Lục Tổ Huệ Năng là ai? Câu chuyện truyền y bát của Lục Tổ Huệ Năng

Lục Tổ Huệ Năng là vị thiền sư nổi tiếng và vĩ đại trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, được coi là vị Tổ khai sáng dòng Thiền.

Chi Nguyễn
15:37 25/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lục Tổ Huệ Năng là ai?

Lục Tổ Huệ Năng (慧能) là vị thiền sư nổi tiếng và vĩ đại trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa. Tương truyền, ngài không biết chữ nhưng lại là vị sư kế tiếp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trở thành vị Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa.

Xưa kia, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng đến thời Huệ Năng, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Do đó, không ít người cho rằng Huệ Năng mới thật sự là vị Sư tổ khai sáng dòng Thiền tại đây.

Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai dù có nhiều học trò xuất sắc, do đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Môn đệ chính là hai vị Thiền sư Thanh Nguyên Hành TưNam Nhạc Hoài Nhượng, hai vị dẫn đầu hầu như tất cả các dòng Thiền về sau.

luc-to-hue-nang-la-ai-cau-chuyen-truyen-y-bat-cua-luc-to-hue-nang
Nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam, huyện Thiều Quang, Quảng Đông, Trung Quốc.

Đại sư Huệ Năng được coi là người sáng lập Thiền Đốn Ngộ (tức Thiền Nam Tông), chủ trương là đạt giác ngộ trực tiếp, nhanh chóng. Ngài là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là Kinh mang tên "Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh", gồm những lời nói, bài dạy của Phật Thích Ca. Đây là một tác phẩm có ý nghĩa sâu xa về thiền, diễn giảng diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật, phát triển thành Đốn giáo "Nhất siêu trực nhập".

Sư họ Lô, sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm quan bị giáng chức tới Tân Châu, Nam Hải, Trung Quốc. Năm lên 3 tuổi, cha mang bệnh rồi mất, gia cảnh nghèo khó nên không biết chữ. Dù vậy, ngài là người con hiếu thảo, thông minh, hằng ngày vào rừng đốn củi, sau đó đem ra chợ đổi lấy gạo nuôi mẹ. 

Một ngày nọ, khi đang đi bán củi, ngài nghe người ta tụng Kinh Kim Cang (tức kinh Kim Cương), bất ngờ có ngộ nhập. Thấy người đọc kinh nhắc tới Hoằng Nhẫn, ngài liền xin phép mẹ rồi tới gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn học đạo. Đi mất hơn 1 tháng, ngài mới tới huyện Huỳnh Mai, tìm gặp Hoằng Nhẫn và mong muốn cầu làm Phật. Đây chính là cơ duyên dẫn đến việc Ngài được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát.

Câu chuyện truyền y bát của Lục Tổ Huệ Năng

Việc truyền y bát của Lục Tổ Huệ Năng chính là nguyên do gây ra sự phân chia Thiền tông thành Nam thiền và Bắc thiền, là một bước ngoặt lớn của lịch sử Thiền tông Trung Hoa.

Tương truyền rằng, sau khi gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, ngài ấy đã biết rõ căn cơ của Huệ Năng, nhưng ngài không truyền pháp ngay mà lại phân cho xuống bếp làm công quả. Tại đây, Huệ Năng vẫn chuyên tâm bổ củi, giã gạo ngày ngày. Cối gạo to, chày đạp lại lớn, người ngài vốn gầy yếu, không đủ sức làm, nên Huệ Năng phải cột thêm đá vào lưng mới đủ sức giã gạo. Cứ thế ngày ngày ngài miệt mài làm việc, chưa bao giờ lười biếng, mơ màng.

luc-to-hue-nang-la-ai-cau-chuyen-truyen-y-bat-cua-luc-to-hue-nang
Sau khi gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, ngài ấy đã biết rõ căn cơ của Huệ Năng, nhưng ngài không truyền pháp ngay mà lại phân cho xuống bếp làm công quả.

Một ngày nọ, Ngũ Tổ xuống nhà bếp, đi qua thấy Huệ Năng vẫn đang mang đá giã gạo, liền bảo rằng: "Ngươi vì đạo quên mình như thế ư? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng?". Khi ấy, Huệ Năng đáp lại: "Con đã biết thế".

Khi ấy, Hoằng Nhẫn nhận thấy đã tới lúc tìm người kế thừa, nên đã lệnh cho học trò của mình mỗi người viết một bài kệ để trình bày kinh nghiệm tu tập, giác ngộ. Trong số 700 đệ tử, chỉ có duy nhất Thượng tọa Thần Tú là người có tri thức xuất sắc mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ sau, so sánh thân người tựa cây Bồ đề, tâm như tấm gương sáng, người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương ấy luôn trong sáng. Bài kệ ấy như sau:

 

"Thân là cây Bồ Đề

Tâm như đài gương sáng

Luôn luôn siêng lau chùi

Chớ để bụi trần bám".

Nghe xong bài kệ, ai cũng tấm tắc khen hay. Huệ Năng nghe bài kệ của Thần Tú xong liền nhờ người khác viết giúp một bài kệ rằng:

"Bồ-đề vốn chẳng phải cây,

Gương sáng chẳng phải đài

Xưa nay vốn không phải vật,

Nơi nào dính bụi trần?"

(菩提本無樹。

明鏡亦非臺

本來無一物。

何處有(匿)塵埃)

Nghe bài kệ, Ngũ Tộ nhận thấy ngay căn cơ của Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, nhưng lo sợ động chúng nên đã sai người xóa bài kệ đi. Vài hôm sau, Ngũ Tổ xuống bếp, tới chỗ Ngài Huệ Năng đang giã gạo rồi hỏi: "Gạo trắng chưa?". Huệ Năng liền đáp: "Gạo đã trắng mà chưa có sàng. Ngũ Tổ bèn cầm gậy gõ lên tay cối ba cái, rồi đi lên.

Nửa đêm canh ba đêm ấy, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp và trao y bát cho Huệ Năng, thuyết trọn Kinh Kim Cang. Tới câu: "Đừng để tâm vướng víu nơi nào" (應無所住而生其心) thì Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ.

Ngũ Tổ nói rằng: "Chư Phật xuất thế là việc trọng đại, tùy theo căn cơ cao thấp khác nhau mà hướng dẫn nên mới có chỉ ý mười địa, ba thừa, nhanh chậm làm Giáo môn. Thế Tôn đã đem pháp môn vô thượng thâm diệu, trong sáng sâu xa là Chánh pháp nhãn tạng chân thực để truyền cho đệ tử thứ nhất là Tôn giả Đại Ca Diếp, lần lượt truyền qua 28 đời. Tới Tổ Đạt Ma thì sang tới Đông Độ này, được Khải đại sư tiếp nối tới nay. Nay ta đem Pháp bảo và Cà sa trao lại, hãy khéo giữ gìn, đừng để pháp đứt đoạn." Rồi ngài đọc tiếp kệ truyền pháp:

"Hữu tình đến gieo mầm

Nhờ đất trái nảy sinh

Vô tình đã không giống

Không tính cũng không sinh."

(Hữu tình lai hạ chủng

Nhân địa quả hoàn sinh

Vô tình ký vô chủng

Vô tính diệc vô sanh.)

Từ đó, Huệ Năng trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa. Sau đó, Hoằng Nhẫn đưa Lục Tổ Huệ Năng qua sông, hướng về phương Nam. Khi tiễn sư qua sông, Ngũ Tổ muốn tự chèo đưa Huệ Năng, nói rằng: "Để ta độ con". Đáp lại thầy, Lục Tổ nói: "Khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ" (Khi mê Thầy độ, khi ngộ Con tự độ). Hiểu ý, Ngũ Tổ để ngài tự chèo thuyền, không quên căn dặn rằng: "Con không chỉ độ chính mình mà còn phải độ chúng sinh".

Suốt 15 năm sau, ngài ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là cư sĩ. Tương truyền rằng, do ngài được truyền y bát nên nhiều người ủng hộ ngài Thần Tú đã phản ứng, quyết truy đuổi để giành lại y bát. Họ cho rằng ngài không xứng được trao y bát, tiếp nối dòng thiền.

luc-to-hue-nang-la-ai-cau-chuyen-truyen-y-bat-cua-luc-to-hue-nang
Từ đó, Huệ Năng trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa.

Sau đó, sư đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu, nơi sản sinh công án nổi tiếng "Chẳng phải gió, Chẳng phải phướn" (Vô môn quan, công án 29). Tại đây, ngài nói rằng: "Tâm các ông động" và được Ấn Tông, vị sư trụ trì của chùa nhận ra, liền hỏi rằng: "Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?"

Biết sự không thể giấu giếm, Huệ Năng bèn thuật nguyên do việc đắc Pháp. Thấy vậy, sư Ấn Tông bèn tự chấp lễ đệ tử, thỉnh cầu được nhận pháp yếu của Thiền và nói rằng: "Ấn Tông ta đây thực là phàm phu, nay mới được gặp Bồ-tát thân phàm". Sau đó, sư thỉnh Huệ Năng đưa y bát ra để cho chúng sinh được chiêm ngưỡng.

Đến ngày 15/1, Ấn Tông mời các bậc danh đức đến làm lễ cạo tóc cho Huệ Năng. Sau đó, ngài ở lại đây giảng về giáp pháp Thiền Tông, chúng học giả đến dự nghe pháp rất đông.

Đến ngày 8/ 2, sư Trí Quang Luật của chùa Pháp Tính đứng ra làm lễ thọ cụ túc giới cho ngài. Giới đàn do Ngài Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la triều (Lưu) Tống thiết lập. Ngài Tam Tạng Bạt-đà-la từng thọ ký rằng: "Sau này sẽ có Bồ tát thân phàm thọ giới tại đàn này". Cuối thời Lương, Chân đế Tam tạng cũng tự tay trồng hai cây Bồ-đề bên cạnh đàn, nói rằng: "Sau 120 năm, sẽ có bậc Đại pháp sĩ dưới cội cây này diễn pháp vô thượng thừa độ vô số chúng sinh", tựa như ám chỉ Lục Tổ Huệ Năng. 

Sau đó, ngài nói rằng không muốn lưu ở đây mà muốn trở về nơi ẩn khi xưa. Thấy vậy, Ấn Tông cùng ngàn người cả tăng lẫn tục làm lễ tiễn, đưa ngài về chùa Bảo Lâm.

Sau khi ngài được truyền y bát, một số môn đệ của Thượng tọa Thần Tú phía Thiền Bắc Tông nói rằng: "Chẳng biết một chữ, có chi là giỏi", ý nói ngài Huệ Năng không biết chữ, không đọc được kinh Phật, sao mà giỏi được. Tuy nhiên, chính Thần Tú lại là người có cái nhìn ôn hòa hơn, ngài ấy nói rằng: "Vị ấy (tức chỉ Lục tổ) được trí vô sư, ngộ sâu pháp Thượng Thừa, ta nào bằng được." Chính Thần Tú cũng công nhận Lục Tổ là người được Ngũ Tổ truyền tâm ấn và y bát, ngài còn khuyên môn đệ mình nên tới yết kiến Huệ Năng. Được biết, có các vị như Chí Thành, Hành Xương từng đến tu học với Lục Tổ và được truyền tâm ấn.

Tư tưởng của Lục Tổ Huệ Năng

Lục Tổ nói rằng, chúng sinh dù ngu dốt hay thông minh đều có sẵn Phật tính, chỉ do có phiền não nên mới thành chúng sinh, chỉ cần ngộ thì sẽ thành Phật. Trong Pháp Bảo Đoàn Kinh (Đoàn Trung Còn dịch), Ngài nói: "Trí Bát nhã người đời vốn tự có, Chỉ bởi tâm mê, không thể tự thấy nên phải cần bậc đại thiện tri thức chỉ ra mới thấy. Người ngu kẻ trí đều sẵn tính Phật, chẳng khác chi nhau. Bởi mê ngộ chẳng đồng, nên mới có người ngu kẻ trí".

Ngài chủ trương "đốn ngộ" tức là ngộ ngay lập tức, trực nhận bản thế Phật tính, tâm thanh tịnh, tuyệt đối ở chính mình mà không phải do đọc hiểu văn tự, ghi nhớ, hiểu biết mà thành và cũng không cần trải qua nhiều bậc tu chứng như trong kinh điển Đại Thừa (là thập tín, thập nguyện,...) hay Nam tông (các cấp bậc A-la-hán). Với thuyết này, Lục tổ chính là ví dụ điển hình, bởi ngài không biết chữ, cũng không tiếp cận kinh điển nhiều mà có cái ngộ siêu việt, do đó ngộ ngay chính mình.

luc-to-hue-nang-la-ai-cau-chuyen-truyen-y-bat-cua-luc-to-hue-nang
Lục Tổ nói rằng, chúng sinh dù ngu dốt hay thông minh đều có sẵn Phật tính, chỉ do có phiền não nên mới thành chúng sinh.

Về thiền định và trí huệ, Lục tổ cho rằng hai thứ này là một, không phân biệt. Trong kinh pháp Bảo Đàn, ngài nói: "Thiện tri thức, pháp môn này lấy Định-Huệ làm gốc. Chớ lầm rằng Định với Huệ khác; Định Huệ vốn nhất thể, chẳng phải là hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định, ngay trong lúc huệ có định, ngay trong lúc định có huệ, thấu được nghĩa này là định huệ đồng nhất. Các ngươi học đạo chớ cho là trước phát định sau phát huệ, hay trước huệ sau định có khác, kiến giải vậy thành ra pháp có nhị tướng. Miệng tuy nói lành mà trong tâm chẳng lành, tuy có định huệ mà định huệ chẳng đồng nhau. Nếu tâm miệng đều lành, trong ngoài nhất thể, tức là định huệ đồng nhau".

Về tọa thiền (ngồi thiền), Huệ Năng cho rằng tâm niệm không khởi gọi là Tọa, còn với bên trong thấy tánh mình không động là Thiền. Thiền Định tức là bên ngoài lìa hết các tướng (hình tướng) là Thiền, còn trong tâm không loạn (động) gọi là Định.

Dưới Lục Tổ có 33 môn đệ đắc pháp, trong đó có 5 vị nổi bật từng khiến Thiền Tông đời sau hưng thịnh, có ảnh hưởng lớn trong Phật Giáo Trung Quốc. Đó là:

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, từ pháp mạch này sinh ra Lâm Tế Tông, Quy Ngưỡng Tông.

Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư, từ pháp mạch này sinh ra Tào Động Tông, Vân Môn Tông, Pháp Nhãn Tông.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, tác giả "Chứng Đạo Ca" và "Thiền Tông Vĩnh Gia Tập".

Thiền sư Nam Dương Tuệ Trung, từng là Quốc Sư.

Thiền sư Hà Trạch Thần Hội là người đã định tông chỉ, đưa Thiền Nam Tông thành chính thống.

Trong suốt cuộc đời của mình, Lục Tổ Huệ Năng luôn gìn giữ ý chí tu hành tuyệt vời. Từ khi còn nhỏ cho tới khi ở Huỳnh Mai làm công quả, ngay cả sau này sống ẩn dật, ngài vẫn giữ vững điều đó. Do khó khăn phải nương nhờ vào đoàn thợ săn, nhưng đến bữa ăn ngài tuyệt nhiên không ăn thịt, chỉ hái rau rồi nhờ luộc hộ. Ngài tu hành dù không có chùa, dù không trong hình tướng người xuất gia (khi đó vẫn là cư sĩ) nhưng tâm ngài luôn kiên cường, không khởi tâm, dù gì xảy ra vẫn không mảy may lay động.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận