Linh hồn là gì? Có nên gọi hồn người chết hay không?

Linh hồn là thức hay nghiệp thức do vô minh từ vô thỉ mà thành, ám chỉ phần còn lại sau khi chết của một người.

Chi Nguyễn
16:28 20/02/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Linh hồn là gì?

Linh hồn trong tiếng Hy Lạp là Psyche mang ý nghĩa là tinh thần, ý thức, sự sống. Theo Socrates, linh hồn là tinh thể (Essence), còn với Platon thì linh hồn bao gồm 3 thứ là lý trí (logos), tình cảm (thymos) và ái dục (eros). Aristote định nghĩa linh hồn là hoạt tính một cơ thể sống, linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, tựa như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hại thì hoạt tính cắt sẽ chẳng còn.

linh-hon-la-gi-co-nen-goi-hon-nguoi-chet-hay-khong
Linh hồn trong tiếng Hy Lạp là Psyche mang ý nghĩa là tinh thần, ý thức, sự sống.

Theo tín ngưỡng dân gian, linh hồn có thể nương gá vào đâu đó, đôi khi lại "hiện hình" ở trần gian mà người ta thường gọi là ma. Nhiều người tin rằng, khi một người chết đi, linh hồn người ấy sẽ tới cõi âm, sinh sống tại đó cho đến ngày nhận sự phán xét của Diêm vương. Nếu là linh hồn tốt thì sẽ được đầu thai, còn là linh hồn ác thì bị trừng phạt, hành hạ cho đến khi hết tội mới được đầu thai ở dương thế.

Còn theo đạo Phật, dựa trên ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian vẫn nhắc tới linh hồn, vong linh,... ám chỉ phần còn lại sau khi chết của một người. Theo giáo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã thì nhà Phật không bao giờ chủ trương coi linh hồn, coi phần phi vật chất này là vĩnh hằng, bất diệt.

Linh hồn trong Phật giáo

Đạo Phật về cơ bản chủ trương rằng sau khi con người chết, không có cái gì thoát ra khỏi thân xác mà nhập vào thân xác khác cả. Sinh mạng được cấu thành bởi ngũ uẩn, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc uẩn là phần vật chất, là thể xác, là thân căn; còn Thọ uẩn (sensations), Tưởng uẩn (perceptions), Hành uẩn (formationss mentales) và Thức uẩn (conscience) là phần tinh thần. Khi thân căn thiêu hoại, phần tinh thần, tâm lý kia như thế không còn nơi cư trú mà trở thành thế tiềm phục, tức là thành chủng tử. 

linh-hon-la-gi-co-nen-goi-hon-nguoi-chet-hay-khong
Phật giáo xem mọi sự trên đời đều vô thường, dù là vật chất hay tinh thần.

Tâm lý, tinh thần của con người hợp thành một dòng liên tục biến động, mỗi phút giây lại là một cảm xúc mới, một tư tưởng mới, thay thế cho những suy nghĩ, tư tưởng cũ đang mờ dần, hoặc đang chuyển thành ký ức - đang lùi về tiềm thế chủng tử. Do đó, dòng tâm lý ấy không phải là một bản thể đồng nhất, vĩnh cửu, không phải là một bản ngã, một linh hồn gì cả. 

Những quan niệm về linh hồn là đối lập với thuyết duyên sinh, duyên diệt của nhà Phật. Phật giáo xem mọi sự trên đời đều vô thường, dù là vật chất hay tinh thần. Tuy trong kinh dịch có nói "sinh sinh" - "tử tử" nhưng đằng sau đó có nghĩa là biến biến, hóa hóa. 

Phật giáo chủ trương thuyết "nhân duyên sinh" và "tự tính vốn là không", không xem trọng giá trị vĩnh cửu tự ngã, khẳng định giá trị hướng thượng tự tính. Phật giáo coi cả vật chất lẫn tinh thần đều là nhân duyên sinh, bỏ nhân và duyên ra thì không có sự vật nào có thể tồn tại được. 

Theo đạo Phật, linh hồn là tính biết, là nhận thức, tư du, gọi chung là thức. Thức là những nội dung được xem như những dấu ấn, hạt mầm (tức chủng tử - bija) được tạo nên bởi hành động, suy nghĩ của một người trong kiếp này và kiếp trước, do đó còn được gọi là nghiệp hay nghiệp thức.

linh-hon-la-gi-co-nen-goi-hon-nguoi-chet-hay-khong
Phật giáo hoàn toàn không phủ nhận sự hiện hữu của một bản ngã, mà chỉ chứng tỏ là không có bản ngã bất biến nào tồn tại.

Sau này, nhiều luận gia cho rằng có một Thức gọi là A-lại-da chứa mọi nội dung của Thức. Nội dung này luôn biến đổi theo hoàn cảnh sống, theo hành động và suy nghĩ của chúng sinh. Đó là năng lượng, là sức mạnh mà thường được gọi là nghiệp lực, thứ mà sau khi con người chết đi có thể đẩy A-lại-da hay Thức nương vào một thân thể mới, có hình tượng và hoàn cảnh phù hợp. Trong đạo Phật thường gọi đó là Thức đi đầu thai, tức là "linh hồn đầu thai".

Trong kinh Đại Duyên của Trường Bộ, Đức Phật đã hỏi Tôn giả Anan rằng: "Này Anan, nếu Thức không đi vào trong bụng người mẹ thì danh sắc có thể hình thành trong bụng người mẹ không?". Tôn giả Anan đáp rằng: "Bạch Thế Tôn, không". Điều này chứng tỏ rằng, Phật ám chỉ rằng chính cái Thức đã đầu thai, chuyển kiếp.

Sau này, nhiều luận gia gọi Thức này là Càn-thát-bà (Gadharva) hay thân Trung hữu (Antarabhavakaya), Trung ấm. Tuy nhiên, giới Phật học vẫn chưa thống nhất rõ quan điểm về tính chất, cái hiện hữu thực sự và thời gian hiện hữu của nó trước khi đầu thai.

Đạo Phật chỉ nói về nhân quả, rằng một hậu quả nào đó sẽ phát sinh vì nguyên do nào đó tồn tại trước đó. Còn dục vọng, còn ham muốn thì còn sự sống, do đó các chủng tử trong A-lại-gia còn tồn tại, thế nên lại tiếp tục tái sinh, dòng sinh mệnh cứ vậy mà tiếp nối. Khi mà đời sống kết thúc, dục vọng đã tiêu tan, vô mình chẳng còn hiện hữu, chủng tử hóa vô lậu thì A-lại-gia lại nhập với bản thể sáng suốt, khi đó, dòng sinh mạng không còn tiếp diễn nữa, sẽ được giải thoát khỏi luân hồi.

Phật giáo hoàn toàn không phủ nhận sự hiện hữu của một bản ngã, mà chỉ chứng tỏ là không có bản ngã bất biến nào tồn tại. Danh từ triết học Phật Giáo gọi một cá nhân là "Santana", từ này có nghĩa là sự liên tụ, luân hồi hay một dòng sống, bao  gồm cả những yếu tố tinh thần và vật chất. Nghiệp lực của mỗi người chính là chất kết dính kết hợp những yếu tố đó lại với nhau.

linh-hon-la-gi-co-nen-goi-hon-nguoi-chet-hay-khong
Linh hồn theo đạo Phật là Thức hay Nghiệp thức, là do vô minh từ vô thỉ mà có.

Dòng sống không ngừng hay sự liên tục của hiện tượng tâm vật lý trong đạo Phật là do nghiệp lực của mỗi chúng sinh tạo nên, không chỉ giới hạn trong kiếp sống hiện tại, mà nghiệp lực bắt nguồn từ những kiếp quá khứ vô thỉ, và nó sẽ còn tiếp tục tích lũy và diễn biến trong tương lai. Đó chính là dòng sống (hay nghiệp lực), là cái mà các tôn giáo khác thường gọi là cái “Ta” vĩnh cửu hay một “linh hồn” bất tử.

Linh hồn theo đạo Phật là Thức hay Nghiệp thức, là do vô minh từ vô thỉ mà có. Linh hồn là vọng thức, luôn biến đổi theo hoàn cảnh của mỗi người, là động lực khiến chúng sinh mãi tái sinh trong cõi sinh tử luân hồi mà không thể giải thoát. Chỉ nhờ có tu tập mà Thức mới biến thành Trí tuệ tuyệt đối, thành giải thoát khỏi cõi luân hồi, chứng đạt Niết bàn.

Gọi hồn là gì? Có nên gọi hồn người chết không?

Theo quan niệm dân gian, gọi hồn là việc kêu gọi linh hồn người chết quay về để nói chuyện với người đang sống. Người ta tin rằng có một số người có khả năng đặc biệt, có thể giao lưu với những người đã khuất đang tồn tại ở thế giới tâm linh. Những người như vậy thường được gọi là người có khả năng ngoại cảm, nhà ngoại cảm hoặc thầy cúng.

linh-hon-la-gi-co-nen-goi-hon-nguoi-chet-hay-khong
Theo quan niệm dân giam, gọi hồn là việc kêu gọi linh hồn người chết quay về để nói chuyện với người đang sống.

Gọi hồn có thể hiểu như sau: Nhà ngoại cảm sẽ "làm phép" để linh hồn có thể nhập vào thể xác người còn sống. Từ đó, người bình thường có thể giao lưu, trò chuyện với linh hồn người đã khuất. Thể xác để nhập vào có thể chính là nhà ngoại cảm hoặc cũng có thể là người nhà của người đã khuất.

Theo quan điểm của đạo Phật, một người sau khi chết có thể ngay lập tức tái sinh (đối với người có nghiệp cực thiện hoặc nghiệp cực ác) hoặc sẽ trải qua một giai đoạn trung gian từ 1-49 ngày, rồi sau đó tùy theo nghiệp lực mà họ sẽ tái sinh vào cõi luân hồi tương ứng. Trừ một số trường hợp đặc biệt do đột tử, bất đắc kỳ tử (hay còn gọi là chết oan), đa phần sau 49 ngày thì các hương linh (tức linh hồn theo quan niệm nhà Phật) sẽ theo nghiệp lực mà tái sinh.

Theo giáo lý nhân quả - nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện,... sẽ trợ duyên hay có tác động tốt phần nào chứ không thể là toàn bộ, không thể can thiệp sâu vào nghiệp lực của họ. Nguyên do là mỗi người đều phải "thừa tự" nghiệp lực của chính mình, là thứ đã được tích lũy trong kiếp này và các kiếp trước đó. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện, tu tập chứ không ai có thể cứu vợt hay giải thoát hộ họ cả.

Do đó, khi người thân mất đi, trách nhiệm của Phật tử hay người thân trong gia đình là tận tâm, dốc lòng cầu nguyện, tạo phước để hồi hướng, mong hương linh sớm siêu thoát, tái sinh. Còn việc họ siêu thoát được hay không là do tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, ta chỉ có thể trợ duyên, hỗ trợ chứ không thể nào can thiệp được.

Không cần thiết phải gọi hồn, triệu hồn hay thực hiện các phương pháp tương tự, bởi theo quan điểm đạo Phật thì điều đó không mang tới lợi ích thiết thực cho hương linh, trái lại chỉ gây tốn kém, hoang mang lo lắng cho nhân thân. Đặc biệt, là người Phật tử thì càng phải có chính kiến, không nên để bản thân rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận