Bí ẩn về đàn đá Khánh Sơn - nhạc cụ cổ nhất của loài người
Đàn đá Khánh Sơn được các nhà khoa học xác định là một trong những loại nhạc cụ gõ cổ xưa nhất của loài người với niên đại khoảng 3.000 năm, gắn bó nhiều đời nay với đồng bào Raglai.
Huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa ở đâu?
Khánh Sơn là huyện miền núi vùng cao cách TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam tỉnh Khánh Hòa. Huyện nằm trên nếp gãy cuối của cao nguyên tây bắc dãy núi Trường Sơn, địa hình thấp dần về phía đông nam, cao dần về phía tây bắc, hình thành bởi hai dãy núi chính là Đá Bia (YaBi) và Shuong Khong.
Ở giữa hai dãy núi Đá Bia và Shuong Khong là con sông Tô Hạp, dòng sông duy nhất của tỉnh Khánh Hòa chảy về hướng tây, tạo ra thung lũng Tô Hạp có chiều dài khoảng 30km, chiều ngang 10km nhấp nhô hình bát úp xen kẽ những vùng đất bằng phì nhiêu, màu mỡ.
Vì sao đàn đá Khánh Sơn được coi là báu vật của người Raglai cổ?
Ở Khánh Sơn có tồn tại một loại đá kỳ lạ, chịu tác động của thiên nhiên đất trời mà trở thành dạng phiến, thanh dài, khi có lực tác động vào, phát ra âm thanh vang như tiếng chuông. Nó có tên khoa học là lưu vân nham (Rhyolite), người Raglai gọi mộc mạc là “đá kêu”, “khánh đá”. Được biết, Hơn 75% dân số của huyện Khánh Sơn là người Raglai, sống hòa hợp với thiên nhiên núi rừng hiểm trở. Vốn dĩ nơi đây có nhiều thú dữ nên người Raglai từ xa xưa nghĩ ra nhiều cách để sinh tồn như xây nhà sàn, tận dụng dùng đá kêu để xua đuổi thú rừng.
Truyền thuyết kể lại rằng, từ thuở xa xưa, có một chàng trai dũng cảm người Raglai dám chiến đấu, xua đuổi tà ma, giúp cho nơi đây mưa thuận gió hòa. Vũ khí của chàng trai là những viên đá phát ra tiếng kêu kỳ bí. Đó là thứ âm thanh như gió thổi, như suối chảy, chuông ngân xa. Sau này, người dân Raglai sử dụng những viên đá đó tạo thành đàn đá nước để xua đuổi thú dữ. Họ nghĩ loại đá này là do ông trời ban cho và tôn vinh đá kêu như “Mã la ông bà”, như là một loại nhạc cụ linh thiêng. Khi đàn đá ngân lên những âm thanh trầm bổng giữa đại ngàn, nó như sợi dây kết nối con người với thiên nhiên hùng vĩ.
Theo tư liệu lịch sử ghi lại, bộ đàn đá tiền sử đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam từ tháng 2-1949 tại Tây Nguyên do một người Pháp tên G.Condominas phát hiện, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Con người (Pháp). Cũng theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới, ở một số tộc người Phi, Ấn Độ, Trung Hoa cổ,… đã phát hiện những tảng đá phát ra âm thanh nhưng đó chỉ là những chiếc “khánh” có âm vực đơn, không đủ khả năng diễn tấu như đàn đá ở Việt Nam.
Năm 1977, tại thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), ông Bo Bo Ren đã phát hiện 12 thanh đá với kích thước, hình dáng khác nhau có thể phát ra âm thanh như tiếng đàn. Sau đó, các nhà khảo cổ học đã khai quật, phát hiện thêm các công cụ chế tác đàn đá, rìu đá, búa đá… Căn cứ vào những hiện vật tìm thấy, các nhà khảo cổ học đã kết luận bộ đàn đá này có niên đại từ 2.000 đến 5.000 năm.
Đến năm 1979, những thông tin về đàn đá Khánh Sơn đã được chính thức công bố rộng rãi ở trong và ngoài nước. Kể từ đó đến nay, đàn đá không chỉ mang trong mình nét đẹp văn hóa, tâm hồn của đồng bào mà còn là niềm tự hào của người Raglai.
Đàn đá Khánh Sơn có gì đặc biệt?
Đã bao đời nay, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung vẫn luôn tự hào với loại nhạc cụ thô sơ, độc đáo được chế tác từ những thanh đá.
Những thanh đàn đá từ thời tiền sử được người Raglai dựng thành dàn trên rẫy, làm bằng mây tre gỗ sẵn có trong rừng, sử dụng sức nước điều khiển, tạo nên bản hòa tấu độc đáo. Âm thanh vang động cả núi rừng, vừa đuổi chim muông, thú rừng vừa góp phần làm thi vị cuộc sống buôn làng. Lạ là khi tiếng đá kêu vang lên, thú dữ bỏ chạy hết nhưng chim chóc lại kéo về cùng hòa ca rộn ràng, từ đó rẫy luôn được mùa. Cứ như thế, bộ đá nước tồn tại hết năm này qua năm khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác trong đời sống người Raglai cổ.
Giá trị hơn, những bộ đàn đá được sử dụng biểu diễn trong các kỳ lễ hội, những ngày vui của cộng đồng. Qua đôi bàn tay của các nghệ nhân, nhạc công, những thanh đá vô tri vô giác bỗng phát ra các thanh âm trong trẻo, trầm bổng, có hồn, có điệu. Đàn đá được đồng bào Raglai hòa tấu cùng những loại nhạc cụ khác như: Sáo ta cung, sáo đinh tút, sáo Tale piloi, kèn bầu, kèn Xarakhel... nhưng cũng có thể được đánh độc tấu các bản nhạc một cách hoàn chỉnh.
Bảo tồn và khôi phục giá trị của đàn đá Khánh Sơn
Theo ông Trương Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn cho biết: Đàn đá không chỉ mang trong mình nét đẹp văn hóa, tâm hồn của đồng bào mà còn là niềm tự hào của người Raglai. Tuy nhiên, hiện nay, những bộ đàn đá để biểu diễn còn rất ít, người biết đánh đàn đá cũng ít, còn người biết chọn đá để làm đàn lại càng ít hơn.
Ông Vỹ nói thêm: "Hiện tại, toàn huyện Khánh Sơn có 2 bộ đàn đá dùng để biểu diễn. Một bộ tại Phòng Truyền thống huyện, còn một bộ do xã Sơn Hiệp quản lý. Số người biết đánh đàn đá cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi rất lo vì không biết sau này có còn ai biết chơi đàn đá nữa không".
Trước nguy cơ mai một tiếng đàn đá, UBND huyện Khánh Sơn đang triển khai kế hoạch bảo tồn, khôi phục và nâng cao giá trị loại nhạc cụ này trong cuộc sống hôm nay. Từ năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn đã tiến hành khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai để bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện tiến hành chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn, mỗi địa phương 1 bộ.
Cùng với việc phục dựng các bộ đàn đá, huyện cũng tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho 16 nhạc công người Raglai tại địa phương; tổ chức quảng bá giá trị về loại nhạc cụ cổ truyền người Raglai gắn với phát triển du lịch. Hy vọng rằng, một ngày gần đây, những tiếng đàn đá lại ngân vang khắp núi rừng Khánh Sơn và gắn kết tâm tình người Raglai với bạn bè gần xa.
Tổng hợp
Xem thêm: Sầu riêng Khánh Sơn: Loại quả ngon lành du khách nhất định phải thưởng thức ít nhất 1 lần
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận