3 thủ khoa có điểm 9+ môn Văn bật mí bí quyết giành điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT

"Viết dài, dai" không bằng "viết đúng, đủ" - đó là bí quyết giành điểm cao cho các bạn thí sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPTQG.

Đỗ Thu Nga
12:00 09/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kỳ thi tốt nghiệp THPTQG đang đến gần và môn Ngữ văn luôn luôn là nỗi lo của rất nhiều sĩ tử. Hãy cùng tham khám phá bí quyết độc quyền của các thủ khoa đầu vào các trường ĐH để có phương pháp làm văn "ăn" điểm cao nhé:

Phân bổ thời gian học tập hợp lý để "nắm đằng chuôi"

Lô Thị Hoàng Kim (SN 2003), thủ khoa đầu vào của Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Phân bổ thời gian biểu một cách hợp lý là đã "nắm đằng chuôi" môn thi này. Trong kỳ thi trước, cô đã đạt được mức điểm 28,75, trong đó Ngữ Văn đạt 9,5 điểm. Hiện cô bạn này là sinh viên năm nhất ngành Hàn Quốc học.

3-thu-khoa-co-diem-9-mon-Van-bat-mi-bi-quyet-gianh-diem-cao
Hoàng Kim cho rằng phân bổ thời gian biểu một cách hợp lý là cách "nắm đằng chuôi" môn Ngữ văn (Ảnh: NVCC)

Phan Thị Hương (SN 2003), hiện theo học ngành Báo chí tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (với điểm thi đại học khối C00 là 28,75, trong đó Văn 9,25) chia sẻ: "Đối với giai đoạn nước rút, mỗi ngày mình sẽ dành 3-4 giờ để học văn. Tuy nhiên, tùy vào tình hình sức khỏe và lý do khách quan, mình sẽ linh động cho thời gian học tập".

Hương dùng 3 - 4 giờ để học một cách năng suất và hiệu quả nhất. Trong đó, 1 giờ để hệ thống kiến thức cơ bản, đọc lại kiến thức lý luận văn học, bổ sung các "lỗ hổng" kiến thức. 2 - 3 giờ để làm đề, sửa đề. 

3-thu-khoa-co-diem-9-mon-Van-bat-mi-bi-quyet-gianh-diem-cao-0
Hương cho biết, tùy vào tình hình sức khỏe và lý do khách quan sẽ linh động cho thời gian học tập (Ảnh: NVCC).

Song Hương cũng không học quá nhiều ở giai đoạn này để tránh áp lực, nhiễu kiến thức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. 

Nói không với học tủ, học bằng cách ghi lại luận điểm chính

Hoàng Kim cho rằng, phương pháp học là vô cùng quan trọng. Để không bị chệch quỹ đạo môn học rơi vào ôn lan man thì trước hết cần chuẩn bị bài, đọc -hiểu văn bản, bao gồm: Kiến thức về tác giả, phong cách nghệ thuật, hoàn cảnh xuất xứ, nội dung chính. Sau đó chia nhỉ tác phẩm để phân tích nội dung, giá trị nghệ thuật, chi tiết đắt giá, thông điệp...

Hoàng Kim cũng cho rằng, cần tổng quan và xâu chuỗi lại kiến thức bằng các luận điểm chính. Mỗi tuần Kim đều dành thời gian để làm từ 2 - 3 đề thi tốt nghiệp. 

3-thu-khoa-co-diem-9-mon-Van-bat-mi-bi-quyet-gianh-diem-cao-8
Kim Ngân không khuyến khích việc học lệch, học tủ (Ảnh: NVCC)

Còn Kim Ngân - sinh viên ngành Luật Kinh tế tại Đại học Luật Hà Nội từng đạt 29,25 điểm tổ hợp khối C00 trong đó điểm Văn 9,5, Sử 10, Địa 9,75 - chia sẻ bí quyết để đạt điểm cao môn Văn là nắm vững kiến thức cơ bản.

Theo Ngân, không nên học tủ mà phải nắm vững kiến thức, phân tích chi tiết nội dung để khi vào phòng thi có thể triển khai được ý.

"Viết dài, viết dai" không bằng "viết đúng, viết đủ"

Hoàng Kim cho biết, khi làm bài cần để dư 5 - 7 phút để đọc đề, phân tích đề và khảo lại bài trước khi nộp. Còn với từng phần thì chia lần lượt là 20-25-65. Cụ thể, 20 phút dành cho đọc hiểu, 25 phút dành cho nghị luận xã hội (NLXH) và 65 phút là thời gian của phần nghị luận văn học (NLVH).

3-thu-khoa-co-diem-9-mon-Van-bat-mi-bi-quyet-gianh-diem-cao-6
Hoàng Kim cho rằng, các bạn học sinh không nên dành quá nhiều thời gian cho câu NLVH mà xem nhẹ câu đọc hiểu và câu NLXH

Khi làm bài, Hoàng Kim cũng phân bố thời gian giữa 3 câu cho hợp lý để tránh tình trạng dành quá nhiều thời gian cho 1 câu.

Với phần NLXH, Kim nhấn mạnh cần lập luận chặt chẽ, đặc biệt phải có dẫn chứng thuyết phục, đúng vấn đề, không lan man, dài dòng. Với NLVH, ngoài việc hoàn thiện bố cục bài thì nên liên hệ mở rộng để có sự so sánh... Cùng chia sẻ về vấn đề này, Kim Ngân bày tỏ: "Có một sự thật là việc chấm thi THPTQG chủ yếu là chấm ý, vì thế các bạn cần phải rõ ý trước thay vì viết hoa lá, dài dòng". Ở câu đọc hiểu và NLXH nên trả lời trọng tâm, gãy gọn ý để đạt điểm tối đa, tránh lan man, dài dòng mất thời gian. Vì phong cách văn sẽ được chấm ở câu NLVH nên hãy dành thời gian để trau chuốt câu từ bay bổng văn chương nhất ở đây".

3-thu-khoa-co-diem-9-mon-Van-bat-mi-bi-quyet-gianh-diem-cao-4
Kim Ngân chia sẻ: "Đừng quá áp lực về điểm số, đừng lo lắng về đề bài dễ hay khó bởi "khó thì khó chung, dễ thì dễ chung" (Ảnh: NVCC)

Cả Ngân và Kim đều khuyến khích bài văn theo kiểu diễn dịch, câu văn ngắn gọn, trúng ý giúp cho bài văn của các bạn mạch lạc và người chấm cũng dễ dàng cho điểm và nên lồng ghép lí luận văn học vào bài và phân tích thêm các chi tiết hay, đặc sắc để bài làm có chiều sâu hơn.

Ngan chỉ rõ hơn, muốn được điểm cao thì tránh những lỗi này: Viết lan man; quá chú trọng vào câu NLVH mà làm hời hợt các phần còn lại; không phân bổ thời gian hợp lý.

Xem thêm: Có một nỗi buồn mênh mang trong "Cánh đồng bất tận"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận