"Nó đắt lắm, nhà mình không mua nổi đâu!" - Câu nói làm thui chột ý chí của trẻ, cha mẹ tuyệt đối đừng dùng!
Có nhiều cách để từ chối sự vòi vĩnh của con cái, nhưng cha mẹ dùng câu nói này, rất có thể sẽ làm thui chột ý chí của trẻ!
Trẻ nhỏ thường thích những thứ mới lạ, lại muốn sở hữu nó, nên sinh ra thói quen vòi vĩnh. Tất nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có khả năng chiều theo mọi mong muốn của con trẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi từ chối các con, cha mẹ cũng nên lựa lời. Rất nhiều bậc phụ huynh hay nói: "Nó đắt lắm nhà mình không đủ tiền mua đâu" để trẻ không còn "đòi hỏi". Thực tế, câu nói này lại có hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới tương lai sau này của con, khiến chúng thui chột ý chí. Vì sao lại thế?
Ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ
Nhiều đứa trẻ sẽ thấy bức bối, hoang mang nếu chúng khao khát điều gì đó mà không được đáp ứng. Tùy thuộc vào cách giải thích của bạn, tâm lý của trẻ sẽ có sự phát triển tích cực hoặc tiêu cực.
Khi bạn thường xuyên từ chối mà không giải thích rõ lý do, trẻ sẽ dần không dám bày tỏ mong muốn hay ý kiến dù là nhỏ bé, bình thường nhất của mình. Nguyên nhân là bởi vì chúng sợ rằng những nhu cầu đó của mình sẽ mang lại gánh nặng cho gia đình.
Khiến trẻ tự ti
Tất nhiên, có nhiều lý do khiến cha mẹ từ chối đáp ứng nguyện vọng của con. Nhưng đôi khi, việc dùng lý do cha mẹ không đủ tiền, nhà mình nghèo quá để từ chối có thể khiến con cảm thấy tự ti. Chúng sẽ nghĩ rằng, mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp và trở nên bi quan, lòng tự trọng của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Trẻ em vốn rất nhạy cảm nên những lời nói của cha mẹ sẽ tác động rất lớn đến cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Câu nói "nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu" sẽ khiến trẻ nghĩ rằng gia đình mình rất nghèo, còn bản thân mình rất kém cỏi và sinh ra cảm giác thua kém với người khác. Bố mẹ nói câu đó với trẻ chính là đang gián tiếp phá hủy những kỳ vọng của trẻ vào những điều tốt đẹp.
Vậy cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này?
Khi bạn không tán đồng với yêu cầu của con, hãy chân thành từ chối và đưa ra một lý do hợp lý hơn. Có thể tài chính gia đình không tốt, nhưng bạn có thể hỏi trẻ rằng: Món đồ trẻ vòi vĩnh có cần thiết không; Liệu trẻ có hứa sẽ dùng nhiều không;... Nếu trẻ bỏ rơi món đồ sau một thời gian ngắn, bạn hoàn toàn có thể lấy đó làm cơ sở từ chối.
Bạn có thể nói với con rằng: "Bây giờ bố mẹ sẽ không mua thứ này vì chúng ta không có kế hoạch mua đồ chơi trong tháng này" để từ chối trẻ. Hãy giải thích cho trẻ một cách hợp lý để trẻ hiểu rằng cha mẹ đã có kế hoạch chi tiêu tiền và giúp con trẻ có cái nhìn lành mạnh về tiền bạc. Bằng cách đó, dù con không được đáp ứng về nhu cầu nhưng trẻ vẫn sẽ rất vui vẻ và chấp nhận sự từ chối của bố mẹ.
Theo TTVH
Xem thêm: Lời cảnh tỉnh sâu sắc cho cha mẹ từ thầy giáo già: Tôi hối hận vì đã nuôi dạy con quá ưu tú
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận