Startup xanh độc đáo thời 4.0: Ứng dụng 've chai công nghệ' dành cho người thu mua đồng nát
Trong khi các ứng dụng dành cho xe ôm 'công nghệ' đang vô cùng thịnh hành, mới đây hai doanh nhân 8x đã cùng nhau hợp tác để ra mắt ứng dụng 've chai công nghệ' VECA.
Chung mối quan tâm về bảo vệ môi trường, anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ Thị Minh Trang (SN 1982, TP.HCM) đã bắt tay cùng nhau khởi nghiệp ứng dụng 've chai công nghệ' có tên VECA.
Bắt nguồn từ ý tưởng xử lý phế liệu
Anh Bùi Thế Bảo theo học ngành môi trường tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, từng là giám đốc một nhà máy giấy ở Tây Ninh. Với kinh nghiệm ở vị trí HSE Manager (Health - Safety - Environment Manager) ở một số công ty ngành giấy và nhôm, anh đã nhanh chóng nhất ra những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải, gây ra lãng phí và tạo áp lực lên hệ thống xử lý môi trường.
Từ đó, anh nảy ra ý tưởng xử lý và tái chế tế liệu, sau đó trao đổi với chị Minh Trang - bạn học cấp 3 của anh. Chị Trang là nhà thiết kế, học ĐH Kiến trúc TP. HCM, có một công ty truyền thông lâu năm. Chị nhận định: "Ở góc độ của một thị dân, làm việc nhiều với in ấn, giấy các loại, tôi thấy vô nghĩa khi hàng ngày nhìn túi phân loại rác có thể tái chế của nhà mình bị trộn lẫn với rác sinh hoạt trên xe thu gom".
Hiện tại, ve chai vẫn đang là lĩnh vực ít minh bạch, lại gặp nhiều khó khăn trong việc mua và bán. Người mua thường phải đi rất xa để tìm "khách hàng", kết quả lại rất bấp bênh; người bán nếu có nhu cầu cũng không thể chủ động, phải đợi người mua đi qua và lo lắng về giá cả khi bán.
Vì thế, ứng dụng VECA đã ra đời - viết tắt của từ "ve chai", nhằm đưa ra giải pháp để người bán có thể chủ động thời gian, và người mua cũng có thể thu mua thuận tiện và tiết kiệm thời gian, công sức hơn. Hai người cho rằng, thông qua ứng dụng này, các chủ vựa ve chai trong nội thành có thể quản lý dễ dàng hơn, ổn định cả đầu ra và đầu vào.
Hi vọng xây dựng hệ sinh thái tái chế
Ra mắt vào đầu tháng 4/2021, dự án khởi nghiệp này được kì vọng sẽ xây dựng nên một hệ sinh thái tái chế. Trong năm đầu tiên vận hành, VECA là một ứng dụng thu mua ve chai, kết nối người mua, người bán và chủ vựa phế liệu. Thông qua ứng dụng này, người bán sẽ đặt lịch thu gom rác tái chế như nhựa, giấy, nhôm... và người thu mua sẽ đến.
Được biết, ứng dụng VECA sẽ có 2 phiên bản, một phần dành cho người bán và một phần dành cho người mua. Trên phiên bản cho người thu, ứng dụng sẽ hiển thị vựa nào, khu vực nào thu mua, giá cả ra sao để họ có thể tự chọn nên bán hàng cho ai. Theo anh Bảo, hiện các chủ vựa đều phải ghi chép thủ công, do đó anh kì vọng VECA sẽ giúp họ cập nhật tổng đơn, nguồn nguyên liệu, tổng phí đã mua... dễ dàng hơn.
Dù phát triển với mục đích tốt, VECA vẫn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Một người dùng bình luận: "Đa phần người đi thu mua ve chai là người nghèo, lớn tuổi và không rành công nghệ. Việc họ sử dụng được app cũng là cả một vấn đề. Hơn nữa, đa số khách thấy thương tình các ông bà cụ đi mua, nên lấy chút đỉnh cho vui hoặc cho luôn. Giờ cầm app xem giá, chốt đơn, vô tình tình cảm đó nhạt đi mất".
Dù vậy, anh Bảo cho rằng, có không ít người thu gom chuyên nghiệp có thu nhập khá, thậm chí còn hơn mức lương cơ bản của nhân viên văn phòng. Hiện tại, họ chưa có nhu cầu nên chưa dùng điện thoại thông minh, nhưng một khi đã có, nhiều khả năng họ sẽ mua và cài đặt VECA. Anh chia sẻ: "Nếu ta giúp họ nhận ra nhu cầu ấy, việc chuyển đổi để thích nghi là hoàn toàn khả thi vì thuật toán của VECA sẽ giúp người mua ve chai có quãng đường thu gom hiệu quả nhất, từ đó mua được nhiều hơn, ổn định hơn".
Để làm được điều này, ban đầu đội ngũ quản lý quyết định tiếp cận các chủ vựa thu mua trước, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên. Chủ vựa sẽ tiếp cận và sử dụng ứng dụng này, nếu nó có hiệu quả cao, nhất định họ sẽ giới thiệu cho những người khác. Chủ start-up này nhận định: "Một lời nói của chủ vựa hiệu quả hơn lời thuyết phục của VECA gấp 10 lần!".
Chị Minh Trang cho biết, app VECA hoàn toàn miễn phí, lại dễ dùng. Chỉ cần bấm nút là họ có thể đặt lịch thu mua, đồng thời có bảng giá minh bạch các loại ve chai phổ biến. Theo chị, những cô chú "đồng nát" có vai trò rất quan trọng, là tuyến đầu trong việc thu gom vật liệu tái chế. VECA hi vọng thông qua app, họ sẽ được giới thiệu tới cách thu gom hiệu quả hơn, tiện lợi hơn. Hơn nữa, nếu startup này thành công, hình ảnh của họ sẽ chuyên nghiệp hơn, giống như với nghề "xe ôm công nghệ" hiện nay.
Được biết, chị TRanh và anh Bảo đang dự định xây dựng hệ thống thu gom phế liệu quy mô trên TP.HCM trong 1 năm tới đây, sau đó phát triển tại các thành phố lớn trong 3 năm tiếp theo. VECA đang là ứng dụng miễn phí nên doanh thu đến từ giai đoạn 2 khi chuyển sang kinh doanh phế liệu từ vựa đến nhà máy. Hai nhà sáng lập kì vọng rằng VECA sẽ phát triển trở thành một phần của hệ sinh thái tái chế, nâng cao tỷ lệ rác thải phân loại và phế liệu tái chế.
Tháng 12/2020, VECA đã ký hợp tác liên kết với ví điện tử MOMO và đang tiến hành kết nối API để thanh toán điện tử. Hiện tại, ứng dụng đang chạy khởi động tại quận Phú Nhuận, TP.HCM và đã có mặt trên chợ ứng dụng của Apple và Google.
Được biết, VECA là 1 trong 15 start-up được lựa chọn tham gia Chương trình "NINJA Accelerator tại TP.HCM" kéo dài từ 12/01 đến 09/04/2021. Hai founder của dự án đã xác nhận họ tham gia chương trình để nhằm hoàn thiện mô hình kinh doanh và kỳ vọng cơ hội tìm nhà đầu tư.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận