Lê Thị Việt: Người nông dân sang Thái Lan làm giúp việc, học nghề tiền tỷ rồi về nước khởi nghiệp ở độ tuổi 50

Sau 5 năm ở Thái Lan làm giúp việc, bà nông dân Lê Thị Việt đã học được ngón nghề "tiền tỷ", sau đó về nước khởi nghiệp ở độ tuổi 50.

Chi Nguyễn
17:18 10/06/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khăn gói sang Thái làm việc để trả nợ

Bà Lê Thị Việt (63 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ, bà sang Thái Lan làm giúp việc vốn là để trả nợ. Đó là năm 2001, vợ chồng bà phải trả một khoản vay ngân hàng do mua đất đồi theo dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc. Khi đó, bạch đàn chưa khai thác xong thì hạn vay hết, hai ông bà cắm đầu vào làm ở lò gạch, trồng trọt, buôn bán nhưng vẫn không thể trả hết. 

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep-6
Bà Lê Thị Việt ban đầu sang Thái Lan để làm giúp việc trả nợ

Được người quen giới thiệu, bà Việt khăn gói sang Thái Lan làm giúp việc gia đình, hi vọng có thu nhập khá hơn. Việc đầu tiên mà bà làm khi đặt chân sang đất Thái là mua một tấm bản đồ thế giới. Bà xem mình đang ở đâu, đường nào về nước nhanh nhất để đề phòng gặp rủi ro. Bà Việt nhớ lại: "Khi đi, tôi chỉ học được một câu duy nhất bằng tiếng Thái 'Cái này là cái gì?', để người ta trả lời, mình ghi lại rồi học thuộc".

Thế nhưng, bà Việt sớm nhận ra thứ mà mình khó vượt qua nhất là nỗi nhớ nhà. Bà tâm sự: "Sáng nào tôi cũng nhìn về phía mặt trời mọc vì hướng đó là quê hương mình".

Công việc mỗi ngày của bà Việt là nấu ăn phục vụ chủ nhà, chăm sóc đứa trẻ 2 tuổi sau khi bé đi học về. Mức lương của bà là 4.000 baht/tháng (khoảng 1,2 triệu đồng khi đó), trong khi nghề này ở Việt Nam chỉ được 400.000 đồng/tháng. Thế nhưng, vốn luôn chân luôn tay, nay nhàn rỗi lại không có người trò chuyện, bà Việt đã xin nghỉ.

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Bà Việt cùng nữ chủ nhà tự học kỹ thuật ướp hoa, đó cũng là cơ duyên đưa bà đến với nghề này

Bà nói với chủ nhà bằng vốn tiếng Thái ít ỏi: "Tôi muốn bận rộn cả ngày". Muốn giữ bà, chủ nhà đã mang hoa cùng sách hướng dẫn kỹ thuật ướp hoa tươi theo công nghệ Nhật Bản của người quen về để bà học nghề. Đó cũng chính là cơ duyên khiến bà đến với nghề "tiền tỷ" này.

Dù chẳng được hứa hẹn trả lương, nhưng do thích nên bà Việt không quản công sức. Mỗi ngày, bà dậy từ 5h sáng, làm hết việc nhà để có thời gian học kỹ thuật. Có lần bà dậy sớm để làm, nhưng do sai nên bị chủ nhà mắng. Bà nhớ lại: "Tôi thức khuya dậy sớm học nghề mà bị chửi thì tủi thân lắm. Nhưng biết sai, tôi chỉ xin lỗi rồi làm lại".

Bỗng trở nên nổi tiếng trên truyền thông 

Sau 1 tháng thử nghiệm, cuối cùng bà Việt cũng đã ướp hoa theo đúng phương pháp. Thấy vậy, chủ nhà tin tưởng, thuê thêm người về và mở xưởng sản xuất ở nhà. Bà Việt tuyển thêm 10 người Việt, học làm nghề, rồi bàn giao việc chăm sóc nhà chủ cho người khác để tập trung ướp hoa.

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Sau 2 năm làm việc, xưởng sản xuất hoa tươi "bất tử" của bà Việt bỗng trở nên nổi tiếng, được truyền thông Thái Lan phỏng vấn

Có lần, do người làm đông nên vô tình mất hóa đơn của ông chủ. Người này vô cùng tức giận, bắt mọi người ra tận bãi rác thành phố để tìm, nhưng vì không thấy nên đã tuyên bố đuổi tất cả mọi người. Những người Việt làm cùng tủi thân nên muốn nghỉ việc, bà Việt động viên họ kiên nhẫn: "Khi ông chủ bình tĩnh lại biết lựa chọn nào mới là tốt. Để xây dựng được xưởng và đào tạo được người làm được việc như chúng ta không phải dễ. Chẳng dại gì họ đuổi". Đúng như bà Việt tính, ngày hôm sau, ông chủ xin lỗi và giữ mọi người ở lại.

Sau 2 năm làm việc, xưởng sản xuất hoa tươi "bất tử" theo kỹ thuật Nhật Bản của bà Việt bỗng trở nên nổi tiếng, được truyền thông Thái Lan phỏng vấn. Lúc này, bà đã có thể tự tin trả lời phỏng vấn, giới thiệu quy trình ướp hoa bằng tiếng Thái.

Không may, cũng vào thời gian này, bà nhận được thư của chồng là ông Nguyễn Trọng Uyên báo tin rằng mẹ mất. Bà kể: "Tôi đọc năm lần mới hết lá thư vì mắt cứ nhòe đi". Sau cùng, vào năm 2006, bà Lê Thị Việt quyết định về nước, mang theo 20 triệu đồng để khởi nghiệp.

Khởi nghiệp mặt hàng độc lạ, doanh thu hàng trăm triệu

Sau khi về nước, mất 2 năm để tìm hiểu thêm nguồn nguyên liệu và thị trường, bà Việt bắt đầu khởi nghiệp với nghề "ướp hoa bất tử". Từng nhiều năm trồng và buôn hoa tươi, vợ chồng bà Việt đã có nhiều kinh nghiệm tiếp cận nguồn hàng cũng như hiểu nhu cầu của khách.

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Bà Việt khăn gói về nước, bắt đầu khởi nghiệp với nghề "ướp hoa bất tử".

Trên chiếc bàn gỗ lim cũ kỹ, bà Việt bắt tay vào ướp 5 bông hồng đỏ đầu tiên. Bà chạy xe lên TP. Thanh Hóa, nhờ một cửa hàng bán giúp với giá 160.000 đồng/bông, trong đó trả họ 70.000 đồng. Mãi tới một tháng sau bà mới dám quay lại cửa hàng, không ngờ hàng đã được bán hết từ trước đó.

Bà Việt nhẩm tính: "Giá một bông hoa không rẻ nhưng mình đã có khách hàng, vậy thì phải mở rộng thị trường". Vì thế, bà bắt đầu làm hoa rồi mang tới Hà Nội, Nghệ An, Hạ Long... chào hàng. Ban đầu, bà chỉ làm khoảng vài chục bông 1 tháng, sau đó đến hàng trăm, hàng ngàn bông.

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Hiện bà làm được khoảng 50 mẫu sản phẩm, với hai loại hoa chính là hoa lan và hoa hồng

Đến nay, bà Việt đã tự sáng tạo ướp hoa theo cách riêng của mình. Hiện tại, hoa của bà có thể kéo dài tuổi thọ hơn chục năm. Được biết, "hoa tươi bất tử” bà đang làm hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Hoa khô nhưng nhìn không khác gì hoa tươi tự nhiên, màu hoa vẫn tươi sắc, giữ được các chất diệp lục. 

Bà Việt cho biết, hiện bà làm được khoảng 50 mẫu sản phẩm, với hai loại hoa chính là hoa lan và hoa hồng. Hoa tươi được chọn lọc kỹ, ngâm nước cho nở đều. Sau khi cắt riêng từng bông, hoa sẽ được rải ngập cát nguyên liệu và ướp trong hộp kín. Ướp 7 ngày, những bông hoa tươi đã trở thành hoa "bất tử", cắm vào bình thủy tinh và bảo quản kín. 

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Ngoài hoa hồng, bà Việt còn làm được nhiều loại hoa khác

Người phụ nữ 63 tuổi ấy cho hay, mỗi tháng bà sản xuất ra thị trường khoảng 5.000 bông hoa. Giá dao động từ 120.000 đồng đến 4 triệu đồng tùy vào số lượng bông. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ việc "ướp hoa bất tử" của vợ chồng bà lên tới 1 tỷ đồng. Sản phẩm "hoa tươi bất tử" của bà đã trở thành 1 trong 4 sản phẩm sáng tạo xuất sắc được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vào năm 2019.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Thành, bà Trần Thị Xuân nhận định: "Chị là một trong những gương phụ nữ sáng tạo, điển hình tại địa phương. Trong những năm qua, mô hình của gia đình chị luôn là gương kinh tế điển hình tại địa phương. Không chỉ vậy, cơ sở của gia đình chị Việt còn tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 người dân tại địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng".

sang-thai-lan-lam-giup-viec-hoc-nghe-tien-ty-roi-ve-nuoc-khoi-nghiep
Bàn làm việc của bà Việt

Bà Việt tâm sự: "Tôi nhận ra nếu chỉ quẩn quanh ở lũy tre làng, tôi sẽ chẳng biết giới hạn của mình đến đâu. Nhiều người nói 50 tuổi là đã đi hết nửa đời người, nhưng lúc này tôi mới khởi nghiệp. Quả thực là chỉ cần tâm huyết và quyết tâm, chẳng bao giờ là quá muộn".

(t/h)

Ước mơ cháy bỏng của 'thợ sửa xe' nhí: "Bao giờ sửa xe đủ tiền con sẽ xin đi học"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận