Bí ẩn đằng sau cây cầu ngắm hoàng hôn đẹp nhất xứ sở kim chi: Chất chứa những nỗi đau không nói thành lời
Cây cầu Mapo được coi là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Hàn Quốc, nhưng địa điểm này cũng từng xảy ra nhiều bi kịch.
Tại Hàn Quốc, có một đại điểm được mệnh danh là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất, là điểm hẹn của không ít cặp tình nhân đang mặn nồng. Đó là cây cầu Mapo bắc qua sống Hàn, nối hai quận Mapo và Yeoungdeungpo.
Thế nhưng, ẩn sau vẻ đẹp nao lòng đó lại là những bi kịch khó nói. Cầu Mapo là nơi thường xuyên chứng kiến những vụ nhảy cầu, khiến nơi đây còn có biệt danh khác là "cầu tự tử". Có chuyện kể rằng, chỉ cần bạn lên một chiếc xe taxi nào ở Seoul và nói với bác tài rằng: "마포 대교에 가 주세요!" (Bác cho cháu tới cầu Mapo với), thì chắc chắn họ sẽ lập tức hỏi han, tìm hiểu xem bạn có đang... chán đời hay không.
Được biết, chỉ trong vòng 5 năm kể từ 2007, cây cầu này đã ghi nhận hơn 100 vụ nhảy cầu tự sát. Thật khó có thể tin rằng, nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất xứ sở kim chi lại là một địa điểm đau buồn đến thế.
Vào năm 2012, như một nỗ lực để đẩy lùi nạn tự tử ở Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul cùng hãng bảo hiểm nhân thọ Samsung đã khởi xướng chiến dịch "Cầu sự sống". Cụ thể, họ dã làm một loạt đèn sáng trên thân cầu, truyền tải nhiều thông điệp vô cùng ý nghĩa. Trên thành cầu, họ in những dòng chữ như "Ngày hôm nay của bạn như thế nào?", "Bạn đã ăn gì chưa?", "Khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời bạn chưa đến đâu đấy!", "Cùng làm một ly cà phê nhé",...
Những thông điệp này nhằm thức tỉnh những người có ý định rời xa trần thế nhìn lại cuộc đời, thay đổi suy nghĩ. Thông điệp của chiến dịch này có nghĩa là, cuộc đời còn rất nhiều điều tươi đẹp phía trước, còn biết bao điều mới mẻ kì diệu, hãy cố gắng vượt qua nỗi đau để tận hưởng niềm vui ở tương lai.
Dù vậy, không rõ vì lý do gì, sau hơn 1 năm quảng bá chiến dịch, tỷ lệ người tự tử ở cầu Mapo lại tăng lên 6 lần. Đây quả thực là một cái kết buồn cho nỗ lực của chính quyền TP Seoul.
Theo một số người dân Hàn Quốc, bên cạnh những câu nói động viên ấm lòng, vẫn còn tồn tại vô số câu an ủi khá... vô duyên. Chẳng hạn, có nhiều câu hỏi không hề đem lại năng lực tích cực, hay thậm chí là những câu hỏi "xoáy" vào nỗi đau. Đó là những câu như: "Bạn bơi giỏi chứ?", "Bạn không có cha mẹ hay bạn bè? Chắc là cô đơn lắm phải không?",...
Sau cùng, chính quyền địa phương đành phải kết thúc chiến dịch này, đồng thời nâng cao hàng rào cầu Mapo thêm 1 mét. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện một sáng kiến khác, đó là lắp đặt hệ thống chống tự tử ở trên cầu Mapo và cả 3 cây cầu khác trên địa bàn thành phố.
Một hệ thống máy quay an ninh đã được thiết lập, định vị những người có... ý định đi tìm tử thần. Khi có tín hiệu báo động, nhóm y bác sĩ cùng chuyên gia tâm lý sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Kết quả, sáng kiến này đã cứu sống được nhiều người và giúp họ vững vàng làm lại cuộc đời.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2010, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất. Theo thống kê, cứ khoảng 100.000 người thì lại có 33,5 người tìm đến cái chết. Điều đó có nghĩa rằng, mỗi ngày Hàn Quốc có thể ghi nhận tới 50 ca tự tử.
Dù chiến dịch "cầu sự sống" đã bị phá sản hoàn toàn, nhưng đó vẫn là minh chứng cho sự nỗ lực của chính phủ xứ kim chi nhằm ngăn chặn tình hình. Với nhiều người, khi đi qua cầu Mapo và vô tình đọc được những dòng thông điệp ấy, họ lại cảm thấy lòng mình nặng trĩu.
Hi vọng rằng con người chúng ta sẽ biết yêu thương nhau hơn, cùng nhau chia sẻ để giảm bớt những căng thẳng hay bế tắc trong cuộc đời. Giá như cầu Mapo trở về là một nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất mang đúng ý nghĩa của nó, thay vì là một địa điểm gợi nhớ bi kịch đau lòng.
7 năm sau thảm kịch chìm phà Sewol và những dòng tin nhắn giữa lằn ranh sinh tử
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận