Phan Kính: Vị thám hoa nước Việt dốc sức cống hiến cho đất nước, được Càn Long nể trọng mà tặng 18 cỗ quan tài

Sinh ra trong cảnh nghèo, nhờ ý chí và ham học hỏi, Phan Kính đã trở thành thám hoa tài giỏi có nhiều cống hiến cho Đại Việt, ngay cả nhà Thanh cũng nể trọng.

Chi Nguyễn
07:30 12/09/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong số những vị thám hoa lịch sử Việt, có Phan Kính là người được vua Lê Hiển Tông tin dùng, ngay cả nhà Thanh vô cùng kính nể. Vốn xuất thân nghèo khó, chỉ nhờ bằng ý chí và ham học hỏi, ông đã vượt lên số phận và dốc sức cống hiến cho nước nhà.

Con nhà nghèo hiếu học, viết bài trên lá chuối xanh

Phan Kính tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng hiếu học ở làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, lên 3 tuổi đã thuộc nằm lòng nhiều ca dao, tục ngữ. Thấy con thông minh, cha ông là Phan Quán đã cho con học chữ từ năm 6 tuổi.

Lúc bấy giờ, gia cảnh nhà Phan Kính vô cùng khó khăn. Giấy đã viết hết thì phải lộn mặt trái mà viết tiếp, không ít lần phải viết bài trên lá chuối tươi. Văn bia tại từ đường họ Phan do chính Thám hoa Phan Kính soạn có ghi: "Nhà nghèo, giấy bút đồ dùng cái gì cũng thiếu, thường phải lộn mặt giấy cũ để làm văn, không có đèn học thì phải chờ ánh trăng hoặc đêm khuya thì ngồi cạnh khung dệt của mẹ để chung đèn mà đọc sách".

phan-kinh-tham-hoa-nuoc-viet-duoc-can-long-tang-18-co-quan-tai
Năm 1722, xã Lai Thạch tổ chức kỳ thi sát hạch, Phan Kính mới 7 tuổi đã xếp hạng nhất

Thông minh lại chăm chỉ, chẳng mấy chốc Phan Kính đã thuộc hết kinh sử đương thời, biết làm cả thơ phú. Năm 1722, xã Lai Thạch tổ chức kỳ thi sát hạch, Phan Kính mới 7 tuổi đã xếp hạng nhất. Giỏi nhưng không kiêu, ông vẫn cố gắng học hành, ngày đêm dùi mài kinh sử. Năm 14 tuổi, gia đình cho ông theo học Thám hoa Ngô Sách Hân, sau này chính ông giúp Phan Kính lên Thăng Long học hành.

Năm 1743, Phan Kính ra Thăng Long dự thi, tương truyền có qua sông Lam ném dao mà thề rằng: "Không đỗ đạt thì không trở về". Trong số 3.000 sĩ tử năm đó, ông thi đỗ thám hoa. Khoa thi ấy không có trạng nguyên hay bảng nhãn, nên Phan Kính là người đỗ cao nhất. Đề thi chế sách do chính vua Lê Hiển Tông ra đề, bao gồm 10 mục với 100 câu hỏi. Quyển thi của vị thám hoa tài ba ấy được vua dùng bút son ngự phê: "Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh".

phan-kinh-tham-hoa-nuoc-viet-duoc-can-long-tang-18-co-quan-tai
Quyển thi của Phan Kính được vua dùng bút son ngự phê: "Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh"

Sau khi đỗ đạt, ông được vua cho về quê vinh quy bái tổ, nghỉ ngơi 3 tháng và thu xếp việc nhà. Đến giữa năm 1744, ông ra Thăng Long nhậm chức. Ban đầu, ông làm  Hàn lâm viện đãi chế, chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Sau này, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Giám sinh ở Quốc Tử Giám, Đốc đồng trấn Sơn Tây, Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Thư đốc thị Nghệ An, Đốc đồng xứ Tuyên Quang, Kinh lược sứ, Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa...

Vị Thám hoa được nhà Thanh kính nể

Trong những năm 1758-1761, Phan Kính giữ chức Đốc đồng xứ Tuyên Quang kiêm tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và một phần Sơn La ngày nay). Ông được vua Lê cho quân tới giữ trấn vùng biên giới phía Bắc, nhiều lần thương thuyết với quan chức nhà Thanh.

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép, Phan Kinh được triều đình cử đi sứ nhiều lần trong khoảng thời gian từ 1759 đến 1760. Vốn là người có kiến thức sâu rộng, lại có tài ngoại giao, ông đã giúp nước ta dựng lại cột mốc biên giới, giúp ổn định cương giới giữa Đại Việt và nhà Thanh. Thậm chí, Càn Long còn rất mến phục tài trí của ông, từng phong ông danh vị "Lưỡng quốc đình nguyên thám hoa". Chưa kể, vị hoàng đế nhà Thanh này còn tặng cho Phan Kính 1 chiếc áo cẩm bào, kèm 2 bức trướng ghi "Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ". Câu này có nghĩa là: "Thiên triều đặc cách, phía Nam Bắc Đẩu, chỉ một người thôi".

Không may trong chuyến đi này, do làm việc quá sức, Phan Kinh lâm bệnh nặng rồi đột ngột qua đời ở nhiệm sở Hưng Hóa. Năm ấy ông mới 47 tuổi, tài năng vẫn còn đang độ chín muồi. Nghe tin Phan Kính qua đời, Càn Long bày tỏ sự kính phục và tiếc nuối, cho người đóng 18 cỗ quan tài, khâm liệu rồi đưa ông về nước.

phan-kinh-tham-hoa-nuoc-viet-duoc-can-long-tang-18-co-quan-tai
Áo Cẩm Bào vua Càn Long tặng Phan Kính. Ảnh: Báo Tiền phong.

Thi hài Phan Kính được rước về Thăng Long, đông đảo bá quan văn võ tới viếng. Vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh đã cấp lễ vật, tử tuất rất trọng hậu và tự tay đề bức trướng phúng viếng. Trên đó ghi 2 dòng là: "Lưỡng đồ văn hữu vũ / Vạn lý hiểm vy di" (tức "Hai đường kiêm văn võ/ Vạn dặm hiểm lại bình"). 

Vua Lê còn truy phong ông chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, thụy Trung hiển. Sau khi tiến hành tang lễ, vua giao cho Bộ Lễ cùng binh lính hộ tống cả 18 cỗ linh cữu Phan Kính về mai táng, không ai biết thi hài ông nằm ở quan tài nào. Đến năm 1783, Thám hoa Phan Kính lại được vua Lê Hiển Tông sắc phong là "Thành hoàng hiệu Anh Nghị Đại Vương", ghi nhớ công lao nội trị và ngoại giao xuất sắc. Vua còn sai thợ giỏi về thôn Vĩnh Gia dựng đền thờ, lăng tẩm, đặng giao cho 3 tổng Lai Thạch, Hòa Lâm, Bình Hồ thuộc huyện La Sơn thờ phụng.

Phan Kính để lại nhiều tác phẩm sâu sắc như Kinh truyện tử sử, Sách văn lược cú, Dĩ Trực thị tộc, Vinh cổ Thái Lão, Vĩnh Gia Thám hoa Phan Kính truyện, Văn thi Hội, thi Đình, Văn tế sống cô Nhiễu... Bạn cùng thời với ông, danh nhân Đặng Trần Côn từng viết về ông rằng: "Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút". 

Xem thêm: Vị vua nghiêm minh bậc nhất triều Nguyễn và nghi án giết chị dâu chấn động lịch sử

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận