Ngỡ ngàng với nhan sắc của những nữ minh tinh màn bạc khi xưa
Nhan sắc kiều diễm của các nữ minh tinh màn bạc miền Nam giai đoạn 1954-1975 được thể hiện trong cuốn "Người tình không chân dung" của tác giả Lê Hồng Lâm.
Lê Hồng Lâm là một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng, tác giả của vô số đầu sách nghiên cứu điện ảnh như Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất và đặc biệt là Người tình không chân dung. Anh làm quen với điện ảnh từ rất sớm, qua những bộ phim chiếu bóng ở bãi chiếu công cộng thời bao cấp, những bộ phim xưa cũ như Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa...
Cuốn sách Người tình không chân dung là dự án điện ảnh khảo cứu về Điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975, với nguồn tài trợ từ quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh tại Việt Nam cùng sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè. Đây là dự án mà Lê Hồng Lâm đã tâm huyết thực hiện suốt 2 năm, tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, xem lại vô số bộ phim để phục dựng lại di sản điện ảnh một thời. Đặc biệt, trong cuốn sách này, một lần nữa khán giả được nhìn lại tài năng và nhan sắc kiều diễm của các nữ minh tinh màn bạc miền Nam thời bấy giờ.
Kim Cương được gọi là "kỳ nữ" trong giới sân khấu Việt Nam, từng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản nói nhất Việt Nam". Năm 17 tuổi, bà tham gia điện ảnh với bộ phim Lòng nhân đạo, từng đóng trên dưới 30 bộ phim, là diễn viên tài năng và vô cùng ăn ảnh. Bà coi điện ảnh là "người tình đến sau", bởi bà đã đứng trên sân khấu từ khi còn rất nhỏ, đảm nhiệm cả vai trò diễn viên lẫn soạn giả. Đây là ảnh của Kim Cương trên bìa Truyện phim ra ngày 18/1/1958.
Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng qua vai diễn Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương, và ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt thời bấy giờ. Bà đã nhanh chóng chinh phục khán giả màn ảnh rộng, cái tên "Người đẹp Bình Dương" đã theo bà trong suốt hành trình nghệ thuật. Bà là một trong những "tứ đại mỹ nhân" điện ảnh miền Nam khi đó, bên cạnh Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương.
Những năm 1965-1975 được coi là "thời kỳ vàng son" của Thẩm Thúy Hằng. Bà liên tiếp tham gia nhiều bộ phim, mở hãng phim riêng Việt Nam film và cho ra đời nhiều bộ phim lãng mạn, tâm lý rất ăn khách. Thậm chí, bà từng được mệnh danh là "Nữ hoàng điện ảnh" với vô số giải thưởng cao quý như Diễn viên xuất sắc Á Châu tại LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu,...
Ca sĩ Khánh Ngọc, người có gương mặt khả ái, thân hình bốc lửa cũng như giọng ca vàng rung động lòng người. Bà là một trong những ngôi sao hàng đầu làng điện ảnh Sài Gòn, xuất hiện trên bìa Truyện phim số ra ngày 6/12/1958.
Thu Cúc - Nữ tài tử màn bạc Việt Nam xuất hiện trên bìa tờ Truyện phim ra ngày 25/1/1958.
Kim Vui bắt đầu sự nghiệp đi diễn bằng múa ballet, chuyển sang belly dance rồi bắt đầu làm ca sĩ năm 17 tuổi, đặc biệt trở nên nổi tiếng sau khi nhập vai nữ ca sĩ trong phim Chân trời tím.
Với nhan sắc lộng lẫy cùng thân hình quyến rũ, Kim Vui được mệnh danh là "thần vệ nữ", thậm chí báo giới thời bấy giờ tôn vinh bà là "Người phụ nữ hấp dẫn nhất Sài Gòn". Bà sở hữu giọng ca trời phú, với cách ngân-nhả chữ chuyên nghiệp, hấp dẫn. Từ hát nhạc Việt, bà có thể hát được nhạc Anh, Pháp, Italy và rất được công chúng mến mộ, có những khi bà chạy show tới 10 phòng trà/đêm.
Kiều Chinh là nữ diễn viên chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ và mau chóng trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng nhất. Bà có gương mặt thanh thoát, trong sáng cùng khả năng nói ngoại ngữ lưu loát, do đó đã được một số hãng phim Hollywood mời tham dự. Bà đóng chính trong một số bộ phim như A Yank in Vietnam (1964), Operation C.I.A (1965), Destination Vietnam, The Evil Within (1970)...
Tạo hình của Kiều Chinh trong bộ phim A Yank in Vietnam. Bà là diễn viên Việt Nam duy nhất được vinh danh ở Hollywood.
Thanh Nga được người hâm mộ ưu ái gọi là "Nữ hoàng cải lương" vừa có tài, vừa có sắc. Bà cũng từng tham gia diễn xuất trong một số phim điện ảnh như: Loan mắt nhung, Đôi mắt người xưa, Sau giờ giới nghiêm, Sợ vợ mới anh hùng... Đây là tạo hình của bà trong phim Xa lộ không đèn.
Thu Trang là người gốc Hà Nội, nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, đặc biệt đam mê viết văn, viết báo và rất năng động. Ảnh nữ diễn viên Thu Trang trên bìa Truyện phim phát hành năm 1957 khi bà đang đóng phim Lục Vân Tiên.
Giải mã lý do miền Tây sở hữu nhiều mỹ nhân đẹp nhất Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận