Chàng trai không tay nghị lực vượt khó, miệt mài thiện nguyện giúp đời
Nay Djruêng không may bị khuyết tật từ khi sinh ra, nhưng chàng trai Gia Lai không chịu khuất phục mà lại nỗ lực vươn lên, thiện nguyện giúp đời.
Nay Djruêng sinh ra tại xã Krông Năng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), không may bị khuyết tật từ nhỏ. Khi ấy, nhiều người trong bản còn mê tín, đòi chôn sống anh vì nghĩ rằng có bàn tay ma quỷ ám.
Thế nhưng, gia đình của chàng trai ấy từ chối, quyết chờ bác ruột anh về mới quyết định. Ông bác từ nương rẫy về, liền thốt lên: "Tôi không biết giết người, sao mà chôn được". Cuối cùng, gia đình anh quyết định rời đi nơi khác, hết lòng nuôi nấng Djruêng nên người.
Đến tuổi đi học, bố mẹ cho cậu đến trường như các bạn đồng trang lứa. Khuyết tật cả tay lẫn chân, Djruêng phải cố lê lết đến trường, học cách viết bằng khuỷu tay. 9x nhớ lại: "Ở vùng sâu này, vui nhất là được nô đùa, chảy nhảy lúc nhá nhem tối nhưng đó là với những đứa trẻ lành lặn, còn em thì đứng dậy không nổi. Mỗi lần đến chiếc bàn học tập ở góc nhà cũng phải lết bằng đầu gối, rất cơ cực và đau đớn. Thế nhưng, nếu mình bỏ cuộc, mình chán nản thì làm sao mà vượt qua được nghịch cảnh".
Gần hết tiểu học, Hội chữ thập đỏ thấu cảm hoàn cảnh và nghị lực của Djruêng nên tặng cho anh đôi chân giả. Lúc ấy, cuộc sống của chàng trai không tay có chút đỡ vất vả hơn. Anh quyết tâm học hành, hi vọng tri thức có thể giúp mình đổi đời.
Cuối cùng, 9x thi đỗ trường Cao đẳng công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng). Đáng nói, không chỉ chăm chỉ học hành, Djruêng còn vô cùng năng động với các hoạt động thiện nguyện ở trường. Anh tâm sự: "Do hoàn cảnh, bố mẹ không cận kề thường xuyên nên em phải tự lập từ rất sớm. Luôn nghĩ đến một chân trời tươi đẹp nên khó khăn nào em cũng phải căng mình vượt qua, không để những giọt nước mắt của sự tủi phận làm mình gục ngã".
Ở tuổi 20, Nay Djruêng đứng ra tổ chức một chương trình thiện nguyện của riêng minh, đặt tên là "Đi qua mùa rẫy". Việc làm cốt lõi của chương trình là vận động, quyên góp để giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn ở vùng sâu Krông Pa có cuộc sống tốt hơn, được tiếp bước đến trường, không dở dang ước mơ. Đến nay, số học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt được Djruêng tiếp sức đếm không xuể.
Sau khi học xong, 9x vào TP.HCM bươn trải mưu sinh. Số tiền kiếm được, anh vừa để trang trải cuộc sống, vừa tích cóp làm từ thiện. Ở đâu có người tặng sách, vở… là chàng trai không tay ấy lại tức tốc lên đường đến nhận ngay. Ngoài vận động cho chương trình của mình, ở mảnh đất phương Nam, Djruêng còn tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nguyện như: Trung thu cho em, Giáng sinh yêu thương…
Hòa nhập vào đời sống, cực nhọc lăn lộn qua nhiều vùng đất, Djruêng nghiệm ra rằng, ở đâu cũng tồn tại lòng nhân văn, nhân ái. Thế nên, trong lòng anh luôn thôi thúc ý nghĩ, phải giúp thật nhiều người hơn nữa, nhất là các em học sinh gian khó, tật nguyền ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Nay Djruêng thổ lộ: "Sống bằng ý nghĩ và sự lo lắng cho người thiệt thòi, người bệnh tật khiến em vui và hạnh phúc hơn. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty nơi em công tác giảm người, em ra tự làm bên ngoài, vất vả hơn nhưng càng vất vả càng phải vươn lên. Điều trăn trở nhất là đôi chân giả được Hội chữ thập đỏ tặng đã quá cũ nên việc đi lại làm thiện nguyện cũng bị ảnh hưởng ít nhiều...
...
Em vừa ở TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai để chuẩn bị kết hợp với trường học, trao quà cho các em học sinh. Em cũng còn rất nhiều dự định giúp người khuyết tật, người dân tộc thiểu số nghèo khó… để ai cũng có thể vươn lên, chỉ mong đôi chân tật nguyền này bớt những cơn đau".
Theo Hà Đạo/báo SKĐS
Xem thêm: Chuyện đời đầy nghị lực của cô gái mù Kim Trang: Tôi bất thường, không bất hạnh!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận