Triệu phú tự thân Grant Cardone chỉ ra 5 sai lầm khiến người trẻ tự triệt con đường trở nên giàu có
Sau đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người trẻ chật vật quản lý tài chính, liên tục mắc sai lầm khiến họ tự triệt con đường trở nên giàu có.
Grant Cardone là triệu phú tự thân kiêm tác giả của nhiều cuốn sách kinh doanh nổi tiếng nằm trong top bán chạy của New York Times. Từ một kẻ không xu dính túi lập nghiệp, ông đã trở thành CEO của 7 công ty tư nhân khác nhau, và là chuyên gia tư vấn cho nhiều công ty hàng đầu nước Mỹ.
Cardone thừa nhận, khi còn trẻ, có rất nhiều điều ông không biết về tiền bạc. Những đồng tiền ông kiếm được ở thời điểm đó đều dùng ở những việc hoàn toàn không có ích cho bản thân. Trong một bài viết trên CNBC, triệu phú tự thân 63 tuổi Grant Cardone đã chỉ ra 5 sai lầm khiến người trẻ tự triệt con đường trở nên giàu có:
"Tất nhiên, không có một thế hệ nào mà không gặp vấn đề về tiền bạc. Nhưng có một sự thật phũ phàng là thế hệ Millennials (những người sinh năm từ 1981 - 1995/1996) đang gặp khó khăn về tài chính hơn bất kì thế hệ nào kể từ sau cuộc đại suy thoái.
Tôi hiểu lý do vì sao. Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, khi mà mọi thứ đều đắt đỏ hơn và khoản nợ đại học thật tồi tệ, chưa kể, tìm được một công việc càng khó hơn. Thê nhưng, điều đó không có nghĩa là ta koong thể làm giàu.
Nhiều năm trước, trước khi tôi xây dựng được khối tài sản trị giá 300 triệu USD, tôi đã mắc kẹt trong một công việc mà mình "ghét cay ghét đắng". Tôi kiếm được khoảng 3.000 USD/tháng, và tôi muốn kiếm được 4.000 USD. Chỉ thêm 1.000 USD thôi nhưng đó là mục tiêu quan trọng nhất mà tôi từng đạt được trong đời.
Sau cùng, tôi đã đạt được mục tiêu đó, bởi vì tôi đã cam kết đưa ra những quyết định thông thái hơn về tiền bạc. Và nếu người trẻ muốn trở nên giàu có như tôi, họ cần phải ngừng mắc phải 5 sai lầm lớn sau:
Sử dụng tín dụng cho những việc không tạo ra thu nhập
Theo báo cáo Modern Wealth của Schwab vào năm 2019, thế hệ trẻ đang chi tiêu khoảng 478 USD/tháng cho các hạng mục không cần thiết, bao gồm ăn nhà hàng, giải trí, đồ xa xỉ và kỳ nghỉ. Con số đó cao hơn nhiều so với số tiền 359 USD mà thế hệ Baby Boomers (những người sinh năm 1946 - 1964) đã chi tiêu.
Một trong những bí quyết quản lý tiền bạc đầu tiên của tôi là tôi chỉ dùng thẻ tín dụng cho những khoản chi tiêu lớn mà tôi chắc rằng giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn. Chi tiền cho một lớp học để ta giỏi hơn ở một lĩnh vực nào đó, hoặc thuê không gian mở văn phòng công ty là quyết định đúng đắn. Thế nhưng, việc mua một chiếc xe máy hay đôi giày đắt tiền mà chúng sẽ bị ăn mòn thì không thông minh chút nào.
So sánh những gì mình có với người khác
Tài chính của người khác dù tốt hay xấu cũng chẳng thể giúp ta thanh toán hóa đơn, quỹ huy trí hay giúp ta yên lòng. Gần 2/3 thế hệ trẻ đang sống chật vật bằng tiền lương hàng tháng. có thể ta không phải vật lộn xoay xở như họ, nhưng điều đó cũng không làm ta khá hơn bao nhiêu.
So sánh giá trị của bản thân với người khác là một cái bẫy tinh thần. Ngừng lo lắng về việc mọi người khác đang tụt lại phía sau (hoặc phía trước) về tài chính so với ta như thế nào. Tập trung vào các mục tiêu tài chính của mình, đừng lãng phí thời gian. Hãy ngồi xuống và nghĩ về các con số.
Tìm hiểu xem ta cần làm gì để có thu nhập lên 7 chữ số. Có bao nhiêu cách để ta có thể kiếm được 1 triệu USD? Những sai lầm nào mà ta cần dừng lại? Một khi ta đã có một kế hoạch tử tế, hãy bắt đầu hành động.
Là một người "trưởng giả học làm sang"
Điều này giống như quan điểm của tôi về việc chi tiền cho những thứ không tạo ra thu nhập. Tôi không nói rằng ta không thể tiêu xài hoang phí một lần, chỉ là đừng làm như vậy thường xuyên. Đặc biệt, tiêu tiền vào những thứ đầy "cám dỗ" trên mạng xã hội là một sai lầm lớn.
Những người ta thấy trên Instagram với những bữa tiệc xa hoa, xe hơi, quần áo hàng hiệu... chưa chắc đã là những người thực sự giàu có. Họ có thể là những người "trưởng giả học làm sang", giả vờ rằng mình giàu có. Họ có thể đang cố gắng gây ấn tượng bằng những thứ xa hoa có thể mua bằng tiền của cha mẹ họ, hoặc thậm chí là vay mượn để tỏ ra giàu có.
Hãy nhớ, phong cách sống như Instagram không phải là cách tốt để tồn tại, chỉ trừ khi ta là một người có ảnh hưởng thực sự trên mạng xã hội, coi đó là công việc toàn thời gian và kiếm được kha khá tiền.
Tìm kiếm sự thoải mái thay vì tự do
Sự thoải mái đối lập với giàu có, hãy nhớ điều đó. Tầng lớp trung lưu thường cố gắng để sống thoải mái, họ hài lòng với thu nhập khoảng 50.000 USD, hai tuần nghỉ phép, bảo hiểm y tế và sở hữu một ngôi nhà.
Thế nhưng, người giàu không chỉ tìm kiếm sự thoại mái. Thay vào đó, họ cố gắng kiếm nhiều tiền vì nó mang lại cho họ nhiều tự do và an toàn hơn những gì họ cần. Có quá nhiều người thuộc thế hệ millennials hài lòng với tài chính của họ trong khi nhẽ ra họ nên đặt mục tiêu cao hơn.
Nếu chỉ tìm kiếm sự thoải mái, ta sẽ không thể đạt được tự do tài chính. Tiện nghi có thể mang đến cho ta một cuộc sống ổn định, thoải mái, nhưng tự do tài chính mới là chìa khóa để ta trở nên giàu có. Hãy lựa chọn một cách khôn ngoan.
Không kiếm đủ tiền
Ta nên tiết kiệm và đầu tư tiền của mình, nhưng việc kiếm thêm tiền cũng rất quan trọng nếu muốn trở nên giàu có. Lợi nhuận ta kiếm được từ các khoản đầu tư sẽ chỉ tăng lên nếu thu nhập của ta tăng lên.
Ngay cả khi ta có thu nhập cao, ta vẫn có thể kiếm được nhiều hơn nếu muốn. Sai lầm lớn nhất mà nhiều người thuộc thế hệ millennials mắc phải là không làm việc chăm chỉ để nâng cao thu nhập. Cố gắng hơn trong công việc để ta có cơ hội được tăng lương. Tìm một công việc mới với mức lương cao hơn hay đơn giản là thử một công việc bán thời gian nào đó".
Sau cùng, Grant Cardone khuyên những người trẻ đang chật vật với ước mơ làm giàu là: "Hãy cố gắng đạt được thu nhập ít nhất là 100.000 đô la một năm. Đừng cho phép bản thân hài lòng với tài chính hiện tại".
Theo CNBC
Lời thừa nhận của triệu phú tự thân 63 tuổi Grant Cardone: "4 điều tôi hối hận vì đã làm ở tuổi 20"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận