Nhiều người trẻ ngại đi làm hành chính, 3 tháng không xin việc vì mê làm shipper
Nhiều người trẻ tâm sự, dù không có việc làm ổn định, nhưng họ ngại đi xin việc vì mê làm shipper.
Trong bối cảnh công nghệ số cùng với bão sa thải và kinh tế khó khăn hiện nay, việc giới trẻ có trình độ, chuyên môn cao đổ xô đi làm shipper, xe ôm công nghệ đã trở thành một hiện tượng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một câu hỏi: hiện tượng đó liệu có đang làm lãng phí nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước?
Giới trẻ Việt Nam ngày càng coi trọng việc học tập và nâng cao trình độ bản thân. Nhiều bạn dù tuổi đời còn rất trẻ đã đạt trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, kỹ sư... Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ và nhu cầu đời sống ngày càng tăng, không ít bạn trẻ đã chọn con đường trở thành shipper, chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống. Trong suy nghĩ của nhiều người, công việc này không chỉ giúp họ kiếm được thu nhập ổn định mà còn mang lại sự linh hoạt trong công việc.
Có nhiều lý do khiến giới trẻ trình độ cao lựa chọn nghề shipper, xe ôm công nghệ. Một trong những lý do chính là do sự linh hoạt và thu nhập hấp dẫn của nghề. Chưa kể, công việc này không đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm chuyên môn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những người trẻ muốn kiếm tiền ngay lập tức.
Một bạn sinh viên năm ba Đại học Bách Khoa từng tâm sự với tôi rằng: "Em chạy shipper cũng được sáu tháng rồi, do lịch học trên trường chỉ học nửa ngày nên em tranh thủ đi làm nửa ngày còn lại để kiếm thêm thu nhập: có khi ban ngày đi giao hàng, tối về lại đi dạy thêm. Gia đình kinh tế cũng khó khăn nên em phải đi làm để có tiền chi tiêu lo cho bản thân ở trên Hà Nội. Nhờ có công việc này mà hàng tháng em cũng tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ để gửi cho bố mẹ".
Một sinh viên đã tốt nghiệp bằng Khá của trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng chia sẻ, sau 5 năm học hành vất vả với tấm bằng kỹ sư, hy vọng ra trường có một công việc tốt để có thể tự lo được cho chính mình. Thế nhưng, với mức lương khởi điểm chỉ 5 triệu đồng cho một người mới ra trường, thật khó quá khó để có thể duy trì cuộc sống trên Hà Nội.
"Tôi lựa chọn làm shipper ban đầu cũng chỉ là mong có thêm thu nhập chi trả cho cuộc sống trong thời gian đi xin việc. Nhưng lâu dần, tôi nhận thấy công việc này còn mang lại cho mình một khoản thu nhập tốt hơn đi làm chuyên môn, nên khoảng ba tháng nay đã không đi xin việc nữa. Thay vào đó, tôi đi giao hàng full-time, thu nhập dao động từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng, nên tội gì không làm", bạn sinh viên này bộc bạch.
Có thể thấy, vấn đề cơm, áo, gạo, tiền là lý do chính của rất nhiều người khi bước chân vào thị trường lao động. Tuy nhiên, việc giới trẻ có trình độ cao đi làm shipper, xe ôm công nghệ cũng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Thứ nhất, nó có thể gây lãng phí nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước, khi mà những người trẻ tuổi có trình độ cao không sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình để phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Thứ hai, việc này cũng có thể tạo ra một lực lượng lao động không đủ trình độ chuyên môn, gây ảnh hưởng đến chất lượng lao động của quốc gia.
Trước tình hình này, cần có sự can thiệp của các cơ quan đoàn thể và các tổ chức giáo dục để định hướng lại con đường nghề nghiệp cho giới trẻ. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ để giúp họ có thể tận dụng tối đa trình độ và kỹ năng của mình, đồng thời cung cấp cho họ những cơ hội nghề nghiệp phù hợp. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể ngăn chặn được tình trạng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia.
Theo Vũ Thị My/VnExpress
Xem thêm: Giám đốc thất nghiệp đi làm shipper kiếm tiền, vẫn vui vẻ: Chỉ cần lương thiện, việc gì cũng quý
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận