Ý nghĩa của chữ Tâm trong đạo Phật

Chữ Tâm trong đạo Phật được xem là một trong những phạm trù cơ bản và quan trọng, được nhắc tới trong Kinh Pháp Cú như sau: "Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả".

Chi Nguyễn
14:05 11/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chữ Tâm trong tiếng Hán

Chữ "Tâm" trong tiếng Hán (心: xīn) là từ để chỉ trái tim, tấm lòng, tâm tư, có hình dạng giống như trái tim. Có lẽ bởi vậy mà chữ Tâm mang hàm ý rằng tất cả mọi việc ta làm trên đời cần xuất phát từ cái tâm. Phải có tâm trong mọi việc thì mới hưởng được thành quả ngọt ngào. 

y-nghia-cua-chu-tam-trong-dao-phat
Chữ Tâm trong tiếng Hán.

Chữ Tâm được nhắc đến trong nhiều tôn giáo và trường phái triết học, tuy có nhiều ý nghĩa riêng nhưng tựu chung đều chủ yếu nói về trái tim, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ tâm, tâm thiện thì trí óc và hành động đều đúng đạo đức, lẽ phải; còn tâm ác thì sẽ nảy sinh tà ý, làm điều tội lỗi, xấu xa. 

Chữ Tâm còn biểu hiện là sự cảm thông, biết chia sẻ với người khác, là tâm tính, tâm tư. Con người ai cũng tồn tại cái “Tâm” trong mình, bởi vậy nên điều quan trọng là tấm lòng, là thành “Tâm”. Chữ Tâm ám chỉ tính thiện, là biết mình biết ta, người có Tâm sẽ không làm điều gì bất thiện, không làm điều gì tổn hại tới ai, quan tâm tới lợi ích của mọi người, của xã hội lên trên bản thân. Chữ Tâm cũng mang nghĩa là lương tâm, là lẽ phải. Con người sống trên đời phải biết giữ lấy chữ Tâm sao cho sống thật tốt, thật có ích.

Chữ Tâm thường được dùng với hàm ý hướng con người tới cái thiện, biết tu thân và dưỡng tính, duy trì lối sống tích cực. "Tâm" mang nhiều ý nghĩa to lớn, được đàm đạo suốt bao đời nay, luôn được người đời coi trọng và đề cao. 

Chữ Tâm trong đạo Phật

Bát nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh (般若波羅密多心經) khi đề cập tới chân tâm, trí tuệ Bát-nhã đã dùng luận điểm: "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc". Trí Bát-nhã gồm 2 loại là căn bản trí - tức trí tuệ gốc, thứ mà chúng sinh đều sở hữu nhưng mê muội nên không rõ và hậu đắc trí - tức là trí tuệ do quá trình tu chứng, duy bậc Phật và Bồ Tát mới đạt được. Tâm là bản thể của pháp giới, mọi sự vật, hiện tượng đều từ tâm mà ra, không có gì ngoài tâm mà tự hình thành. Phải tu theo trí tuệ, giữ chân tâm thanh tịnh thì mới có thể thoát khỏi mê muội, phiền não, sinh tử luân hồi, tiến đến bờ giác ngộ hoàn toàn, chứng đắc Niết bàn.

y-nghia-cua-chu-tam-trong-dao-phat
Đức Phật từng dạy: "Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh chẳng nhận thấy được vì bị vô minh che lấp".

Đức Phật từng dạy: "Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh chẳng nhận thấy được vì bị vô minh che lấp". Câu này có nghĩa là tất thảy mọi người đều sở hữu bản tâm thanh tịnh, trong sáng, thế nhưng do ngoại cảnh chi phối nên tâm luôn xao động, thành vọng tâm, vọng tưởng, lâu dài khiến cho tâm trí bất an, lo lắng, tạo thành nghiệp lực trong vòng sinh tử luân hồi.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, khi đang giảng cho Ngài A-nan và thính chúng về chân tâm, Đức Phật đã nói: cội nguồn của cõi sinh tử luân hồi là vọng tâm, cội nguồn của Bồ đề Niết bàn là chân tâm; nếu biết ta có chân tâm thường trú mà tu hành thì ngộ, thì thành Phật; còn không biết thì sẽ thành mê, là chúng sinh.

y-nghia-cua-chu-tam-trong-dao-phat
Đức Phật dạy rằng: "Nếu người muốn biết rõ, Hết thảy Phật ba đời, Nên xét tính phá giới, Tất cả do tâm tạo".

Cũng trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng: "Nếu người muốn biết rõ, Hết thảy Phật ba đời, Nên xét tính phá giới, Tất cả do tâm tạo". Câu dạy này hàm ý rằng tất cả các pháp trong pháp giới đều bắt nguồn từ tâm, do tâm biến tạo ra. 

Lại nói trong Kinh Di gióa, Đức Phật từng dạy: "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện". Ý của Ngài là cái tâm trong mỗi người luôn thay đổi theo ngoại cảnh, phải nhờ sự hiểu biết chánh pháp, tụng kinh niệm Phật, thiền quán mới có thể khắc chế được tâm ý, trụ tâm tại một điểm, khi đó không còn tồn tại vọng tâm loạn tưởng, như vậy không có việc gì mà người tu tập không thể hiểu biết, không thể biện luận, thực hành thông suốt.

Hàm ý sâu rộng của chữ Tâm trong Phật giáo

Vốn dĩ "Tâm" là chữ mang nhiều tầng lớp ngữ nghĩa, ngay cả trong Phật giáo thì khái niệm chữ Tâm cũng không đơn giản như một số học giả lầm tưởng. Tâm được coi là một trong những phạm trù cơ bản và quan trọng trong nhà Phật, được nhấn mạnh sự quan trọng trong Kinh Pháp Cú như sau: "Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả". Theo các kinh điển Phật giáo, người ta có thể phân biệt 6 loại tâm như sau:

y-nghia-cua-chu-tam-trong-dao-phat
Tâm được coi là một trong những phạm trù cơ bản và quan trọng trong nhà Phật.

Nhục đoàn tâm (zh. 肉團心), trái tim thịt, trong Phật giáo không diễn giải nhiều về ý nghĩa này.

Tinh yếu tâm (zh. 精要心), tức là chỗ kín mật, ý chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ.

Kiên thật tâm (zh. 堅實心), là cái tâm không hư vọng, cũng được coi là chân tâm. Đây là cái tâm chỉ sự tuyệt đối, cái Chân như của các Pháp, là mầm mống giác ngộ vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm có dạy rằng: "Căn bản của sinh tử luân hồi là vọng tâm. Căn bản của Bồ đề Niết bàn là chân tâm".

Trong đạo Phật có nhắc tới Bát thức (Tám thức), ám chỉ nhận thức, là cái biết, là những dòng tiếp nối của cảm giác hay tri giác phân biệt. Bát thức bao gồm Nhãn thức (cái thấy), Nhĩ thức (cái nghe), Tị thức (cái ngửi), Thiệt thức (cái nếm), Thân thức (cái cảm xúc), Ý thức (cái biết sinh ra ý căn), Mạt-na thức (tức là ý, hay ý căn) - cái biết chấp ngã, phân biệt được ngã với phi ngã và A-lại-da thức (cái biết chứa đựng, biến hiện). Ở một số tài liệu có đề cập tới Liễu biệt tâm (了別心), là bao gồm 6 loại nhận thức đầu trong Bát thức, bao gồm các tri thức giác quan và ý thức. Tuy nhiên, có tài liệu nêu rằng các loại tâm không bao gồm các tri thức giác quan, mà chỉ có Ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức.

Duyên lự tâm (zh. 緣慮心), là thức thứ 6, ám chỉ ý thức (sa. manovijñāna). Ý thức có phạm vi rất rộng, có thể trấn ngự các thức khác, lại có thể tự do tự tại, xoay chuyển và tác động tới vòng sinh tử luân hồi. Ý thức được coi như ý nghiệp, là thức tâm đóng vai trò tạo nghiệp, ảnh hưởng tới sự lưu chuyển của chúng sinh trong cõi sinh tử luân hồi hay đưa chúng sinh tới bến bờ giải thoát.

Tư lượng tâm (zh. 思量心), là thức thứ 7, Mạt-na (sa. manas). Tu lượng tâm có chức năng nhận lập trường chủ quan của thức thứ 8, lầm đó là bản ngã của con người, vì vậy mà tạo ra chấp ngã, bản ngã, cái Tôi. Tư lượng tâm được xem là tâm thái trong một lĩnh vực mà con người không thể điều khiển một cách chủ ý, thường phát sinh mâu thuẫn và không ngừng chấp dính vào bản ngã.

Tập khởi tâm (zh. 集起心, citta), là thức thứ 8, A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna) nghĩa là tạng thức, tích tập. Tập khởi tâm chứa đựng tất thảy kinh nghiệm trong cuộc sống của con người, là nguồn gốc của các hiện tượng, hoạt động nhận tức và tâm lý. Đây thường được gọi là vô thức hay tiềm thức. Theo Phật Quang đại từ điển, Kinh Hoa Nghiêm có nhắc tới khái niệm tâm là "tích tập", chính là thứ thứ 8 A-lại-da thức. 

Trong nhà Phật, tâm không được coi là một cá thể, thuần nhất hay một khối cứng nhắc như khái niệm linh hồn. Tâm được coi là một luồng, một chuỗi tư tưởng, có sinh có diệt, có nghiệp lực, được dịch chuyển từ luồng này sang luồng khác. Tâm là một dòng tâm thức bao gồm nhiều loại tâm, có sinh khởi có diệt vong, là nghiệp lực cơ bản cho sự tái sinh của chúng sinh trong cõi sinh tử luân hồi. Khi con người còn sống, dòng tâm thức gồm nhiều loại tâm sẽ lặng lẽ trôi chảy; đến khi họ chết thì dòng tâm thức khởi sinh cuối cùng của kiếp này sẽ trở thành tâm thức đầu tiên của kiếp sau. 

y-nghia-cua-chu-tam-trong-dao-phat
Tâm được coi là một luồng, một chuỗi tư tưởng, có sinh có diệt, có nghiệp lực, được dịch chuyển từ luồng này sang luồng khác.

Theo Thiền Tông, trên đời có 2 thứ tâm: Một là Vọng tâm, tâm mà chúng sinh đều có sẵn, nhưng bị mê muội bởi tham ái, sắc dục mà che mờ; Hai là Chân tâm mang tính thanh tịnh, không sinh không diệt, là tính giác của những vị đã giác ngộ, đến Niết bàn, chính là Tâm Phật.

Vậy từ đâu mà thành tâm tích tập? Đó là tập hợp của Thân (hành vi), Khẩu (lời nói) và Ý (suy nghĩ) có dựa trên quá khứ và hiện tại. Nói cách khác, chữ Tâm trong đạo Phật còn mang ý là Nghiệp (karma). Trong Tăng nhất A-hàm, Đức Phật dạy rằng: "Này hỡi các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý".

Trong đạo Phật, tu là sẳ mình, chuyển nghiệp để thay đổi số phận tái sinh trong cõi sinh tử luân hồi theo chiều hướng tích cực, nhằm hướng tới giải thoát khỏi cõi này. Tâm là một thế giới mà ta cần khám phá, tìm hiểu, thế nhưng thông thường không phải ai cũng có thể thấy, thể hiểm được cái tâm, mà phải suy luận thông qua những hiệu ứng mà nó đem lại.

Đức Phật nói rằng: "Nhất thiết duy tâm tạo" không mang hàm ý rằng theo Ngài "cái tâm là thứ tạo ra thế giới sự vật hiện tượng". Có thể diễn giải rằng, cái "tâm tích tập" vốn có và "tân huân" mới có bị nghiệp lực thôi thúc sinh ra xao động (vô minh), căn nhân biết về cảnh (chủ thể nhân biết về đối tượng nhận thức) tạo nên tổng thể nhận thức về thế giới khác quan theo cách sai lầm. 

Khi một người làm (thân) hoặc nói (khẩu) không có chủ tâm thì không tạo nghiệp. Còn khi được tâm ý tác động, nó hình thành theo khuynh hướng thiện hoặc ác (bất thiện), từ đó tạo thành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác (ác nghiệp, bất thiện). Thứ này sẽ có khuynh hướng tác động và trở lại huân tập tâm, làm biến chuyển nó, tức là chuyển nghiệp. Thế nên, trong Kinh Trung A-hàm, Đức Phật đã khẳng định rằng, trong 3 nghiệp thân, khẩu, ý thì ý nghiệp là thứ tối quan trọng. 

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận