Tiến sĩ Stanford chỉ ra 7 "điểm mù" của cha mẹ cản bước con cái lớn khôn
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ ĐH Stanford, nếu cha mẹ vướng phải 7 điểm mù này, rất có thể họ sẽ cản bước con cái trưởng thành.

Nguyễn Chí Hiếu là Tiến sĩ Đại học Stanford, tác giả các cuốn sách "Thay đổi vì con"; "Giáo dục, Tương lai & Đổi mới",… Theo ông, việc làm cha mẹ tựa như đang lái một chiếc xe. Chúng ta có thể nhìn về phía trước để xem xe có chạy đúng hướng không, lại cũng có thể nhìn vào gương chiếu hậu để biết người đi trước đã làm gì và rút kinh nghiệm. Nhưng ngay cả vậy, ta vẫn không tránh khỏi việc gặp các điểm mù. Ít khi "tài xế cha mẹ" chịu thật sự xoay đầu nhìn qua vai thật kỹ để nhìn thấy trọn vẹn những điểm mù ấy. Dưới đây là 7 "điểm mù" phụ huynh dễ mắc phải khi dạy con:
Cha mẹ biết tuốt
Cha mẹ nên hiểu rằng, đôi khi những thứ chúng ta học hỏi, đúng kết được chưa chắc đã là đầy đủ. Nhiều người cứ đọc mỗi nơi một chút, hớt váng mỗi chỗ một tí, nhâm nhi mỗi khi một "triết lý" mà không đào sâu đọc kỹ để hiểu điều gì thật sự tốt cho con mình.
Có câu: "A little knowledge of everything is just small thinking and that is... dangerous" (Một chút kiến thức của mọi thứ thì chỉ là tư duy nhỏ vụn, và điều đó thật nguy hiểm). Khi cái gì cũng biết một chút, ta dễ ảo tưởng là bản thân thông thái hơn người, dễ tỏ ra biết tuốt. Điều này khiến con trẻ bị "ngộp", bởi các phụ huynh kiểu này dễ "ép" con mình phải học đủ thứ để được như họ.
Cha mẹ gì cũng làm

Nhiều bậc phụ huynh luôn bận rộn với công việc, thời gian eo hẹp thường sinh ra bản tính nóng vội. Cái gì con làm không được, nghĩ không ra, hay làm lâu quá thì thôi, cha mẹ liền đứng ra xử lý hộ. Lâu dần, đứa trẻ hình thành thói quen ỷ lại, khiến chúng không muốn tự lập nữa.
Quá trình một đứa trẻ tự làm, rồi làm sai, rồi lại điều chỉnh, rồi lại sai, rồi lại chỉnh,... là khi tư duy lớn nhanh và nhiều gấp mấy lần so với việc làm ra được đáp án đúng ngay và luôn. Đó cũng là rèn cho trẻ sự kiên trì bền chí. Vì thế, mỗi khi thấy đứa trẻ gặp khó khi làm thứ gì mới, hãy nhẫn nại theo dõi và động viên con cố gắng, đừng "giành" việc của con.
Cha mẹ kiểu ông già Noel
Một số cha mẹ sai lầm khi mỗi việc con làm đều được họ "trả thù lao" bằng quà thưởng, từ cái nhỏ như cục kẹo cho đến quần áo, giày dép, rồi càng ngày càng nâng lên thành điện thoại, máy tính, những chuyến đi chơi xa,... Họ không chú ý một quy luật: Lòng tham càng đào càng sâu, và sự tưởng thưởng vật chất cho trẻ nhỏ nhiều quá không khác nào khuếch đại tính ưa đòi hỏi của trẻ.
Quan trọng hơn, trẻ sẽ không nhận ra món quà đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mọi nỗ lực trong học tập chính là sự tích lũy kiến thức, sự vững chãi của tư duy. Đó mới chính là những tài sản lâu bền và quý giá nhất.
Cha mẹ "độc hại"

Quan điểm "thương cho roi cho vọt" đã quá lỗi thời, nhưng vẫn còn không ít phụ huynh vẫn áp dụng nó. Những lời so ánh, chỉ trích, la mắng hay đánh đập chỉ có giá trị ngắn hạn tức thời. Cha mẹ hạ hỏa trong lòng, và con cái vâng dạ, răm rắp làm theo - nhưng chỉ ngoài mặt mà thôi.
Mọi lời khen chê nên chuyển thành góp ý, phân tích cái chưa được cũng như cái được của con. Cái hay của giáo dục chính là nhận thức và khắc phục những điểm yếu, song song với việc ghi nhận những tích cực và phát huy thế mạnh của từng đứa trẻ.
Đừng bảo con kiểm soát cảm xúc tốt khi chính cha mẹ không làm được điều đó. Nuôi dạy con nên là một con đường hạnh phúc, vui vẻ, chứ không phải là cuộc chạy đua căng thẳng, khó nhọc.
Cha mẹ thoải mái
Đã không biết bao lần tôi ngồi trò chuyện với nhiều mẹ về chuyện "Sao con học hoài không thấy tiến bộ?". Lúc nào câu trả lời dạm ngõ của tôi cũng là câu hỏi: Thời khóa biểu ở nhà của con ra sao?
Lúc đó, nhiều cha mẹ mới giật mình, phát hiện ra điểm mù này. Thời gian biểu của con mà thất thường, việc chúng đang làm sẽ khó thành thói quen. Theo hai nhà nghiên cứu Warren Willingham và William Angoff, việc một đứa trẻ quyết tâm đi đến cùng trong một hoạt động chính là yếu tố quan trọng nhất dự đoán được thành công trong đại học của đứa trẻ ấy hơn bất cứ một yếu tố nào khác.
Cha mẹ muốn tất

Điểm mù này có nghĩa là, cứ có thứ gì nghe "hay hay", "độc độc" là các bậc phụ huynh này lại muốn con thử. Họ chẳng thực sự tìm hiểu, khám phá về nó, mà cứ đầu tư hết rồi ép con học. Thế nên mới có nhiều đứa trẻ phải gồng gánh quá nhiều mong đợi, ước mơ của cha mẹ. Nhiều khi chúng không còn thời gian để... thở, chứ đừng nói chi là hấp thu kiến thức.
Chất lượng hơn số lượng, và đôi khi "less is more", tức ít hơn lại là nhiều hơn. Vì thế, đừng để con trẻ bận "tối mắt tối mũi" với những thứ hay ho mà bạn phát hiện, hãy để chúng tự chọn!
Cha mẹ "mù tịt"
Con học gì, ai dạy con thế nào, bài vở trên trường ra sao, con làm gì ở nhà,... cha mẹ gần như không biết một tí gì. Tất cả phó thác cho ông bà, người giúp việc, gia sư hoặc thậm chí là tài xế.
Cứ thế, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày một nới rộng. Những thái độ, hành vi tiêu cực của con cũng từ đó mà xuất hiện; nhưng mọi lỗi lầm, sai trái của con đều được cha mẹ "nhẹ nhàng" phủi tay, đẩy sang cho thầy cô và nhà trường. Trẻ con như hạt mầm non, cha mẹ chính là người làm vườn. Muốn hạt mầm đâm chồi nảy lộc, thì cha mẹ phải là người đứng ra chăm đất, gieo hạt, tưới tắm, bón phân,... húng ta không thể nào can thiệp mọi lúc mọi nơi, nhưng chúng ta cũng không thể nhắm mắt, phó mặc cho những người nông dân khác đi chăm bón giúp cái cây ta đã "thai nghén" gieo trồng.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: Giáo dục con trẻ có thể thất bại nếu cha mẹ thiếu đi uy quyền: Dịu dàng khác hẳn nhu nhược!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận