Giai thoại về 13 nhân vật tài năng, đức độ được người dân "tôn" làm Trạng

Lịch sử khoa cử nước ta có những người tuy chưa đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ nhưng vẫn được người dân "tôn" làm Trạng vì nể phục tài năng, đức độ của họ. Đến nay vẫn lưu truyền không ít giai thoại về các ông "Trạng" này.

Đỗ Thu Nga
10:00 22/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trạng Quét

Trạng Quét là cái tên dân gian đặt cho Lê Quát (có tên khác là Lê Bá Quát) người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, lộ Thanh Hóa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) nổi tiếng về tài thơ văn, chuộng chính học, ghét mê tín dị đoan.

Năm Giáp Dần (1314) đời Trần Minh Tông thi đỗ Thái học sinh, sau làm quan đến chức Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển.

Hồi nhỏ vì nhà nghèo mà Lê Quát phải làm nghề quét chợ để mưu sinh. Cũng vì thế mà người quen hay gọi ông là  anh Quét. Sau khi đỗ đạt, người dân quê hương phục tài chí nên gọi Lê Quát một cách thân mật là Trạng Quét.

Trạng Toán

Vũ Hữu người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước Tùng Dương hầu.

13-nhan-vat-lich-su-tai-nang-duoc-nhan-dan-ton-lam-trang-5

Vũ Hữu cùng với Lương Thế Vinh được coi là bậc kỳ tài, công trình toán học nổi bật của ông là cuốn “Lập thành toán pháp” chỉ dẫn phương pháp chia, tính ruộng đất, cách đo đạc, xây dựng nhà cửa, thành lũy.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về ông là việc tính toán vật liệu dùng để sửa chữa 3 cửa Đoan Môn, Đông Hoa và Đại Hưng của kinh đô Thăng Long không thừa, không thiếu một viên gạch. Vua Lê Thánh Tông rất kinh ngạc khen Vũ Hữu là Thần Toán và ban thưởng 100 mẫu ruộng lộc điền, còn người đời gọi ông là Trạng Toán.

Trạng Chằm

Vũ Quỳnh quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, bộ Công, bộ Binh kiêm Tổng tài sử quán, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Ông là người học rộng, có kiến thức uyên bác, có nhiều tác phẩm lớn như “Đại Việt thông giám thông khảo” gồm 26 quyển và cuốn “Tân đính Lĩnh Nam chích quái”.

Khâm phục tài năng, đức độ của ông và do làng Mộ Trạch có tên Nôm là làng Chằm nên dân gian gọi ông là Trạng Chằm (Trạng làng Chằm). Vũ Quỳnh chính là con trai của Trạng Toán Vũ Hữu và là bố vợ của trạng nguyên Lê Nại (người có biệt danh là Trạng Ăn).

Trạng Liêm

Vũ Tụ người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (này thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương) đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu (1493) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình, nổi tiếng là người liêm khiết, trong sạch và cần kiệm.

Vua Lê Thánh Tông đã đặc ban cho ông 2 chữ “Liêm khiết”, mỗi khi vào chầu thì gắn tấm vải thêu 2 chữ đó lên cổ áo để nêu điểm khác người. Đương thời rất kính trọng gọi ông là Trạng Liêm (Trạng liêm khiết).

Trạng Cầu

Đình Lưu là người làng An Dật, huyện Thanh Lâm, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) đỗ Thám hoa khoa Bính Thìn (1496) đời Lê Thánh Tông, khi đó ông mới 17 tuổi, sau làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.

Không chỉ có tài văn thơ, ông còn giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, nhất là giỏi đá cầu. Ông từng đá cầu chúc thọ vua Lê Hiến Tông. Dân gian khen ông là bậc kỳ tài đá cầu lại là người có dũng khí và tự tin nên tôn ông là Trạng Cầu.

Người ta còn truyền tụng rằng, mộ tổ nhà ông nằm ở một quả núi tròn trông giống như quả cầu nên Đinh Lưu mới có biệt tài như vậy.

Trạng Lép

Triệu Nghị Phù người xã Đức Lạp, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, xứ Sơn Tây (nay thuộc xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496), làm quan đến chức Đô Ngự sử.

Tuy có điểm số thi khoa cao nhất nhưng ông lại bị truất học vị Trạng Nguyên và bị phê: "Văn nghị Trạng nguyên, bị truất” (nghĩa là: bài văn đáng đỗ Trạng nguyên nhưng bị truất bỏ), nguyên nhân là khi vua hỏi về gia thế, quê quán, ông đối đáp kém nên vua không muốn có vị Trạng nguyên ứng xử tục tằn trong triều đình.

Do đó, Triệu Nghị Phù bị truất xuống hàng thứ 5 ở đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức là tụt xuống 7 bậc học vị. Do làng Đức Lạp quê ông có tên Nôm là Kẻ Lép nên người dân mới gọi Triệu Nghị Phù là Trạng Lép, chữ Lép vừa là tên Nôm của làng, lại vừa có ý chỉ sự việc bị truất danh hiệu Trạng nguyên của ông.

Trạng Ngọt

Hứa Tam Tỉnh người làng Vọng Nguyệt (tên Nôm là làng Ngọt), huyện Yên Phong, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

13-nhan-vat-lich-su-tai-nang-duoc-nhan-dan-ton-lam-trang-7

Khoa thi năm Mậu Thìn (1508) đời Lê Uy Mục đáng ra ông đỗ Trạng nguyên, nhưng vì tướng mạo xấu, bài phú vua ra thêm để thử tài viết bằng chữ Hán khó hiểu hơn bài viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Giản Thanh (người làng Me) nên Hứa Tam Tỉnh chỉ xếp đỗ Bảng nhãn.

Dù không có học vị cao nhất nhưng dân gian vẫn ca ngợi, thán phục và gọi ông là Trạng Ngọt. Dân gian còn lưu truyền câu ca: "Trạng Me đè Trạng Ngọt".

Trạng Chữ

Lê Tư (có tên khác là Lê Tài) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Tân Mùi (1511) đời Lê Tương Dực.

Khi chưa đỗ đạt cao, có lần lên kinh thăm anh là Trạng nguyên Lê Nại, ông nói với các sĩ tử: "Ta đây là bồ chữ, các anh muốn hỏi chữ gì, sách gì thì lại đây ta sẽ chỉ cho. Mọi người rủ nhau đến hỏi kinh sách, hỏi gì đáp nấy, giảng giải tinh tường khiến ai cũng nể phục.

Sau này Lê Tư làm quan đến chức Lại bộ đoán sự trung, dân gian phục tài năng của ông nên gọi là Trạng Chữ.

Trạng Ăn

Lê Như Hổ người Thôn Vông, xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là xã Hồng Lam, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hiếu học lại có sức khỏe, khi trưởng thành ông có vóc dáng to lớn, khôi ngô, vạm vỡ.

Vì nhà nghèo không đủ ăn nên Lê Như Hổ ở rể một nhà giàu, mỗi bữa ông ăn hết nồi cơm 16 đấu gạo, ăn càng nhiều học càng chăm. Khoa thi năm Tân Sửu (1541) đời Mạc Hiến Tông, ông  đỗ Tam giáp tiến sĩ, sau làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh.

Giai thoại ông ăn khỏe được lưu truyền như sau: Có lần đãi một người bạn 2 mâm cỗ lớn với 4 con lợn béo, 4 chõ xôi to nhưng bạn chỉ ăn được một phần nhỏ còn Lê Như Hổ dùng hết mâm của mình rồi chuyển sang ăn hết mâm kia.

Đi sứ phương Bắc, ông đánh chén tì tì hết sạch mâm cỗ cao 18 tầng khiến vua quan nhà Minh trố mắt, kinh ngạc. Trong chuyến đi sứ này, Lê Như Hổ học được nghề làm dù đem về truyền lại cho dân, vì thế về sau được tôn làm Tổ sư nghề làm dù nước ta. Dân gian kính phục gọi ông là Trạng Ăn.

Trạng Vật

Nguyễn Doãn Khâm người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương) đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559) đời Mạc Tuyên Tông, làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đô Ngự sử.

Ông là người có sức khỏe, thân hình vạn vỡ, lực lưỡng. Tương truyền, tay dài quá gối, đấu vật ít ai địch được. Vì thế lúc làm quan trong triều các đô vật của vua không mấy ai đọ được ông.

Có lần về quê, đi qua một sới vật ở làng Giao Tất (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội) nghe nói có đô vật đã giữ giải 3 ngày mà chưa ai thắng nổi, Nguyễn Doãn Khâm cởi bỏ quan phục vào sới tỉ thí, chẳng mấy chốc đã lựa thế quật ngã đô vật kia, mọi người đến trao giải nhưng ông không nhận mà chỉ xưng tên họ, chức vụ rồi lên ngựa đi thẳng. Chính bởi tài đấu vật mà dân gian gọi ông là Trạng Vật.

Trạng Bùng

Phùng Khắc Khoan người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thừa tuyên Sơn Tây (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội), đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Canh Thìn (1580) đời Lê Thế Tông. Là người được đánh giá có tài “kinh bang tế thế, đức độ khoan dung”, Phùng Khắc Khoan viết lên nhiều tác phẩm thi văn nổi tiếng.

13-nhan-vat-lich-su-tai-nang-duoc-nhan-dan-ton-lam-trang

Ông có công lớn, 2 lần đi sứ phương Bắc ứng đối linh hoạt, đề cao uy quyền quốc gia. Cũng qua những lần đi sứ này, Phùng Khắc KHoan đưa các giống ngô, đỗ, khoai, vừng… về nhân rộng trên đồng ruộng ở quê hương; ông còn học được cách dệt the lượt, dệt lụa và cách làm một số nông cụ đem truyền dạy cho dân.

Do làng Phùng Xá quê ông có tên Nôm là làng Bùng nên người đời quen gọi ông là Trạng Bùng.

Trạng Tỏi

Nguyễn Đăng, người làng Đại Toán, huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Dần (1602) đời Lê Kính Tông, sau làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ.

Vào năm Quý Sửu (1613), ông đi sứ nhà Minh, do có tài ứng đối, ngâm vịnh và đặc biệt là làm phú ca ngợi vẻ đẹp chùa Phi Lai ở tỉnh Chiết Giang khiến nhà Minh thán phục. Vua Minh phong ông làm trạng nguyên rồi sai khắc bài phú vào bia đá đặt ở chùa. 

Do làng Đại Toán quê ông có tên Nôm là làng Tỏi nên người đời gọi Nguyễn Đăng là Trạng Tỏi, dân gian còn lưu truyền câu đối nổi tiếng về ông: Vó vó, te te, võng Tiến sĩ/ Hành hành, tỏi tỏi, kiệu Trạng nguyên và câu: Phú ông Tỏi, hỏi làm chi?

Trạng Cờ

Vũ Huyên (có sách chép là Vũ Huyến) quê gốc ở làng Mộ Trạch, trú tại làng Đan Luân, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, Hải Dương) đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Đông Các hiệu thư.

Tương truyền từ khi sinh ra trên trán Vũ Huyên có chỗ xương nhô lên trông giống như quân cờ; đến tuổi trưởng thành ông có tiếng tài giỏi về thi văn và tinh thông, xuất chúng môn cờ tướng.

Do có công giúp vua đánh thắng sứ nhà Thanh liên tiếp ba ván cờ nên ông được vua thưởng hậu và ban cho danh hiệu “Đấu kỳ Trạng nguyên”, dân gian thì gọi ông là Trạng Cờ rồi đặt câu ca ngợi: “Rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch” ý nói rượu ngon nhất thuộc về làng Mơ, không đâu cao cờ bằng dân Mộ Trạch.

Xem thêm: Nữ Trạng nguyên duy nhất của Việt Nam: Giả trai đi thi và giai thoại tình yêu với Mạc đế

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận