Lời cảnh tỉnh tới các bậc cha mẹ: Đừng chỉ yêu con bằng lời nói, hãy học cách tôn trọng đứa trẻ
Không phải là trẻ con không biết gì, mà đứa trẻ nào cũng hiểu khi nào là tình yêu thật sự, khi nào là tình yêu nửa vời.
Thế hệ của chúng ta khi bằng tuổi các con, tình yêu và tôn trọng nhiều khi chẳng liên quan gì đến nhau. Bởi thứ chúng ta đã được học khi đó là thầy cô, cha mẹ luôn đúng. "Yêu cho roi cho vọt", "Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư", "Áo mặc sao qua khỏi đầu"…
Chúng ta sợ cha mẹ, thầy cô là sợ quyền lực của cha mẹ, thầy cô. Chúng ta sống trong sự mặc định cha mẹ đẻ ra mình thì mình phải tuân, nếu không mình là đứa con bất hiếu. Thầy cô có quyền còn cao hơn cả cha mẹ, cha mẹ "muốn con hay chữ phải yêu kính thầy".
Thang quyền lực theo Nho giáo lần lượt là Quân - Sư - Phụ, đòi hỏi sự tôn trọng nhiều khi còn bị coi là đại nghịch, bất đạo.
Nhưng con trẻ hôm nay thì khác. Ngay từ khi mới 3 tuổi, chúng ta (cha mẹ) đã dạy chúng cách phòng tránh bị xâm hại. Xâm hại không phải chỉ là ai đó chạm vào vùng kín của con mới là xâm hại mà còn là:
Cơ thể con là của con. Ngoài bác sĩ, nhân viên y tế ra thì không ai được quyền đụng chạm vào cơ thể của con. Mà cả bác sĩ, nhân viên y tế cũng phải có sự cho phép của cha mẹ. Vậy nên đừng ngoại lệ rằng, thầy cô được quyền đụng vào cơ thể của con, tát con, véo tai, cốc đầu cũng là hành vi xâm hại cơ thể.
Bạo lực là sai, chứ không có ngoại trừ, không có đặc quyền. Đừng mâu thuẫn kiểu thầy cô thì có quyền để rồi chính chúng ta sẽ ôm hận khi con mình bị xâm hại.
Bọn trẻ hôm nay cần sự Tôn trọng. Tình yêu và Tôn trọng là một. Ai nói yêu con thì người đó phải tôn trọng con. Thầy cô cũng vậy mà cả cha mẹ cũng vậy. Sau này con lớn lên, yêu ai cũng vậy.
Cha mẹ có thể làm gương để sau này con gái mình được chồng tôn trọng, con trai mình được vợ tôn trọng. Chúng ta đang nuôi dưỡng lòng tự trọng của con cái mình từ chính việc chúng ta tôn trọng chúng. Bởi giá trị, phẩm giá của một đứa trẻ được hình thành từ chính cách chúng ta cư xử với chúng.
Thầy cô càng phải vậy vì đó cũng là một trong những điều chúng ta đang giáo dục trẻ, chứ không chỉ truyền thụ kiến thức sách vở.
Một số cha mẹ nói với tôi rằng, họ cũng tôn trọng con, cho con quyền được lên tiếng nhưng lũ trẻ tuổi chưa đủ lớn, hay nhầm lẫn giữa tôn trọng với đặc quyền. Một đứa trẻ được nhiều đặc quyền thì chúng sẽ làm tới.
Là còn chưa kể chúng lợi dụng đặc quyền đó để đòi hỏi cha mẹ, thầy cô một cách vô lý, không chịu nghe lời cha mẹ, thầy cô nữa. Tôi hiểu nỗi sợ của các cha mẹ. Nhưng cha mẹ ơi, một đứa trẻ được tôn trọng thực sự sẽ không như thế đâu.
Bởi chúng sẽ "người lớn" hơn rất nhiều khi chúng hiểu rằng vì sao chúng được cha mẹ, thầy cô tôn trọng và chúng sẽ gìn giữ sự tôn trọng đó. Chỉ có sự tôn trọng mới tạo ra sự tôn trọng. Và khi đó, chúng sẽ biết tôn trọng cha mẹ, thầy cô!
Tôi nghĩ món quà lớn nhất lũ trẻ mong muốn được nhận từ cha mẹ, thầy cô chính là sự tôn trọng chứ không chỉ miệng nói yêu thương mà hành động thì không đi cùng lời nói!
Theo Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: Người mẹ nói 4 câu này với con trai, chẳng trách đứa trẻ ngỗ nghịch, khó dạy bảo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận