Thấm thía lời Phật dạy: Hiếu thuận bậc sinh thành là phúc lành cao thượng
Đạo Phật cho rằng, hiếu thuận bậc sinh thành là phúc lành cao thượng, là một trong những bổn phận quan trọng của người con.
Theo đạo Phật, nếu cha mẹ hoàn thành trách nhiệm thi ân, thì con cái ắt phải có bổn phận báo ân. Chính Đức Phật cũng từng báo đáp công ơn sinh thành bằng một hành động đáng quý, đó là khai ngộ cho vua cha trở thành vị Thánh nhân trước khi lìa đời. Suốt mùa an cư kiết hạ thứ bảy, Đức Phật cũng đã dùng hầu hết thì giờ để thuyết pháp cho hoàng hậu Mayà ở trên cung trời Đao-lợi.
Theo Kinh Tăng Chi, Đức Phật có dạy rằng, con người sống trên đời phải thực hành 2 điều, đó là biết ơn và nhớ ơn. Cụ thể: "Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha".
Đạo Hiếu được hiểu theo 3 nghĩa đơn giản là: Đối xử tốt với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; Giữ vững và phát huy truyền thống, nề nếp gia phong của gia đình; Giữ tang lễ cho đúng cách. Như vậy, chữ Hiếu không chỉ thể hiện ở sự chăm sóc chu đáo, mà còn là ở thái độ, tình cảm và còn cả tín ngưỡng, tâm linh đối với các giá trị truyền thống của gia đình.
Người Việt từ xưa đến nay luôn đề cao sự hiếu kính cha mẹ, coi đó là truyền thống tốt đẹp và lâu đời. Hiếu thuận là điều tốt lành, nhưng phải thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền của do chính mình làm ra. Không nên dùng tiền làm ăn phi pháp, lừa dối, lấy của không cho,...
Đạo Phật cho rằng, hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo chánh đạo là một thái độ hiếu thuận có ý nghĩa nhất trong những bổn phận của người con đối với cha mẹ. Những bổn phận này cũng được đề cập trong kinh Sīgalavāda (Lễ Sáu Phương) như sau:
1. Phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất, hướng dẫn người trên bước đường tinh thần.
2. Làm những công việc nặng nhọc thay cha mẹ.
3. Gìn giữ gia phong.
4. Sử dụng, gìn giữ và phát triển gia sản của cha mẹ.
5. Hồi hướng công đức cho cha mẹ khi người đã lìa đời.
Một người con có thể coi là bất hiếu nếu đi ngược 5 bổn phận kể trên. Đó là:
1. Không nuôi dưỡng mẹ cha, không hướng dẫn họ theo chánh đạo khi họ có tà kiến.
2. Không đỡ đần những công việc nặng nhọc cho cha mẹ.
3. Làm ô uế gia phong.
4. Làm tán gia bại sản.
5. Không màng tới thâm ân của cha mẹ khi họ đã qua đời.
5 điều này cũng tương tự như 5 tội bất hiếu mà Mạnh Tử đã dạy:
1. Lười biếng không làm việc để nuôi cha mẹ.
2. Say mê cờ bạc, rượu chè, không nghĩ đến cha mẹ.
3. Ham tiền của, lo vợ con, chẳng đoái hoài đến cha mẹ.
4. Ham chơi bời để cho cha mẹ mang nhục.
5. Ham sức mạnh, thích đánh nhau làm phiền đến cha mẹ.
Phận làm con mà không phạm 5 tội bất hiếu trên đều được coi là hiếu tử. Cả lời Phật dạy lẫn lời dạy của Đức Mạnh Tử đều nhắc tới cách phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất, nhưng có cách biểu đạt khác nhau. Đức Phật dạy rằng, nên hướng dẫn cha mẹ theo chánh đạo, tức là nếu người con may mắn có dịp đến chùa nghe kinh thỉnh pháp nên biết sống theo đạo đức, hiểu biết đạo lý, phải tìm cách khôn khéo hướng dẫn cha mẹ trở lại chính đạo.
Làm con phải có lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, phải biết báo đáp ân thâm ấy bằng bất cứ giá nào. Đó cũng là nghĩa vụ trước tiên trong đạo làm người, đúng như Đức Khổng Tử đã dạy: "Hiếu giả bách hạnh chi tiên".
Theo HT. Viên Minh/Phật giáo.org.vn
Xem thêm: Nhân duyên ở đời từ đâu mà có: Tránh hiểu lầm về câu nói vạn sự tùy duyên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận