bà đều dành trọn cuộc đời cho đồng bào, đất nước.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ

Trong những người mẹ vĩ đại nhất của Việt Nam không thể không nhắc đến Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Mẹ không sinh ra vĩ nhân nhưng nhân dân Việt Nam vẫn nghiêng mình trước mẹ. Bởi mẹ đã sinh ra những người con hi sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất của quê hương trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 

Hiếm có người mẹ nào chịu nhiều đau đớn như mẹ Thứ khi 9 người con lần lượt hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng dù nhận được giấy báo tử của các con thì mẹ vẫn động viên những người con còn lại lên đường ra chiến trường chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước.

4-nguoi-me-vi-dai-nhat-lich-su-viet-nam-0

Trong thời gian chờ đợi tin tức từ các con, mẹ Nguyễn Thị Thứ đã đào 5 hầm bí mật trong nhà vườn, cùng con gái là Lê Thị Trị (cũng là Bà mẹ Việt nam anh hùng, có chồng và 2 con gái là liệt sĩ) nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Để ngụy trang, mẹ đã thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn, những lúc không có ai lai vãng, mẹ lại hé cửa hầm cho người phía dưới dễ thở. Khi có động, mẹ lại giả vờ thả lũ bò để che giấu. 

Vào năm 1994, mẹ Thứ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Khi đến thăm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã cầm tay mẹ và nói: "Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam".

Vào năm 2009, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng với nguyên mẫu là mẹ Thứ được xây dựng trên đỉnh núi Cấm, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. 

Xem thêm: Hoàng Thái hậu Từ Dũ: Thọ gần 100 tuổi, sống qua 10 đời vua Nguyễn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận